Cẩm nang hoàn thiện giúp bạn lên kế hoạch cưới chi tiết

Đăng ngày:

Là sự kiện trọng đại trong cuộc đời của mỗi người, việc chuẩn bị chu toàn cho đám cưới luôn là vấn đề khiến nhiều cặp đôi phải đau đầu. Đặc biệt, với những ai ưa thích sự cầu toàn, chỉn chu, việc phát sinh những rắc rối nằm ngoài kế hoạch có thể khiến cho đám cưới trong mơ trở thành một cơn ác mộng.

Để có một đám cưới hoàn hảo, chúng ta hoàn toàn có thể liên hệ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tổ chức tiệc cưới và giao toàn bộ trọng trách cho các wedding planner – chuyên viên giúp các cặp đôi lên kế hoạch cho tiệc cưới. Tuy nhiên, đám cưới sẽ diễn ra như ý, trọn vẹn, hoàn hảo hơn nếu bạn và người thương cùng nhau lên kế hoạch và tự tay chuẩn bị chu toàn từ những điều nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, hãy cùng ELLE tham khảo 30 bí quyết giúp bạn lên kế hoạch chi tiết cho đám cưới trong mơ của mình.

1. Lập ngân sách và kế hoạch chi tiêu cho đám cưới

Ngân sách là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đám cưới. Lập ngân sách từ sớm giúp bạn xác định rõ số tiền mình có thể chi tiêu, từ đó quyết định trực tiếp đến quy mô, phong cách trang trí và các dịch vụ cần thiết liên quan đến đám cưới. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động tài chính quan trọng trong thời gian sắp tới.

lên kế hoạch tài chính cho đám cưới

Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Những việc các cặp đôi có thể chuẩn bị trong giai đoạn này bao gồm: xác định ngân sách cưới, lập kế hoạch chi tiết về những khoản chi, trò chuyện, thỏa thuận rõ ràng với những ai có mong muốn hỗ trợ tài chính cho bạn và để dành một khoản dự phòng cho những chi phí có thể bất ngờ phát sinh.

2. Lên danh sách những điều cần ưu tiên trong đám cưới

Sau khi đã lập ngân sách và một số khoản chi tiêu sơ lược, các cặp đôi nên xác định những điều cần ưu tiên trong đám cưới. Ví dụ: Nên tổ chức đám cưới tại gia, nhà hàng, khách sạn hay ngoài trời? Bạn muốn có một đám cưới truyền thống hay khác biệt, mới mẻ? Liệu có nên đầu tư thuê dịch vụ quay chụp đám cưới chuyên nghiệp hay không?

Việc xác định những khoản cần đặc biệt ưu tiên trong chi tiêu sẽ giúp bạn phân bổ ngân sách hợp lý, tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất, từ đó lên kế hoạch chi tiết và hiệu quả hơn, đảm bảo đám cưới diễn ra trọn vẹn, như ý.

3. Xác định phong cách tổ chức đám cưới

Trước khi hoàn toàn đắm chìm vào những hình ảnh đám cưới sang trọng, xa hoa bạn nhìn thấy Pinterest, Instagram hay các website và tạp chí thời trang, hãy lập một danh sách những điều bạn thích và không thích trong đám cưới của mình. Điều này sẽ giúp bạn lựa chọn phong cách tổ chức đám cưới chính xác, dễ dàng và nhanh gọn hơn.

xác định phong cách đám cưới

Ảnh: Unslash/Matthew Essman

Mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên; lung linh, huyền ảo như thước phim cổ tích hay sang trọng, thanh lịch… Chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết định sáng suốt, tất cả mọi phong cách đều có thể được cá nhân hóa để trở thành đám cưới trong mơ của bạn!

  

4. Sử dụng các công cụ hỗ trợ để lên kế hoạch tổ chức đám cưới chi tiết

Với World, Excel hay Google Docs, cùng tất cả những ứng dụng lưu trữ, quản lý quen thuộc khác, bạn hãy tổng hợp và sắp xếp mọi ý tưởng, suy nghĩ, ngân sách, số liệu quan trọng thật gọn gàng, logic và dễ tìm kiếm. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo sử dụng ứng dụng WeddingHappy để dễ dàng theo dõi các đầu việc, và ứng dụng AllSeated để trực quan hóa sơ đồ chỗ ngồi cũng như bố trí khung cảnh đám cưới sao cho hợp lý.

5. Nhờ bạn bè và người thân giúp đỡ

Dù đám cưới là ngày vui của hai bạn, nhưng hãy để cho bạn bè và người thân giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị. Điều này sẽ giúp bạn tham khảo được nhiều ý kiến khách quan, đồng thời phân bổ thời gian và sức khỏe hợp lý để không bị quá tải trước đám cưới. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ những người bạn tin tưởng sẽ giúp cả hai thân thiết hơn, từ đó thắt chặt mối quan hệ với nhiều kỷ niệm đáng nhớ về ngày trọng đại của bạn.

6. Cân nhắc địa điểm tổ chức đám cưới

Hiện nay, các địa điểm tổ chức đám cưới phổ biến gồm ba nhóm: tổ chức tại gia, ở ngoài trời và trong nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị. Mỗi địa điểm tổ chức đều có ưu thế và bất lợi riêng.

kế hoạch tổ chức địa điểm đám cưới

Ảnh: Unsplash/Asdrubal luna

Chẳng hạn, việc tổ chức đám cưới ở công viên, bãi biển hay trong rừng sẽ mang đến cảm giác mới lạ, tuy nhiên chi phí sẽ đắt đỏ hơn thông thường gấp nhiều lần khi chúng ta phải tự tay đầu tư bếp ăn, không gian làm lễ, tiệc tùng, sảnh cưới và sảnh ngồi khách mời. Vì thế, hãy cân nhắc địa điểm tổ chức sao cho phù hợp với ngân sách, quy mô và phong cách đám cưới mà bạn mong muốn.

7. Cân nhắc kỹ lưỡng về ngày tổ chức đám cưới

Việc xem ngày để tổ chức lễ cưới là một trong những nét văn hóa của người Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, chọn ngày phù hợp để tổ chức đám cưới là điều vô cùng quan trọng, bởi ngày hôm ấy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngày trọng đại và quyết định sự thuận lợi trong cuộc sống hôn nhân của các cặp đôi. Vì vậy, tham khảo ý kiến của các bậc tiền nhân như ông bà, cha mẹ là điều cần thiết để chọn được ngày lành tổ chức lễ cưới.

Xét trên góc độ thực tế hơn, đám cưới nên được tổ chức vào những thời điểm thời tiết thuận lợi trong năm, vào ngày không bị quá chênh lệch về giá dịch vụ và ngày thuận lợi cho các khách mời đến tham dự.

8. Tham khảo ý kiến từ những cặp đôi đã kết hôn

Khác với sinh nhật hay những bữa tiệc ăn mừng, việc tổ chức đám cưới thường khiến nhiều cặp đôi hoang mang, lo lắng vì áp lực phải làm mọi thứ thật trọn vẹn, hoàn hảo, “một phát ăn ngay” trong khi chưa từng có “kinh nghiệm thực chiến” trước đây. Vì vậy, hãy tích cực trò chuyện chân thành, học hỏi kinh nghiệm tổ chức đám cưới từ những cặp đôi đã kết hôn. Họ sẽ rất vui lòng chia sẻ với bạn những bí quyết quý giá để có một đám cưới như ý.

9. Lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cưới giúp bạn cảm thấy thoải mái, an tâm

Đây là một trong những bước quan trọng bậc nhất khi lên kế hoạch cho đám cưới. Nhà cung cấp dịch vụ cưới đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo đám cưới có diễn ra đúng theo kế hoạch và dự định của bạn hay không. Vì thế, hãy dành nhiều thời gian để tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng mọi lựa chọn bạn có trong tầm tay trước khi vội vàng đưa ra quyết định.

lên kế hoạch chọn nhà cung cấp dịch vụ cưới

Ảnh: Effortless Events/Christy Tyler Photography

Một bên cung cấp dịch vụ cưới tốt sẽ thấu hiểu được những yêu cầu và mong muốn của bạn, có khả năng biến đám cưới của bạn trở nên hoàn hảo trong giới hạn ngân sách, và có đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, ăn ý. Cô dâu và chú rể nên đặt thật nhiều câu hỏi cho các bên để được giải đáp thắc mắc, đồng thời chú ý phong cách giao tiếp của họ để lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.

10. Đọc kỹ hợp đồng

Sau khi đã quyết định được đội ngũ sẽ đồng hành cùng mình trong đám cưới, cặp đôi nên đọc thật kỹ mọi điều khoản và chi phí trong hợp đồng. Nếu những chính sách từ phía cung cấp dịch vụ đưa ra có xu hướng thiên vị gây bất lợi cho khách hàng, hãy thật cảnh giác và đừng ngần ngại từ chối họ. Cẩn trọng và kỹ lưỡng khi đọc hợp đồng dịch vụ sẽ giúp chúng ta tránh được rắc rối về mặt pháp lý và những khoản phí bất cẩn.

11. Lựa chọn trang phục cưới và chụp ảnh cưới

Bên cạnh ngày cưới, địa điểm và nhà cung cấp dịch vụ tổ chức, việc lựa chọn trang phục cưới là cả một quá trình trực tiếp quyết định sự trọn vẹn, hoàn hảo cho đám cưới của bạn. Cô dâu và chú rể nên chọn trang phục cưới trước 1 đến 2 tháng, và thử lại vào 1 tuần trước đám cưới để kịp thời chỉnh sửa nếu có thay đổi về vóc dáng.

lên kế hoạch chụp ảnh cưới

Ảnh: Unsplash/Maria Orlova

Ngoài ra, việc lựa chọn các trang phục trong những buổi tiệc trước và sau đám cưới cũng nên được chuẩn bị kỹ lưỡng trước 1 tháng để cặp đôi luôn thật chỉn chu trong mắt người thân và bạn bè.

12. Mua nhẫn cưới

Đảm bảo không vượt quá ngân sách, lần lượt tham khảo chất liệu, kiểu dáng, họa tiết và việc khắc ngày, khắc tên là bí quyết giúp hai vợ chồng dễ dàng lựa chọn nhẫn cưới. Vì chiếc nhẫn này sẽ đồng hành cùng cặp đôi trong suốt quãng đời còn lại, các cặp đôi nên cùng nhau lựa chọn, dung hòa mong muốn của cả hai để tìm được cặp nhẫn thật phù hợp và ý nghĩa.

13. Lập danh sách khách mời

Để ngày cưới được diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, danh sách khách mời nên cân đối và phù hợp với quy mô đám cưới. Vì thế, cô dâu và chú rể nên lên danh sách khách mời theo từng nhóm để tránh bỏ sót bất kỳ vị khách quan trọng nào. Ví dụ, có thể phân chia thành từng mục như: họ hàng nội ngoại, đồng nghiệp, bạn đại học, bạn cấp 3, hàng xóm…


Xem thêm

• 10 ý tưởng ngọt ngào cho dịp kỷ niệm ngày cưới của bạn thêm lãng mạn

• 6 xu hướng trang trí tiệc cưới nổi bật năm 2024

• Tham khảo các xu hướng thiệp cưới thân thiện với môi trường nổi bật 2024 


14. Chọn và phát thiệp cưới

Càng đến gần ngày cưới, các cặp đôi sẽ càng phải đối mặt với nhiều công việc phát sinh nằm ngoài kế hoạch. Chuẩn bị trước đám cưới ít nhất 2 tháng là khoảng thời gian an toàn giúp cô dâu và chú rể có nhiều cơ hội để chăm chút cho thiệp cưới của mình. Một vài bí quyết để sở hữu thiệp cưới hoàn hảo bao gồm: chọn thiệp phù hợp với phong cách đám cưới, cân nhắc thật kỹ màu sắc của thiệp, đảm bảo thông tin trên thiệp rõ ràng, dễ đọc và tự do sáng tạo với đa dạng kiểu dáng, kích cỡ.

lên kế hoạch thiết kế thiệp cưới

Ảnh: Unsplash/Stacey Vandas

Bên cạnh đó, đừng quên gửi thiệp cho khách mời từ 8 đến 10 ngày trước đám cưới để đảm bảo họ có thể sắp xếp thời gian đến tham dự.

15. Đặt phòng khách sạn cho khách mời ở xa

Trong nhiều trường hợp, việc vô tình quên cân nhắc về thời gian và địa điểm tổ chức đám cưới có thể khiến cho những khách mời ở xa gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí ẩn như thuê khách sạn và phương tiện di chuyển khiến cô dâu và chú rể khó xử. Để tránh tình trạng trên, các cặp đôi nên tìm hiểu kỹ về thông tin khách mời, thuê phòng khách sạn theo gói dịch vụ và những dịch vụ cần thiết có liên quan, đảm bảo cho các vị khách từ xa đến có trải nghiệm tuyệt vời, trọn vẹn khi tham dự đám cưới.

16. Lựa chọn phương tiện di chuyển

Cùng với việc thuê khách sạn, hãy lên kế hoạch lựa chọn và chuẩn bị phương tiện di chuyển cho những người tham dự ở xa và đoàn rước dâu đến địa điểm tổ chức tiệc cưới. Sau khi kết thúc đám cưới, cặp đôi cần sắp xếp phương tiện đưa khách mời và đoàn rước dâu về khách sạn hoặc nơi nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cặp đôi cần dự trù xe di chuyển đến địa điểm tổ chức tiệc after party náo nhiệt để chung vui cùng bạn bè.

kế hoạch di chuyển trong đám cưới

Ảnh: Pexels/Vlada Karpovich

17. Làm thủ tục đăng ký kết hôn

Dù rất háo hức chuẩn bị cho đám cưới trong mơ, cô dâu và chú rể đừng quên làm thủ tục đăng ký kết hôn để hợp pháp hóa cuộc hôn nhân của mình. Nghiên cứu và thu thập các giấy tờ cần thiết từ đầu sẽ giúp cho công đoạn hành chính này trở nên dễ thở và trơn tru hơn.

18. Nghỉ ngơi, thư giãn

Việc lên kế hoạch và chuẩn bị cho đám cưới sẽ kéo dài đến cả năm. Vì thế, cô dâu và chú rể cần đảm bảo sắp xếp thời gian cân đối, hợp lý để không làm việc quá sức. Tự thưởng cho mình và người thương một ngày thư giãn tại spa, một buổi hẹn hò ngắn hạn hay đơn giản là dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hồi sức là điều vô cùng cần thiết. Việc đảm bảo thể chất khỏe mạnh và tinh thần thoải mái trước đám cưới sẽ giúp cặp đôi tận hưởng ngày trọng đại của mình trọn vẹn hơn bao giờ hết.

19. Chuẩn bị cho các nghi lễ quan trọng

Trước đám cưới, cô dâu và chú rể cần tham gia vào quá trình lên kế hoạch cho những buổi lễ truyền thống như lễ dạm ngõ, đám hỏi và lễ rước dâu. Sau khi cô dâu đã về nhà chồng, cặp đôi cần mang mâm lễ về nhà gái để thực hiện lễ lại mặt nhằm chào hỏi ba mẹ cô dâu. Mỗi nghi lễ đều mang ý nghĩa và ước nguyện thiêng liêng. Vì vậy, các cặp đôi nên nhờ những bậc đi trước và các thành viên trong gia đình hỗ trợ để các buổi lễ được chuẩn bị chu đáo, thể hiện sự tôn trọng với gia tiên đôi bên.

lên kế hoạch chuẩn bị cho các nghi lễ quan trọng

Ảnh: Unsplash/Brayden Prato

20. Lên kế hoạch tổ chức tiệc độc thân và tiệc sau đám cưới

Cô dâu và chú rể cần chuẩn bị cho tiệc độc thân của riêng mình và hội bạn trước đám cưới. Những bữa tiệc đặc biệt này sẽ giúp chúng ta nhìn lại quãng đời tuổi trẻ nhiệt huyết và tự do, đồng thời dành nhiều thời gian quý giá để hàn huyên, tâm sự cùng bạn bè. Đó có thể là một buổi thư giãn tại spa, tổ chức tiệc ngủ, tiệc theo chủ đề hay dành cả một đêm để uống mừng.

Ngoài ra, sau khi kết thúc đám cưới, cặp đôi hoàn toàn có thể tổ chức một buổi tiệc after-party náo nhiệt, sôi động để chính thức “xả vai” sau chuỗi ngày tất bật lo toan và tận hưởng trọn vẹn ngày vui đáng nhớ cùng với những người bạn thân thiết.

21. Lập kế hoạch truyền thông cho đám cưới của bạn

Sau đám cưới, các khách mời sẽ rất háo hức chờ đợi bạn chia sẻ những khoảnh khắc của ngày trọng đại lên mạng xã hội. Do đó, các cặp đôi đừng quên lập kế hoạch truyền thông để giúp bản thân, gia đình và khách mời đều có ảnh đẹp làm kỷ niệm. Bên cạnh đó, cô dâu và chú rể hoàn toàn có thể trang trí sảnh vào, chuẩn bị quầy photobooth, những phụ kiện nhỏ xinh và những góc check-in xinh xắn để khách mời có thể thỏa thích chụp hình khi đến tham dự lễ cưới.

22. Nhờ bạn bè và người thân làm phù dâu, phù rể

Ngoài việc chọn đội bê tráp vào đám hỏi, các cặp đôi cần nhờ bạn bè và người thân làm phù dâu, phù rể. Họ sẽ là những người ở cạnh bên để hỗ trợ, giúp đỡ cô dâu và chú rể trong suốt quá trình chuẩn bị và diễn ra lễ cưới. Việc chọn người làm phù dâu, phù rể còn giúp các cặp đôi thắt chặt tình bạn và có nhiều kỷ niệm đáng trân trọng với những người mình tin tưởng, yêu thương trong ngày vui.

cô dâu và dàn phù dâu

Ảnh: Unsplash/Jeremy Budiman

23. Tìm người chủ hôn

Cô dâu và chú rể cần chủ động mời người lớn trong gia đình làm người chủ hôn trong lễ dạm ngõ, lễ đính hôn và lễ cưới. Người chủ hôn sẽ đại diện cho hai họ chào hỏi, phát biểu, điều phối các hoạt động và hướng dẫn cặp đôi thực hiện các nghi thức. Do đó, cặp đôi nên mời một người am tường lễ nghi, có tài giao tiếp và khiếu hài hước để làm chủ hôn. Đồng thời, cô dâu và chú rể nên trao đổi trước với người chủ hôn để lên kịch bản chương trình và soạn lời phát biểu.

24. Tìm điều phối viên cho đám cưới

Để đám cưới được diễn ra trơn tru đúng như kế hoạch, các cặp đôi cần tìm một điều phối viên nhiều kinh nghiệm để quản lý và quản xuyến mọi việc trong bữa tiệc. Vì cô dâu và chú rể cần có thời gian để thay trang phục, làm lễ, mừng rượu cùng nhiều việc quan trọng khác trong suốt lễ cưới, người đóng vai trò là điều phối viên cần phải có khả năng lãnh đạo và bình tĩnh giải quyết những vấn đề bất chợt phát sinh trong bữa tiệc.

25. Chuẩn bị bài phát biểu tại lễ cưới

Trong lễ cưới, cặp đôi không chỉ hoàn toàn dựa vào người chủ hôn, mà cần chuẩn bị bài phát biểu cho riêng mình. Bài phát biểu tại lễ cưới là cơ hội để cô dâu, chú rể bày tỏ tình cảm chân thành của mình dành cho nhau, gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè và những người đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng họ. Đây còn là dịp để cặp đôi chia sẻ những dự định và ước mơ trong tương lai. Một bài phát biểu hay sẽ giúp cho lễ cưới thêm ý nghĩa và đáng nhớ. Vì vậy, đừng quên chuẩn bị bài phát biểu thật kỹ lưỡng và chân thành.

cô dâu chú rể lên kế hoạch đọc lời thề tại đám cưới

Ảnh: Unsplash/Jennifer Kalenberg

26. Chuẩn bị một playlist nhạc cưới ưng ý

Đám cưới của hai bạn sẽ không thể nào diễn ra trọn vẹn nếu thiếu đi một playlist nhạc cưới ưng ý. Các cặp đôi nên tự mình cân nhắc và lựa chọn các bài hát yêu thích, phù hợp để chiêu đãi khách mời một bữa tiệc ấn tượng, khi những cung bậc cảm xúc được gắn liền với giai điệu âm nhạc đầy tinh tế. Thuê ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng hay dàn âm thanh đẳng cấp sẽ là những lựa chọn đáng cân nhắc nếu cô dâu và chú rể muốn tạo nên một buổi tiệc cưới với không gian âm nhạc sống động.

27. Kiểm tra lại toàn bộ buổi lễ

Khi ngày cưới đến gần, cặp đôi và điều phối viên cần chủ động liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ để kiểm tra chất lượng và toàn bộ quá trình setup không gian cho buổi lễ. Dù còn bận rộn với những nghi lễ khác, cô dâu, chú rể và điều phối viên nên tích cực làm việc với các bên để đảm bảo mọi thứ được diễn ra đúng kế hoạch, hạn chế tối đa những tình huống bất ngờ phát sinh vào phút chót.

28. Tạo dấu ấn cá nhân trong lễ cưới

Để đám cưới thật đặc biệt, sáng tạo và khó quên, các cặp đôi hãy tạo nên những điểm nhấn riêng. Đó có thể là những điểm nhấn đầy cá tính trong cách trang trí lễ cưới, một màn trình diễn độc đáo đến từ cô dâu và chú rể hay đơn giản sự xuất hiện bất ngờ của những người bạn thú cưng mà cặp đôi yêu mến. Vì đây chính là sự kiện có một không hai trong đời, cô dâu và chú rể đừng ngần ngại thể hiện cá tính độc đáo của mình để đám cưới thêm đáng nhớ, hạnh phúc.

tạo dấu ấn cá nhân trong lễ cưới

Ảnh: Unsplash/Nicolas Falgetelli

29. Chuẩn bị quà tặng và lời cảm ơn cho khách mời

Khi đám cưới kết thúc, cô dâu và chú rể có thể gửi quà tặng đến cho khách mời để tạo những ấn tượng đẹp về lễ cưới. Những lời cảm ơn chân thành cùng món quà nhỏ tinh tế sẽ giúp cặp đôi ghi điểm với những ai đã luôn ủng hộ và giúp đỡ mình trong suốt quá trình chuẩn bị cho ngày trọng đại này. Hơn vậy, một món quà tri ân sự góp mặt của những vị khách đến chung vui không chỉ đơn thuần là một nghi thức xã giao, mà còn là cách cô dâu và chú rể thể hiện sự biết ơn sâu sắc đến họ hàng và bạn bè.

Những lựa chọn quà tặng cho khách mời bao gồm: một chậu cây nhỏ xinh; các vật phẩm lưu niệm ý nghĩa như nam châm hít tủ lạnh, pin cài áo; thực phẩm như bánh ngọt, túi trà hoặc các món quà handmade như nến thơm, xà phòng…

30. Tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc

Sau cùng, trong xuyên suốt thời gian chuẩn bị và diễn ra buổi lễ, cặp đôi hãy tập trung vào hiện tại và cảm nhận tình yêu đơm hoa, kết trái. Đặc biệt, khi tiến vào lễ đường, cô dâu và chú rể hãy tạm buông bỏ những căng thẳng, lo toan thường trực để tận hưởng mọi khoảnh khắc đặc biệt và thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người. Những kỷ niệm đẹp ở giây phút được thành đôi với người mình thương chắc chắn sẽ trở thành hành trang quý giá trên hành trình hôn nhân của cả hai.

tận hưởng trọn vẹn đám cưới

Ảnh: Unsplash/Kari Bjorn Photography

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Hà
Tham khảo: Brides.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more