[CẬP NHẬT] ELLE Design Contest – Cuộc thi thiết kế thời trang đầu tiên do ELLE tổ chức

Đăng ngày:

ELLE DESIGN CONTEST là một sự kiện trong năm của tạp chí ELLE Việt Nam, là một hoạt động thường niên của ELLE Fashion Journey. Chủ đề năm nay chính là Sustainable Fashion.

TẠI SAO TẠP CHÍ ELLE LẠI TỔ CHỨC CUỘC THI THIẾT KẾ THỜI TRANG VỚI CHỦ ĐỀ SUSTAINABLE FASHION?

Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco fashion) là một xu hướng không thể tránh khỏi trong định hướng phát triển của ngành thời trang. Thời trang và dệt là ngành công nghiệp đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ ô nhiễm môi trường, chỉ sau ngành dầu khí. Mỗi công đoạn để làm nên một món đồ thời trang đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nguyên liệu tự nhiên.

Mục đích của Thời trang bền vững là sửa chữa hoặc xây dựng hệ thống của ngành công nghiệp này nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội.

Cuộc thi thiết kế thời trang “Thời trang bền vững” không chỉ chú trọng vào sự sáng tạo, tư duy thiết kế mà còn là cách các thí sinh đưa những giải pháp về phát triển bền vững vào tác phẩm của mình.

Mỗi đội (2 thí sinh trong 1 đội) tham gia cuộc thi sẽ được yêu cầu lên ý tưởng, phác thảo một bộ sưu tập có yếu tố thời trang bền vững đồng thời lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên của nước Úc.

Cuộc thi này dành cho sinh viên ngành thiết kế tại các trường đại học với mục tiêu thách thức các nhà thiết kế trẻ trong việc tư duy, sáng tạo và phát triển ý tưởng về Thời trang bền vững.

Cuộc thi mong muốn mang đến nguồn cảm hứng, kiến thức, và trải nghiệm thiết thực cho các tài năng thiết kế trẻ thông qua một sân chơi chuyên nghiệp với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia trong ngành thiết kế, sản xuất thời trang và truyền thông.

Cuộc thi do tạp chí ELLE Việt Nam tổ chức cùng với sự đồng hành của Tổng lãnh sự quán Úc, Hiệp hội Len Úc, Trường đại học RMIT và thương hiệu len Woolmark.

elle fashion design contest

NGƯỜI THẮNG CUỘC SẼ NHẬN ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Đội đạt giải nhất sẽ nhận được giải thưởng chung cuộc là chuyến đi đào tạo thời trang ngắn hạn tại nước Úc

Các đội tham gia lọt vào top 03 sẽ có cơ hội gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm, và được tư vấn bởi các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế thời trang, sản xuất nguyên liệu may mặc, truyền thông…

03 BST được lựa chọn vào top 03 sẽ được giới thiệu tại sự kiện thời trang của ELLE – ELLE Fashion Journey, được chụp hình bởi đội ngũ sáng tạo của ELLE và đăng trên tạp chí và các kênh truyền thông của ELLE.

THỜI GIAN THAM GIA CHO CÁC THÍ SINH DỰ THI

Vòng 1: Công bố cuộc thi và nhận hồ sơ dự thi

Từ ngày 02/10/2017 đến hết ngày 05/11/2017

Thí sinh gửi hồ sơ dự thi về tạp chí ELLE

Vòng 2: Công bố top 3

BTC sẽ công bố top 3 đội dự thi được lọt vào vòng 2 vào ngày 08/11/2017

Các đội thuộc top 3 sau khi nhận được thông báo sẽ bắt đầu phát triển và thực hiện 2 mẫu chính trong bộ sưu tập dự thi.

Vòng 3: Triển lãm/Trình diễn BST của 3 đội thuộc top 3 và công bố đội thắng giải

6 mẫu thiết kế thuộc 3 BST của top 3 sau khi hoàn thành sẽ được triển lãm/trình diễn tại chương trình ELLE Fashion Journey dự kiến diễn ra vào tháng 12/2017.

Ban giám khảo sẽ theo dõi, đánh giá cả 3 đội trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thiện mẫu thiết kế.

Đội thắng cuộc sẽ được công bố tại buổi trình diễn thời trang ELLE Fashion Journey.

Indonesia Detox Catwalk

(Ảnh: Green Peace)

NỘI DUNG VÀ THỂ LỆ

Vòng 1:

Đối tượng dự thi là sinh viên chính thức của ngành thiết kế tại các trường đại học trên toàn quốc.

Mỗi đội dự thi phải bao gồm hai (2) thí sinh

Mỗi đội dự thi sẽ lên ý tưởng, bản vẽ phác thảo bao gồm 6 mẫu thiết kế thời trang ứng dụng cho bộ sưu tập dành cho nữ hoặc nam với ý tưởng trung tâm là “thời trang bền vững” và lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên của nước Úc.

Điều kiện yêu cầu:

  • Các mẫu thiết kế dự thi phải là bản gốc do chính các thí sinh thiết kế
  • Tác phẩm phải mang tính hiện đại, tính ứng dụng thể hiện rõ sự sáng tạo và mang đậm nét cá tính của nhà thiết kế.
  • Có yếu tố “Thời trang bền vững”: Thí sinh có thể lựa chọn một trong nhiều gợi ý của Ban tổ chức
  • Có yếu tố dựa trên cảm hứng từ thiên nhiên nước Úc – có thể được thể hiện qua nhiều chi tiết khác nhau, ví dụ như màu sắc, hoạ tiết trang trí, chất liệu lựa chọn…

Yêu cầu về hồ sơ dự thi:

Bảng diễn giải ngắn gọn về ý tưởng của bộ sưu tập, về yếu tố bền vững và cảm hứng thiên nhiên của nước Úc trong BST

  • Bảng moodboard để trình bày về hình ảnh của quá trình nghiên cứu (research) và tìm kiếm cảm hứng cho bộ sưu tập.
  • Bản vẽ phác thảo 6 mẫu thiết kế của bộ sưu tập được vẽ trên giấy A3. Các mẫu thiết kế phải vẽ theo chiều ngang của giấy.
  • Mẫu phác thảo mô tả chi tiết mặt trước và mặt sau của 2 bộ trang phục chính của bộ sưu tập sẽ được thực hiện nếu được chọn vào top 3. Một trong 2 bộ trang phục khi thực hiện sẽ sử dụng chất liệu len do thương hiệu Woolmark tài trợ.
  • Mỗi tờ giấy chỉ vẽ một phác thảo. Mô tả chi tiết chất liệu dùng cho mẫu thiết kế.
  • Thông tin của đội dự thi bao gồm:
  1. Tên đội dự thi
  2. Họ và tên 2 thành viên của đội
  3. Địa chỉ liên lạc, điện thoại, email của mỗi thành viên
  4. Ngành học / Trường đang theo học
  5. Bản sao chứng minh nhân dân/hộ chiếu của 2 thành viên của đội
  6. Nơi gửi mẫu dự thi:

Ban tổ chức Cuộc thi thiết kế thời trang “Sustainable Fashion” – Thời trang bền vững

  • File soft copy: designcontest@elle.vn
  • File hard copy: Toà nhà Copac Square – 12 Tôn Đản, P13, Q4, TPHCM

BTC không có nghĩa vụ trả lại mẫu dự thi mà thí sinh đã gửi tham gia.

*** Thí sinh phải gửi bài dự thi theo cả 2 định dạng file soft copy và hard copy.

Vòng 2

  • Kết quả 3 đội được lọt vào vòng 2 sẽ được công bố trực tiếp trên website của cuộc thi http://www.elle.vn/design-contest cùng với các kênh truyền thông của ELLE.
  • 3 đội lọt vào vòng 2 cũng sẽ nhận được thông báo chính thức từ Ban tổ chức.
  • 3 đội top 3 sẽ thực hiện và tiến hành may 2 mẫu thiết kế chính dựa trên ý tưởng và bản phác thảo đã gửi về tham dự.
  • Mỗi đội sẽ sử dụng chất liệu len do thương hiệu Woolmark tài trợ cho 1 trong 2 mẫu thiết kế của mình.
  • Mỗi đội sẽ có thời gian 03 tuần để hoàn thành 2 mẫu thiết kế.
  • BTC sẽ hỗ trợ chi phí để thực hiện trang phục là 15.000.000 đồng/đội cho 2 bộ trang phục (đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân).

  • Trong thời gian thực hiện, các thí sinh sẽ có cơ hội được BGK hướng dẫn, chia sẻ nhận xét đồng thời đánh giá về quá trình sáng tạo, cách làm việc giữa hai thí sinh trong từng đội.
  • Cả 2 thí sinh trong đội dự thi phải trực tiếp tham gia quá trình thực hiện mẫu thiết kế.

Vòng 3

  • Sau khi hoàn thành 2 mẫu thiết kế theo yêu cầu, 3 đội dự thi sẽ chuyển các mẫu trang phục cho Ban tổ chức để chuẩn bị cho những bước tiếp theo.
  • Đội ngũ sáng tạo và biên tập viên của tạp chí ELLE sẽ thực hiện bộ hình giới thiệu về 6 bộ trang phục của 3 đội thuộc top 3.
  • Các thí sinh sẽ cùng với BTC cuộc thi và ELLE Fashion Journey lên ý tưởng, chuẩn bị, chọn người mẫu, trang điểm… cho buổi trình diễn.
  • BTC sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê người mẫu, trang điểm và làm tóc… cho phần trình diễn của các thí sinh tại ELLE Fashion Journey
  • Cả 3 đội thuộc top 3 sẽ nhận được giấy chứng nhận từ Ban tổ chức
  • Đội thắng cuộc cuối cùng sẽ được công bố sau buổi trình diễn tại sự kiện ELLE Fashion Journey.

TIÊU CHÍ CHẤM ĐIỂM

Ban giám khảo sẽ chấm theo thang điểm 10 cho từng tiêu chí sau:

  • Đáp ứng đúng yêu cầu của đề tài là có ứng dụng yếu tố Thời trang bền vững và lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên của nước Úc
  • Sự sáng tạo (ý tưởng mới mẻ không trùng lập, có tư duy sâu sắc trong cách đưa ra những giải pháp về thiết kế và thực hiện…)
  • Kỹ thuật (làm rập, cutting, pattern making, thêu đính, trang trí, mix match…)
  • Sự phối hợp và tính chuyên nghiệp giữa 2 thành viên trong đội- Điểm của mỗi đội tham gia sẽ bằng tổng số điểm của Ban giám khảo- Tiêu chí lựa chọn và điểm số của thí sinh ở từng vòng thi phụ thuộc vào đánh giá nghệ thuật và thẩm mỹ của BGK.- Kết quả của BTC là kết quả cuối cùng- Thí sinh sẽ không có bất kỳ khiếu nại nào đối với kết quả vòng thi. Thí sinh không có thái độ, hành vi, lời nói tiêu cực về kết quả cuộc thi. BTC có quyền rút lại quyền lợi hoặc giải thưởng trao cho thí sinh nếu thí sinh có hành vi vi phạm nội dung này.

Ban giám khảo

  • Bà Karen Lanyon – Tổng lãnh sự Úc 
  • Ông Nguyễn Công Trí – Nhà thiết kế thời trang 
  • Bà Betty Tran – Nhà thiết kế thời trang 
  • Bà Liên Chi – Thư ký toà soạn tạp chí ELLE 
  • Ông Dzũng Yoko – Giám đốc sáng tạo tạp chí ELLE

cuộc thi thiết kế thời trang elle design contest

Ảnh: Green Peace

THỜI TRANG BỀN VỮNG LÀ GÌ? 

Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) không có một đích đến duy nhất. Đó là hành trình một thương hiệu hay doanh nghiệp thời trang cần liên tục học hỏi và thay đổi để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trái đất và toàn thể công dân.

Mỗi thương hiệu, mỗi nhà thiết kế thời trang đều có thể chọn một công thức bền vững riêng phù hợp nhất với các giá trị, niềm tin, con người và nguồn lực tài chính của mình. Mỗi bước thay đổi dù nhỏ nhất đều rất quan trọng.

Sau đây là một vài gợi ý:

Chất liệu / Vải vóc

  • Chất liệu vải thiên nhiên: chất liệu làm từ sợi tự nhiên và có thể tự phân huỷ
  • Chất liệu vải hữu cơ: chất liệu làm từ sợi tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón nhân tạo hay các hoá chất độc hại khác
  • Chất liệu vải tái chế: Chất liệu vải làm từ những sợi vải được cải tạo sau khi đã được sử dụng, tái chế những sản phẩm dư thừa hoặc đã bị loại bỏ thành sản phẩm mới
  • In ấn và nhuộm sinh thái: sử dụng chất nhuộm tự nhiên, không độc hại; nhuộm bằng chất nhuộm sắc tố; sử dụng màu mực gốc nước để in; in vải bằng laser
  • Chất liệu thủ công: chất liệu, kỹ thuật làm bằng tay ví dụ như đan len, đan chất liệu dạ, thêu, nhuộm hoặc in bằng tay
  • Chất liệu vegan (hoàn toàn từ thực vật): chất liệu nhân tạo thay vì sử dụng da động vật hay các sản phẩm dùng mô động vật
  • Chất liệu second-hand: chất liệu, vải vóc đã qua sử dụng
  • Chất liệu vintage: chất liệu, vải, hay những khái niệm cổ điển từ những niên đại trước

Quy trình sản xuất:

  • Sản xuất có đạo đức: các sản phẩm, các bộ sưu tập được sản xuất với sự tôn trọng con người và môi trường. Điều này có nghĩa rằng bạn có cam kết những người tham gia quy trình sản xuất được đối xử công bằng với mức lương và thời gian làm việc hợp lý
  • Sản xuất nội địa: nơi sản xuất cách địa điểm bán lẻ không qua 400 km, giúp tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế của khu vực; giảm thiểu ô nhiễm do quá trình vận chuyển sản phẩm
  • Sản xuất trong nước: toàn bộ thành phẩm được sản xuất trong cùng lãnh thổ với những địa điểm bán lẻ, tạo việc làm và góp phần thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia đó
  • Giảm thiểu tối đa chất thải: sử dụng tối thiểu nguyên vật liệu để giảm thiểu chất thải; ví dụ như số lượng mẫu sample ít nhất có thể, tái sử dụng hoặc hạn chế bản rập, quản lý và kiểm kê hàng hóa hiệu quả…
  • Sử dụng công nghệ ít ảnh hưởng: ví dụ như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng điện, nhuộm hoặc hồ vải tự nhiên…
  • Giảm thiểu lượng nước sử dụng: Không sử dụng nước hoặc dùng lượng nước tối thiểu, tái sử dụng nguồn nước để làm sạch; hoặc sử dụng công nghệ Ozone
  • Sản xuất theo đơn đặt hàng: chỉ sản xuất theo đơn đặt hang cụ thể để bảo đảm chất lượng và tránh sản xuất đại trà, như vậy sẽ giảm thiểu tổng số lượng thành phẩm và người tiêu dùng có thể sử dụng trong thời gian dài
  • Sản phẩm thủ công: Quy trình sản xuất bằng tay và giảm thiểu tự động hoá; tập trung vào một nhóm thợ thủ công với tay nghề cao thay vì sử dụng lượng lao động lớn với kỹ năng thấp. Những người thợ thủ công có thể tự làm chủ hoặc làm thuê cho một doanh nghiệp nhỏ, trái với quy trình sản xuất công nghiệp

Quy trình phân phối

  • Cách đóng gói khi vận chuyển: tái sử dụng thùng, giảm thiểu tối đa túi ny lông, thùng carton và các loại giấy gói
  • Vận chuyển: Giảm thiểu số lần chuyển hàng mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ quá trình vận chuyển
  • Phương tiện vận chuyển: giao hàng hay vận chuyển bằng các loại phương tiện bằng điện, hybrid hay sử dụng dầu diesel. Nếu sản phẩm được sản xuất nội địa gần nơi bán lẻ, có thể sự dụng phiên tiện công cộng hoặc xe không động cơ để giảm ô nhiễm
  • Bán hàng qua mạng và cắt giảm người trung gian: Liên hệ trực tiếp với người mua hay người sử dụng để giảm nguồn năng lượng sử dụng trong việc vận chuyển hay nguyên vật liệu. Cắt giảm người trung gian để bảo đảm tính minh bạch trong kinh doanh
  • Giảm thiểu và thay thế lượng chất thải nhà kính do quá trình vận chuyển

Marketing

  • Cách đóng gói hàng thân thiện môi trường: Sử dụng các cách đóng gói, túi xách có thể sử dụng được nhiều lần, bằng chất liệu có thể dùng cho nhiều mục đích, chất liệu tái chế, tự phân huỷ…
  • Quảng cáo: Hạn chế hoặc hoàn toàn không sử dụng giấy để in tờ bướm hay catalogue
  • Nhãn mác của thương hiệu: sử dụng giấy hoặc vải tái chế để in nhãn mác, bảng giá và hạn chế số lượng càng ít càng tốt
  • Cách trình bày, giới thiệu về hình ảnh thương hiệu: dung các vật dụng trang trí tái chế, móc quần áo tái chế..
  • Áp dụng chương trình đổi hoặc tái chế quần áo cho những món đồ mà khách hàng không còn sử dụng nữa

Thành phẩm

  • Sản phẩm bền vững: sản phẩm có thể sử dụng trong thời gian dài nhất có thể, không cần phải liên tục thay thế với chất lượng cao
  • Sử dụng liên mùa: sản phẩm có thể sử dụng vào tất cả các mùa trong năm, giảm lượng tiêu thụ trong năm, những sản phẩm được cho là “thời thượng” bất kể thời gian nào trong năm
  • Sản phẩm có thể sử dụng hoặc mặc bằng nhiều cách khác nhau, với những tính năng khác nhau
  • Sản phẩm tái chế

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more