Trong những ngày nắng nóng gay gắt và tia UV đã chạm ngưỡng báo động, điều khiến phái đẹp quan tâm là chọn trang phục như thế nào để vừa bảo vệ da vừa không trông luộm thuộm hay cồng kềnh. Bí quyết mặc đẹp nào giúp bạn “vẹn cả đôi đường”?
BÀI LIÊN QUAN
Tổ chức Ung thư da cho biết, trang phục là “lớp khiên” bảo vệ da đầu tiên và quan trọng hơn cả kem chống nắng. Bởi không phải ai cũng biết sử dụng kem chống nắng đúng cách và thoa lại kem sau mỗi 2 tiếng. Nhất là khi bạn đổ nhiều mồ hôi hay hoạt động dưới nước, kem chống nắng sẽ mất đi hiệu quả ban đầu.
Ngoài việc thoa kem chống nắng thường xuyên và đúng cách, hãy chú ý hơn đến trang phục bạn mặc khi ra ngoài. “Theo tôi, quần áo bảo bộ và mũ rộng vành là hai món đồ quan trọng để bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời”, Melissa Kanchanapoomi Levin, bác sĩ da liễu được ở thành phố New York và là giảng viên lâm sàng tại Trường Y khoa Mount Sinai Icahn cho biết.
Chỉ số UPF là gì?
UPF (viết tắt của Ultraviolet Protective Factor) là chỉ số dùng trong ngành may mặc để đo độ che chắn tia tử ngoại của chất liệu. Chỉ số UPF càng cao nghĩa là lượng bức xạ tia UV có thể xuyên qua vải càng thấp. Một số quần áo được sản xuất chuyên biệt để chống nắng và kèm theo chỉ số UPF, hãy tham khảo bảng bên dưới để biết hiệu quả của từng mức tiêu chuẩn.
Đừng lo việc mặc quần áo chống nắng chuyên dụng sẽ khiến bạn trông “kém thời trang”. Hiện tại, trang phục có mức UPF cao đã được cải tiến hơn về thiết kế, phù hợp để diện hằng ngày.
Chú ý đến màu sắc
Màu sắc là yếu tố đầu tiên có thể tác động đến khả năng bảo vệ da của trang phục. Những gam màu đậm, nổi bật như đỏ, xanh, đen có khả năng hấp thụ tia UV nhiều hơn các tông màu sáng như trắng, pastel. Ví dụ, áo thun trắng có chỉ số UPF khá thấp, chỉ khoảng từ 5 đến 8. Do đó, quần áo có màu sắc càng đậm sẽ có hiệu quả chống nắng tốt hơn.
Cấu trúc bề mặt vải
Tương tự như màu sắc, chất liệu, kiểu dệt và kết cấu vải có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ da khỏi tia UV. Sợi tổng hợp và bán tổng hợp như polyester hoặc rayon là những lựa chọn tốt nhất để chống nắng, bên cạnh các loại vải dày khác như len, denim… Ngược lại, các loại vải mỏng, nhẹ khác như lụa, cotton sẽ cho nhiều ánh sáng đi qua, hiện quả chống nắng không cao.
Đừng mặc quần áo quá chật
Nếu mặc quần áo quá chật, bạn vô tình tạo một lực kéo căng trên các bề mặt vải, khiến các sợi vải có thể bị giãn hoặc rách. Và nhiều tia UV có thể đi xuyên qua lỗ hỏng ấy. Ngoài ra, mặc đồ ôm sát khi thời tiết nắng nóng dễ khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, đôi khi tạo vết ố kém thẩm mỹ trên áo. Thay vào đó, hãy chọn trang phục có độ rộng vừa phải, tạo khoảng cách giữa quần áo và cơ thể, vừa làm mát vừa chống nắng tốt hơn.
Che chắn kỹ, bảo vệ tối ưu
Phần đỉnh đầu, da cổ, vai thường bị bỏ qua nhưng lại là phần chịu tác động từ ánh nắng mặt trời, do quần áo không thể che hết được. Vì thế, đừng quên mũ rộng vành, kính râm khi đi ra ngoài. Đối với mũ, bạn nên chọn mũ có vành rộng từ 7 cm trở lên. Những loại mũ dệt lỏng lẽo, có nhiều lỗ hở sẽ không có hiệu quả chống nắng cao như mũ vải hay mũ có các mối dệt bền chặt. Và hãy tạm cất chiếc mắt kính siêu nhỏ ở nhà và ưu ái hơn chiếc kính râm bản lớn, có khả năng chống tia cực tím.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, không có biện pháp chống nắng nào có thể “đơn phương” phát huy hiệu quả. Tổ chức Ung thư da khuyên bạn nên sử dụng cùng lúc kem chống nắng, quần áo có chỉ số UPF cao, mũ, kính râm để bảo vệ da một cách toàn diện.
Nhóm thực hiện
Ảnh: Tổng hợp