ELLE Women In Society tháng 10/2018: Ung thư vú và những điều phụ nữ cần biết
Với chủ đề Sứ điệp nơ hồng – Vinh danh những chiếc binh Eva, sự kiện ELLE Women in Society tháng 10 đã mang đến buổi chia sẻ bổ ích về căn bệnh ung thư vú tại trung tâm hội nghị GEM Center.
27/10 vừa qua, nhân dịp tháng phòng chống ung thư vú, ELLE Women in Society đã tổ chức hội thảo: VINH DANH NHỮNG CHIẾN BINH EVA & SỨ ĐIỆP NƠ HỒNG. Chương trình có sự tham gia của bác sĩ Ngô Hà Anh – Bác sĩ Sản Phụ Khoa Victoria Healthcare – và chị Thủy Tiên – Co-founder & General Director của Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam (BCNV), dưới sự dẫn dắt của MC Yumi Dương tại trung tâm hội nghị GEM Center.
Hội thảo còn có sự góp mặt của các tên tuổi quen thuộc với công chúng như: Người mẫu Thùy Dương, Phan Quỳnh Như, Cao Lâm Viên, Ca sĩ Lê Thiện Hiếu, Beauty blogger Gấu Zoan…
Những thông tin cần biết về ung thư vú
Tại sao ung thư vú lại trở thành mối quan tâm toàn cầu, việc chăm sóc sức khỏe vùng ngực quan trọng như thế nào đối với phụ nữ, các dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng tránh… là những vấn đề được thảo luận trong phần đầu của chương trình.
Một số liệu thống kê cho biết, chúng ta có thể kiểm tra Facebook 3.000 lần/năm nhưng lại không thường xuyên tự
khám hoặc đến bệnh viện thăm khám vùng ngực. Bác sĩ Hà Anh cho biết, việc thường xuyên quan sát, kiểm tra vùng ngực và tầm soát ung thư vú định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các triệu chứng, quá trình điều trị cũng sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bác sĩ hướng dẫn cách tự khám vú tại nhà vào thời điểm vừa sạch kinh hàng tháng: Dùng tay trái sờ và kiểm tra vú bên phải xem có khối u, vùng da có sần hay có dịch tiết ra ở núm vú hay không và làm tương tự với bên ngược lại. Nếu cảm thấy có những triệu chứng bất thường dưới đây, bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán:
- Khối u ở vú (cứng, không di động, bờ không đều…)
- Hạch nách
- Sưng một phần hoặc toàn bộ vú
- Da biến đổi, sần như vỏ cam
- Đau vú, đau núm vú
- Núm vú tụt vào trong
- Da vú dày dính
- Tiết dịch núm vú bất thường
Ung thư vú là một trong những loại ung thư thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nữ giới. Song, đây cũng là căn bệnh có khả năng chữa lành cao, với tỉ lệ chữa lành lên đến 80-100% nếu như phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí thấp. Do đó, việc thăm khám, tầm soát định kỳ rất quan trọng. Các phương tiện tầm soát ung thư vú hiện nay bao gồm: nhũ ảnh, siêu âm, MRI.
Phụ nữ có nguy cơ ung thư vú thấp nên bắt đầu thực hiện tầm soát bằng phương pháp chụp nhũ ảnh từ 40 tuổi trở lên, mỗi hai năm một lần. Những người có nguy cơ ung thư vú cao (tiền căn gia đình có nhiều người mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, người mang gen đột biến BRCA…) nên bắt đầu tầm soát sớm hơn.
Người mang gen đột biến BRCA có thể cân nhắc việc phẫu thuật cắt vú để giảm thiểu nguy cơ. Với những người mang gen BRCA không lựa chọn phẫu thuật cắt vú dự phòng nên được tầm soát ung thư vú bằng việc:
- Tự khám vú từ năm 18 tuổi
- Khám vú và chụp MRI vú hàng năm từ 25 tuổi (hoặcsớm hơn tùy theo độ tuổi khởi phát ung thư vú trong gia
đình) - Chụp nhũ ảnh định kỳ hàng năm từ năm 30 tuổi (hoặc sớm hơn tùy theo độ tuổi khởi phát ung thư vú trong gia đình)
Bác sĩ cũng lưu ý những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú cao như:
- Tiền sử gia đình có người người thân thuộc thế hệ thứ nhất (mẹ, chị, em gái, con gái…) mắc ung thư vú
- Di truyền: đột biến gen di truyền
- Béo phì sau tuổi mãn kinh, ít vận động thể chất
- Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi)
- Các yếu tố liên quan đến vấn đề sinh sản: sinh con lần đầu muộn (>30 tuổi), không cho con bú, không sinh con
- Mật độ mô tuyến vú dày
- Tăng sản không điển hình tuyến vú phát hiện qua sinh thiết tuyến vú
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormon thay thế làm gia tăng nhẹ nguy cơ
- Các yếu tố liên quan đến lối sống: uống rượu, hút thuốc, làm việc ca đêm thường xuyên
Bệnh ung thư vú có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Do đó, nam giới không nên chủ quan với căn bệnh này. Xây dựng lối sống lành mạnh, nuôi con bằng sữa mẹ, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên tập thể dục là biện pháp phòng tránh hữu hiệu.
Ngoài ra, nhắc đến chăm sóc sức khỏe vùng ngực thì không thể không kể đến áo lót. Chị Thủy Tiên chia sẻ 4 yếu tố cần quan tâm trong việc lựa chọn áo ngực, đây cũng là bước quan trọng giúp ngăn ngừa ung thư vú. Bên cạnh việc quan tâm đến số đo vòng ngực, cúp ngực, hình dáng của ngực thì chất liệu vải là điều bạn cần lưu ý. Những chất liệu mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt sẽ an toàn hơn.
Liệu pháp tinh thần cho bệnh nhân ung thư vú
Phần tiếp theo của chương trình thảo luận tầm quan trọng của liệu pháp tinh thần trong việc chữa bệnh ung thư vú. Cả 2 khách mời đều đồng ý rằng bên cạnh quá trình điều trị bằng phương pháp y khoa, sự hỗ trợ tinh thần có tác động lớn không kém. “Tế bào ung thư sợ nhất là tình yêu”, chị Thủy Tiên cho biết. Tình yêu ấy xuất phát từ những người thân trong gia đình và từ chính bản thân người mắc bệnh.
Những câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực vượt qua của các bệnh nhân mắc ung thư vú được chia sẻ trong không gian lắng đọng. Câu chuyện đầu tiên về chị Thương Sobey, chị gái của chị Thủy Tiên. Chị Thương nhận được giấy chuẩn đoán mắc ung thư vú khi vừa tròn 30 tuổi, không lâu sau khi chị đính hôn. Đau khổ và tuyệt vọng nhưng chị quyết không đầu hàng số phận.
Chị quyết định tìm hiểu về bệnh ung thư vú để có thể sống vui với căn bệnh này. Chị bắt đầu công việc với Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam (BCNV), dịch thuật các tài liệu nghiên cứu khoa học để giúp phụ nữ Việt Nam có thêm kiến thức. Sau gần 2 năm hoạt động, BCNV đã cung cấp cho người bệnh thư viện tóc giả, áo quả ngực, các bài tập phục hồi chức năng, tập yoga, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, chiến dịch tuyên truyền…
Dù biết rằng hành trình của mình không còn dài, chị Thương vẫn chúc cho chính mình và những người phụ nữ khác có đủ hành trang để mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn cả nỗi sợ hãi.
Câu chuyện thứ hai về một bệnh nhân mắc bệnh năm 23 tuổi, khi ấy, tế bào ung thư đã di căn vào xương. Bác sĩ tiên lượng cô ấy chỉ còn sống được 3 năm và không nên có chồng, sinh con. Tuy nhiên, cô ấy vẫn kết hôn với người mình yêu và hạnh phúc chào đón đứa con đầu lòng vào năm 26 tuổi. Đến nay, đứa bé ấy đã được 11 tuổi và rất khỏe mạnh. Còn chị, chị đã sống lâu hơn gấp 5 lần thời gian được dự báo.
Từ hai câu chuyện trên, chị Thủy Tiên chia sẻ, chính tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm và tình yêu thương của gia đình đã làm nên điều kỳ diệu. Sự quan tâm, đồng hành của người thân sẽ giúp bệnh nhân có thêm sức mạnh. Bên cạnh đó, bản thân người mắc bệnh phải xây dựng lối sống lạc quan để đẩy lùi bệnh tật.
“Có những định kiến về bệnh nhân ung thư rằng, mặc nhiên họ phải trông tiều tụy, xấu xí, không có tóc và phải nằm yên trên giường bệnh. Nhưng những thành viên trong hiệp hội ung thư vú đang ngồi dưới kia, họ vẫn trông xinh đẹp, vui tươi trong những bộ trang phục màu hồng”, chị Tiên cho biết.
Phần hỏi đáp thu hút sự quan tâm của khán giả với nhiều vấn đề được đặt ra. Giải đáp thắc mắc về việc nguy cơ tái phát bệnh sau khi chữa lành, bác sĩ Hà Anh cho biết, khi mắc bệnh ung thư vú một bên, bên còn lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường. Do đó, sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn cần có chế độ ăn uống kiêng cử và thường xuyên đến khám định kỳ.
Đặc biệt, bệnh nhân không nên có thái độ sống giận dữ, thù hận quá khứ. Chị Thủy Tiên chia sẻ thêm, giận dữ không tốt cho chính bản thân mình vì khi đó, noron thần kinh sẽ tiết nhiều độc tố, là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại ung thư. Do đó, hãy xem ung thư như một cái cớ để chúng ta có thể “sống lại cuộc đời lần thứ hai”, là cơ hội sống cho chính bản thân mình và biết điều gì là quan trọng nhất vào ngay lúc này.
Không ai yêu thương bạn bằng chính bạn
Trong phần kết chương trình, bác sĩ Hà Anh nhắn nhủ: “Mỗi người phụ nữ nên biết quan tâm đến sức khỏe vì đây là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc và thành công. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh, tầm soát định kỳ không chỉ để phòng ngừa ung thư vú mà còn cả ung thư cổ tử cung – căn bệnh cũng có thể được chữa lành nếu phát hiện sớm. Chúc mọi người luôn sống khỏe, sống vui”.
Chị Thủy Tiên kết luận: “Đừng bao giờ chờ nhận giấy khám của bác sĩ hay khi gặp biến cố thì mới nghĩ đến việc phải sống khác đi. Bắt đầu từ bây giờ, hãy yêu cơ thể mình, yêu những gì mình có. Kiểm tra ngay chiếc áo lót của mình xem có đúng kích cỡ hay chưa và hãy mua những thứ đẹp đẽ nhất cho cơ thể. Đấy là cách yêu thương bản thân, là cách tuyệt vời nhất để chống lại ung thư vú”.
Buổi hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp với những thông tin bổ ích và câu chuyện cảm động được chia sẻ. Tin chắc rằng sau buổi nói chuyện, các bạn gái đã có thêm kiến thức bổ ích để chăm sóc sức khỏe cho mình và những người thân. Đừng quên theo dõi website và các trang mạng xã hội của ELLE Việt Nam để biết được chủ đề trong tháng tiếp theo nhé!
Cảm ơn thương hiệu nội y Calvin Klein Underwear đã đồng hành cùng ELLE Women in Society và GEM Center đã tài trợ địa điểm cho sự kiện lần này.
—
Xem thêm:
Cách phòng tránh bệnh ung thư vú cho phụ nữ ở mọi độ tuổi
Các số liệu về chiến dịch Phòng Chống Ung Thư Vú bạn cần biết
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE