Việc đọc và tìm hiểu về lịch sử không chỉ là một cách để tưởng nhớ công lao của thế hệ trước, mà còn là cơ hội để mỗi người trẻ thêm yêu và gắn bó với cội nguồn dân tộc. Thông qua lăng kính của các nhà nghiên cứu, nhà văn, phóng viên chiến trường hay thậm chí là nhân chứng sống, những trang sách lịch sử sẽ mở ra một hành trình ngược dòng thời gian ý nghĩa và thiêng liêng. Dưới đây, ELLE xin gợi ý bạn đọc những quyển sách về lịch sử Việt Nam hay nhất giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn để thưởng thức nhân dịp 30/4 này.
Lược Sử Nước Việt Bằng Tranh
Lược Sử Nước Việt Bằng Tranh là một trong những cuốn sách mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chọn và mua tặng Thủ tướng Malaysia nhân chuyến thăm Phố Sách 19/12 vào tháng 7/2023. Cuốn sách do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành từ năm 2012, đến nay đã có 14 lần tái bản và được Nhà sử học Dương Trung Quốc – nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị gia người Việt Nam hiệu đính.
Chỉ trong vỏn vẹn 96 trang, Lược sử nước Việt bằng tranh đã tái hiện chân thật, hấp dẫn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Khác với những hình dung về một quyển sách lịch sử thông thường, Lược sử nước Việt bằng tranh gây ấn tượng mạnh với nội dung ngắn gọn, hệ thống cùng những bức tranh vẽ sống động, chi tiết và đậm chất nghệ thuật. Kết hợp với thanh thời gian ở chân trang, quyển sách là người đồng hành lý tưởng của bạn trên hành trình ngược dòng thời gian, tìm hiểu về từng thời kỳ lịch sử: từ người cổ Việt Nam qua các thời đại, huyền sử Sơn Tinh, Thủy Tinh, các đời Hùng Vương, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc đến thời kỳ độc lập tự chủ của các triều đại.
BÀI LIÊN QUAN
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú cần thiết cho ngành sử học và các ngành khoa học xã hội khác. Đây là một công trình biên soạn lịch sử đồ sộ bằng Hán văn, gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ và Lê Hy. Sau khi phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ sách này – bản Nội các quan bản năm Chính Hòa thứ 18 (năm 1697), bản dịch Quốc ngữ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã lần lượt ra mắt bạn đọc.
Trong ấn phẩm được tái bản vào năm 2022, bộ sách gồm hai quyển: quyển 1 bao gồm toàn bộ phần bản dịch quốc ngữ, quyển 2 bao gồm toàn văn phần chữ Hán được sao chụp từ bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được biên soạn theo thể biên niên, lần lượt ghi lại những sự kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… được sắp xếp theo trình tự thời gian, từ thời Kinh Dương Vương đến nhà Hậu Lê. Bộ sách là sự lựa chọn lý tưởng cho những độc giả muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc và kỹ lưỡng về lịch sử Việt Nam qua từng thời kỳ.
Việt Nam Sử Lược | Trần Trọng Kim
Năm 1920, Việt Nam Sử Lược – bộ thông sử chi tiết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ chính thức được ra mắt, thu hút sự quan tâm của độc giả lẫn giới nghiên cứu trên cả nước. Từ đó đến nay, dù đã 100 năm trôi qua, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị, là quyển sách vỡ lòng cho những ai bắt đầu tìm hiểu lịch sử Việt Nam từ thời kỳ sơ khai cho đến thời Pháp thuộc.
Cuốn sách được tác giả Trần Trọng Kim biên soạn dựa trên những nghiên cứu trước đó, như Nam sử liệu học và Sử học An Nam. Có thể nói, Việt Nam Sử Lược là công trình sử học đầu tiên thoát được khỏi lối chép sử biên niên truyền thống của Trung Quốc. Thay vì chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc, tác giả Trần Trọng Kim đã trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện mạch lạc, lôi cuốn và hấp dẫn, giúp người đọc nhận thấy được mối liên hệ nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện. Bên cạnh đó, khác với những tác phẩm đương thời, Việt Nam Sử Lược còn đặc biệt chú ý đến những sự kiện trong đời sống thực tế của dân chúng, sinh hoạt của xã hội, phong tục, tín ngưỡng.
Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca | Dũng Phan
Đúng như tên gọi, Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Cuốn sách không chỉ kể về với những vị anh hùng vĩ đại như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… mà còn giúp người đọc tìm hiểu những nhân vật quan trọng, những địa điểm lịch sử chưa nổi danh. Bên cạnh đó, quyển sách còn giúp giải đáp những thắc mắc muôn thuở của độc giả yêu sử như chuyện Quang Trung hành quân thần tốc.
Không khô khan, nhàm chán hay giáo điều, Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng với nhận định, đánh giá của người biên soạn. Từng câu chuyện tranh đoạt hoàng quyền và loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử trập trùng xen kẽ, tạo nên một bản hùng ca đa thanh đa điệu. Quyển sách là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những người trẻ yêu thích lịch sử nước nhà.
Bão Táp Triều Trần | Hoàng Quốc Hải
Bão táp triều Trần là một trong những sáng tác nổi bật của nhà văn Hoàng Quốc Hải, viết về một triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam (1225-1400). Bối cảnh của bộ sách bắt đầu từ thời kỳ chuyển đổi chính quyền từ Lý sang Trần, cho đến khi nhà Trần đi vào công cuộc hồi sinh đất nước để chuẩn bị đối phó với quân Mông Cổ đang tràn sang xâm lược Trung Hoa, lăm le tiến vào Đại Việt. Từ đây, bộ sách khắc họa chi tiết, rõ nét những cuộc tranh giành quyền lực, những xung đột trong các mối quan hệ thời phong kiến, hay thậm chí là những chuyện tình thơ mộng chốn hoàng thành.
Bộ tiểu thuyết lịch sử bao gồm 6 tập. Tập 1 – Bão táp cung đình tái hiện sự ra đời của thời đại nhà Trần. Tập 2, 3, 4 – Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng lần lượt tái hiện liên tiếp ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông – Nguyên. Tập 5 – Huyền Trân công chúa viết về cuộc hôn nhân lịch sử đã mở rộng nước Đại Việt. Tập 6 – Vương triều sụp đổ viết về vết trượt dài suy đồi của các vua quan cuối đời Trần .
Tâm Lý Dân Tộc An Nam | Paul Giran
Paul Giran là một quan chức cai trị thuộc địa người Pháp. Ông từng là Tham biện Dân sự vụ Đông Dương, sau trở thành Phó công sứ rồi Công sứ, công tác tại nhiều tỉnh Trung kỳ và Bắc kỳ. Sau nhiều năm tích lũy quan sát, thâm nhập và sinh sống ở Đông Dương, năm 1904, Paul Giran đã xuất bản công trình nghiên cứu Tâm Lý Dân Tộc An Nam nhằm phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam. Qua đó, công trình đã khắc họa nên đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, xã hội và chính trị An Nam.
Kể từ thời điểm tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên đến nay, một thế kỷ đã trôi qua. Ngày nay, Tâm Lý Dân Tộc An Nam đã trở thành một tài liệu tham khảo khả tín giúp chúng ta nhìn nhận về quá khứ của dân tộc mình qua lăng kính của người Pháp đương thời. Đồng thời, quyển sách còn là cơ hội để chúng ta suy ngẫm và phản biện về những khía cạnh nội dung còn đậm tính chủ quan, thay vì chỉ thu nhận tri thức một cách thiếu chủ kiến.
Xem thêm
• [Giới thiệu sách hay] “Tự do”: Hiểu đúng về tự do để sống trọn vẹn cuộc đời hạn hữu
• [Giới thiệu sách hay] Chăm sóc bản thân thật sự: 3 điều bạn cần nhớ để không lạc lối
• [Giới thiệu sách hay] Bàn về sự chậm rãi: Lặng nhìn đời dưới đôi mắt khép chậm
Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75 | Trần Mai Hạnh
Xuất bản lần đầu vào tháng 4/2014, Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75 đã giành được những giải thưởng danh giá trong nước và khu vực: Giải thưởng Văn học (2014) của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN (2015). Đặc biệt, quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, đồng thời là một trong những đầu sách phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử được chắp bút bởi tác giả Trần Mai Hạnh. Từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, ông được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt. Từ đó, ông đã tổng hợp những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại chỗ trong quá trình tham gia chiến dịch để viết nên Biên Bản Chiến Tranh 1-2-3-4.75. Cuốn tiểu thuyết đã phác họa chi tiết những ngày tháng sụp đổ của chính quyền tay sai Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến giải phóng miền Nam. Quyển sách là sự lựa chọn phù hợp cho dịp 30/4 này, giúp bạn hiểu hơn về giá trị và tầm vóc của chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975 trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Mãi Mãi Tuổi 20 | Nguyễn Văn Thạc
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952-1972), là người con thứ 10 trong gia đình 14 anh em tại làng Bưởi, Hà Nội. Trước khi nhập ngũ, anh đã đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc năm học 1969-1970, là sinh viên xuất sắc của Khoa Toán – Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đặc biệt, anh còn có mặt trong danh sách sinh viên được cử đi Liên Xô học tập. Thế nhưng, sau tất cả, anh chọn rời bỏ giảng đường đại học tiến vào chiến trường khốc liệt để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Mãi Mãi Tuổi 20 bắt đầu được viết từ ngày 2/10/1971 – một tháng sau khi anh bắt đầu nhập ngũ và kết thúc vào ngày 24/5/1972 – thời điểm ngay trước khi anh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Cuốn nhật ký đã ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống quân ngũ dưới lăng kính của một chàng trai trẻ: từ câu chuyện thú vị trong lúc hành quân, nỗi nhớ quê hương da diết, đến chuyện tình trong sáng, nên thơ và cuối cùng là những chiêm nghiệm của anh về trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước.
Tuổi thơ dữ dội | Phùng Quán
Phùng Quán (1932-1975) là một trong những nhà văn Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến và trân trọng. Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân dưới vai trò của một chiến sĩ trinh sát thuộc Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Chính những năm tháng sớm tham gia kháng chiến đã giúp Phùng Quán tích lũy được những tư liệu và trải nghiệm đắt giá giúp ông viết nên Tuổi thơ dữ dội – một trong những tác phẩm hay nhất dành cho thiếu niên nhi đồng với chủ đề thế hệ trẻ anh hùng.
Tiểu thuyết gồm 8 phần, xoay quanh cuộc sống của hơn ba mươi thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân ở Huế trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là các nhân vật như: Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Vịnh sưa, Lép sẹo, Tư dát, Vệ to đầu… Hơn 700 trang sách với rất nhiều nhân vật, nhưng mỗi con người với mỗi câu chuyện, mỗi nét tính cách khác nhau đều được tác giả Phùng Quán khắc họa vô cùng tỉ mỉ. Qua đó, chúng ta không chỉ chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, đau thương vì chiến tranh, mà còn cảm nhận được sự dũng cảm, gan trường, ý thức trách nhiệm và lòng yêu nước thiêng liêng của những chiến sĩ nhỏ tuổi.
Quyển sách là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để đắm chìm vào những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn từ quá khứ cùng bầu không khí xúc động và đáng tự hào của dịp lễ kỷ niệm 30/4 này. Đúng như nhận định của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, ‘Tuổi thơ dữ dội’ của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời…”
Những Mảnh Ký Ức 1979-1989 – Chuyện Kể Từ Biên Giới Phía Bắc
Được chắp bút bởi nhóm tác giả Đào Thanh Huyền, Hà Hương và Phạm Hoài Thanh, quyển sách là tổng hợp những mảnh hồi ức của 120 nhân vật. Họ là những nhân chứng sống, từ bộ đội chính quy, công an vũ trang, bộ đội địa phương, dân phòng cho đến những người dân thường. Dù là ai, họ đều có chung duy nhất một mục tiêu: chiến đấu để gìn giữ quê hương. Với Những mảnh ký ức 1979-1989 – Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc, lịch sử Việt Nam ở hai mốc thời gian 1979 và 1984 đã được tái hiện ở đa phương diện và đa góc nhìn. Qua đó, tác giả gửi gắm đến độc giả thông điệp về giá trị của tình yêu hòa bình, yêu quê hương, đất nước và ý chí quật cường của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng | Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Không chỉ là một cuốn hồi ký quân sự đơn thuần, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng còn là một tác phẩm lịch sử sống động, khắc họa chân thực tinh thần và chiến lược của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quyển sách là người bạn đồng hành lý tưởng cho những ai yêu thích và đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử quân sự.
Chín chương đầu tiên của quyển sách dành để tái hiện đầy đủ và chi tiết các chiến dịch quân sự trọng yếu của quân đội Việt Nam ta, từ những thắng lợi ban đầu cho đến đỉnh cao của mùa Xuân năm 1975. Ở chương sách cuối cùng, người đọc sẽ được chiêm nghiệm những đúc kết và triết lý sâu sắc của Đại tướng về nghệ thuật cầm quân, về trách nhiệm của người chỉ huy, về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Qua ngòi bút giản dị mà sắc bén của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, độc giả sẽ được đắm chìm vào những thời khắc lịch sử hào hùng, cảm nhận rõ từng nhịp đập của chiến trường và sự vận động chính trị phức tạp của thời đại.
BÀI LIÊN QUAN
Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập | Thiếu Tướng Hoàng Đan
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) là một chỉ huy quân sự xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam, góp phần quan trọng vào các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo như Tư lệnh Sư đoàn 304, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao. Không chỉ là một tướng lĩnh tài ba, ông còn là một nhà giáo dục quân sự, đào tạo nhiều thế hệ sĩ quan và để lại những công trình nghiên cứu giá trị.
Vừa được ra mắt vào tháng Ba năm nay, Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập là tập hồi ký ghi lại những trải nghiệm chiến đấu và chỉ huy tài ba của Thiếu tướng Hoàng Đan trong các chiến dịch lớn. Cuốn sách tái hiện chân thực những trận đánh quan trọng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là Chiến dịch Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Qua những trang nhật ký, độc giả sẽ có cơ hội hiểu hơn về cách Quân đội tổ chức, triển khai các chiến dịch lớn, đồng thời cảm nhận được tinh thần quả cảm, quật cường của những người lính đã anh dũng chiến đấu vì hòa bình của Tổ quốc Việt Nam chúng ta.
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Khánh Hà