Let’s Reuse 2022: Hành trình phát triển bền vững cần sự đồng hành của cả cộng đồng

Đăng ngày:

Nhân một ngày đầu tháng 5, ELLE cùng thương hiệu thời trang H&M và tổ chức phi lợi nhuận Greenhub Việt Nam đã tổ chức thành công buổi talkshow “Let’s Reuse” nhằm lan tỏa ý nghĩa và giá trị tích cực của lối sống bền vững. 

Ngày 6/5 vừa qua, trong không gian nhộn nhịp của Crescent Mall quận 7, buổi talkshow Let’s Reuse thu hút sự tham gia và chú ý của những người tham dự và đông đảo khách tham quan, mua sắm. Dưới sự dẫn dắt của chị Liên Chi – Giám đốc nội dung của tạp chí Phái đẹp ELLE, cùng với sự tham gia của chị Ngọc Luyến – Chuyên viên quản lý dự án/ chương trình về lao động, văn phòng sản xuất của H&M Việt Nam, chị Thư Vũ – Điều phối viên dự án CSER (Trách nhiệm với xã hội – môi trường của doanh nghiệp) của GreenHub Việt Nam và nữ diễn viên Thảo Tâm, buổi talkshow đã phần nào lan tỏa thông điệp tích cực của phong cách sống bền vững đến nhiều người. 

Sự kiện Let's Reuse 2022 về phát triển bền vững

Từ trái sang phải: Ngọc Phạm – quản lý truyền thông của H&M; chị Liên Chi – Giám đốc nội dung của tạp chí Phái đẹp ELLE; chị Thư Vũ – Điều phối viên dự án CSER của Greenhub Việt Nam; chị Ngọc Luyến – Chuyên viên quản lý dự án/ chương trình về lao động, văn phòng sản xuất của H&M Việt Nam; diễn viên Thảo Tâm.

Các diễn giả tham gia chia sẻ về phát triển bền vững

Các diễn giả tham gia buổi talkshow Let’s Reuse.

Sự kiện Let's Reuse về phát triển bền vững

Sự kiện diễn ra trong không gian nhộn nhịp của Cresent Mall.

Khách tham dự sự kiện về phát triển bền vững

Sự kiện Let’s Reuse thu hút đông đảo khách tham dự.

NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG NGHỈ CỦA THƯƠNG HIỆU H&M VÀ GREENHUB

Đây không phải lần đầu tiên ELLE hợp tác cùng H&M trong một dự án về môi trường và phát triển bền vững. Năm 2018, một buổi nói chuyện về thời trang bền vững đã được tổ chức và giới thiệu BST Conscious Collection của H&M. Từ đó đến nay, H&M vẫn viết tiếp câu chuyện về những nỗ lực bền vững thông qua các chương trình mang tính chiến lược, không chỉ tập trung vào những BST thời trang hay các chất liệu mới mà còn lan tỏa cảm hứng về lối sống xanh.

Năm 2021, dự án Let’s Reuse đã được H&M khởi xướng với mục tiêu khuyến khích khách hàng giảm thiểu túi đựng đồ, mang theo túi của riêng mình khi đi mua sắm. Từ tháng 4 năm 2021, H&M Việt Nam đã thu 2000 đồng cho mỗi túi giấy mới. Toàn bộ số tiền thu được đã được chuyển cho tổ chức phi lợi nhuận Greenhub Việt Nam nhằm đóng góp vào các dự án và chương trình thúc đẩy lối sống xanh, giảm thiểu rác thải để bảo vệ môi trường.

Phát triển bền vững với túi giấy H&M

Từ tháng 4 năm 2021, H&M Việt Nam đã thu 2000 đồng cho mỗi túi giấy mới.

Mở đầu cuộc trò chuyện, chị Ngọc Phạm – quản lý truyền thông của H&M – đã thay mặt H&M và Green Hub Việt Nam để chia sẻ thêm về những gì H&M và Greenhub đã thực hiện được trong một năm qua. Theo chị Ngọc, mục tiêu của dự án Let’s Reuse cũng như Greenhub đó là thay đổi hành vi của người tiêu dùng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, bắt đầu từ nhóm đối tượng trẻ tuổi, các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là lý do H&M và Greenhub cùng nhất trí dùng số tiền thu được trong năm đầu tiên của dự án Let’s Reuse để đóng góp vào dự án Zhub & More – Liên minh trường học không rác và hơn thế nữa – điều phối bởi Greenhub với mục đích xây dựng mô hình trường học không rác thải tại Việt Nam. H&M cùng Greenhub quyết định tìm đến những trường học có lượng rác thải thực phẩm lớn để tận dụng và biến chúng thành một nguồn tài nguyên mới, bắt đầu từ trường Trung học Phổ thông Thực nghiệm Hà Nội. 

Chị Ngọc Phạm chia sẻ về dự án phát triển bền vững

chị Ngọc Phạm – quản lý truyền thông của H&M – đã thay mặt H&M và Green Hub Việt Nam để chia sẻ thêm về những gì H&M và Greenhub đã thực hiện được trong một năm qua.

Zhub & More dựa trên 2 hoạt động chính. Hướng dẫn giáo viên học sinh phân loại rác thải. Bên cạnh đó, Greenhub dùng số tiền đóng góp từ H&M để thiết lập các thùng phân loại rác thải để các em học sinh dễ dàng thực hiện phân loại rác hơn và lắp đặt mô hình MRF – Mô hình phục hồi tài nguyên tại chính trường học, chị Ngọc Phạm chia sẻ. 

Mô hình MRF (Material Recovery Facility – Mô hình phục hồi tài nguyên) là một hoạt động đáng chú ý của Zhub được khởi tại bởi Greenhub. Mỗi trường học sẽ được khảo sát và thiết lập một khu vực để xử lý rác thải thực phẩm và biến chúng thành một nguồn tài nguyên quý giá – phân bón cho cây. 

Chị Ngọc Phạm hy vọng rằng dự án Zhub & More sẽ ngày càng được lan tỏa trong thời gian sắp tới: “Trong năm 2022 và trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng và làm việc với nhiều trường học hơn nữa, không chỉ tại Hà Nội mà còn ở những tỉnh thành khác tại Việt Nam”. 

Chị Ngọc Phạm chia sẻ về các dự án phát triển bền vững

Chị Ngọc Phạm hy vọng trong tương lai, dự án Zhub & More sẽ ngày càng được lan tỏa nhiều hơn trên cả nước.

“INVEST IN OUR PLANET” – THÔNG ĐIỆP KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

Thông điệp của Ngày Trái Đất 2022 đó là “Invest in our planet – Đầu tư vào hành tinh của chúng ta”. 2 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Trái Đất yếu đi vì đại dịch Covid-19, vấn đề sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân toàn cầu. Đây cũng là tín hiệu kêu gọi mỗi người đều phải có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh. Về vấn đề này, chị Thư Vũ chia sẻ thông điệp: “Đừng chờ cho đến khi rủi ro về sức khỏe xảy ra thì ta mới hành động, mà hãy chủ động chung tay và cam kết hành động bảo vệ môi trường sống của tất cả chúng ta, cũng chính là bảo về sức khỏe của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng”.

Với tư cách là một NGO hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Greenhub đã kết nối với rất nhiều nhà tài trợ trong và ngoài nước, các cơ quan, ban ngành trên cả nước. Greenhub cũng đã chủ động kết nối với doanh nghiệp, trường học và cả người dân ở các địa bàn dự án để nâng cao nhận thức, tổ chức những mô hình giảm rác thải nhựa, mô hình không rác thải. Thư Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chung tay trong cả cộng đồng: “Chỉ một mình Greenhub hay người dân ở tỉnh lẻ không thể tạo những thành quả như hiện tại”.

Chị Thư Vũ chia sẻ về phát triển bền vững

Chị Thư vũ cho rằng, để thực hiện thông điệp “Invest in our planet” cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Chị Ngọc Luyến đưa ra quan điểm: “Doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh cần có tài nguyên thiên nhiên. Cộng đồng nơi chúng ta sinh sống cũng phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Đổi lại, sức khỏe của hành tinh phụ thuộc vào cách chúng ta khai thác, sử dụng, bảo tồn, khôi phục tài nguyên như thế nào. Đó là lý do vì sao chúng ta cần đầu tư vào hành tinh này”. 

Đứng trên góc độ doanh nghiệp thời trang, chị Ngọc Luyến chia sẻ về những thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt liên quan đến phát triển bền vững. Với tư cách là một công ty lớn, chị cho rằng họa động kinh doanh của công ty phải đem lại những tác động tích cực đối với hành tinh. Vì vậy, để vượt qua thách thức này, không chỉ có doanh nghiệp đưa ra những định hướng cụ thể mà còn cần sự đồng hành, chung tay của nhiều doanh nghiệp khác, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ, công đoàn… từ đó tạo nên những thay đổi tích cực. “Hợp tác giúp chúng tôi đạt được tham vọng về phát triển bền vững nhanh hơn và có những tác động tích cực hơn không chỉ trong chuỗi cung ứng mà kể cả ngoài chuỗi giá trị của chính chúng tôi”, chị Luyến chia sẻ.

Đại diện cho thế hệ trẻ khi nói về thông điệp “Invest in our planet”, diễn viên Thảo Tâm đưa ra quan điểm: “đầu tư” không nhất thiết phải là vật chất, tiền bạc, mà đó có thể là thời gian của tuổi trẻ. “Em cảm thấy nguồn tài nguyên mà giới trẻ có thể dành ra nhiều nhất đó là thời gian. Thông điệp “Invest in our planet”, đối với giới trẻ, là dành ra thời gian để tìm hiểu hành tinh này một cách khái quát, sâu sắc và triệt để hơn”.

Thảo Tâm chia sẻ về phát triển bền vững

Đối với Thảo Tâm, giới trẻ đang đầu tư vào hành tinh xanh bằng cách sử dụng thời gian truy cập của mình.

Thảo Tâm cho rằng may mắn của thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z, đó là các bạn có nhiều quyền truy cập hơn, từ đó tận dụng thời gian để sử dụng quyền truy cập đó để phát triển bản thân cũng như tìm hiểu thêm về hành tinh mà chúng ta đang sống. Đó là cách mà các bạn trẻ “đầu tư” vào hành tinh này. 

THỜI TRANG TUẦN HOÀN – HƯỚNG ĐI MỚI CHO THỜI TRANG VÀ MÔI TRƯỜNG

Thời trang tuần hoàn (Circular fashion), theo định nghĩa của Anne Brismar đến từ tổ chức Green Strategy, là những sản phẩm thời trang bao gồm quần áo, phụ kiện, giày dép… được thiết kế, tìm kiếm nguyên liệu, sản xuất, và phân phối với chủ đích để sử dụng theo cách xoay vòng một cách trách nhiệm, hiệu quả mà vẫn giữ được giá trị cao nhất trong thời gian dài nhất có thể. Sau đó khi món đồ không còn giá trị sử dụng nữa thì có thể trả về tự nhiên, hệ sinh quyển mà không gây ảnh hưởng gì. 

Từ khía cạnh sản xuất, khái niệm “Thời trang tuần hoàn” được hiểu và thực hành như thế nào?

Chị Ngọc Luyến chia sẻ về thực trạng hiện tại khi các nguồn tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, đa dạng sinh học… đang trở nên cạn kiệt nhanh hơn so với khả năng tái tạo. Để phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân số ngày một tăng cao trong khi tài nguyên có hạn, không chỉ H&M, mà các doanh nghiệp khác cũng đang chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình kinh tế/ thời trang tuần hoàn. Nghĩa là, một sản phẩm đi từ khâu thiết kế, sản xuất, đến tay người tiêu dùng và cho đến khi không còn được sử dụng nữa, chúng không hề bị bỏ đi mà vẫn có thể bắt đầu một cơ hội mới. Đó cũng là cách H&M tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

Chị Ngọc Luyến chia sẻ về phát triển bền vững

Chị Ngọc Luyến chia sẻ chi tiết về các lĩnh vực của “Thời trang tuần hoàn”.

Chị Luyến cũng đã chỉ ra 3 lĩnh vực trọng tâm của mô hình Thời trang tuần hoàn:

Thiết kế sản phẩm

H&M sử dụng nhiều công cụ để thiết kế sản phẩm theo mô hình tuần hoàn. Bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu, những nguyên liệu được cân nhắc sử dụng đến từ những nguồn tái chế, chẳng hạn như chai nhựa, lưới đánh cá… vốn là những vật liệu tốn nhiều thời gian phân hủy nếu thải ra môi trường”, chị Ngọc Luyến giải thích. Ngoài ra, nguyên liệu bền vững có thể được thu hoạch từ việc trồng trọt, chẳng hạn như bông tốn ít nước, không phun thuốc trừ sâu hay bón phân hóa học. Bên cạnh đó, từ khâu thiết kế, H&M cũng đã tính toán làm sao để sản phẩm có thể được sử dụng bền lâu hơn, và nếu như chúng không được sử dụng nữa, chúng vẫn có thể được tái thiết kế để chuyển đổi thành sản phẩm khác. 

Quản lý chuỗi cung ứng 

H&M hỗ trợ các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng xây dựng những chương trình sử dụng, tiết kiệm năng lượng hiệu quả, tăng cường chuyển đổi sử dụng năng lượng từ hóa thạch sang những nguồn năng lượng sạch hoặc năng lượng tái tạo. Từ đó, H&M cùng các nhà sản xuất có thể đạt được mục tiêu giảm khí thải nhà kính và hướng đến mục tiêu trở thành chuỗi cung ứng có tác động tích cực đến với khí hậu (climate positive supply chain). Ngoài ra, H&M còn làm việc với nhà cung ứng để giúp họ xây dựng những chương trình tiết kiệm nước, sử dụng nước và tăng cường tuần hoàn nước – tái sử dụng nước nếu có thể; đảm bảo các nhà cung ứng có hệ thống quản lý hóa chất, đảm bảo không có chất nguy hại thải ra môi trường…

Trải nghiệm của khách hàng

H&M tạo nhiều cơ hội để khách hàng tham gia vào mô hình “Thời trang tuần hoàn”. Khách hàng có dịp tìm hiểu thành phần bền vững của sản phẩm trên các nhãn sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, H&M cũng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bảo quản sản phẩm được bền hơn. Đặc biệt, nếu không còn nhu cầu sử dụng sản phẩm, khách hàng có thể mang sản phẩm cũ đến cửa hàng để chúng có cơ hội được tái sử dụng hoặc tái chế. 

Từ những chia sẻ của chị Ngọc Luyến, có thể thấy H&M đã luôn nỗ lực không ngừng trên hành trình phát triển bền vững và ủng hộ lối sống xanh. Tuy nhiên, “Thời trang tuần hoàn” sẽ không thể thực hiện được nếu nỗ lực chỉ đến từ một cá nhân hay doanh nghiệp mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.

TẠI SAO CẦN CHIA SẺ NHIỀU HƠN VỀ “LỐI SỐNG BỀN VỮNG”?

Câu chuyện về “lối sống bền vững”, “phát triển bền vững” đã được nhắc đến nhiều lần trong suốt những năm qua. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức đều có những cách lý giải cũng như các chiến lược hành động khác nhau liên quan đến các khái niệm này. Bên cạnh đó, “thời trang bền vững” cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm và cần được lan tỏa nhiều hơn đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang. 

Vậy những bạn trẻ nghĩ gì khi nói về “thời trang bền vững”?

Diễn viên Thảo Tâm đã có những chia sẻ chân thành về câu chuyện tiêu dùng thời trang của mình. Bắt đầu cấp ba, Thảo Tâm đã có thể tiêu tiền cho thời trang. Nữ diễn viên cũng cho rằng thế hệ trẻ hiện nay được tiếp cận thời trang một cách dễ dàng hơn so với thế hệ trước, nhưng khái niệm “thời trang bền vững” vẫn còn khá mới mẻ. Mãi đến những năm đại học, Thảo Tâm mới thực sự quan tâm đến việc chi tiêu như thế nào là hợp lý cho thời trang. 

Tuy khái niệm “thời trang bền vững” còn khá mới mẻ, nhưng nó cũng dần được các bạn trẻ đón nhận thông qua các KOLs, influencers có phong cách sống mà các bạn tin tưởng theo đuổi. Thảo Tâm chia sẻ thêm: “Em biết đến câu chuyện bền vững trong thời trang lần đầu tiên thông qua một influencer mà em rất yêu quý, đó là chị Helly Tống. Khi em nhìn thấy những người trong cộng đồng giới trẻ và những KOLs trong cộng đồng cũng chia sẻ về thời trang bền vững, em cảm thấy khái niệm đó gần gũi hơn và tự nhiên hơn, từ đó mọi người cũng bắt đầu quan tâm đến nó nhiều hơn”.

Thảo Tâm chia sẻ về phát triển bền vững

Thảo Tâm cho rằng giới trẻ đang dần đón nhận khái niệm “thời trang bền vững” thông qua các KOLs, influencers.

Về vấn đề quản lý rác thải trong thời trang, chị Thư Vũ giới thiệu đến mọi người một số chữ “R” dễ thực hành: “Đối với người tiêu dùng, chữ R đầu tiên là Rethink, chúng ta hãy suy nghĩ kỹ trước khi chúng ta quyết định mua đồ, để tránh lãng phí nguồn lực để tạo ra món đồ đó cũng như tránh tiêu tốn nguồn lực của chính mình. Chữ R tiếp theo là Reuse – tái sử dụng. Có một câu nói quen thuộc đó là: “Cũ người mới ta”. Khi sử dụng hết vòng đời của một món đồ hay không cần sử dụng sản phẩm nữa, mình có thể tặng cho những người khác hoặc sử dụng chúng vào mục đích khác phù hợp với nhu cầu của bản thân. Đối với nhà sản xuất thì  sẽ có 2 chữ R phù hợp, đó là Redesign – tái thiết kế và Recycle – tái chế. Ngay từ khâu sản xuất, nhà sản xuất đã phải tính toán về vật liệu sử dụng, liệu khi sản phẩm được sử dụng xong có thể tái chế được hay không”. 

Chị Thư Vũ chia sẻ về phát triển bền vững

Chị Thư Vũ chia sẻ về các chữ “R” liên quan đến quản lý rác thải trong thời trang.

Chị Ngọc Luyến chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi làm việc với các nhân viên H&M cũng như những nhà sản xuất về vấn đề phát triển bền vững. Việc thay đổi nhận thức của những người xung quanh là một hành trình dài. Có thể ban đầu khái niệm “phát triển bền vững” còn khá mơ hồ, nhưng sau nhiều năm cùng làm việc và tiếp cận thêm nhiều thông tin, mọi người cũng đã dần tiếp thu khái niệm này một cách dễ dàng hơn. 

Đối với cá nhân chị Ngọc Luyến, phát triển bền vững đơn giản nằm trong cách chị sống mỗi ngày, cách chị đưa ra quyết định và thực hiện các hành động một cách có trách nhiệm với bản thân, với sức khỏe của chính mình, của gia đình, bạn bè, cộng đồng. Chị Ngọc Luyến tin rằng, nếu cùng nhau chung tay, chúng ta sẽ tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống: “Những hành động riêng lẻ của một cá nhân có thể không lớn. Nhưng nếu có triệu hành động của tất cả người dân trên thế giới thì tác động của nó sẽ vô cùng lớn. Chỉ cần mỗi cá nhân làm tốt công việc của mình, lan tỏa thông điệp tích cực đến người khác, như vậy đã có thể giúp chúng ta thay đổi”.

LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TIÊU DÙNG THỜI TRANG THÔNG MINH?

Chị Thư Vũ đã chia sẻ một số bí quyết khi nhắc lại chữ R đầu tiên – Reuse – trong trải nghiệm tiêu dùng thời trang của mình. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nên quan sát xem có thể tái sử dụng những món đồ nào hay không, và những món đồ nào nên hạn chế sử dụng, chẳng hạn như ống hút dùng 1 lần. Hoặc chúng ta có thể trao đổi đồ dùng với người khác để có thể sở hữu những món đồ mới cần thiết hơn. 

Chị Ngọc Luyến bày tỏ góc nhìn khác: “Tiêu dùng không đơn giản chỉ là hành động “mua” mà còn thể hiện hành vi và phong cách của người tiêu dùng. Để trở thành một người tiêu dùng bền vững, từ việc mua sản phẩm, chúng ta nên tìm hiểu và chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể tái sử dụng, tái chế hoặc chế tạo lại”. Chị Luyến cho rằng các bạn trẻ ngày nay rất nhạy bén và thông minh, từ những sản phẩm không còn hợp mốt, các bạn có thể tạo ra những mẫu mã mới từ chính những sản phẩm ấy. Bên cạnh đó, cách chúng ta bảo quản trong quá trình sử dụng sản phẩm cũng rất quan trọng. Thêm nữa, trước khi mua sản phẩm, chúng ta nên suy nghĩ kỹ liệu có nên mua sản phẩm này hay không, khi chúng ta không cần sử dụng nữa, liệu chúng ta có thể bán chúng đi được hay không. Đó là những vấn đề mà mỗi người cần suy nghĩ để trở thành một người tiêu dùng thời trang thông minh.

Bên cạnh mô hình 3 chữ R quen thuộc: Reduce – Reuse – Recycle (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế), Thảo Tâm cũng đã bổ sung thêm một chữ R mới – Repeat (lặp lại): “Khi em theo dõi các influencers về phong cách sống, đặc biệt là về eco lifestyle, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lặp đi lặp lại cho đến khi phong cách sống đó trở thành thói quen chứ không chỉ là một xu hướng”. Thảo Tâm cho rằng, chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường thông qua việc thay đổi thói quen sống hàng ngày của mình. 

Sau khi nghe những chia sẻ từ chị Ngọc Luyến và chị Thư Vũ, Thảo Tâm bày tỏ những suy nghĩ của bản thân dưới góc nhìn thú vị: “Em nghĩ đến vòng tròn. Nếu chúng ta chỉ có một điểm thì nó chỉ là một điểm duy nhất. Nhưng một vòng tròn được tạo nên từ vô số điểm. Như chị Luyến chia sẻ, chúng ta sẽ không thể có được mô hình thời trang tuần hoàn nếu chỉ có một mình nhà sản xuất hay người tiêu dùng hiểu và thực hành mô hình đó. Sau ngày hôm nay, em đã hiểu hơn vai trò của mình trong vòng tròn thời trang tuần hoàn ấy”. 

Thảo Tâm chia sẻ về phát triển bền vững

Sau buổi nói chuyện, Thảo Tâm đã hiểu hơn về vai trò của mỗi cá nhân trong vòng tròn “Thời trang tuần hoàn”.

Kết lại buổi trò chuyện, chị Liên Chi đã khuyến khích mọi người cùng hành động, chia sẻ và truyền cảm hứng đến mọi người xung quanh bằng thông điệp của Ngày Trái Đất 2022: “Đây là thời điểm của lòng can đảm để bảo tồn, bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta, của gia đình, của cộng đồng và cùng với nhau, chúng ta phải đầu tư cho Trái Đất… Bởi vì tương lai xanh sẽ là một tương lai thịnh vượng. Chúng ta cần hành động, đổi mới và ứng dụng. Sẽ cần tất cả cùng tham gia, những doanh nghiệp, chính phủ, và từng cá nhân. Tất cả đều có trách nhiệm. Đó phải là dự án hợp tác lâu dài vì Trái Đất”.

Sau buổi trò chuyện, khách tham dự có dịp tham gia workshop Hướng dẫn làm nước tẩy rửa từ vỏ trái cây dưới sự hướng dẫn của chị Thư Vũ. Buổi workshop giúp mọi người hiểu thêm về quy trình tái chế rác thải.

Chị Thư Vũ chia sẻ về phát triển bền vững

Chị Thư Vũ hướng dẫn khách tham dự cách làm “Nước tẩy rửa bằng vỏ trái cây” trong buổi workshop sau buổi trò chuyện.

Khách tham dự buổi workshop về phát triển bền vững

Khách tham dự nhiệt tình tham gia buổi workshop sau buổi trò chuyện.

Khách tham dự buổi workshop về phát triển bền vững

Sau buổi workshop, khách tham dự đều có thành phẩm mang về nhà.

Năm 2022, dự án Let’s Reuse đánh dấu một năm được thực hiện tại Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý từ người tiêu dùng cũng như các cơ quan báo chí. Sự kiện diễn ra tại Crescent Mall trong 3 ngày (từ 6/5 đến 8/5) cùng những hoạt động trải nghiệm thú vị để tìm hiểu về cách xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày một cách hữu hiệu và thực tế.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Tân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more