[ELLE Voice] Lê Hà Phương: Yoga trị liệu và triết lý sống khỏe toàn diện
Là Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Erasmus (Hà Lan) và từng làm việc cho một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam, một biến cố về sức khỏe đã đưa Lê Hà Phương đến với Yoga Trị liệu. Kể từ đó, chị bắt đầu hành trình chữa lành, khám phá sức mạnh nội tại rồi trở thành giáo viên cố vấn sức khỏe và phục hồi tự nhiên. Có thể nói, Yoga chính là con đường đưa chị đến với bình an trong tâm hồn.
Chào chị. Cơ duyên nào đưa chị đến với Yoga và vì sao lại là Yoga Trị liệu?
Cách đây 4 năm, tôi bị stress nặng và mắc phải một số bệnh khác như rối loạn tiền đình, cảm mạo trong suốt gần 3 tháng không khỏi, luôn trong tình trạng thở gấp, hụt hơi, dễ ngất xỉu, trí nhớ giảm sút, lo lắng, sợ hãi bất thường, nhạy cảm với mọi người và mọi thứ (âm thanh, ánh sáng). Tất cả những điều này xảy đến bất ngờ và không hề có dấu hiệu báo trước. Tôi đã tìm đến các bác sĩ khác nhau và nhận được nhiều toa thuốc. Tuy nhiên, sau một lần dị ứng thuốc, tôi lại càng trở nên thận trọng hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi đọc được quyển tự truyện Không gục ngã của dịch giả Nguyễn Bích Lan và Hiểu về trái tim của thầy Minh Niệm. Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng tất cả các triệu chứng đều xuất phát từ stress kéo dài trong nhiều năm và vì tôi đã không chăm lo sức khỏe của bản thân trong suốt thời gian dài.
Tôi bắt đầu tập Yoga online như một môn thể dục, học thêm về tâm lý để tìm hiểu nguyên nhân vì sao trong đầu mình toàn những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực bị phóng chiếu lên gấp nhiều lần so với trước đó, và tìm tới thiền định để thanh lọc những suy nghĩ lộn xộn này. Sau đó, tôi quyết định học lớp giáo viên Yoga để hiểu rõ nguyên lý và tránh tập sai. Sau khi học khóa giáo viên căn bản, tôi bắt đầu cảm nhận tình yêu với công việc này, đồng thời nhìn thấy sự phục hồi dần dần của bản thân cũng như của nhiều người khác nhờ có Yoga. Càng tìm hiểu, tôi lại càng nhận thấy Yoga – với khả năng phục hồi và chữa lành tự nhiên – là con đường giúp mọi người nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây sẽ là sự hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế đang quá tải bệnh nhân.
Hiện nay, có thể tìm thấy rất nhiều lớp học Yoga, ngay cả trong những trung tâm thể hình. Vậy, Yoga Trị liệu khác với các nhánh Yoga khác như thế nào?
Theo Hiệp hội Yoga Trị liệu quốc tế IAYT, giáo viên Yoga Trị liệu ứng dụng chuyên nghiệp các nguyên tắc và thực hành Yoga để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc trên cơ sở thiết lập mối quan hệ trị liệu bao gồm đánh giá cá nhân, thiết lập mục tiêu, quản lý lối sống và thực hành Yoga cho các cá nhân hoặc nhóm nhỏ. Yoga Trị liệu tôn trọng những khác biệt cá nhân về tuổi tác, văn hóa, tôn giáo, triết học, nghề nghiệp, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Khác với Yoga thông thường, Yoga Trị liệu thường được thiết kế cho một nhóm nhỏ. Một buổi học với giáo viên Yoga Trị liệu – cố vấn sức khỏe và phục hồi tự nhiên – giống một cuộc hẹn với nhà trị liệu vật lý hoặc chuyên gia phục hồi chức năng hơn là một lớp Yoga thông thường, trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí của Yoga là tập trung nhiều vào nhận thức, chuyển động chậm gắn liền với hơi thở thư thái. Hơn nữa, Yoga Trị liệu nhấn mạnh vào sự thư giãn hơn so với lớp Yoga thông thường.
Một người mới bắt đầu quan tâm đến Yoga nên tìm hiểu những yếu tố nào để xác định phương pháp tập phù hợp với mình? Và những ai sẽ cần tìm đến Yoga Trị liệu?
Trước hết, bạn cần hiểu rằng Yoga không chỉ là tập thể dục, Yoga là triết lý sống khỏe toàn diện bằng việc thay đổi lối sống, giúp bạn tận hưởng cuộc sống vốn đầy biến động. Vì thế, hãy tìm hiểu các thông tin chính thống về Yoga để cung cấp cho bản thân kiến thức căn bản về lối sống Yoga, điều này rất có lợi cho việc lên kế hoạch tập luyện và thay đổi lối sống để tận hưởng được lợi ích toàn diện của Yoga đối với sức khỏe của chính bạn.
Yoga dành cho mọi người, không phải chỉ dành cho phụ nữ, không phải chỉ dành cho người khỏe, dẻo dai. Do đó, đừng vì thấy hình ảnh những người tập luyện vào được các tư thế khó mà đưa ra nhận định rằng Yoga không dành cho mình. Nếu được, bạn hãy tìm một giáo viên chất lượng, người có hiểu biết về lối sống Yoga và có thể tư vấn cho bạn kế hoạch luyện tập phù hợp. Tập luyện sai có thể dẫn đến chấn thương, thế nên, đừng lao vào các lớp tập đông và thử các tư thế khó khi chưa được tư vấn rõ ràng.
Ngoài ra, hãy xác định mục tiêu sức khỏe và động lực thay đổi của bạn là gì. Cần hiểu rằng, đây là con đường kỷ luật bản thân, yêu thương bản thân đúng đắn, và là con đường cân bằng giữa nỗ lực và thư giãn. Những người cần đến Yoga Trị liệu là những người có mối quan tâm cụ thể về sức khỏe, muốn tìm các công cụ dành riêng để cải thiện tình trạng sức khỏe của họ.
Khi đến với Yoga Trị liệu, người tập sẽ cần phải chuẩn bị những gì?
Yoga không chỉ là tập thể dục, Yoga là một lối sống đòi hỏi sự kỷ luật, kiên trì. Do đó, bạn cần chuẩn bị cho mình sự quyết tâm, dũng cảm nhìn nhận và sửa đổi bản thân, sẵn sàng thay đổi lối sống của chính mình để thực hành hướng đến sức khỏe toàn diện, đánh thức người bác sĩ tự thân trong mình vì không một người bác sĩ, một chuyên viên tâm lý, một giáo viên, kể cả người thân nào có thể ở cạnh, hỗ trợ bạn 24/24.
Bởi vì giáo viên Yoga Trị liệu không được đào tạo về chẩn đoán y tế, do đó, với một số bệnh, bạn sẽ cần mang theo chẩn đoán y tế của bác sĩ có bằng cấp, ví dụ như bệnh tim, rối loạn tâm thần, ung thư… Các bài tập sẽ được thiết kế dựa trên tình trạng sức khỏe toàn diện theo 3 cấp độ: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe cảm xúc, cùng với mục tiêu và lối sống của từng học viên.
Yoga Trị liệu đặc biệt có hiệu quả với các bệnh tâm lý nào? Vì sao?
Bản thân Yoga là sự hòa hợp, hợp nhất của thân, tâm, trí. Đã có nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra tác dụng của Yoga đối với thể chất và tâm lý. Tiến sĩ y khoa Timothy Mc. Call – bác sĩ nội khoa và là tác giả của cuốn sách Yoga as Medicine – đã liệt kê danh sách 117 căn bệnh khác nhau có thể được chữa trị hỗ trợ bằng Yoga. Danh sách này bao gồm cả các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, stress, hội chứng mệt mỏi mãn tính, kiệt sức, suy giảm nhận thức, rối loạn căng thẳng sau chấn thương PTSD, tâm thần phân liệt, nói lắp, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý, Aizheimer, động kinh, các chứng ám ảnh…
Sự rối loạn chức năng, hệ điều hành của não bộ có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, tinh thần của người bệnh. Người mắc bệnh tâm lý thường xuyên có những hành vi, suy nghĩ, cảm nhận bất ổn. Yoga nên được xem là một liệu pháp bổ sung hoặc phương pháp thay thế cho liệu pháp y học trong điều trị căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác vì nó đã được chứng minh là làm giảm hormone gây căng thẳng trong cơ thể chúng ta, đồng thời làm tăng các hóa chất có lợi cho não như endorphin và GABA (axit gamma-aminobutyric). Những hóa chất tạo cảm giác dễ chịu này giúp giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng, tăng cảm giác thư thái, hạnh phúc, cải thiện bản thân.
Được biết, chị cũng là người quan tâm đến Phật giáo. Chị có kết hợp các triết lý Phật giáo vào bài tập của mình không? Những triết lý này có tác dụng như thế nào trong việc hỗ trợ cho quá trình trị liệu?
Về bản chất, Yoga hay đạo Phật đều hướng đến trạng thái an vui, hạnh phúc và giải thoát, không có sự khác biệt. Chỉ là cách thức (kỹ thuật) thực hành khác nhau mà thôi. Người thực hành Yoga hay Phật giáo đều gọi là Yogi (hành giả/practitioners).
Tôi hướng đến chánh niệm (mindfulness) trong các bài tập. Chánh niệm có nghĩa là biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau, nỗi khổ và chuyển hóa chúng. Các bài tập hướng đến việc nhắm mắt càng nhiều càng tốt, giúp học viên hướng vào bên trong để cảm nhận rõ từng chuyển động phù hợp với biên độ tối đa của bản thân (thay vì mở mắt nhìn người khác dễ phát sinh sự so sánh), tư thế cũng như tác động của chúng hướng đến từng bộ phận trên cơ thể và tâm trí.
Đối với cá nhân chị, con đường tìm thấy bình an trong tâm là gì?
Đó chính là con đường Yoga cổ điển, bởi vì Yoga cổ điển đã bao gồm đầy đủ triết lý và sự thực hành giúp tôi hướng vào bên trong để trở về với bình an vốn sẵn có trong tâm, mà trước đây tôi đã không nhận thức được khi luôn chạy theo những mục tiêu bên ngoài. Điều này không có nghĩa là thu rút hay chạy trốn, mà là con đường giúp tôi củng cố lại nội tâm để có thể vững vàng đối diện với những biến đổi không ngừng của cuộc sống, giống như một cái cây cần có bộ rễ vững chãi mới có thể sinh tồn cùng với sự thay đổi của thiên nhiên.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.
Bài: Đ.T
Hình ảnh: NVCC