Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Uyên Dương: Khi bạn thấy đủ, hạt mầm “nông” sẽ đâm chồi

Là họa sĩ làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, từ cuộc sống có phần hiện đại và ổn định, nhiều năm trước, Uyên Dương quyết định “rời phố về vườn” chỉ vì… cụ mèo không có không gian chạy nhảy. Giờ đây, trong một căn nhà thôn quê ở huyện Nhà Bè, lối sống “một nửa làm vườn, một nửa làm họa sĩ” giúp chị sống chậm lại và trải nghiệm nhiều điều ý nghĩa hơn.

Chào chị. Không biết cơ duyên nào đưa chị đến với lối sống bán nông?

Mình nghĩ bất cứ ai cũng có sẵn hạt mầm “nông” bên trong mình. Đến một lúc nào đó, khi những lo toan bên ngoài tạm lắng xuống, hạt mầm đó tự nhiên sẽ đâm chồi. Con người vốn là một phần của tự nhiên nên khi cảm thấy mệt mỏi, bản năng của chúng ta là tìm về với thiên nhiên – có người đi cắm trại, du lịch, có người chỉ cần ra quán cà phê có nhiều cây lá để được ít phút thảnh thơi. Những người chọn lối sống bán nông, với mình, là những người đã cảm thấy đủ. Họ không nhất thiết phải dành toàn bộ thời gian để bươn chải bên ngoài mà muốn từ từ tận hưởng cuộc sống với cỏ cây.

Khi chọn sống với vườn, lý do của riêng mình là vì bọn mèo. Cụ mèo nhà mình bị yếu chân sau, đi lại khó khăn, thành ra… làm biếng, cụ chỉ lết tới tô thức ăn rồi lết về chỗ ngủ. Chung cư lại không có nắng. Bản thân mình cũng không khỏe vì công việc đòi hỏi phải ngồi vẽ, có khi làm tới 2, 3 giờ sáng. Cuối cùng, mình buông hết, nghỉ hẳn công việc đang đem lại thu nhập khá, thu xếp chuyển về nơi có sân vườn cho bọn mèo được sống tự do, thoải mái.

bán nông Uyên Dương và bé mèo
Ảnh: NVCC

Có những khó khăn nào mà chị đã gặp phải khi theo đuổi lối sống này?

Cái khó khi chuyển sang sống bán nông đối với mình là phải đảm bảo khoản thu nhập cơ bản để bọn mèo vẫn có cá, thịt mà gặm. May mắn là mình có gia đình và bạn bè giúp đỡ, khách hàng cũng tạo điều kiện cho mình làm việc vừa đủ để chi tiêu những khoản đó.

Một nửa tư tưởng “Bán nông bán X” là yếu tố “X” , được định nghĩa như nhân tố mà mình thích làm và muốn được làm. Nhân tố này chị có phải khó khăn để tìm ra không?

Đối với mình, “bán X” quan trọng là để con người có thể dùng đúng khả năng, sở trường của mình trong việc duy trì cuộc sống, đồng thời đóng góp cho cộng đồng. Công việc của mình đi từ thiết kế quảng cáo, vẽ minh họa cho đến thiết kế nhân vật trong game. Ban đầu mình nghĩ, à, nếu khách hàng cho mình được tự do làm cái này cái kia thì mình sướng không còn gì bằng. Nhưng khi khách hàng cho mình tự do làm cái mình thích, mình lại bắt đầu… chán. Sau cùng, mình nhận ra rằng, sự tự do trong công việc là không có thực, nó giống như Tôn Ngộ Không vẫn lòng vòng trong bàn tay Phật Tổ. Vì mình vẫn làm cho khách hàng, vẫn chạy tiến độ, vẫn nhận feedback, và cuối cùng vẫn mệt mỏi.

bán nông thành phẩm của Uyên
“Khi bắt đầu thả một hạt mầm xuống đất là mình cũng bắt đầu thả một giấc mơ về khu vườn”. Ảnh: NVCC

Mình nghĩ rằng tự do triệt để trong việc sử dụng khả năng của mỗi người phải bắt nguồn từ việc nhận thức giá trị cốt lõi, không tự lừa dối bản thân, không phán xét hay so sánh với xã hội. Khi mình chấp nhận cốt lõi của mình và khả năng vốn có, lúc đó, mình chỉ cần thoải mái sử dụng nó và làm bất cứ việc gì mình chọn.

Đánh đổi một nửa công việc để gắn bó với tự nhiên và sự vừa đủ, theo chị, điều này có dễ thực hiện trong một xã hội tiêu dùng như ngày nay?

Khi mới về vườn sống, bắt đầu xới đất trồng cây, mình vẫn còn thói quen của một người tiêu tiền, cứ đặt hết thứ này đến thứ kia về làm vườn. Nhưng rồi, mình nhận ra mình vốn chỉ là tay mơ. Cô hàng xóm kế bên nhà đều tận dụng lại hết những thứ cũ kỹ, có sẵn. Mình học bài học tái chế đầu tiên từ cô hàng xóm, người có đủ khả năng mua gấp mấy lần mình. Và khi nhận thấy có thể sử dụng lại rất nhiều thứ xung quanh, dần dần, việc mua sắm, tiêu dùng cũng không còn quá quan trọng với mình. Giờ đây, mình chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, bền và có thể tái sử dụng.

bán nông sản phẩm tự trồng
Ảnh: NVCC

Có thể bật mí trong vườn nhà mình, chị thích khu vực nào nhất không?

Khu vực mà mình “săm soi” nhiều nhất có lẽ là khu trồng cải Kale và bắp cải. Lúc trước mình nghĩ hai giống đó là món xa xỉ của những khu vườn trên Đà Lạt. Chỉ cho đến khi mon men vào các hội trồng cây trên sân thượng, mình mới phát hiện mọi người cũng trồng những giống này, và dễ như mình trồng rau muống. Thế là mình thử và có được một ít thu hoạch khiêm tốn.

Với kết quả đó, chị có dự định hướng đến việc tự chủ lương thực không?

Khi bắt đầu thả một hạt mầm xuống đất là mình cũng bắt đầu thả một giấc mơ về khu vườn “sáng xách rổ đi một vòng sẽ có cơ man rau củ”. Nhưng thực tế không phải như vậy. Mỗi một hạt mầm để lên được cây con, ra hoa, đậu trái… là một nỗ lực không nhỏ của riêng hạt mầm đó. Nhiều lúc mình gieo hạt không cây nào lên được vì kiến tha hết, qua được mấy “anh kiến” thì tới mấy “chị sâu”, chưa kể mấy chú chim sẻ xuống bắt sâu sẵn xơi luôn cả lá. Nên việc tự chủ lương thực vẫn còn là giấc mơ mà mình đang học hỏi kinh nghiệm từ các nhà bán nông khác để biến thành hiện thực.

Thỉnh thoảng, khi vườn chuối nhà mình hoặc nhà cô hàng xóm có thu hoạch, hai nhà đều chia cho nhau và các chủ vườn khác. Cô hàng xóm của mình là thành viên rất tích cực trong hội trồng cây nên mình thường được chia sẻ cây giống, các loại phân ủ hữu cơ.

Vừa làm vườn, vừa duy trì công việc thiết kế, chị thường phân chia thời gian như thế nào để đảm bảo sự cân bằng?

Với mình, khu vườn vốn là một “bé bự” có thể tự phát triển được. Mỗi sáng và chiều, các thành viên trong gia đình thay nhau tưới cây hoặc bón phân. Còn lại, vườn sẽ tự lo cho mỗi cây cỏ được gieo trồng trên đó. Tùy theo thời tiết, ngày nắng mình dành thời gian ngoài vườn để hạ thổ cây hoặc xới đất, ươm cây giống… Buổi tối mình dành thời gian cho công việc vẽ vời.

bán nông các loại cây tự trồng
Ảnh: NVCC

Nhìn lại cuộc sống sau những năm tháng bán nông, chắc hẳn chị cũng thay đổi nhiều chứ?

Khi ở chung cư và đi làm, mình vẫn xem thường tầm quan trọng của nắng, gió, khí trời. Mình đi làm bằng xe bus, đi bộ ra nắng mỗi ngày, nhưng tại sao mình vẫn không khỏe? Mỗi sáng đều bị xoang, viêm mũi… suốt mười mấy năm, kèm theo đó là đau nhức, mỏi cổ – “hot trend” của dân văn phòng. Chỉ khi về với vườn, mình mới nhận ra đất trời cũng có thể chữa bệnh cho mình. Khi ở chung cư, mình trồng cây không khí ngoài ban công, một loại cây không cần đất, chỉ cần nước, nhưng chúng vẫn không phát triển nổi. Khi về vườn, được treo trên nhành cây trứng cá, cây cũng như người, đã khỏe mạnh vượt bậc lúc nào không hay. Những căn bệnh mãn tính cũng… rời đi theo cơn gió.

Gần gũi với cây cối, sáng ra nghe tiếng chim cãi nhau véo von, mình cảm thấy trân trọng những sinh vật đang cùng tồn tại trong khu vườn này… Khi mình trân trọng, biết ơn những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất, mình sẽ không còn chỗ cho lo toan, phiền muộn nữa.

Rất cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị này.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)