Dọn dẹp nhà cửa luôn là việc vô cùng quan trọng mà chúng ta sẽ làm mỗi dịp Tết đến xuân về, vào những ngày lễ đặc biệt, khi có bạn bè, người thân ghé thăm hay tổ chức những bữa tiệc tại gia… Dù vậy, việc thường xuyên dọn dẹp nhà cửa mà không cần đợi đến dịp đặc biệt sẽ mang đến cho bạn những lợi ích bất ngờ: giảm bụi bẩn đáng kể giúp cải thiện sức khỏe, không gian sống gọn gàng giúp chúng ta muốn dành nhiều thời gian hơn để gắn bó với ngôi nhà của mình, ngôi nhà thoáng đãng dễ dàng thu hút nhiều vận may, tài lộc… Nếu bạn cảm thấy bất lực vì chưa biết phải bắt đầu dọn dẹp từ đâu, hãy cùng ELLE điểm qua 4 mẹo hữu ích giúp không gian sống của bạn luôn gọn gàng!
1. Phân loại đồ đạc
Để việc dọn dẹp được thực hiện một cách hiệu quả nhất, bạn hãy bắt đầu với bước phân loại đồ đạc. Một trong những nguyên nhân khiến cho ngôi nhà của bạn bừa bộn chính là vì các món đồ chưa được phân loại kỹ lưỡng, hợp lý. Chẳng hạn, việc để quần áo cũ với quần áo mới lẫn lộn trong tủ đồ khiến cho việc tìm kiếm trở nên khó khăn. Bạn luôn phải lục tung mọi thứ chỉ để tìm một chiếc váy yêu thích, bộ trang phục phù hợp để mặc đến buổi họp công ty bỗng nhiên biến mất và tủ quần áo dường như lúc nào cũng bừa bộn.
Vì vậy, trước khi bắt tay dọn dẹp mọi thứ, bạn hãy kiểm tra từng căn phòng trong nhà, xác định đâu là những món đồ chưa nằm đúng chỗ, đâu là thứ bạn muốn vứt bỏ, quyên góp, đâu là thứ cần phải giữ lại và phân loại chúng vào những chiếc thùng khác nhau. Bằng cách này, bạn sẽ loại bỏ được những món đồ không cần thiết, giúp việc dọn dẹp bước đầu trở nên dễ dàng hơn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Chuẩn bị dụng cụ cần thiết
Sau khi đã làm trống không gian bằng cách phân loại đồ đạc, bạn hãy chuẩn bị những vật dụng cần thiết để dọn dẹp nhà cửa. Với từng không gian khác nhau như nhà tắm, phòng khách, phòng ngủ, sofa, trần nhà… bạn sẽ cần đến những loại dụng cụ khác nhau. Đó có thể là chổi, cây lau nhà, con lăn xơ vải, máy hút bụi, găng tay, dung dịch tẩy rửa đa năng, nước lau kính, xịt phòng… Đừng quên lựa chọn những sản phẩm không gây hại đến sức khỏe và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để đảm bảo công việc dọn dẹp được diễn ra thật an toàn nhé!
3. Lập danh sách những việc cần làm
Trước khi bắt tay dọn dẹp, bạn hãy kiểm tra ngôi nhà của mình một lần nữa và liệt kê tất cả những điều cần phải làm cho từng căn phòng. Việc có một danh sách đầy đủ, chi tiết trước khi dọn dẹp sẽ giúp bạn nắm được số lượng việc cần làm, từ đó phân bổ thời gian và đầu việc hợp lý cho từng thành viên trong gia đình. Đặc biệt, bạn nên ưu tiên thứ tự dọn dẹp theo mức độ quan trọng, cần thiết của từng không gian, giúp cho mọi việc được diễn ra theo trình tự hợp lý, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả cao. Sau đây là mẹo dọn dẹp cho từng gian phòng.
Dọn dẹp phòng ngủ
Việc đầu tiên và quan trọng nhất, hãy giặt bộ ga trải giường, vỏ gối và chăn của bạn. Khi giặt gối nằm và gối ôm, bạn đừng quên cho 2 quả bóng tennis vào máy giặt để làm giảm tình trạng bông gòn bị vón cục, đồng thời hãy phơi gối thật khô để tránh tình trạng ẩm mốc, bốc mùi. Ngoài ra, để nệm luôn mới và sạch sẽ, bạn nên đặt nệm ở nơi có ánh sáng mặt trời, đồng thời tạo thói quen xoay chiều, lật mặt nệm định kỳ 3 tháng một lần.
Xem thêm
• Trắc nghiệm: Mùi hương nến thơm yêu thích nói gì về bạn?
• So sánh ưu, nhược điểm của việc đọc sách giấy truyền thống và đọc sách điện tử
• Gợi ý những chậu cây phù hợp với từng loại cây trồng
Dọn dẹp phòng bếp
Là một trong những không gian dễ bừa bộn và có nhiều vết bẩn nhất, việc dọn dẹp nhà bếp cần được tuân thủ theo một trình tự hợp lý. Trước tiên, bạn nên bắt đầu dọn dẹp bếp từ những phần tủ ở trên cao và lần lượt di chuyển xuống dưới: quét bụi, quét mạng nhện, lau cửa tủ, bên trong tủ, sắp xếp dụng cụ làm bếp, thực phẩm bên trong…
Khi kiểm tra các ngăn tủ và tủ lạnh, bạn đừng ngần ngại loại bỏ những thực phẩm đã hết hạn sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đối với những thiết bị chuyên dụng như lò vi sóng, lò nướng, bếp nấu, máy rửa chén… hãy chú ý làm sạch sâu, sửa chữa và thay mới nếu chúng gặp một số trục trặc đáng ngại. Để giữ cho không gian bếp sạch đẹp, bạn đừng quên làm sạch bồn rửa chén, mặt bếp, mặt tường và sàn nhà thật kỹ nhé.
Dọn dẹp phòng tắm
Với không gian ẩm ướt như phòng tắm, bạn không nên trì hoãn mà cần phải dọn dẹp hằng tuần để đảm bảo vệ sinh. Việc dọn dẹp nhà tắm sẽ nhẹ nhàng, hiệu quả và nhanh chóng hơn nếu chúng ta thực hiện theo thứ tự sau: chuẩn bị sẵn sàng bằng cách đeo găng tay và khẩu trang để tránh bị ảnh hưởng bởi những chất tẩy rửa, làm sạch gương, tường, vách tắm kính, bàn lavabo, bồn cầu và cuối cùng là sàn nhà. Ngoài ra, bạn hãy loại bỏ những sản phẩm đã hết hạn, sử dụng khay, giỏ đựng hay kệ nhà tắm để sắp xếp mọi thứ thật gọn gàng, đồng thời thường xuyên giặt thảm lau chân và khăn lau tay để không gian luôn sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng.
Dọn dẹp phòng khách
Đối với không gian sinh hoạt chung và thường xuyên tiếp đón bạn bè, người thân, bạn nên sử dụng máy hút bụi để làm sạch bụi ở mọi ngóc ngách căn phòng: từ bàn ghế, đèn chùm, quạt trần, quạt đứng, khung tranh ảnh, các thiết bị điện tử đến bên trong và bên ngoài cửa sổ. Bên cạnh đó, đừng quên giặt thảm chùi chân, vỏ bọc ghế và rèm cửa. Đặc biệt, để việc dọn dẹp phòng khách được tối ưu hiệu quả, bạn nên vệ sinh trần nhà trước, sau đó hãy lau sàn từ chỗ sạch sang những chỗ dơ hơn.
BÀI LIÊN QUAN
4. Loại bỏ tác nhân gây dị ứng
Việc dọn dẹp căn nhà của bạn không chỉ là để giảm thiểu bụi trong không gian, mà còn là để đảm bảo loại bỏ tối đa những tác nhân gây dị ứng, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Vì thế, hãy thường xuyên hút bụi, loại bỏ nấm mốc quanh các bồn rửa, bồn tắm, vệ sinh hệ thống lò sưởi, thông gió và máy lạnh vài tháng một lần, tạo thói quen không tích trữ đồ vật gây chiếm không gian và bụi bẩn, ẩm mốc. Ngoài ra, hãy lựa chọn đồ nội thất làm từ các vật liệu dễ vệ sinh như da hoặc giả da không bám bụi và thuận tiện cho việc lau dọn.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Hà