Mèo Và Triết Lý Nhân Sinh – John Gray
Mèo Và Triết Lý Nhân Sinh - Mèo Đã Dạy Chúng Ta Điều Gì Về Cuộc Sống
Những chú mèo không cần phải bận tâm xem xét cuộc đời, bởi chúng chẳng hề nghi ngờ chuyện cuộc đời này có đáng sống hay không. Sự tự ý thức của con người đã tạo ra tình trạng bất ổn vĩnh viễn mà triết học đã luôn cố gắng chạy chữa nhưng vô ích. Mèo không lên kế hoạch cho cuộc đời mà sống cuộc sống xảy đến với chúng. Con người thì lại không thể ngừng biến cuộc đời mình thành một câu chuyện. Cuốn sách hay này sẽ cho chúng ta một cái nhìn so sánh về cuộc đời của loài mèo và cuộc đời loài người, từ đó, giúp bạn nhận ra bản thân đang “lầm đường lạc lối” trong những toan tính của cuộc sống và tự tìm ra con đường bước tới ánh sáng của sự “biết” và “đủ”.
Hơi Thở Nối Dài Sự Sống – James Nestor
Hơi Thở Nối Dài Sự Sống - Góc Nhìn Mới Về Nghệ Thuật Dụng Khí Dưỡng Sinh
Hít thở, từ thuở hồng hoang, đã là bản năng của mọi sinh vật nói chung và loài người nói riêng; nhưng thay vì tiến hóa để hô hấp tốt hơn, nhân loại lại phát triển để hô hấp kém đi. Tới 90% chúng ta đang thở sai cách và chính thất bại đó đang gây ra hoặc trầm trọng hóa danh sách dài các bệnh mạn tính. Men theo những manh mối sinh tồn, lần theo cuốn sách hay này, bạn sẽ bước vào một vùng đất tráng lệ bị lãng quên và chạm đến phần khuất dạng của tảng băng chìm. Bạn sẽ hiểu, dù chúng ta ăn uống hay tập thể dục ra sao, trẻ trung hay thông minh đến đâu, sở hữu bộ gen kiên cường thế nào – sẽ chẳng điều nào có ý nghĩa nếu ta không hít thở đúng cách.
Sợ hãi – Thích Nhất Hạnh
Fear Sợ Hãi - Hóa Giải Sợ Hãi Bằng Tình Thương
Chúng ta thường lo sợ những thứ ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta sợ bệnh, sợ già, sợ mất đi những gì mà ta trân quý. Chúng ta cố ôm giữ địa vị, tài vật và người thương. Nhưng ôm giữ không giúp bớt lo sợ. Trước sau gì cũng có một ngày chúng ta phải buông bỏ tất cả. Chúng ta không thể mang địa vị, tài vật và người thương theo chúng ta mãi. Cách duy nhất để bớt đi lo sợ và thật sự hạnh phúc là nhận diện lo sợ và quán chiếu gốc rễ của nó. Thay vì tránh né, ta sử dụng khả năng tỉnh giác và quán sát tinh tường để nhìn sâu vào lo sợ, từ đó, lo sợ không còn khống chế được ta.
10 Bài Học Cho Thế Giới Hậu Đại Dịch – Fareed Zakaria
10 Bài Học Cho Thế Giới Hậu Đại Dịch
Với tư liệu được thu thập gồm những sự kiện và số liệu xác đáng, cùng với văn phong hấp dẫn, nhà báo Fareed Zakaria đặt ra giả thuyết: COVID-19 đang hoạt động như một chất xúc tác thúc đẩy các xu hướng toàn cầu hiện có. Vì vậy, “đây không phải là cuốn sách nói về đại dịch, mà là về thế giới đang dần hình thành”. 10 bài học trong cuốn sách hay này, bao gồm các chủ đề từ rủi ro tự nhiên và sinh học, sự lên ngôi của “cuộc sống kỹ thuật số” cho đến trật tự thế giới lưỡng cực mới nổi, chắc chắn sẽ trở thành chiêm nghiệm lâu dài về cuộc sống đầu thế kỷ 21.
Khi Phụ Nữ Lên TiếnG – Yvette Cooper
Khi Phụ Nữ Lên Tiếng - 35 Bài Diễn Văn Của Những Người Phụ Nữ Làm Thay Đổi Thế Giới
Khi phụ nữ lên tiếng là một cuốn sách hay tuyển tập 35 bài diễn văn xuất sắc và hợp thời điểm của những phụ nữ đã góp phần làm thay đổi thế giới do chính Yvette Cooper tuyển chọn. Trong đó, bà đã kể lại những câu chuyện rất xúc động về họ, từ Boudica đến Greta Thunberg, từ Chimamanda Aidchie đến Malala Yousafzai… Với mỗi bài diễn thuyết, bà đều giới thiệu cặn kẽ, bao gồm bối cảnh lịch sử, tiểu sử nhân vật, nội dung diễn văn, đồng thời còn nêu bật được tính khích lệ và khả năng thuyết phục mạnh mẽ của mỗi bài diễn thuyết.
Người làm báo: Trí tuệ nhân tạo và tương lai của báo chí – Francesco Marconi
Người làm báo: Trí tuệ nhân tạo và tương lai của báo chí - Francesco Marconi
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán và máy móc thông minh sẽ là dấu chấm hết cho ngành báo chí như chúng ta biết – hay là vị cứu tinh của nó? Francesco Marconi, người có công đầu thúc đẩy việc sử dụng AI trong báo chí của Associated Press và Wall Street Journal, đưa ra một cái nhìn mới về tiềm năng của những công nghệ này. Anh phân tích những thách thức và cơ hội AI mang lại thông qua các trường hợp điển hình, đồng thời đưa ra quan điểm AI có thể đẩy mạnh – chứ không phải tự động hóa – ngành báo chí, cho phép các nhà báo đưa được nhiều tin hơn, đưa tin nhanh hơn đồng thời giải phóng thời gian của họ để phân tích sâu hơn. Tổng hợp những hiểu biết sâu sắc rút ra từ kinh nghiệm trực tiếp, anh cũng đã xây dựng được bản đồ toàn cảnh phương tiện truyền thông được trí tuệ nhân tạo biến đổi để tốt hơn.
Tên cô ấy là – Cho Nam Joo
Tên Cô Ấy Là
Qua 60 cuộc phỏng vấn từ cô bé 9 tuổi tới cụ bà 69 tuổi, tác giả Cho Nam Joo – một trong những tiếng nói tiên phong cho làn sóng nữ quyền đang trỗi dậy mạnh mẽ của văn học Hàn Quốc đương đại – đã chắt lọc và kể lại 28 câu chuyện khó quên của 28 mảnh đời phụ nữ vừa lạ lại vừa quen trong cuốn sách hay này. Những nhọc nhằn họ nếm trải, những bất công họ chịu đựng, những cuộc chiến không tên họ ngày ngày đối mặt… dường như không ít người trong chúng ta cũng đã từng trải nghiệm hoặc chứng kiến. Không đơn thuần là những dòng trần thuật khô khan, cuốn sách đã lan tỏa mọi cung bậc cảm xúc – có mạnh mẽ, kiên cường và cũng có cả bất lực lẫn bất an – của những “giọng kể” nữ giới tuy bình thường nhưng không tầm thường, yếu thế nhưng không yếu đuối, để lay động bất cứ ai sẵn lòng lắng nghe những câu chuyện của họ.
Không Thể Ngừng Suy Nghĩ – Nancy Colier
Không Thể Ngừng Suy Nghĩ: Bí Quyết Giải Tỏa Lo Âu Và Khai Phóng Tâm Trí
Trong cuốn sách hay này, nhà trị liệu tâm lý Nancy Colier đã lập luận trực tiếp để diễn giải một vấn đề: suy nghĩ của chúng ta về cuộc sống không phải cuộc sống, mà chỉ là ý niệm trừu tượng và ý kiến về cuộc sống mà thôi. Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn chia sẻ các điểm mấu chốt để giải quyết những vấn đề về suy nghĩ, giúp chúng ta thoát khỏi ám ảnh suy tư gây ra căng thẳng, lo lắng, hồi hộp. “Chúng ta tưởng tượng chúng ta đang sống cuộc sống của bản thân như thể cuộc sống và chúng ta là hai thực thể tồn tại riêng biệt. Nhưng thực tế chỉ có một: chúng ta không thể tách rời thứ chúng ta gọi là cuộc sống, là một phần của dòng chảy đó”.
Từ dạo ấy – Natsume Soseki
Từ Dạo Ấy
Từ dạo ấy là một trong những tiểu thuyết sâu sắc và gây xúc động nhất của Natsume Soseki. Câu chuyện được kể trong bối cảnh đất nước Nhật Bản sau thời kỳ chuyển giao giữa chế độ Mạc phủ và Duy Tân Minh Trị, khi văn minh Tây phương đang len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống. Daisuke là cậu ấm vô dụng của một gia đình giàu có, được học hành đàng hoàng, nhưng sau khi tốt nghiệp thì không chịu đi làm, vẫn ăn bám gia đình. Bước qua tuổi ba mươi, Daisuke không sự nghiệp, không vợ con, chỉ lang thang vô định cùng những thú vui phù phiếm, thờ ơ với hết thảy mọi thứ. Cho tới khi gặp lại người bạn thân thời đại học và tình yêu đầu đời của mình, Daisuke mới bắt đầu tìm lại bản thân. Bi kịch của Daisuke không chỉ là sự giằng xé giữa hèn nhát và dũng cảm, giữa tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội, mà còn là cuộc đối chọi giữa lề lối tập tục cổ xưa và lý tưởng văn minh tân tiến.
Mất kết nối – Johann Hari
Mất Kết Nối (Khám Phá Các Nguyên Nhân Thực Của Trầm Cảm Và Các Giải Pháp Bất Ngờ)
Trong cuốn sách hay về tâm lý này, Johann Hari nhận diện có 9 nguyên nhân của chứng trầm cảm, trong đó, có 6 nguyên nhân đến từ việc mất kết nối: kết nối với công việc, với người khác, với những giá trị ý nghĩa, với vị trí xã hội và sự tôn trọng, với thế giới tự nhiên, và với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn. Sau đó, tác giả sẽ tiếp tục dẫn dắt bạn đến với những “liều thuốc” hữu hiệu. Những phương pháp của ông có thể khiến chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác cùng với niềm hy vọng và nỗi hân hoan.