Nhìn chung, để một tác phẩm văn học được liệt vào hàng kinh điển, chủ đề hoặc thông điệp của nó phải tạo được tiếng vang vượt thời gian. Trên tinh thần đó, những tựa sách hay dưới đây đều ra đời trước năm 1987 và được nhiều độc giả yêu thích cho đến tận hôm nay.
Beloved (Yêu dấu) – Toni Morrison
Tiểu thuyết Beloved (Yêu dấu) của nhà văn Toni Morrison đã đoạt giải Pulitzer vào năm 1988. Người ta nói rằng cuốn sách này “đã được định đoạt để trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ”.
Yêu dấu là một cuốn sách hay với cốt truyện cảm động, sâu sắc về Sethe – người phụ nữ với thân phận nô lệ đã trốn đến Ohio. Sethe luôn bị ám ảnh bởi những ký ức thời trẻ và đứa con không tên của cô, trên mộ đứa bé chỉ đề mấy chữ “người yêu dấu”. Cuộc đời Sethe đã khắc họa những vết thương tâm lý, tinh thần kiên cường và niềm hy vọng vượt lên trên cả nỗi đau của con người.
Little Women (Những cô gái nhỏ) – Louisa May Alcott
Little Women (Những cô gái nhỏ) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1869, dựa trên cuộc sống thời trẻ của tác giả Louisa May Alcott bên gia đình. Cuốn tiểu thuyết kể về Jo, Beth, Meg và Amy – bốn chị em gái phải nương tựa vào nhau để tồn tại ở New England giữa Nội chiến Hoa Kỳ. Họ không quan tâm gì khác ngoài sự an toàn của cha và nỗi vất vả của mẹ.
Những cô gái nhỏ là một tựa sách hay nói về tình yêu thương, tình chị em, chiến tranh và danh tính. Độc giả yêu thích cuốn tiểu thuyết này vì sự giản dị của nó, vì nó chứa đựng những bài học cuộc sống vượt thời gian và vì vẻ đẹp của sự độc lập ở từng cô gái.
Tiểu thuyết Little Women (Những cô gái nhỏ) - Louisa May Alcott
The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) – J.D. Salinger
Cuốn sách kinh điển này ra mắt độc giả vào năm 1951. Trong suốt hai thập niên 50 và 60, nó từng thu hút nhiều sự chú ý vì ngôn từ “không đứng đắn”.
The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh) theo chân Holden Caulfield trở về quê nhà Manhattan sau khi cậu bị đuổi khỏi trường dự bị đại học Pencey Prep. Holden Caulfield là một nhân vật phức tạp và biểu trưng cho sự nổi loạn của thanh thiếu niên Mỹ. Ở độ tuổi 16, tâm lý của cậu vừa trẻ con vừa người lớn, nhưng chưa có chuẩn bị nào về mặt cảm xúc. Tuy tác phẩm được kể từ góc nhìn của Holden, J.D. Salinger vẫn khéo léo kiểm soát mạch truyện để độc giả có thể nắm bắt tâm lý của cậu bé rõ hơn cả bản thân cậu.
Sách Bắt trẻ đồng xanh - J.D. Salinger
The Color Purple (Màu tím) – Alice Walker
The Color Purple (Màu tím) đã chiến thắng Giải thưởng Pulitzer vào năm 1983. Cũng trong năm ấy, cuốn sách tiếp tục thắng Giải Sách Quốc gia Mỹ vì nó “chứa đựng đầy đam mê, cảm hứng và tình yêu cuộc sống bất khuất”.
Tác phẩm kể về Celie và Nettie – hai chị em đã bị chia cắt kể từ khi chào đời và chỉ liên lạc với nhau thông qua những lá thư. Màu tím là một cuốn sách hay và chân thực đến mức đau lòng. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên phơi bày tình trạng lạm dụng tình dục và ngược đãi gia đình mà phụ nữ da màu phải chịu đựng, nhưng cũng là thông điệp mạnh mẽ về lòng dũng cảm và sự cứu chuộc.
Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) – Jane Austen
Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) ra mắt độc giả vào năm 1813. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh chuyện tình lãng mạn, hài hước giữa Elizabeth Bennet và ngài Darcy – hai con người không cùng tầng lớp. Elizabeth độc lập và cứng đầu, còn ngài Darcy thì cao ngạo và tự phụ. Cả hai nhân vật đều không có thiện cảm với đối phương từ lần gặp mặt đầu. Thế nhưng, từ những lời nhận xét mỉa mai và giễu cợt hóm hỉnh, tình yêu nảy nở giữa họ. Kiêu hãnh và định kiến không chỉ là một tựa sách hay về tình yêu mà còn xoáy sâu vào các chủ đề giai cấp, hôn nhân và định kiến từ cái nhìn đầu tiên.
Sách Kiêu hãnh và định kiến - Jane Austen
No-No Boy – John Okada
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cụm từ “no-no boy” được dùng để chỉ những người thanh niên nói “không” hai lần khi được hỏi liệu họ sẽ phục vụ trong các lực lượng vũ trang và cam kết trung thành với Hoa Kỳ hay không. No-No Boy là cuốn tiểu thuyết hư cấu kể về Ichiro – người đã dành hai năm trong trại huấn luyện quân sự và hai năm nữa trong tù trở thành một “no-no boy”. Tác phẩm này tưởng niệm nỗi khổ đau mà những người châu Á đã phải chịu đựng trên đất Mỹ trong thời chiến.
1984 – George Orwell
1984 là cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại phản địa đàng ra đời năm 1949. Trong tác phẩm này, tác giả George Orwell đã giới thiệu khái niệm “Big Brother” – một chính phủ “biết tuốt” thao túng tư tưởng của công chúng và của từng cá nhân. Nhân vật chính Winston Smith làm việc tại Bộ Sự thật. Công việc của ông là chỉnh sửa dữ liệu lịch sử (bằng những lời nói dối) sao cho phù hợp với khẩu hiệu của chính đảng đương thời. Mặt khác, ông bí mật ghi chép một cuốn sổ, trong đó lên án kịch liệt Đảng và lãnh tụ Big Brother.
Đây là một câu chuyện giàu sức tưởng tượng và mạnh mẽ. Thông qua viễn cảnh về một thế giới khủng khiếp đến kinh ngạc, người đọc sẽ tìm thấy những dự đoán về sự thay đổi trong nhận thức của chúng ta về quyền riêng tư khi công nghệ ngày càng phát triển.
The Autobiography of an Ex-Colored Man (Tự truyện của một người đàn ông da màu) – James Weldon Johnson
Đây là một cuốn hồi ký hư cấu, vốn được xuất bản ẩn danh vào năm 1912, khắc họa hình ảnh của những người da đen ở Mỹ lúc bấy giờ. Câu chuyện được kể bởi một nghệ sĩ nhạc jazz giấu tên. Sau khi chứng kiến một hành vi phân biệt chủng tộc khủng khiếp, anh đã che giấu thân phận người Mỹ gốc Phi của mình để sống như một người đàn ông da trắng. The Autobiography of an Ex-Colored Man là minh chứng cho vấn đề chủng tộc phức tạp tồn tại ở Mỹ vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ. Đây còn là một cuốn sách hay đến mức phi thường và đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn của thời kỳ Phục Hưng Harlem.
To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) – Harper Lee
Được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ, To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại) lấy bối cảnh trong thời kỳ hỗn loạn của nạn phân biệt chủng tộc và định kiến tại miền Nam nước Mỹ. Đặt dưới góc nhìn của cô bé Scout Finch, một phần câu chuyện kể về tuổi thơ của cô, một phần xoay quanh quá trình cha cô biện hộ cho một người đàn ông da đen vô tội. Cuộc đấu tranh chống lại lòng hận thù mù quáng và quá trình nhận thức về đạo đức trong cuốn tiểu thuyết này sẽ khiến tim bạn quặn thắt.
Sách Giết Con Chim Nhại - Harper Lee
Jane Eyre – Charlotte Bronte
Nhân vật chính Jane Eyre là một cô gái mồ côi. Sau khi học xong, cô được mời làm quản giáo tại Thornfield Hall. Tại đây, cô gặp gỡ và yêu ngài Rochester – một người đàn ông bí ẩn và thâm trầm. Khi cả hai quyết định kết hôn, những bí mật về quá khứ của ngài Rochester nhanh chóng bị hé lộ và có nguy cơ khiến Jane đau lòng.
Tiểu thuyết Jane Eyre ra đời vào năm 1846, thuộc thể loại gothic và lãng mạn. Cho đến nay, đây vẫn là một tựa sách hay được nhiều độc giả yêu thích vì tính cách mạnh mẽ, độc lập và sự thông minh của nàng Jane.
Sách Jane Eyre - Charlotte Bronte
Their Eyes Were Watching God (Đôi mắt của họ đang nhìn Chúa) – Zora Neale Hurston
Tác phẩm xoay quanh Janie Crawford – một người phụ nữ Mỹ gốc Phi đi tìm danh tính thông qua những câu chuyện trong quá khứ của mình. Cô muốn được định nghĩa bằng một thứ gì đó khác ngoài tài sản. Their Eyes Were Watching God (Đôi mắt của họ đang nhìn Chúa) đã không được tái bản trong gần 30 năm. Độc giả từ chối cuốn sách này vì nhân vật chính là một phụ nữ da màu mạnh mẽ. Song, mọi thứ đã thay đổi kể từ năm 1978.
Cuốn tiểu thuyết này là câu chuyện ấn tượng về tình yêu mà một người phụ nữ dành cho chồng, cuộc đời và số phận của mình, bất chấp những thử thách vốn có khả năng đè bẹp tinh thần của bất kỳ ai.
The Dream of the Red Chamber (Hồng lâu mộng) – Tào Tuyết Cần
Hồng lâu mộng là một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1791, sau khi Cao Ngạc và Trình Vĩ Nguyên thu thập các bản thảo và hoàn thành nó (vì Tào Tuyết Cần đã mất trước khi viết xong tác phẩm).
Hồng lâu mộng là câu chuyện về sự thăng trầm của một đại gia đình giàu có và quyền lực, cũng như mối tình tay ba của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Cuốn tiểu thuyết này có văn phong tao nhã, thể hiện những tư tưởng của thời đại phong kiến lúc bấy giờ.
Sách Hồng Lâu Mộng - Tào Tuyết Cần
Dracula (Bá tước Dracula) – Bram Stoke
Cuốn tiểu thuyết kinh dị – gothic Dracula (Bá tước Dracula) tàn bạo và phức tạp hơn nhiều so với những tác phẩm về ma cà rồng trong văn học hiện đại. Được kể dưới dạng những bức thư, bài báo và nhật ký tường thuật, câu chuyện xoay quanh Bá tước Dracula khi ông ta chuyển từ vùng Transylvania (Romania) đến Anh để lan truyền một lời nguyền xác sống. Tuy tập trung vào những câu chuyện kinh dị, tựa sách hay kinh điển này cũng đã khắc họa những nỗi sợ ở thời Victoria về tình dục và bệnh tật.
Sách - Bá tước Dracula
The Guide (Người dẫn đường) – R.K. Narayan
Raju vừa mới hoàn thành án tù và ở lại trong một ngôi đền bỏ hoang tại Malgudi – một ngôi làng hư cấu tại miền Nam Ấn Độ. Khi một người đàn ông đến ngôi đền để xin lời khuyên, anh ta đã nhầm Raju là một sadhu (người hướng dẫn tâm linh). Thay vì phủ nhận, Raju đã quyết định đóng giả làm sadhu. Không lâu sau, tiếng lành về Raju lan rộng trong làng. Song, một trận hạn hán xảy đến như thể thần linh đang thử thách thân phận mới của anh. Cuốn tiểu thuyết khép lại với một cái kết bỏ ngỏ cho người đọc tự suy đoán. The Guide là một tựa sách hay có văn phong đơn giản, nhưng lại truyền tải những vấn đề phức tạp.
Grapes of Wrath (Chùm nho thịnh nộ) – John Steinbeck
Là câu chuyện về sự kiện Dust Bowl diễn ra trong thời kỳ Đại suy thoái của Mỹ, tác phẩm kinh điển này đã giành được Giải thưởng Pulitzer vào năm 1940. Grapes of Wrath (Chùm nho thịnh nộ) kể về gia đình Joad khi họ rời trang trại ở Oklahoma, mang theo hy vọng về cuộc sống mới đến California. Nhiều gia đình, bao gồm nhà Joad, đã phải rời bỏ nông trang của mình do tương lai mờ mịt của nền nông nghiệp đương thời. Dù là tiểu thuyết hư cấu, Grapes of Wrath đã tái hiện chính xác lịch sử và nỗi đau của những người yếu thế trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Sách Chùm Nho Thịnh Nộ - John Steinbeck
Not Without Laughter (Không có tiếng cười) – Langston Hughes
Langston Hughes nổi tiếng với vai trò là một nhà thơ và nhà hoạt động xã hội trong thời kỳ Phục Hưng Harlem. Ông còn được nhớ đến vì đã thành công trong việc khắc họa chân thực những thử thách và thành tựu của cộng đồng người da màu. Not Without Laughter (Không có tiếng cười) là câu chuyện về sự phân chia chủng tộc, ảnh hưởng của giai cấp và tôn giáo đến cộng đồng trong thời kỳ hậu nô lệ. Độc giả sẽ được gặp gỡ gia đình của Sandy để tìm hiểu về quá khứ và ước mơ của họ. Trong tác phẩm này, Langston Hughes đề cập đến sự nghèo đói và nạn phân biệt chủng tộc với tinh thần hy vọng vào tương lai, đồng thời thấu hiểu những khó khăn của thế hệ trước.
Lord of the Flies (Chúa ruồi) – William Golding
Cho đến nay, Lord of the Flies (Chúa ruồi) vẫn được xem như một câu chuyện kinh điển về đạo đức. Đây là một cuốn tiểu thuyết dành cho giới trẻ xuất bản năm 1954. Sau một vụ tai nạn máy bay bí ẩn, một nhóm cậu bé người Anh đã mắc kẹt trên hoang đảo. Ban đầu, các cậu bé rất vui mừng vì đã thoát khỏi sự giám sát của người lớn. Song, chúng sớm phải nỗ lực quản lý lẫn nhau. Đứng trước cuộc chiến sinh tồn, bản năng của những đứa trẻ dần được bộc lộ. Tuy bề ngoài là một câu chuyện phiêu lưu ly kỳ, Chúa ruồi là một cuốn sách hay xuất sắc viết về sự tương phản: chủ nghĩa cá nhân và tinh thần xã hội, đạo đức và vô luân, ích kỷ và vị tha.
Sách Chúa Ruồi - William Golding
Invisible Man (Người vô hình) – Ralph Ellison
Được dẫn dắt bởi một người đàn ông da màu vô danh, cuốn sách này đề cập đến những vấn đề phức tạp về chủng tộc được đặt trong chủ nghĩa dân tộc, kỳ vọng xã hội và chủ nghĩa cá nhân. Người kể chuyện cảm thấy bản thân như một người vô hình vì anh phải chật vật để bảo vệ danh tính của mình, để những mong muốn, suy nghĩ và ý kiến của anh không bị ai phán xét.
Ban đầu, Invisible Man (Người vô hình) được xuất bản ẩn danh. Song, vào năm 1953, cuốn sách đã chiến thắng Giải Sách Quốc gia Mỹ, biến Ralph Ellison thành người da đen đầu tiên nhận được giải thưởng này. Đây là một cuốn sách hay và cảm động về vấn đề danh tính của cộng đồng người da màu ở Mỹ vào thập niên 1900.
Of Mice and Men (Của chuột và người) – John Steinbeck
Hai nhân vật chính – George và Lennie – có một tình bạn khác thường, nhưng chia sẻ cùng một ước mơ: sở hữu một ngôi nhà và mảnh đất của riêng mình. Trong khi làm việc trên những cánh đồng ở California, họ được thuê đến một trang trại và có cơ hội chạm đến ước mơ đời mình. Tuy nhiên, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra, thay đổi tinh bạn và tương lai của họ. Khi đọc cuốn sách này, độc giả sẽ có cảm giác như đang ngồi trên một chuyến tàu lượn cảm xúc. Trong những phân cảnh cao trào, nỗi sợ hãi và đau buồn của nhân vật khiến người đọc chỉ muốn che chở họ. Tuy có một cái kết đau lòng, Của chuột và người vẫn là tựa sách hay được nhiều người yêu thích vì sự mộc mạc và chân thực trên từng trang sách.
Sách Của Chuột Và Người - John Steinbeck
Catch-22 (Bẫy 22) – Joseph Heller
Catch-22 (Bẫy 22), cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh trong Thế chiến II, được người đọc nhớ đến bởi sự khôi hài vượt lên trên cả nguy hiểm và sự tàn phá của chiến tranh. Tác phẩm kinh điển này kể về Yossarian – một phi công ở Ý trong Thế chiến II. Mối bận tâm lớn nhất của anh không phải kẻ thù mà là chỉ tiêu hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm. Dù mong muốn thoát khỏi tình cảnh đó, Yossarian biết bản thân sẽ rơi vào “Bẫy 22” – nơi những người lính bị coi là điên nếu tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, nhưng lại không đủ điều kiện để được cứu trợ nếu giải ngũ. Với kinh nghiệm cá nhân khi còn là một pháo thủ, Joseph Heller đã tái hiện hoàn hảo khía cạnh hỗn loạn, đau thương và căng thẳng của chiến tranh.
Sách Bẫy 22 - Joseph Heller
The Tale of Genji (Truyện kể Genji) – Murasaki Shikibu
The Tale of Genji (Truyện kể Genji) được biết đến như một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1001 và là một cột mốc đáng nhớ của văn học cổ điển Nhật Bản. The Tale of Genji khắc họa nền văn hóa Nhật Bản thời Trung cổ, xoay quanh câu chuyện ái tình của hoàng tử Genji và hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống của chàng. Cuốn tiểu thuyết dài hơn 1.000 trang với câu từ đẹp đẽ này vẫn được xem là một kiệt tác quý giá cho đến ngày nay.
Brave New World (Thế giới mới tươi đẹp) – Aldous Huxley
Trong cuốn Brave New World (Thế giới mới tươi đẹp), tác giả Aldous Huxley đã vẽ ra một xã hội phản địa đàng không tưởng với những tiến bộ vượt bậc của ngành di truyền học, dược phẩm và công nghệ. Bối cảnh cuốn sách được đặt ở một xã hội tưởng tượng gọi là World State – nơi mà con người được tạo ra hoàn toàn bằng công nghệ và phân chia thành năm giai cấp. Sau khi ra đời, con người có nhiệm vụ duy trì trật tự xã hội một cách máy móc. Thế giới tươi đẹp này bị thách thức bởi Bernard Marx – một người “lạc loài” biết coi trọng tính người. Đây là một cuốn sách hay liên tục khiến người đọc kinh ngạc, bởi lẽ nó đã phản ánh xã hội hiện nay chính xác đến mức kỳ lạ dù được xuất bản vào tận năm 1932.