Sử dụng các thiết bị văn phòng phù hợp có khả năng giúp giảm căng thẳng và chấn thương, đồng thời mang lại cảm giác thoải mái hơn khi làm việc liên tục trong nhiều giờ. Nhận thức được điều đó, nhiều người đang có xu hướng đầu tư những sản phẩm công thái học cho không gian làm việc của mình. Mặt khác, xu thế này cũng khiến các nhà sản xuất bắt đầu chú tâm hơn đến quá trình thiết kế kiểu dáng, chức năng của sản phẩm để tối ưu hóa trải nghiệm của người sử dụng. Sau đây là những sản phẩm công thái học cần thiết bạn nhất định phải trang bị trong không gian làm việc.
Công thái học là gì?
Công thái học (Ergonomics) là một lĩnh vực khoa học tập trung nghiên cứu về khả năng và giới hạn của con người. Các học thuyết nền tảng của công thái học là tâm lý học, sinh lý học, giao diện người dùng và tương tác xã hội, cũng như các nguyên tắc đảm bảo an toàn và sức khỏe trong quá trình sử dụng sản phẩm. Các kết quả nghiên cứu về công thái học thường được áp dụng để tối ưu hóa tương tác giữa con người với thiết bị, hệ thống hoạt động và môi trường, nhằm tăng hiệu suất và cảm giác thoải mái khi làm việc.
BÀI LIÊN QUAN
Vai trò của các sản phẩm công thái học
Việc sử dụng các thiết bị không đúng cách hoặc sai tiêu chuẩn công thái học có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe (như rối loạn hệ thần kinh và cơ bắp) và giảm hiệu suất làm việc. Với mục tiêu hạn chế các tác động tiêu cực này, các nhà sản xuất đang chú tâm đầu tư vào thiết kế sản phẩm dựa trên các nguyên tắc công thái học, nhất là kiểu dáng và chức năng của từng bộ phận. Ngoài ra, các sản phẩm công thái học còn có khả năng tối ưu hóa tương tác giữa con người và sản phẩm, mang lại cảm giác thoải mái khi làm việc trong nhiều giờ. Nhìn chung, công thái học đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển công nghệ và nỗ lực nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.
Những sản phẩm công thái học cần có trong không gian làm việc
1. Ghế xoay văn phòng
Sử dụng một chiếc ghế không phù hợp trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về cột sống, vai gáy và làm giảm khả năng tập trung khi làm việc. Do đó, hãy trang bị một chiếc ghế được thiết kế theo nguyên tắc công thái học để tối ưu hóa trải nghiệm khi làm việc, đồng thời giảm rủi ro mắc các vấn đề về sức khỏe. Đa số các mẫu ghế công thái học hiện nay đều được trang bị phần tựa lưng hỗ trợ cột sống, giúp giảm tình trạng đau mỏi cột sống. Thêm vào đó, ghế công thái học còn sở hữu khả năng điều chỉnh chiều cao linh hoạt để tương thích với vóc dáng riêng của mỗi người. Một số ưu điểm nổi bật khác của loại ghế này là khả năng gập linh hoạt của tay vịn hay đệm lưng mang lại cảm giác thoải mái…
2. Gối tựa lưng
Gối tựa lưng công thái học có tác dụng hỗ trợ giữ cột sống thẳng và giảm áp lực lên vùng thắt lưng khi làm việc. Nếu bạn thường xuyên phải ngồi làm việc trong thời gian dài, việc bổ sung một chiếc gối tựa lưng sẽ giúp hạn chế tình trạng đau mỏi thắt lưng và mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, dễ chịu. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng gối tựa trong những không gian khác như phòng khách hay ô tô.
3. Giá đỡ laptop
Laptop là một thiết bị không thể thiếu khi làm việc của nhiều người. Nhưng trên thực tế, màn hình laptop thường thấp hơn so với màn hình máy tính để bàn truyền thống. Theo OSHA (The Occupational Safety and Health Administration, Cơ quan An toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Hoa Kỳ), màn hình quá thấp hoặc quá cao có thể buộc bạn phải làm việc trong những tư thế không thuận lợi. Về lâu dài, điều này có khả năng làm mỏi các cơ nâng đỡ phần đầu. Vì vậy, bạn nên cân nhắc trang bị một chiếc giá đỡ laptop để có tư thế làm việc đúng và thoải mái hơn. Ngoài công dụng trên, phần lớn giá đỡ laptop hiện này đều có thể thu gọn, cho phép bạn dễ dàng mang theo bên mình khi di chuyển.
Xem thêm
• 10 thói quen đơn giản giúp bạn nâng cao tinh thần và hiệu suất làm việc
• Gợi ý những vật dụng nhỏ xinh cho bàn làm việc thêm sinh động
• Gợi ý cách chọn bàn làm việc phù hợp với mọi không gian và nhu cầu sử dụng
4. Khay bàn phím
Những chiếc khay bàn phím cho phép bạn tùy chỉnh vị trí bàn phím phù hợp với tay và cổ tay, từ đó giảm tình trạng đau mỏi cổ tay và tăng cảm giác thoải mái khi làm việc trong thời gian dài. Ngoài ra, đa số các khay bàn phím đều được trang bị tính năng điều chỉnh độ cao trong phạm vi giới hạn, giúp bạn vào đúng tư thế làm việc hơn ngay cả khi ngồi hoặc đứng.
5. Bàn phím công thái học
Bàn phím công thái học sở hữu thiết kế lạ mắt, cho phép bạn đặt tay theo tư thế thẳng tự nhiên thay vì cong lại như khi sử dụng bàn phím truyền thống. Việc thực hiện thao tác trên bàn phím công thái học có khả năng làm giảm đáng kể nguy cơ mắc một số vấn đề về cổ tay, trong đó có hội chứng ống cổ tay. Song, theo OSHA, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng việc sử dụng loại bàn phím này thay cho bàn phím thông thường sẽ ngăn chặn cảm giác khó chịu hay chấn thương. Do đó, bàn phím công thái học có thể không phải là giải pháp tối ưu cho mọi người. Nhưng nếu cổ tay của bạn liên tục bị đau sau một ngày dài làm việc trên máy tính, bạn nên cân nhắc chuyển sang sử dụng bàn phím công thái học.
6. Chuột công thái học
Sử dụng chuột có kích thước và hình dạng không phù hợp với hình dáng bàn tay trong thời gian có khả năng gây tê mỏi và đau nhức tay, thậm chí dẫn tới hội chứng ống cổ tay. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, bạn nên lựa chọn chuột tương thích với hình dáng và kích cỡ bàn tay của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các lựa chọn chuột công thái học rất đa dạng. Do đó, bạn nên kiểm tra kỹ trước khi quyết định, hoặc nhờ nhà bán hàng tư vấn để có thể sở hữu một sản phẩm phù hợp nhất.
7. Tai nghe
Tai nghe là món “bảo bối” có khả năng hạn chế tiếng ồn từ môi trường xung quanh, giúp tăng khả năng tập trung. Tuy nhiên, khi sử dụng trong thời gian dài, các sản phẩm tai nghe nhét tai (in-ear) thông thường dễ khiến bạn bị đau tai. Trong khi đó, những chiếc tai nghe chụp tai (headphone) với trọng lượng tương đối nặng có thể dẫn đến tình trạng mỏi cổ. Vì vậy, bạn nên đầu tư tai nghe công thái học với thiết kế chuẩn theo cấu trúc tai, mang lại cảm giác vừa vặn và thoải mái khi sử dụng trong nhiều giờ.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: CNET; Interesting Engineering