[Xâm hại tình dục] Lê Hoài Anh – Lên tiếng để tìm lại sự công bằng

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE số tháng 12/2017] Tiếp tục chủ đề Xâm hại tình dục trong ELLE Voices tháng 12/2017, Chị Lê Hoài Anh chia sẻ “tiếng lòng” của mình với những người cùng cảnh ngộ nói riêng và xã hội nói chung.

Chị Lê Hoài Anh là một trong số ít người đã không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Với tư cách là người trong cuộc, câu chuyện mà chị Hoài Anh chia sẻ là “tiếng lòng” dành cho những người cùng cảnh ngộ nói riêng và xã hội nói chung.

Chị đã trải qua một tuổi thơ như thế nào trước khi bị xâm hại tình dục? Chị có nhận thức được việc mình bị xâm hại không, và cuộc sống của một bé gái là chị đã thay đổi như thế nào?

Trước khi bị xâm hại tình dục vào năm 9 tuổi, tôi là một cô bé hồn nhiên, vô tư và sống độc lập bởi mẹ tôi là một giáo viên, cha thường xuyên đi công tác xa nhà. Tôi luôn tự chơi một mình, tự chăm sóc em trai thay bố mẹ. Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có sự xuất hiện của người chú họ. Viện cớ bố mẹ đi vắng, chú họ khá thân với gia đình thường xuyên tới nhà chơi với lý do chăm sóc cho hai chị em, thay tôi xách nước, chơi đùa với em trai và nhân cơ hội đó, ông ta đã lợi dụng để xâm hại tôi.

Sợ hãi, hoang mang và uất ức nhưng đành bó gối bất lực, bởi kẻ mang danh chú kia không chỉ có hành vi thú tính mà còn hăm dọa giết cô cháu gái nếu dám tiết lộ chuyện động trời này cho người thứ ba. Kể từ sau đó, tôi từ một cô bé khá lanh lợi, nghịch ngợm trở nên ít nói, ít cười đùa mà chỉ ngồi thu vào một góc. Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần ám ảnh hàng đêm khiến tôi khóc đến sưng cả mắt.

Những năm tháng ấy, mỗi lần chú họ sang nhà chơi, cô bé Hoài Anh chỉ biết tìm cách lẩn tránh và mài sẵn một cái đinh rồi thủ trong người phòng thân. Nhưng sự phản kháng yếu ớt của cô bé lên 9 làm sao ngăn nổi phần con thú tính của gã đàn ông 30 tuổi.

Khi ấy, gia đình chị đã phản ứng ra sao với sự việc của con gái mình?

Thấy con gái có biểu hiện bất thường, mẹ tôi gặng hỏi nhưng cô bé 9 tuổi ngày ấy bị nỗi sợ lấn át cả nỗi đau nên vẫn âm thầm chịu đựng, không dám hé nửa lời với bất cứ ai. Tôi còn nhớ, mỗi lần trước khi đi công tác, cha đều dặn dò ở nhà phải chăm sóc em, đỡ đần cho mẹ. Bản thân tôi khi lâm vào cảnh đấy rất nhớ bố. Đã có lúc trầm cảm, nhiều lần tôi có ý định tự tử. Nhưng thương cha, thương mẹ và em tôi lại không thể. Dần dần tôi tự cô lập bản thân và có ác cảm với những bạn trai cùng lớp.

Từ đó đến khi trưởng thành, chị đã trải qua cuộc sống như thế nào?

Kể từ khi bị xâm hại tình dục, cuộc sống của tôi trở nên bế tắc và những hình ảnh này cứ ám ảnh mình trong suốt khoảng thời gian sau này. Bởi vì hành vi bỉ ổi của gã đàn ông này chỉ dừng lại khi tôi lên 10 cũng là lúc hắn đi ra nước ngoài công tác. Thế nhưng, vết nhơ tuổi thơ ấy dễ gì mà lãng quên trong ngày một ngày hai. Nỗi ám ảnh đeo bám dai dẳng, âm ỉ suốt gần 20 năm khiến tôi dù sau này đã yên bề gia thất nhưng vẫn khó mà nguôi ngoai.

Tôi thường xuyên gặp ác mộng, dù đã có chồng, sinh con nhưng rất sợ mỗi lần gần gũi chồng. Ngày xưa, người ta vẫn đặt nặng chữ trinh tiết nên tôi lại càng muốn che giấu đi việc mình bị xâm hại. Nỗi đau càng giấu kín, bạn sẽ càng cảm thấy cô đơn. Tôi của thời điểm đó là như vậy, âm thầm chịu đựng và lãnh cảm. Nỗi đau ngày càng lớn theo thời gian, mãi đến năm 27 tuổi tôi mới gặp được một người khiến bản thân mình dám đối diện, không né tránh mà tìm cách vượt qua. Anh vốn là một bác sĩ tâm lý nên mỗi lần tiếp xúc, gặp gỡ đều tinh ý nhận ra có một điều gì đó mà tôi đang cố gắng che giấu. Anh đã giúp tôi quên đi quá khứ không may ấy, một thời gian sau, tôi đã dần tìm lại những rung động của một người phụ nữ.

Tại sao chị lại quyết định công khai sự việc và chia sẻ về câu chuyện của mình sau chừng ấy năm? Và điều đó đã giúp thay đổi gì từ chính bản thân chị cũng như quan điểm của cộng đồng?

Bản thân tôi đã phải đấu tranh, giằng xé nội tâm khi dám đứng lên công khai chuyện mình bị xâm hại tình dục. Tôi chỉ mong góp tiếng nói riêng của bản thân vào vấn đề chung của xã hội, giúp gióng lên hồi chuông đáng báo động về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam. Tiếng nói cũng là tiếng lòng, không chỉ là sự giãi bày mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ có con nhỏ cần nêu cao sự cảnh giác trước thực trạng ấu dâm hiện nay.

Không chỉ nói lên câu chuyện của mình để khích lệ những phụ nữ khác, chị còn đồng hành cùng họ trong cuộc đi tìm công lý, bảo vệ chính mình. Chị có thể chia sẻ thêm về việc đó?

Tôi còn nhớ, sau 3 ngày chia sẻ câu chuyện của mình trên trang cá nhân, đã có tới hơn 120 người nhắn tin cho tôi qua Facebook liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, hậu quả nhiều em bị vô sinh, mắc bệnh xã hội. Khi nghe chia sẻ, tâm sự của những người phụ nữ khổ tâm có con bị xâm hại tình dục, tôi đã chủ động liên lạc hẹn gặp họ và luật sư để tìm công lý cho các bé. Tôi đã đồng hành cùng mẹ bé và gia đình ở Bình Thuận, ở Hoàng Mai – Hà Nội, ở Vũng Tàu…

Câu chuyện nào để lại ấn tượng, có ý nghĩa với chị nhất trong những ngày hoạt động vì những người bị lạm dụng tình dục?

Câu chuyện khiến tôi cảm thấy đau lòng và đáng nhớ nhất là chuyện của cô bé bị cả ông nội, cha ruột và bác ruột lạm dụng từ lúc mới 5 tuổi. Chuyện này đã liên tục kéo dài. Cô bé mồ côi mẹ khi sinh em bé thứ 2. Khi được 13 tuổi, cô bé mang thai dẫn đến phải phá thai và mắc bệnh xã hội mà không biết. Ngay sau khi ông nội mất, người cha tệ bạc và ông bác ruột vẫn không ngừng xâm hại cô bé. Đến khi 15 tuổi thì cô bé đã bỏ nhà, bỏ quê lên thành phố tìm kiếm việc làm, từ bưng bê, quét dọn đến làm công nhân ở xí nghiệp may. Cô đã có người yêu và cũng muốn lập gia đình nhưng thật buồn là cô không thể có con được nữa. Sau nhiều lần nói chuyện trên Facebook, tôi đã thuyết phục cô đến gặp và công khai câu chuyện của mình nhưng cô đã không dứt khoát và quyết tâm. Tôi muốn cô lên tiếng để bảo vệ em gái kém cô 2 tuổi của mình nhưng cô không muốn nên tôi tôn trọng quyết định này.

Điều gì, những cảm xúc gì đọng lại trong chị sau “hành trình” dám nói lên sự thật và dám đấu tranh cho những người bị lạm dụng tình dục?

Tôi cảm thấy vô cùng tức giận, thấy không công bằng và không được thoải mái. Những thủ phạm xâm hại tình dục đáng lẽ phải trả giá bằng những bản án thích đáng nhưng trên thực tế, những gì chúng nhận lại quá nhẹ nhàng. Bởi vậy, các nạn nhân cùng gia đình cảm thấy không công bằng. Những tổn thương, mất mát và nỗi đau của các nạn nhân không được phục hồi lại. Hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức và những luật sư giỏi tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người không dám lên tiếng và còn thờ ơ trước sự việc này. Chúng ta phải ý thức được đây là một vấn nạn lớn của xã hội, nếu không công khai, nguy cơ sẽ ngày càng gia tăng và không an toàn cho trẻ em.

xâm hại tình dục

Hãy bảo vệ và giúp đỡ những người bị xâm hại tình dục có được cuộc sống mà họ xứng đáng được hưởng, để trẻ em không còn lâm vào hoàn cảnh đau thương cả về thể xác lẫn tinh thần.

Đón đọc câu chuyện của nhân vật tiếp theo vào ngày mai trên elle.vn hoặc tìm đọc trên tạp chí ELLE số tháng 12/2017.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngọc Anh – Ảnh: NVCC (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more