Từ sự chữa lành của những người trẻ trong Giữa hai chúng ta hay tuồi xế chiều ở Hai tâm hồn trong đêm; cho đến tình cảm vượt qua khó khăn của Chiếc cặp, ngày “quốc tế độc thân” sẽ không còn buồn bởi sự đồng cảm và những sẻ chia. Nếu thích chìm đắm vào nỗi cô đơn vô định thì Austerlitz: Một cái tên và Cô nàng cửa hàng tiện ích cũng là những lựa chọn vô cùng tuyệt vời.
1. Hai tâm hồn trong đêm – Kent Haruf
Hai tâm hồn trong đêm là tác phẩm cuối cùng của Kent Haruf, được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 2014 và được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2017. Nhà văn của những “mưu cầu hạnh phúc” đã viết nên bài tình ca đẹp về sự muộn màng và những cơ hội thứ hai. Với tình yêu và nỗi sầu khổ của quãng hoàng hôn đang buông bức màn, Hai tâm hồn trong đêm là nét cọ dữ dội về sự đồng cảm, bị đe dọa bởi những khắt khe và tầm thường trong một đời sống còn ít thấu cảm và bị bỏ mặc.
Louise Waters và Addie Moore là hai người già đang ở phía cuối cuộc đời. Cả hai góa vợ, góa chồng, cách xa con cái và phải đối mặt với sự cô đơn. Một ngày nọ, bà Addie đề nghị Louise sang ngủ cùng mình, để nói với nhau về những câu chuyện từ quá khứ, về niềm hạnh phúc cũng như những nỗi khổ đau nay được thoát xác không còn ám ảnh. Trên chiếc giường ấy, cả hai chữa lành cho nhau, tìm lại hạnh phúc tưởng chừng lỡ làng. Thế nhưng, những nghi kỵ, dòm ngó và phán xét từ phía bên ngoài đã chia cắt họ, khiến cho kết thúc mãi thiếu trọn vẹn.
Tinh tế mà cũng kỳ diệu với những xúc cảm rất khó gọi tên, Hai tâm hồn trong đêm là cuốn sách hay về nỗi cô đơn, về sự hợp tan trong những xung đột mù quáng của đời sống này.
BÀI LIÊN QUAN
2. Chiếc cặp – Hiromi Kawakami
Được biết đến rộng rãi hơn với tựa tiếng Anh Strange Weather in Tokyo, tác phẩm đạt giải Văn học Tanizaki 2001 này kể về chuyện tình vô cùng thú vị của cô học trò và người thầy giáo, người mà trước đó cô chưa bao giờ cảm thấy thích thú. Hiromi Kawakami, bằng chính ngòi bút gợi nhiều cảm thức aware, đã viết nên những dòng thách thức nhưng cũng bảng lảng và không kém phần da diết, về bản chất thật sự của tình yêu cũng như những việc ta có thể làm để đạt được điều đó.
Vào một đêm nọ, Tsukiko vô tình bắt gặp thầy giáo cũ, người hơn mình 30 tuổi, đã nghỉ hưu, góa vợ và đang cô đơn. Hai người bắt đầu dành thời gian cùng nhau, từ thưởng thức những món trong quán ăn, một chút rượu sake, những ngày lễ ngắm hoa anh đào hay những lần dạo phố tìm mua đồ sứ… Để từ đó, tình yêu nảy nở cùng với những diễn biến nội tâm phức tạp, trải qua rất nhiều cung bậc khiến độc giả có khi bật cười, đôi khi đồng cảm mà cũng xót xa.
Nhẹ nhàng, tinh tế và nhiều thấu hiểu, Hiromi Kawakami đi vào ngõ hẹp nhưng cũng không quên khiến câu chuyện này thêm phần tỏa sáng bằng chính tình yêu và những xúc cảm trìu mến, để biết tình yêu vẫn luôn hiện diện dù có thế nào đi nữa.
3. Austerlitz: Một cái tên – W.G. Sebald
Cũng là một cuộc truy hoan vào trong ký ức như Patrick Modiano, nhưng với Austerlitz: Một cái tên, W.G. Sebald – nhà văn, học giả người Đức quan trọng sau Đệ nhị Thế chiến – đã dẫn người đọc qua từng bến bờ lịch sử, những kiến trúc châu Âu cũng như những nhà ga hay các pháo đài lớn… để từ đó viết nên một hành trình dài về những mất mát, nỗi đau, sự lãng quên cũng như thương tổn tinh thần thời kì hậu chiến.
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của một lữ khách không rõ tên họ, giữa những nhập nhoạng, ảo ảnh chồng chất lên nhau – Austerlitz, ánh tà dương vẫn còn sót lại của những lai lịch một thời ẩn giấu. Đi cùng Austerlitz như một gợi ý sau này của Trại Diệt chủng Auschwitz, W.G. Sebald đã đưa người đọc bước cùng những tấm ảnh, những ký ức xa vời, cũng như bất chợt khoảnh khắc nào đó cội rễ tìm về, đánh động, nhói đau nhưng cũng dửng dưng, chia lìa và vô cảm.
Là tác phẩm cuối cùng của ông trước khi qua đời vì tai nạn giao thông vào năm 2001, Austerlitz: Một cái tên trống rỗng, mơ hồ nhưng hút người đọc vào những mảng miếng có phần hồi cố và đầy khoảng trống của những nỗi đau vẫn chưa lành miệng.
BÀI LIÊN QUAN
4. Giữa hai chúng ta – Sally Rooney
Từng được đề cử giải Man Booker 2018, chiến thắng hạng mục “Tiểu thuyết hay nhất” ở giải Costa, chuyển thể thành phim truyền hình vào cuối mùa Xuân 2020, có thể nói, Giữa hai chúng ta là dấu mốc chói lọi của Sally Ronney – cây viết sinh năm 1991 với khả năng khắc họa những vấn đề của thế hệ Millennials. Ở đó, người đọc có thể thấy được những tổn thương, mất mát trên quá trình trưởng thành, những cũng là sự sẻ chia và niềm hy vọng trên hành trình chữa lành. Đầy thấu hiểu mà cũng phổ quát, đây là tác phẩm mà bất cứ người trẻ nào cũng dễ đồng cảm.
Tác phẩm xoay quanh Marianne và Connell – hai thanh thiếu niên đứng trước lằn ranh trưởng thành và chịu nhiều tổn thương như nhau. Nếu Marianne có một đời sống đủ đầy nhưng cô đơn và co mình lại vì gia đình thiếu hạnh phúc; thì Connell hoàn toàn ngược lại. Khó có thể nói đời sống của cậu dễ dàng, nhưng ngôi nhà với người mẹ luôn luôn thấu hiểu vẫn là chỗ dựa vững chắc. Hai người gặp gỡ, kết nối và bổ sung lẫn nhau, dành cho nhau những tình cảm non nớt vào những lúc cùng nằm trên giường, nói chuyện đời sống, về các nhà văn, chuyện học hành…
Là tiếng nói run rẩy của tuổi mới lớn nhưng cũng đầy hy vọng, chở che, chia sẻ và đồng cảm, Giữa hai chúng ta đại diện cho thế hệ mới, thế hệ của những chông chênh và bấp bênh nhưng rồi sẽ không còn e sợ.
5. Cô nàng cửa hàng tiện ích – Murata Sayaka
Đoạt giải thưởng văn học Akutagawa 2016, Murata Sayaka từ sau tiểu thuyết này đã trở thành tên tuổi nổi bật của văn chương mới Nhật Bản trên thế giới. Tác phẩm nói về câu chuyện của Keiko Furukura – một phụ nữ trung niên 36 tuổi, độc thân. Kì lạ là suốt 18 năm nay, hằng ngày cô vẫn đến làm việc ở một cửa hàng tiện ích. Được kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại, Sayaka, bằng sự dửng dưng và vẻ sắc lạnh, đã viết về những áp đặt của ý chí xã hội lên một cá nhân dường như khác lạ và có phần lệch chuẩn.
Mọi chuyện chỉ dần thay đổi khi Keiko gặp được Shiraha – gã trai cũng thất bại và có phần xa lánh xã hội như mình. Hai người họ cộng hưởng vào nhau, cố gắng trở thành vợ chồng để bình thường hóa cái khắc nghiệt mà xã hội vốn luôn đè nặng lên vai mình. Thế nhưng, cuối cùng, họ cũng nhận ra những nỗi khắc khoải và nhiều khó khăn khi không được là mình, khi phải chiều lòng người khác và bình thường hóa theo những chuẩn mực không hề phù hợp.
Đầy biến động mà cũng dửng dưng, đây là tác phẩm dành cho những ai cô đơn và đang đấu tranh cho việc sống hết mình trong hiện tại, mặc những câu nệ, phán xét vẫn đang hiện diện.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuận Phát
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE