Vào những năm 30 của thế kỷ XX, những mảnh ghép LEGO đầu tiên được làm bằng gỗ ra đời dưới bàn tay người thợ mộc người Đan Mạch tài hoa – Ole Kirk Kristiansen – cha đẻ của hãng đồ chơi LEGO đình đám trên thế giới hiện nay. Từ những món đồ chơi bằng gỗ đầu tiên, vào năm 1947, Ole và con trai của ông – Godtfred – đã quyết định cho ra mắt những sản phẩm đồ chơi lắp ráp bằng nhựa đầu tiên và quyết định đó đã mang đến sự đột phá lớn cho thương hiệu LEGO. Ngày nay, cùng với sự phát triển của thời đại, trò chơi lắp ráp lego vẫn đóng vai trò như một món đồ chơi phổ biến dành cho tất cả mọi lứa tuổi. Bên cạnh những lợi ích giáo dục dành cho trẻ đã được công nhận, lắp ráp lego còn mang đến những lợi ích khác dành cho riêng cho người chơi trưởng thành.
1. Rèn luyện khả năng tập trung, giảm thiểu lo lắng
Ở mọi độ tuổi, trò chơi lắp ráp lego luôn đòi hỏi người chơi khả năng tập trung cao độ, sự kiên nhẫn bền bỉ, sự khéo léo để hoàn thành một mô hình trọn vẹn. Nếu lắp ráp lego giúp trẻ em học cách kiên nhẫn và rèn luyện sự tập trung, đối với người lớn, lắp ráp lego còn là một liệu pháp tinh thần giúp bạn giảm thiểu căng thẳng. Việc tập trung hoàn thành một mô hình cụ thể sẽ giúp bạn tạm thời gạt bỏ những suy nghĩ nặng nề đang bủa vây tâm trí, quên đi những ưu phiền hàng ngày để cho phép bản thân đắm chìm vào không gian thiền định, tự cân bằng lại cảm xúc của mình.
BÀI LIÊN QUAN
2. Nâng cao nhận thức về không gian
Đối với trẻ nhỏ, những mảnh ghép lego đủ màu sắc sẽ kích thích khả năng tư duy không gian, hình ảnh. Trẻ có thể nhận biết những kiến thức liên quan đến kích thước, hình dáng vật thể cũng như học hỏi thêm về sự cân bằng và đối xứng trong không gian. Bên cạnh những lợi ích giáo dục cho trẻ, lắp ráp lego còn là thú vui nghề nghiệp thích hợp cho những người lớn làm việc trong lĩnh vực xây dựng hoặc nghệ thuật như kiến trúc sư, kỹ sư hoặc họa sĩ chuyên nghiệp. Việc phác thảo hoặc dựng nên những mô hình 3D trên máy tính thường yêu cầu các chuyên gia phải có tư duy không gian, thế nên, những mô hình lego sẽ giúp các chuyên gia rèn luyện bộ não của mình để gia tăng khả năng quan sát và sáng tạo của mình.
3. Phát triển kỹ năng vận động tinh
Vận động tinh là những kỹ năng sử dụng các cơ nhỏ của lòng bàn tay. Lắp ráp lego không chỉ đòi hỏi sự tập trung cao độ mà còn đòi hỏi sự khéo léo tinh tế từ đôi bàn tay của người chơi. Với trẻ nhỏ, lắp ráp lego là bài học thực tế giúp chúng rèn luyện kỹ năng vận động tinh, sử dụng linh hoạt các ngón tay và học cách kiểm soát vận động cơ thể. Tương tự trẻ nhỏ, lego cũng là một trong những trò chơi giúp người lớn duy trì sự khéo léo của tuổi trưởng thành, đồng thời là bài tập vật lý hữu ích dành cho những bệnh nhân cần phục hồi chức năng sau chấn thương.
4. Khuyến khích tư duy đa chiều và phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo
Đối với những người mới bắt đầu bộ môn lego, tuân theo những chỉ dẫn là điều kiện cần thiết giúp bạn hoàn thành tác phẩm của mình. Những chỉ dẫn giúp bạn nhận biết đâu là cách ráp đúng đắn để bạn không chật vật bởi số lượng lớn mảnh ghép, đồng thời giúp bạn hình dung hình dáng của mô hình khi hoàn thành. Khi đã trở thành chuyên gia lắp ráp lego, bạn có thể thử sức với những cách lắp ráp khác nhau hay tự tạo chỉ dẫn cho riêng mình để hoàn thành mô hình theo phong cách của bạn. Bạn có thể tận dụng khả năng tư duy đa chiều giúp bạn tự hình dung giải pháp thích hợp để khắc phục vấn đề.
Xem thêm
• Gợi ý những phụ kiện hữu dụng giúp nâng cao độ bền cho máy tính của bạn
• Gợi ý những mẫu tai nghe phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng
• Gợi ý những mẫu đèn ngủ độc đáo phù hợp với từng phong cách sống
5. Thử thách bản bằng những trải nghiệm mới
Lego là trò chơi mang đến cho trẻ em nhiều cơ hội sáng tạo và trải nghiệm những góc nhìn mới \mà những món đồ chơi khác khó có thể làm được. Những mô hình lego hoàn thiện không chỉ thể hiện khả năng kiên nhẫn, sức sáng tạo mà còn là thành quả cho những nỗ lực và thử thách trong quá trình lắp ráp. Tương tự trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể chơi lego với tâm thế của người không bao giờ bỏ cuộc và rèn luyện khả năng tự phục hồi sau những thất bại liền kề.
6. Rèn luyện khả năng tổ chức
Bên cạnh việc trau dồi khả năng tập trung và kiên nhẫn, lắp ráp lego còn giúp trẻ em phát triển kỹ năng tổ chức, sắp xếp và lên kế hoạch hợp lý cho công việc của mình. Không riêng trẻ em, những kỹ năng kể trên cũng là những hành trang cần thiết trong cuộc sống của người trưởng thành. Ngoài ra, bộ môn lego còn giúp chúng ta rèn luyện khả năng tự phục hồi sau những khó khăn, nuôi dưỡng sự kiên trì bằng cách tìm ra sự liên quan giữa nguyên nhân thất bại và các kế hoạch ban đầu, từ đó giúp bạn tìm ra cách giải quyết vấn đề.
7. Phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm
Trái ngược với suy nghĩ lắp ráp lego chỉ là trò chơi mang tính cá nhân, đôi khi trò chơi này cũng đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm để cho ra thành quả hoàn thiện. Vì thế, lắp ráp mô hình lego sẽ thú vị hơn bao giờ hết nếu bạn được thực hiện cùng người thân hoặc bạn bè. Đối với trẻ em, việc dành thời gian chơi cùng bạn bè và cha mẹ sẽ thúc đẩy kỹ năng giao tiếp ở các bé, đồng thời giúp luyện tập khả năng làm việc nhóm. Với người lớn, việc dành thời gian cho nhau bên những mô hình lego sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng lắng nghe, sẻ chia, học cách xây dựng chiến lược cùng tập thể cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc phân chia nhiệm vụ và vai trò với nhau.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thảo
Nguồn: What's Good to Do