Ngoài các vật dụng gia đình cơ bản và các thiết bị đảm bảo sự an toàn, dụng cụ y tế cũng là những “khoản đầu tư” cần thiết cho ngôi nhà của bạn. Không chỉ giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng còn cho phép bạn chủ động hơn trong những trường hợp cấp bách cần sơ cứu khẩn cấp. Hãy cùng ELLE tìm hiểu 8 vật dụng y tế quan trọng cần phải có trong mỗi gia đình nhé!
1. Nhiệt kế
Nhiệt kế là một dụng cụ y tế nhỏ gọn, tiện dụng cần có trong ngôi nhà của bạn. Vì dấu hiệu đầu tiên của nhiều tình trạng bệnh lý có thể là nhiệt độ cơ thể tăng lên, việc trang bị nhiệt kế sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện những thay đổi trong thân nhiệt. Ngoài nhiệt kế thủy ngân truyền thống, hiện nay trên thị trường còn có nhiệt kế điện tử và nhiệt kế hồng ngoại. Hai loại nhiệt kế này được khá nhiều người ưu tiên sử dụng vì tính an toàn, dễ sử dụng và cho kết quả nhanh chóng, chính xác.
BÀI LIÊN QUAN
2. Máy đo huyết áp
Máy đo huyết áp là vật dụng y tế cần thiết để kiểm tra huyết áp của bạn cũng như các thành viên trong gia đình ở từng thời điểm nhất định. Vật dụng này đặc biệt hữu ích và quan trọng nếu gia đình bạn có người mắc các bệnh lý về huyết áp. Hơn nữa, việc nắm rõ chỉ số huyết áp của bản thân và gia đình còn giúp bạn xây dựng, điều chỉnh thói quen sinh hoạt hay chế độ ăn uống phù hợp hơn.
3. Máy đo đường huyết
Đường vừa là nguồn năng lượng chính của cơ thể, vừa là nguồn nhiên liệu cần thiết cho các hoạt động của hệ thần kinh và não bộ. Đồng thời, trong máu luôn có một lượng đường nhất định. Việc lượng đường này giảm hoặc tăng quá mức so với mức tiêu chuẩn là một dấu hiệu bất thường của cơ thể. Hệ quả của sự bất thường này là tình trạng chóng mặt, đột quỵ hoặc xáo trộn phản ứng sinh học dẫn đến tiểu đường… Vì vậy, bạn nên trang bị một chiếc máy đo đường huyết tại nhà để kiểm tra định kỳ lượng đường huyết nhằm đảm bảo sức khỏe toàn diện cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
4. Máy tạo ẩm
Máy tạo ẩm là thiết bị y tế giúp duy trì độ ẩm, đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình, cũng như mang lại bầu không khí thoải mái, dễ chịu cho không gian sinh hoạt. Đồng thời, máy tạo ẩm còn có khả năng giảm nguy cơ lây lan virus và vi khuẩn gây bệnh trong không khí do độ ẩm thấp gây nên. Thêm vào đó, máy tạo ẩm có khả năng cải thiện tình trạng khô da, đau rát họng hoặc nứt nẻ môi do thường xuyên sử dụng máy điều hòa. Vì vậy, đây chắc hẳn là một “khoản đầu tư” thông minh và thiết thực dành cho ngôi nhà của bạn.
Xem thêm
• 5 loại vaccine mà phụ nữ trưởng thành nên tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ
• 8 phương pháp giúp bạn tránh thức khuya để bảo vệ sức khỏe
• Cách tăng sức đề kháng để cơ thể luôn cường tráng và khỏe mạnh
5. Khẩu trang y tế
Khẩu trang y tế dường như là vật dụng không thể thiếu trong hầu hết các gia đình. Ngoài việc góp phần bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời khi ra ngoài, những chiếc khẩu trang còn giúp giảm khả năng tiếp xúc với khói bụi, khí độc hại và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp.
6. Cân sức khỏe điện tử
Các loại cân sức khỏe điện tử không chỉ giúp bạn theo dõi và kiểm soát cân nặng mà còn cung cấp thông tin về những chỉ số khác, như tỉ lệ mỡ cơ thể, tỉ lệ cơ bắp, khối lượng xương… Nhờ đó, bạn sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp chế độ ăn uống – sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Ngoài ra, bạn còn có thể tận dụng cân sức khỏe để đo lường, tính toán khối lượng các đồ vật khá trong phạm vi giới hạn.
7. Bộ dụng cụ sơ cứu ban đầu
Trang bị một bộ dụng cụ sơ cứu ban đầu trong nhà sẽ giúp bạn chủ động hơn khi xảy ra các tình huống cấp bách. Về cơ bản, bạn nên chọn mua bộ dụng cụ sơ cứu với đầy đủ những vật dụng sau: băng dán cá nhân, băng bột bó thạch cao, gạc và bông gòn y tế, dung dịch sát trùng, nhíp và kéo y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn. Đồng thời, bộ sơ cứu cũng nên có một số loại thuốc cơ bản, như: thuốc mỡ kháng sinh, thuốc chống tiêu chảy, thuốc ho và cảm lạnh, thuốc chống dị ứng và thuốc giảm đau… Ngoài ra, bạn đừng quên thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của các sản phẩm trước khi sử dụng nhé.
8. Dung dịch rửa mắt
Dung dịch rửa mắt là vật dụng y tế “nhỏ nhưng có võ” nên có mặt trong tủ thuốc gia đình của bạn. Vì trên thực tế, những chấn thương về mắt khá phổ biến và có thể xảy ra ngay cả trong các hoạt động thường ngày. Việc trang bị dung dịch rửa mắt trong nhà sẽ giúp bạn kịp thời vệ sinh mắt và ngăn chặn nguy cơ tổn thương mắt nghiêm trọng hơn.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: U by Prodia; SonderCare