Last look là váy cưới, truyền thống bắt đầu từ khi nào?

Tương tự như một đám cưới viên mãn khép lại bộ phim tình cảm, các buổi trình diễn thời trang cũng biến váy cưới trở thành một truyền thống kết màn đầy chất lãng mạn.

Trên sàn runway, nếu “first look” mở ra sự hào hứng và thiết lập “mood & tone” cho BST thì “last look” chính là quân cờ khóa lại màn biểu diễn trong tâm trí người xem. Đặc biệt trong các show Haute Couture, số lần ta được thấy người mẫu đóng vai cô dâu xuất hiện cuối cùng luôn nhiều hơn cả. Chẳng cần tìm đâu xa, CHANEL đã biến váy cưới trở thành một thông lệ.  

truyền thống váy cưới trong show Couture của CHANEL
CHANEL Haute Couture Thu-Đông 2022. (Ảnh: CHANEL)

Trước Chiến tranh Thế giới thứ 2, không có một mô tả cụ thể về váy cưới ở phương Tây, các cô dâu thường chỉ bước vào lễ đường với bộ đồ đẹp nhất của mình. Khoảnh khắc đánh dấu sự ra đời của chiếc váy cưới màu trắng là lễ thành hôn của nữ hoàng Victoria với Vương tế Albert. Nhưng theo học giả và nhà nghiên cứu thời trang của Parsons School of Design, bà Molly Rottman, màu trắng khi đó không tượng trưng cho sự trinh trắng và thuần khiết mà là tiền tài và địa vị. “Nữ hoàng Victoria diện đồ trắng trong đám cưới của mình cho thấy việc bà giàu có đến mức không cần phải mặc lại chiếc váy và càng không cần lo lắng về việc bám bẩn.

Váy cưới của Nữ hoàng Victoria
(Ảnh: The Picture Art Collection / Alamy Stock Photo)

Chớp lấy thời cơ, các NTK nửa đầu thế kỷ XX nhanh chóng ra mắt dịch vụ đặt may váy cưới cho những tiểu thư thượng lưu. Họ thậm chí còn đưa váy cưới “lên sàn” trong các BST mùa Hè để truyền bá mạnh mẽ phong trào. Điển hình nhất là thiết kế của Jeanne Lanvin cho hôn lễ của con gái Marguerite Marie-Blanche với Bá tước Jean de Polignac vào năm 1924. Váy cưới có thể được xem là bộ trang phục đắt giá nhất trong cuộc đời của mỗi cô gái, vậy nên, việc nó giành được vị trí đẹp nhất trong show diễn thời trang cao cấp nhất là điều dễ hiểu. Dẫu trào lưu kết màn bằng váy cưới nổi lên đâu đó vào những năm 40, 50, nhưng chỉ thực sự được công nhận là truyền thống vào năm 1957. 

Trải qua ngần ấy thời gian, truyền thống này vẫn được các nhà mốt tiếp nối và duy trì với các sáng tạo táo bạo và khó đoán hơn. Năm 1965, YSL chọn búp bê Nga như một nguồn cảm hứng vượt ngoài ranh giới nước Pháp để tạo nên chiếc váy cưới với tạo hình giống như kén bướm. 

Đầm cưới lấy cảm hứng từ búp bê Nga của YSL năm 1965
(Ảnh: Getty Images)

CHANEL – nhà mốt nổi tiếng với truyền thống váy cưới đã đảo ngược trật tự với màn ra mắt “chú rể” tại sòng bạc năm 2015/16. Không còn là chiếc ball gown bồng bềnh được may thêu từ những chất liệu lấp lánh, Karl Lagerfeld đã chọn bộ suit trắng thanh lịch, theo sau là phần voan dài đính ở cầu vai. 

CHANEL fall winter 2015 váy cưới kết màn
Bộ suit trắng được chọn làm last look tại buổi trình diễn Thu-Đông 2015 nhà CHANEL. (Ảnh: Yannis Vlamos)
CHANEL fall 2018 couture váy cưới xanh lam
Chẳng còn màu trắng quen thuộc, CHANEL quyết định chọn xanh mint cho thiết kế đồ cưới tao nhã trong BST Thu-Đông 2018. (Ảnh: Yannis Vlamos)
CHANEL váy cưới spring couture 2019
Swimsuit cưới “lên sàn” trong BST Xuân-Hè Couture 2019. (Ảnh: Alessandro Lucioni)

Dior lại nổi tiếng với những lần chơi lớn đúng nghĩa, từ ý tưởng đến thiết kế đều “kịch tích” nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn – vốn là nét đặc trưng của nhà mốt. Dưới kỷ nguyên của “gã điên Anh Quốc” John Galliano, người ta vinh dự được nhìn thấy hình bóng Madame Dior trên sàn diễn couture 2005 trong chiếc đầm trắng với phần thân sau được tạo kiểu cánh bướm kì công. Sang đến năm 2011, Galliano lại “nhuộm xám” sàn diễn qua những lớp vải tulle ma mị, gạt hết đi tất cả những câu chuyện lãng mạn của ngôi nhà mà ông đã thừa kế và tái tạo trong thế kỷ XXI để phác thảo nên một cô dâu chiêu trò, tinh quái nhưng lại sở hữu vẻ quyến rũ chết người. 

Thiết kế Dior 2005 thời GallianoThiết kế Dior 2005 thời Galliano
Hình bóng Madame Dior thơ mộng trên sàn diễn Dior 2005. (Ảnh: Marcio Madeira)
Váy cưới Dior ma mị 2011
Hình tượng cô dâu ma mị tại show couture Dior 2011. (Ảnh: Yannis Vlamos)

Một loạt các nhà mốt khác cũng từng cho ra đời nhiều “tác phẩm nghệ thuật” độc đáo, khiến hình tượng cô dâu trở nên muôn màu đa vẻ. Nếu Schiaparelli gửi gắm giấc mơ vào chiếc váy trắng bồng bềnh tựa đám mây thì bằng “cái tâm sống trong nhung lụa”, Zuhair Murad để cô dâu kết hôn trong chiếc váy trắng ngà đính kết đầy pha lê và sequins. Moschino lại gai góc hơn với tạo hình nữ hoàng Marie Antoinette trước cuộc nổi dậy dân chủ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Pháp nhằm gợi lại những đặc quyền thái quá của giới thượng lưu… Dù số lượng các show diễn được khép lại bằng váy cưới đã giảm xuống, đây vẫn là một truyền thống đẹp và hiếm hoi mà giới thời trang đồng lòng duy trì. 

Schiaparelli và thiết kế đầm trắng couture 2019
BST Couture Thu-Đông 2019 của Schiaparelli. (Ảnh: GoRunway)
Zuhair Murad đầm cưới 2019
BST Couture Thu-Đông 2019 của Zuhair Murad. (Ảnh: Filippo Fior / Gorunway.com)
Moschino đầm trắng final look
Đầm cưới trắng trên sàn diễn ready-to-wear Thu-Đông 2020 của nhà Moschino. (Ảnh: Filippo Fior / Gorunway.com)

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Khuê 
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)