Nghiên cứu cho thấy có một số loại thực vật đặc biệt thích hợp để trồng, trang trí trong không gian ngôi nhà của bạn. Cây xương rồng, kim ngân, cây lưỡi hổ… đều là những giống cây có khả năng hấp thụ độc tố có hại trong không khí. Những loại cây này có chức năng như máy lọc không khí tự nhiên và tạo nên độ ẩm thích hợp giúp duy trì nhiệt độ bình ổn, mát mẻ. Ngoài ra, trang trí không gian sống bằng cây xanh còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng hiệu suất làm việc, cũng như khơi dậy khả năng sáng tạo cho gia chủ. Nếu bạn còn đang phân vân giữa vô vàn giống cây khác nhau, ELLE mời bạn tham khảo những loài cây hữu ích cho cuộc sống được NASA gợi ý nhé.
1. Cỏ lan chi
Với những chiếc lá màu xanh thuôn dài, có sọc trắng, cỏ lan chi (hay cây chân nhện) sẽ mang đến vẻ đẹp tự nhiên cho phòng khách của bạn. Bạn có thể trồng cỏ lan chi trong những chiếc chậu, giỏ treo trên trần nhà, trong phòng tắm… để lá cây rủ xuống tạo hiệu ứng đẹp mắt cho không gian. Cỏ lan chi có tác dụng loại bỏ những chất hóa học như carbon monoxide, benzen, formaldehyde, xylene và toluene có trong sơn tường, vải tổng hợp. Đây là loài cây khỏe mạnh, dễ chăm sóc. Một cây cỏ lan chi có thể phát triển tốt trong không gian có độ ẩm cao, nhiệt độ từ 13 đến 27 độ C và không cần quá nhiều ánh sáng trực tiếp. Ngoài ra, điều thú vị là vào mùa Hè, cây cỏ lan chi sẽ nở ra những bông hoa nhỏ, màu trắng, tạo nên điểm nhấn cho ngôi nhà của bạn. Cỏ lan chi cũng rất thân thiện với vật nuôi, vì thế, đừng lo lắng nếu thú cưng của bạn có bất cẩn gặm nhấm một chút nhé.
2. Cây trường sinh
Cây trường sinh là một trong số những giống cây được ưa chuộng nhất để trang trí nội thất, tăng thêm sức sống, sự năng động cho không gian. Loài cây này có tán lá to sẫm màu, bóng, dày, thân cây có nhiều kích cỡ, chiều cao để phù hợp với nhiều không gian sống. Cây trường sinh có thể lọc các chất độc như formaldehyde, carbon monoxide và trichloroethylene, loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn, từ đó nâng cao chất lượng không khí trong nhà. Để chăm sóc một cây trường sinh khỏe mạnh, bạn không nên đặt chúng trực tiếp dưới ánh mặt trời và giữ nhiệt độ trong khoảng từ 15 đến 25 độ C. Hãy tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đất. Có thể thấy, cây trường sinh dễ trồng, đặc biệt phát triển nhanh vào mùa Xuân hoặc mùa Hè. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn có nuôi thú cưng như chó, mèo, hãy đảm bảo chúng tránh xa loài cây này nhé.
BÀI LIÊN QUAN
3. Cây lưỡi hổ
Cái tên “cây lưỡi hổ” được bắt nguồn từ hình dáng nhọn, dài, có sọc trắng giống như lưỡi hổ của loài thực vật này. Cây lưỡi hổ được biết đến với sức sống mạnh mẽ, khả năng sinh tồn tốt… thích hợp với những gia chủ bận rộn, không có thời gian chăm sóc cây cảnh. Cây lưỡi hổ có khả năng tạo ra oxy và hấp thụ carbon dioxide ngay cả trong điều kiện thiếu sáng và ban đêm. Nó còn loại bỏ các chất độc hại tương tự như benzen, xylene khỏi không khí. Dù vậy, cây lưỡi hổ có thể gây nguy hiểm cho chó, mèo nếu chúng chẳng may ăn phải. Để bắt đầu chăm sóc cây lưỡi hổ, hãy trồng chúng trong hỗn hợp đất khô thoáng, thoát nước tốt và duy trì tưới nước 1 lần/tuần. Cây lưỡi hổ có thể sống sót trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, nhiệt độ lý tưởng là 21 đến 32 độ C – thích hợp với khí hậu tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là giống cây sợ lạnh, bạn cần lưu ý duy trì, cân bằng không khí trong nhà khi nuôi trồng cây lưỡi hổ.
4. Cây trầu bà vàng
Cây trầu bà là một trong những loại cây thanh lọc không khí hiệu quả nhất. Đây cũng là giống cây khỏe mạnh, không cần quá nhiều sự chăm sóc. Cùng họ với cây thường xuân, trầu bà thích hợp sống ở nơi có khí hậu nhiệt đới, ưa ấm áp, nhiệt độ từ 18 đến 24 độ C, ánh sáng mặt trời gián tiếp, dịu nhẹ. Chúng cũng không cần được tưới nước quá nhiều. Để cây tươi tốt hơn, bạn có thể bón phân vào đất 1 lần/tháng vào mùa Hè và mùa Xuân. Nhờ đặc điểm không cần quá nhiều ánh sáng, cây trầu bà là lựa chọn tuyệt vời để bạn trang trí phòng đọc sách, phòng làm việc, phòng tắm… của gia đình. Chúng hấp thụ các chất ô nhiễm không khí có hại, giữ cho không khí thoáng đãng, trong lành. Cũng như những loài cây ở trên, bạn nên chú ý để cây trầu bà tránh xa khỏi vật nuôi nhé.
5. Hoa lan ý
Hoa lan ý có màu trắng muốt, tán lá có dáng giọt nước cùng thân cây mảnh, chắc chắn sẽ đem lại cảm giác thanh lịch, yên bình cho ngôi nhà của bạn. Loài cây này ưa ánh sáng dịu nhẹ, bạn có thể đặt chúng ở cửa sổ phía bắc, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Để chăm sóc hoa lan ý, bạn cần tưới nước liên tục, giữ cho đất ẩm nhưng không bị sũng nước, đặt cây trong không gian ấm từ 18 đến 24 độ sẽ giúp cây lan ý phát huy hết sức mạnh của mình. Ngoài những hợp chất có hại như formaldehyde, benzen, hoa lan ý có thể loại bỏ được amoniac. Đây sẽ là lựa chọn tối ưu nếu bạn đang tìm kiếm một giống cây vừa đủ thanh lịch, vừa cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Xem thêm
• Những loại cây mang lại may mắn cho 12 cung hoàng đạo
• 11 cây trồng trong nhà dễ chăm sóc để bạn nâng cấp không gian sống
• 10 loài hoa mang lại may mắn và thịnh vượng theo phong thủy
6. Cây nha đam
Nếu có cuộc sống bận rộn, có ít thời gian để chăm sóc cây cối, bạn không nên bỏ qua họ nhà nha đam. Ngoài công dụng làm đẹp, cây nha đam – hay lô hội, còn được biết đến nhờ khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ các độc tố, bức xạ từ màn hình điện tử, ô nhiễm không khí… Là loài cây mọng nước, bạn không cần chăm sóc nha đam quá cầu kỳ, chúng gần như không cần tưới nước và bón phân, phù hợp để trang trí ở mọi ngóc ngách trong nhà. Nha đam ưa sáng, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 10 đến 30 độ C, vì vậy, nó phù hợp với mọi loại điều kiện thời tiết, môi trường. Tuy nhiên, khi trồng nha đam, bạn nên chú ý không nên tưới nước thường xuyên. Quan trọng nhất là đất phải khô ráo trước khi bạn tiếp tục tưới, bạn nên chuẩn bị loại chậu thoáng, ráo nước tốt để đất khô nhanh hơn. Nha đam có nhiều công dụng tuyệt vời thế nhưng bạn nên lưu ý để cây tránh xa tầm với của thú cưng.
7. Cây thường xuân
Những tán lá tươi tốt của cây thường xuân chắc chắn sẽ đem lại vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng cho phòng khách của bạn. Cây thường xuân làm giảm lượng benzen, carbon monoxide, formaldehyde và trichloroethylene, ngoài ra, chúng còn giúp loại bỏ nấm mốc. Điều thú vị về cây thường xuân là chúng đặc biệt phát triển khỏe mạnh vào mùa Đông và ở những nơi râm mát. Cây thường xuân thích đất ẩm, vì vậy, hãy xem xét độ ẩm của đất trước khi tưới nước. Thường xuân thích hợp để trồng trong môi trường trong nhà với nhiệt độ ấm áp từ 21 đến 32 độ C. Bên cạnh hoa lan ý, cây thường xuân cũng là loại cây giúp không gian của gia chủ trở nên nghệ thuật, độc đáo hơn, có thể treo trên trần nhà, trên tường và mọi ngóc ngách mà bạn thích. Ngoài ra, bạn nên lưu ý không để vật nuôi và trẻ con chạm vào loại cây này nhé.
BÀI LIÊN QUAN
8. Cây phú quý/CÂY VẠN LỘC
Là loài cây nhiệt đới, cây phú quý có khả năng sinh tồn mạnh mẽ qua những điều kiện ánh sáng khác nhau. Chăm sóc cây phú quý rất đơn giản, chỉ cần xịt nước lên cây để giữ đất luôn ẩm và tránh để rễ cây bị úng. Là giống cây ưa ẩm, cây phú quý sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 18 đến 27 độ C. Ngoài công dụng thanh lọc không khí, cây phú quý còn có nhiều màu sắc khác nhau để bạn lựa chọn, là giống cây thích hợp để cải thiện phong thủy, đem lại tài lộc, may mắn cho gia chủ.
Nhóm thực hiện
Bài: Kiều Trang
Tham khảo: Lifestyle Asia