Một ngôi nhà ngăn nắp và sạch sẽ không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn, mà còn hạn chế các mầm bệnh, mang đến một không gian sống thoáng mát, thu hút tài lộc và vượng khí đến với các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng và thời gian để duy trì không gian sống luôn ngăn nắp và tươm tất. Vì vậy, việc hình thành các thói quen dọn dẹp từ sớm sẽ góp phần giúp cho quá trình thanh lọc nơi ở trở nên đơn giản và thuận lợi. Cùng ELLE điểm qua 15 thói quen đơn giản giúp cho tổ ấm của bạn luôn ngăn nắp và sạch sẽ dưới đây nhé!
1. Tháo giày trước khi vào nhà
Những đôi giày chúng ta sử dụng hằng ngày tích tụ vô vàn vi khuẩn, bụi bẩn và tạp chất ở tất cả những nơi chúng ta đi qua. Do đó, việc tháo giày trước khi vào nhà là điều cần thiết để có thể giữ vệ sinh cho không gian sống. Bạn có thể cân nhắc đặt những chiếc giá đỡ, tủ hoặc kệ để giày trước cửa chính để có thể sắp xếp giày dép gọn gàng ngay từ khi bước vào nhà, đồng thời giữ cho lối ra vào luôn gọn gàng.
2. Thường xuyên dọn dẹp đồ dùng không cần thiết
Nếu là một người yêu thích mua sắm, đôi khi bạn dễ lâm vào tình trạng tích trữ đồ đạc nhiều hơn mức cần thiết, hay chỉ đơn giản là bạn có thói quen cất giữ các đồ vật đã không còn dùng đến và nghĩ rằng bạn sẽ cần đến chúng vào ngày nào đó, vô hình trung thói quen này lại khiến cho ngôi nhà của bạn trở thành nơi chứa quá nhiều đồ vật. Nếu ngăn kéo bàn của bạn dần trở nên chật cứng, tủ quần áo tràn ngập đồ ít sử dụng, không còn không gian cho những đồ dùng mới, đó chính là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần thanh lọc những vật dụng trong ngôi nhà của mình. Một không gian sống bí bách, ngột ngạt sẽ dễ dàng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và năng suất làm việc của chúng ta. Vì thế, ngôi nhà của bạn sẽ không thể trở nên sạch sẽ nếu có quá nhiều đồ đạc linh tinh.
Thế nhưng, thanh lọc không có nghĩa là vứt đi tất cả mọi thứ. Hãy thử lập một danh sách các vật dụng cần thiết và quan trọng, những vật dụng sẽ được sử dụng lại vào những dịp đặc biệt hay mùa khác. Sau đó, bạn hãy sắp xếp chúng vào một chiếc thùng, cất vào một góc hoặc kho lưu trữ. Đối với những vật dụng còn lại, bạn có thể quyên góp hoặc tặng cho người thân, hàng xóm nếu chúng còn sử dụng được. Bằng phương pháp này, bạn sẽ có thêm nhiều không gian trống để sắp xếp và trưng bày những vật dụng cần thiết cho cuộc sống của mình.
3. Làm việc đa nhiệm khi dọn dẹp
Bạn cảm thấy không bao giờ có thời gian dọn dẹp vì quá bận rộn? Đừng lo, rất nhiều người vẫn có thể duy trì nhà cửa luôn sạch sẽ dù cho lịch trình công việc dày đặc. Bí quyết đơn giản đó là họ xây dựng được những thói quen dọn dẹp phù hợp với lịch trình, nhờ vậy họ có thể tận hưởng công việc vệ sinh nhà cửa hơn.
Bạn có thể kết hợp làm nhiều việc cùng một lúc trong khi dọn dẹp. Chẳng hạn như bạn có thể vừa lau bàn, dọn bếp và gọi điện cho những người thân yêu, hay vừa quét dọn nhà cửa, vừa nghe những tập podcast hay sách nói bạn yêu thích. Thực hành thói quen này thường xuyên, việc dọn dẹp nhà cửa sẽ không còn là cực hình, thay vào đó bạn có thể vừa vận động nhẹ nhàng, vừa tận hưởng thành quả vô cùng xứng đáng sau khi hoàn tất. Ngoài ra, bằng cách này, bạn sẽ tận hưởng khoảng thời gian dọn dẹp hơn, giúp cải thiện khả năng tập trung và tiết kiệm thời gian làm việc.
4. Sử dụng túi thông minh
Những chiếc túi thông minh luôn là sự lựa chọn tuyệt vời để bạn giữ cho tổ ấm của mình luôn sạch sẽ và thoáng đãng. Chúng được thiết kế để tận dụng tối đa không gian lưu trữ, giúp bạn sắp xếp các vật dụng ngăn nắp, khiến chúng không chiếm quá nhiều diện tích. Bạn có thể dễ dàng phân loại và sắp xếp các vật dụng theo từng nhóm riêng biệt, như quần áo, giày dép, sách vở, hay đồ chơi của trẻ nhỏ. Điều này giúp việc tìm kiếm trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn, đồng thời chống thấm nước và bụi bẩn cho đồ dùng.
5. Sử dụng quy luật “một lần chạm”
“Một lần chạm” là một thói quen đơn giản giúp việc dọn dẹp nhà cửa trở nên đơn giản. Nguyên tắc này rất dễ hiểu: khi cầm một vật lên, bạn nên đặt nó ngay về vị trí ban đầu sau khi dùng xong thay vì đặt ở nơi tùy ý và bắt đầu làm việc khác. Bởi đôi khi chúng ta có ý định trả đồ vật về chỗ cũ nhưng lại bị phân tâm bởi yếu tố khác, và cuối cùng đồ vật đó bị bỏ quên ở một nơi nào đó, khiến căn nhà trở nên bừa bộn theo thời gian. Khi áp dụng quy luật “một lần chạm” thường xuyên, vấn đề này sẽ được giải quyết và dần dần, bạn sẽ vô thức hình thành thói quen trả lại đồ vật về vị trí ban đầu của nó và hạn chế đi tình trạng vứt đồ đạc linh tinh.
BÀI LIÊN QUAN
6. Dọn giường mỗi sáng
Giường là nơi chúng ta nghỉ ngơi và thư giãn sau một ngày dài làm việc. Vì thế, cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp và mềm mại sau khi thức dậy mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu, khiến chúng ta không muốn di chuyển, điều này vô tình dẫn đến việc bạn có ít thời gian hơn để chuẩn bị cho buổi sáng, khiến dọn giường lại trở thành nhiệm vụ khó khăn. Đặc biệt với nhịp sống hối hả hiện đại, dành thêm vài phút dọn giường có thể được xem là lãng phí thời gian vào những ngày bận rộn. Tuy nhiên, thói quen không tốt này lại khiến cho chiếc giường của bạn không được gọn gàng, tạo ra cảm giác lộn xộn và mất thẩm mỹ. Bên cạnh đó, một căn phòng bừa bộn dễ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và chán nản, mặt khác, từ thói quen này giường vô tình trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn và bụi bẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bạn.
Để thay đổi một thói quen cố hữu không phải là điều dễ dàng. Do đó, bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như đi ngủ sớm hơn để thức dậy sớm, hay thử bật một bài hát thật sôi động khởi đầu một ngày mới đầy năng lượng, bạn sẽ trở nên tỉnh táo và có thêm động lực dọn giường ngăn nắp vào buổi sáng.
7. Sử dụng giá đỡ bát dĩa đa năng
Sau mỗi bữa ăn, một chiếc bồn rửa chất đầy chén dĩa có thể sẽ làm bạn choáng ngợp và mệt mỏi. Không những thế, nếu không sắp xếp gọn gàng các đồ vật và dụng cụ làm bếp, những tình huống xấu như rơi vỡ chén dĩa, trầy xước đồ vật hay thậm chí chúng vô tình khiến bạn bị thương là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Giải pháp tối ưu để hạn chế vấn đề này đó là sử dụng những chiếc kệ, rổ hoặc giá úp bát dĩa đa năng. Với những lợi ích tuyệt vời như tối ưu hóa không gian làm bếp, gìn giữ vệ sinh, tăng tính thẩm mỹ, bảo quản bát dĩa tốt hơn, giá đỡ dĩa đa năng sẽ giúp cho việc dọn dẹp nhà bếp không là còn một cơn ác mộng đối với những cô nàng “lười” và yêu thích sự tiện lợi.
8. Vừa nấu ăn, vừa dọn dẹp
Nấu ăn thường đi kèm với sự lộn xộn. Chẳng hạn khi bạn chuẩn bị nguyên liệu, trải qua các công đoạn sơ chế thức ăn, bạn sẽ sử dụng nhiều dụng cụ như nồi, chảo, chén, đũa… dẫn đến việc bày biện nhiều thứ cùng một lúc. Hơn nữa, trong quá trình chế biến, các vụn thực phẩm, nước, dầu ăn và gia vị có thể rơi vãi, gây ra tình trạng bám dính trên bề mặt không gian bếp. Dọn dẹp trong lúc nấu ăn sẽ giúp bạn tránh khỏi việc đối mặt với một đống nồi chảo sau đó và giữ cho căn bếp luôn sạch sẽ, gọn gàng.
Để thực hiện, bạn có thể chuẩn bị khăn giấy đa năng hoặc những dung dịch lau bếp để sẵn sàng xử lý những vết ố, tình huống đổ vỡ, rơi vãi thức ăn, đồ uống xuống sàn và rửa ngay bát dĩa, nồi chảo khi sử dụng xong. Lúc bữa ăn kết thúc, hãy dành thêm vài phút để dọn dẹp và trả căn bếp trở về trạng thái sạch sẽ, tươm tất ban đầu. Nhờ thế, bạn sẽ muốn nấu ăn thường xuyên hơn và chuẩn bị những bữa tối không còn là một “cực hình” nữa.
9. Sắp xếp tủ lạnh ngăn nắp
Giữ tủ lạnh ngăn nắp không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức dọn dẹp, mà còn đảm bảo sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình mỗi khi sử dụng thực phẩm. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa duy trì được thói quen tích cực này. Việc lâu ngày không dọn dẹp và kiểm tra tủ lạnh có thể dẫn đến thực phẩm trong tủ lạnh không còn tươi, hình thành nơi tồn đọng cho vi khuẩn, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn chéo và lây lan đến những khu vực xung quanh.
Do đó, để hạn chế vấn đề này, hãy tạo ra một không gian chứa thật ngăn nắp và gọn gàng. Bắt đầu với việc phân loại thực phẩm, chia thành các nhóm như rau củ, trái cây, thịt, sữa… và xếp chúng vào các ngăn riêng biệt. Sử dụng các hộp đựng thực phẩm trong suốt có nắp đậy để đặt thực phẩm vào, phương pháp này giúp bạn dễ dàng quan sát, bảo quản thực phẩm tốt hơn và tìm kiếm mỗi khi cần thiết. Sau đó, hãy dán nhãn cẩn thận ngày sử dụng và hết hạn của từng loại thực phẩm, nhờ thế bạn sẽ biết cách phân bố và sử dụng hợp lý để chế biến thực đơn mà không bị lãng phí thức ăn. Cuối cùng là hãy vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, ít nhất là từ 1-2 lần một tuần để loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi bên trong không gian tủ lạnh.
10. Thường xuyên giặt ủi
Vào những tuần lười biếng, việc đối mặt với hàng tá quần áo được tích tụ suốt một tuần thực sự là cơn ác mộng khiến cho chúng ta đều phải choáng ngợp và đau đầu. Tuy nhiên, tình trạng nhức nhối này hoàn toàn có thể giải quyết nếu bạn biết cách phân bổ thời gian giặt ủi hợp lý. Hãy thử chia nhỏ thời gian giặt quần áo vào các ngày trong tuần, bạn có thể chọn một hoặc ngày cố định để giặt một phần quần áo bẩn, phần còn lại có thể chia vào hai ngày cuối tuần. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế được tình trạng quần áo xếp chồng và tiết kiệm được thời gian dành cho những hoạt động khác.
Để thực hiện phương pháp này thuận lợi hơn, những chiếc giỏ đựng quần áo đa năng sẽ giúp bạn tiết kiệm không gian sống, dễ dàng phân loại từng item, hạn chế mất quần áo và giữ gìn vệ sinh cho căn nhà.
11. Làm sạch thùng rác
Không gì tệ hơn một căn bếp có mùi khó chịu. Nguồn gốc của hiện tượng này thường xuất phát từ chiếc thùng rác đã lâu không được dọn sạch. Do đó, để duy trì một không gian sống sạch sẽ, bạn nên duy trì thói quen thường xuyên làm sạch thùng rác. Điều này giúp cho môi trường sống của chúng ta trở nên ngăn nắp và gọn gàng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái mỗi khi nấu ăn và dọn dẹp. Bên cạnh đó, nó cũng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và sự sinh sôi của các loài côn trùng, động vật gặm nhấm, đồng thời hạn chế các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ môi trường.
Vì thế, hãy cố gắng dọn rác mỗi ngày hoặc ít nhất 2 ngày một lần để hạn chế những tình trạng trên. Hãy thử cân nhắc đến những chiếc bao tay hoặc dung dịch vệ sinh mỗi khi dọn rác, nhờ chúng mà công việc dọn dẹp này sẽ không còn khiến bạn ngại ngùng hay “đau đầu” mỗi khi thực hiện. Bên cạnh đó, việc lựa chọn những chiếc túi đựng rác phù hợp cũng vô cùng hữu ích, hạn chế tình trạng rác bị đổ ra ngoài và vương vãi khắp nơi.
12. Sắp xếp ngăn nắp các vật dụng
Bí quyết để ngôi nhà luôn ngăn nắp và gọn gàng là đảm bảo tất cả các vật dụng, dù nhỏ nhặt nhất đều được sắp xếp ngăn nắp. Nếu đang phân vân không biết nên để những đồ vật như chìa khóa nhà, xe, trang sức hay những món đồ linh tinh ở đâu, hãy thử cân nhắc đến những chiếc khay chứa đồ. Bạn có thể dành chút thời gian để sắp xếp và quyết định bố trí những chiếc khay này ở nơi mà bạn dễ dàng tìm thấy và thường xuyên đi qua. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều mỗi khi bạn cần kiếm đồ vào những trường hợp khẩn cấp, giảm thiểu sự xáo trộn và giúp cho tất cả các vật dụng trong nhà đều được sắp xếp một cách có trật tự.
Xem thêm
• 6 mẹo trang trí phòng ngủ giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ
• Những quy luật phong thủy giúp mang lại may mắn cho từng không gian sống trong nhà
• Gợi ý cách đặt gương trong nhà theo quy tắc phong thủy để thu hút may mắn
13. Lau sạch các bề mặt
Việc lau sạch các bề mặt thường xuyên là một thói quen đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất lớn trong quá trình dọn dẹp và thanh lọc không gian sống. Các bề mặt trong nhà, đặc biệt là nhà bếp và phòng tắm thường nơi những nơi tích tụ rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm. Vì thế, việc lau chùi thường xuyên giúp loại bỏ những yếu tố này, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và hạn chế các bệnh truyền nhiễm. Hơn nữa, thói quen này còn giúp bảo quản các đồ dùng nội thất như bàn, ghế, tủ… khỏi bị ố vàng, hư hỏng do bụi bẩn và hóa chất. Cuối cùng, cảm giác sáng bóng và tươi mát mỗi khi dọn dẹp và làm sạch các bề mặt khiến cho chúng ta cảm thấy sảng khoái khi sống và làm việc trong một không gian sạch sẽ. Do đó, chuẩn bị một chiếc khăn nhỏ trong phòng tắm hoặc nhà bếp là điều cần thiết để lau khô phần nước tồn đọng sau khi đánh răng, rửa mặt mỗi ngày.
14. Dọn dẹp trước khi đi ngủ
Một cuộc tổng vệ sinh vào cuối ngày là điều cần thiết cho bất kỳ cô gái nào muốn có một ngôi nhà luôn sạch sẽ. Khi thức dậy trong một căn phòng gọn gàng, gian bếp tươm tất và phòng khách ngăn nắp sẽ mang đến cảm giác tuyệt vời và dễ chịu, giúp bạn có thêm động lực để bắt đầu một ngày mới đầy sảng khoái. Không những thế, việc nhìn thấy ngôi nhà sạch sẽ trước khi đi ngủ sẽ giúp tâm trí bạn thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ sâu hơn.
15. Lên lịch dọn dẹp thường xuyên
Ngôi nhà luôn tươm tất đòi hỏi sự nỗ lực, tính kỷ luật và tinh thần tổ chức rất cao của gia chủ. Duy trì một không gian sống ngăn nắp và sạch sẽ, thiết lập một lịch trình dọn dẹp cụ thể đóng vai trò quan trọng sẽ giúp bạn kiểm soát khối lượng công việc, hạn chế tình trạng quá tải, tiết kiệm thời gian và giúp theo dõi tiến độ vệ sinh nhà cửa dễ dàng hơn.
Hãy thử bắt đầu với việc xác định những khu vực cần dọn dẹp trước như phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng tắm… Sau đó bạn cần lập một danh sách các công việc cần làm cho từng khu vực vào những ngày hoặc khung giờ cụ thể. Tiếp đến, phân chia các công việc thành những nhiệm vụ nhỏ và ưu tiên thứ tự quan trọng của chúng, nhờ thế, bạn sẽ linh hoạt hoàn thành trước những việc cần thiết và dần điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của ngôi nhà.
Nhóm thực hiện