[ELLE Voice] Linh An: Vì nghệ thuật Châu Á đang lên

Đăng ngày:

Tốt nghiệp thạc sĩ khoa học chuyên ngành quản lý nghệ thuật cách đây 10 năm tại trường Inseec, Paris, Pháp nhưng Linh An lại làm việc toàn thời gian trong ngành truyền thông quảng cáo suốt từ đó đến nay. Trong khoảng thời gian này, chị vẫn quan sát thị trường nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Tình yêu nghệ thuật không thể lay chuyển đã thôi thúc Linh An sáng lập Asian Art Bridge – Gallery tập trung quảng bá các nghệ sĩ Châu Á tài năng, đặc biệt là nghệ sĩ Việt tại Paris.

Asian Art Bridge (AAB) là nền tảng trưng bày và kinh doanh trực tuyến đầu tiên về nghệ thuật châu Á tại Paris, Pháp. Song song đó, AAB cũng thường xuyên tham gia các Hội chợ Nghệ thuật Quốc tế và tổ chức các triển lãm thực tế nhằm kết nối gần hơn với cộng đồng yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập. Với tôn chỉ “nghệ thuật dành cho tất cả mọi người”, AAB hướng đến khơi gợi niềm đam mê với nghệ thuật châu Á và phổ cập thông tin về các nghệ sĩ tài năng cho giới mộ điệu tại Pháp, châu Âu và thế giới. Dù chưa tròn một năm hoạt động nhưng AAB đã thu hút đông đảo người theo dõi, chủ yếu từ Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số ít từ các nước Đông Nam Á.

nghệ thuật nền tảng kinh doanh

Tự nhận điểm khác biệt của AAB so với các phòng trưng bày trực tuyến khác là “tính chọn lọc”, vậy, tiêu chí chọn lọc tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ của AAB là gì?

Tiêu chí của AAB là ưu tiên các nghệ sĩ chưa nổi tiếng, vì có lẽ họ sẽ cần sự giúp đỡ nhiều hơn. Điều này xuất phát từ thử thách tôi tự đặt ra cho bản thân mình, đó là làm sao để nghệ sĩ hợp tác với AAB có thể nổi tiếng và tự tạo ra nguồn thu nhập chứ không muốn “bám vào nghệ sĩ nổi tiếng” để có đường đi dễ dàng nhưng thiếu đi dấu ấn của gallerist. Ngoài ra, yếu tố quyết định người tôi muốn hợp tác là nghệ sĩ có phong cách cá nhân rõ ràng, không ngừng sáng tạo và làm mới bản thân mình, đặc biệt là muốn đồng hành lâu dài cùng AAB.

Tập trung giới thiệu nghệ sĩ châu Á tại thị trường châu Âu nói chung và thị trường Pháp nói riêng, dưới quan sát của chị, mức độ tiếp nhận nghệ thuật châu Á tại khu vực này đang phát triển như thế nào?

Thật lòng mà nói, tôi thấy nghệ thuật châu Á nói chung tại thị trường châu Âu đã có những phát triển nhất định, tuy vậy, điều đọng lại trong nhận thức của người dân châu Âu, đặc biệt là người Pháp, vẫn luôn là những mô-típ cũ như: thuyền nhân, thuộc địa, Indochine hay chiến tranh. Đây là những đề tài có tính yếu thế của các lục địa trẻ trong mắt lục địa già – một ánh nhìn hướng xuống và vẫn còn dư chấn hậu thuộc địa. Những đề tài này luôn mang vẻ “exotic”, hoang dã và khiến họ bị thu hút. Thường thì các tác phẩm có yếu tố lịch sử địa chính trị sẽ dễ được sưu tập hơn. Tôi không phủ nhận lịch sử nhưng tôi muốn người châu Âu nhìn châu Á bằng một con mắt khác. Công việc của tôi hướng tới thay đổi dần nhận thức của người châu Âu trong việc tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật châu Á, nhất là tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Theo nhận định của tôi, tác phẩm nghệ thuật Đông Phương sẽ phát triển hơn trong 10 năm tới. Hiện tại, có rất nhiều nghệ sĩ châu Á đang lưu trú sáng tác tại đây. Ngoài ra, các bảo tàng châu Á ở các nước châu Âu đang có kế hoạch trẻ hóa đối tượng thưởng lãm. Các BST bảo tàng sẽ không dừng lại ở thời kỳ thuộc địa hay xoay quanh cổ vật mà sẽ mở rộng ra các tác phẩm đương đại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.

tác phẩm hội họa nghệ thuật

Là một người phụ nữ Việt, sáng lập một phòng trưng bày nghệ thuật tại Pháp – một trong những trung tâm nghệ thuật của châu Âu, quá trình này hẳn không dễ dàng? Khó khăn lớn nhất của chị là gì?

Khó khăn lớn nhất của tôi là không tìm thấy sự đoàn kết giữa người Việt và người Việt trong môi trường này. Cũng phải nhấn mạnh rằng, có hơn 2.000 gallery tại Pháp và hơn 1.000 gallery tại Paris. Tức là công việc của mình như muối bỏ bể nếu như không có sự đoàn kết giữa cộng đồng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Sau 2-5 năm, một gallery có thể biến mất là việc hết sức bình thường tại đây. Có khá nhiều gallery châu Á và Việt Nam được mở tại Pháp nhưng con số này đang giảm dần.

Là một người phụ nữ Việt, tôi không thấy có bất cứ rào cản nào ở Pháp. Từ bé, tôi được giáo dục như một người được đi học, không phải một người nữ đi học. Sau này, khi đi làm, tôi cũng chưa bao giờ nhìn nhận mình như một người phụ nữ đi làm, tôi chỉ đơn giản là một người đang làm công việc yêu thích. Tôi học hệ song ngữ Pháp từ tiểu học tới cấp ba, sau này du học Pháp rồi làm việc ở Ireland một thời gian, các mối quan hệ của tôi đều là đa chủng tộc nên cũng không gặp bất cứ trở ngại nào trong giao tiếp hay lối sống. Tất nhiên, vẫn có những khó khăn nhưng đối với tôi, đó đều là vấn đề có thể giải quyết, còn khó khăn về con người thì không như vậy. Nó khiến tôi có cảm giác cô độc trên con đường này.

Đó có phải là cảm giác lẻ loi khi một mình “mang chuông đi đánh xứ người”? Điều gì cho chị sức mạnh để theo đuổi lựa chọn này?

Đúng là cảm giác đó, nhưng tôi vẫn tiếp tục vì đây là công việc tôi yêu thích và cũng bởi tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bố mẹ trong suy nghĩ lẫn cuộc sống. Bố mẹ tôi hồi trẻ khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và tôi đã chứng kiến những năm tháng khó khăn của họ. Chính vì vậy, tôi hiểu sự an lạc trong tài chính lẫn tâm thức của một con người phải trải qua những giai đoạn thế nào mới có được. Bố mẹ dạy tôi nhiều bài học về cách làm người, đối nhân xử thế, sau đó là lối suy nghĩ về thương mại lẫn tìm ra ý nghĩa của công việc mình theo đuổi. Những lúc khó khăn, tôi thường nhớ lại những điều bố mẹ đã dạy để có thêm động lực đi tiếp con đường này.

Sắp tới, bảo tàng quốc gia châu Á của Pháp – Bảo tàng Guimet – có mời tôi giới thiệu về Nghệ thuật đương đại Việt nam phối hợp cùng Hiệp hội Bảo tàng Guimet. Từ trước tới nay, các hội thảo của bảo tàng Guimet chủ yếu xoay quanh nghệ thuật Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên một người Việt được mời để nói về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chính vì vậy, tôi muốn tận dụng cơ hội này để thay đổi suy nghĩ của một bộ phận công chúng, rằng sau 100 năm kể từ khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, chúng ta đã có thể lật sang một trang mới để tìm hiểu xem nghệ thuật đương đại Việt Nam và thế giới đã thay đổi chóng mặt đến nhường nào. Sự kiện này cũng là một trong nhiều động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Nó khiến tôi tin rằng những việc nhỏ ngày hôm nay sẽ dần dần thay đổi nhiều thứ khác sau này.

Trong quá trình làm việc với nhiều nghệ sĩ, chị nhận ra nghệ thuật được thể hiện qua lời kể và lăng kính của nữ giới có điểm gì đặc biệt?

Đó là tính bao dung. Trực giác và tình cảm của một người mẹ ẩn sâu bên trong bản chất mỗi người phụ nữ khiến họ có cách kể chuyện tình cảm hơn, bao dung hơn.

nghệ thuật triển lãm tranh châu á

Thế giới nghệ thuật hiện nay đã cởi mở hơn rất nhiều, nhưng không thể phủ nhận rằng phụ nữ từng gặp rất nhiều khó khăn và cản trở khi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Chị có nhận xét gì về bối cảnh hiện tại và tiềm năng phát triển của các nghệ sĩ nữ?

Hiện nay, tôi thấy rất nhiều phụ nữ giữ những vai trò quan trọng trong các gallery, bảo tàng, hội chợ, sự kiện nghệ thuật… Tiềm năng của nghệ sĩ nữ là rất lớn nếu họ biết cách cân bằng cuộc sống gia đình, con cái (nếu có) với sự nghiệp. Những nghệ sĩ nữ chỉ chọn con đường sự nghiệp thì lại rất đơn giản. Họ có đầy đủ điều kiện trong bối cảnh hiện tại để phát triển sự nghiệp của mình.

Sắp tới, chuỗi sự kiện “Nghệ thuật châu Á đang lên” sẽ có những hoạt động đáng chú ý nào?

Tháng 6, AAB sẽ tổ chức triển lãm solo đầu tiên mang tên Xinh như cừu của nghệ sĩ Dương Thùy Dương tại Galerie de Montpensier, Palais Royal, Paris. Đây là một serie tác phẩm hoàn toàn mới trong bút pháp lẫn tâm thế của nữ nghệ sĩ tài hoa này. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký email trên website www.asianartbridge.com để cập nhật tin tức về các hoạt động nghệ thuật sắp tới.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam. Chúc chị luôn thành công với những dự án nghệ thuật nhiều ý nghĩa.

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T

Hình ảnh: NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more