Nhiều người vẫn cho rằng bênh nhân ung thư – đặc biệt là ung thư vú – sẽ luôn xuất hiện trong tình trạng mệt mỏi, tiều tụy, không những mất đi nhan sắc mà còn sa sút tinh thần. Tuy nhiên, sự thật là các bệnh nhân ung thư vú cũng vẫn là những người phụ nữ hết đỗi bình thường, cũng yêu cái đẹp, cũng quan tâm đến diện mạo bên ngoài, cũng thích trang điểm, cũng muốn giữ cho thần sắc tươi tắn khi xuất hiện trước mặt mọi người. Và quan trọng hơn cả, họ vẫn luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, mạnh mẽ trong suốt hành trình đấu tranh với bệnh tật. Tự gọi mình là những “bệnh nhân hồng”, hai người phụ nữ mà ELLE có cơ hội trò chuyện sau đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh tinh thần của người phụ nữ.
Chị Tư “mắt kính”: “Trách nhiệm của người mẹ là phải tạo niềm tin cho con của mình”
Chị Lương Ngọc Vân Anh, thường được gọi với biệt danh chị Tư “mắt kính”, năm nay 43 tuổi, phát hiện bị ung thư vú vào tháng 4/2017. Hiện nay, mặc dù đang trong quá trình điều trị, chị vẫn tiếp tục công việc của mình tại một trung tâm bảo trợ xã hội ở Bình Phước. Là người có cá tính mạnh mẽ, “có máu phong trào”, thích các hoạt động cộng đồng, chẳng bao giờ chị nghĩ mình có thể mắc bệnh, đừng nói là căn bệnh ung thư quái ác này. Khi nghe tin mình bị ung thư vú – căn bệnh gần như là án tử đối với tất cả mọi người – chị không chấp nhận được. Không chấp nhận không phải vì chị tự huyễn hoặc bản thân hay không dám đối diện với sự thật, mà là vì chị còn quá nhiều ước mơ, hoài bão chưa thực hiện được. Chính vì vậy mà chị quyết định phải đấu tranh, chống lại bệnh tật để tiếp tục làm những việc mình yêu thích.
May mắn là, trong quá trình đấu tranh với bệnh tật, chị Tư nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp, có chỗ dựa tinh thần là bố mẹ và đặc biệt là cô con gái 10 tuổi. “Nhìn lên là bố mẹ, nhìn xuống là con gái. Tôi phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình”, chị tâm sự. Không giống như các ông bố bà mẹ khác, thường sẽ giấu bệnh tình với con nhỏ, chị Tư lại nói bệnh tình của mình với con gái đầu tiên. Là mẹ đơn thân, chị và con gái giống như hai người bạn. Vì là chỗ dựa duy nhất của con nên chị không cho phép bản thân buông xuôi, càng không muốn thể hiện sự khổ sở, mệt mỏi của người bệnh trước mặt con. “Trách nhiệm của người mẹ là phải tạo niềm tin cho con của mình”, càng nghĩ như vậy, chị càng có thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật. Không chỉ cổ vũ tinh thần cho mẹ, con gái của chị Tư còn biết tự chăm sóc bản thân mình và phụ giúp mẹ trong sinh hoạt hằng ngày.
Đối với chị Tư, để vượt qua căn bệnh ung thư, cần phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Phải lựa chọn đúng phương pháp điều trị, phải có môi trường sống và làm việc lành mạnh, nhưng quan trọng nhất là phải có tinh thần vững vàng, lạc quan. “Nhiều người bệnh đến bây giờ vẫn không chấp nhận rằng mình bị bệnh. Họ cứ đi tìm những phương pháp thiếu khoa học. Như vậy là không nên. Khi chấp nhận bệnh tình của mình và xác định là sẽ chiến đấu, mình sẽ thấy tinh thần rất thoải mái. Mình không giấu bệnh. Tinh thần lạc quan sẽ giúp mình đánh bật nỗi hoảng sợ và giúp mình có thêm sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh ung thư này”, chị chia sẻ. Chính nhờ tinh thần lạc quan, yêu đời mà dù đang trong quá trình trị bệnh, trông chị Tư vẫn rất khỏe khoắn, dáng người thấp bé nhưng rất nhanh nhẹn, nụ cười luôn thường trực trên môi, đôi mắt lúc nào cũng sáng rực, toát lên ý chí mạnh mẽ.
Chị Đặng Mai: “Cùng một vị trí, nhưng mình nhìn xuống thì nó sẽ khác, nhìn lên thì nó sẽ khác”
Chị Đặng Mai là bệnh nhân ung thư vú từ tháng 8/2015. Trước đây chị là biên tập viên của báo Sài Gòn Tiếp Thị, giờ đã về hưu nhưng vẫn thỉnh giảng bộ môn báo chí cho một số trường. Hiện tại, chị vẫn đang tiếp tục điều trị bệnh bằng nội tiết tố trong 5 năm. Trường hợp của chị Mai lại hơi khác chị Tư một chút. Chị Mai có hai cô con gái đều đi học ở nước ngoài và sống cùng chồng.
Ngày nhận tin mình bị bệnh cũng là ngày chị tiễn con gái ra sân bay lên đường du học. Trên đường từ bệnh viện về, chị dừng lại ở kênh Nhiêu Lộc, nước mắt cứ tuôn không ngừng. Rồi chị ngước nhìn lên bầu trời. Bầu trời vẫn xanh ngăn ngắt và có lẽ con mình vẫn còn đang bay trên đó. Vậy là chị bình tĩnh lại. “Lúc đó, tôi nhận ra rằng, cũng cùng vị trí này, nhưng nếu mình nhìn xuống thì nó sẽ khác, mình nhìn lên thì nó sẽ khác”, chị Mai chia sẻ khoảnh khắc chị lựa chọn sẽ chiến đấu với bệnh tật đến cùng. Chị bàn bạc với ông xã và quyết định không cho 2 cô con gái biết vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con.
May mắn lớn nhất của chị Mai là có một người bạn đời rất yêu thương chị, rất hiểu biết và luôn ở bên cạnh, làm chỗ dựa cho chị trong những tháng ngày khó khăn nhất. “Khi bị bệnh, chồng là người luôn sát cánh bên tôi, còn các con thì ở xa. Nhưng vì nghĩ đến các con nên tôi càng phải mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Có thể nói chồng là chỗ dựa cho tôi còn các con là điều mà tôi luôn hướng tới”. Một điểm đặc biệt là sau 2 năm, khi bệnh tình của chị đã ổn hơn thì cũng là lúc con gái lớn cả chị chuyển từ bậc học đại học sang cao học. Hè năm đó, con của chị sẽ về nước để nghiên cứu về bệnh ung thư nên có gọi điện nhờ mẹ tìm cho một số trường hợp để nghiên cứu. Nghe vậy, chị Mai òa khóc và kể lại hết mọi thứ cho con nghe. Có lẽ đó cũng là động lực để con gái chị càng thêm nỗ lực học tập, nghiên cứu về lĩnh vực này để giúp mẹ, giúp những bệnh nhân ung thư khác.
“Thuốc men, bác sĩ hay môi trường đều rất quan trọng, nhưng đó là những yếu tố bên ngoài, không phải bất cứ người nào cũng may mắn có được sự thuận lợi trong những yếu tố đó. Nhưng tinh thần lại là thứ ở bên trong và mình làm chủ được nó. Cho dù những yếu tố khác không được như mình mong muốn thì chính tinh thần sẽ giúp mình vượt qua khó khăn”, chị Mai chia sẻ.
BÀI LIÊN QUAN
Là phụ nữ, ai chẳng muốn mình luôn xinh đẹp trong mắt người khác?
Bệnh nhân ung thư cũng thế thôi, cũng là những người phụ nữ thích làm đẹp, biết yêu bản thân, cũng biết chăm chút cho nhan sắc, ngoại hình của mình. “Tôi cũng muốn người ta nhìn vào sẽ thấy mình đẹp, thấy mình tươi tắn, khỏe mạnh chứ không phải khổ sở, vật vã, tiều tụy như hình ảnh về bật nhân ung thư mà sách báo hay đăng”, chị Tư chia sẻ.
Còn chị Mai thì thừa nhận rằng sau khi bị bệnh, cơ thể sẽ có rất nhiều khiếm khuyết nhưng đó không phải là lý do để người phụ nữ bỏ bê bản thân mình. “Mất đi phần cơ thể đẹp nhất của người phụ nữ thì mình phải tìm cách làm sao để mọi người không nhận ra điểm bất thường đó. Ban đầu tôi cũng hoang mang lắm. Tôi với ông xã đi khắp nơi tìm mua các loại áo ngực dành cho bệnh nhân ung thư vú. Chồng tôi thì kỹ tính, có tìm hiểu trước khi mua nên khi đến cửa hàng, nhân viên toàn trao đổi với chồng tôi thôi. Lúc trước thì có bao giờ đi mua áo ngực với vợ đâu. “Nhờ” tôi bị bệnh nên mới đi mua với tôi đấy”, chị Mai hài hước kể. Không chỉ là áo ngực hay đồ bơi, ngay cả mỹ phẩm cũng có những món dành riêng cho bệnh nhân ung thư vú. Nhờ con gái mua cho mà chị Mai biết được có một số mỹ phẩm dùng để bôi cho tóc, lông mày, lông mi mọc lại nhanh hơn sau khi bị rụng hết do hóa trị. “Hồi đó tôi không biết trang điểm gì đâu. Nhưng khi phải hóa trị, da tôi bắt đầu nám đi, xuống sắc, thần thái cũng giảm đi rất nhiều. Nếu mình không chịu khó trang điểm, nhìn bản thân mình cũng đã thấy “ghê” rồi thì làm sao mình khiến cho người khác thích mình được”.
Tất nhiên, không ai muốn mình bị bệnh. Nhưng đôi khi sự việc xảy ra, ở một khía cạnh nào đó, lại mang đến cho các bệnh nhân “cơ hội” để nhìn lại bản thân, nhìn lại cuộc sống và thay đổi thế giới quan của họ. Chi Tư phải thừa nhận rằng, “sau khi bị bệnh, mình yêu quý cuộc sống của mình hơn. Trước đây tôi sống khá bất cần, ngày nào hay ngày đó. Nhưng sau khi nhận thấy sự thương yêu, sự quan tâm của gia đình, bạn bè và xã hội, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”. Chị Mai cũng như vậy: “Ngày xưa tôi chỉ lo cho chồng, lo cho con, chỉ quan tâm đến công việc, ít khi nào để ý đến bản thân mình. Bây giờ tôi yêu thương bản thân hơn, lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn. Tôi ý thức rất rõ một điều là nếu mình không khỏe, nếu mình không tự chữa bệnh được cho mình thì mình sẽ không thể mang niềm vui đến cho người khác. Điều tôi sợ hơn cả căn bệnh ung thư đó là mình trở thành gánh năng cho gia đình, gánh nặng cho xã hội”.
Cùng kết nối để tiếp thêm năng lượng
Điểm chung của chị Mai và chị Tư là trong thời gian trị bệnh, dù phải vô thuốc thường xuyên, cơ thể mệt mỏi, nhưng hai chị vẫn duy trì công việc của mình. Chị Tư vẫn tham gia các hoạt động cộng đồng, vẫn công tác bình thường tại trung tâm bảo trợ xã hội ở Bình Phước. Còn chị Mai vẫn đi day, vẫn vẽ tranh. Đối với các chị, bệnh nhân không có nghĩa là chỉ nằm trên giường bệnh. Làm việc chính là các các chị rèn luyện sức khỏe, có thêm năng lượng, niềm vui để luôn bền bỉ trong hành trình đấu tranh dai dẳng này. Đó cũng là lý do mà chị Mai thường hóm hỉnh gọi mình và các bạn đồng bệnh là những “bệnh nhân hồng”.
Hiện nay, chị Mai và chị Tư cũng đang sinh hoạt tại Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (Breast Cancer Network Vietnam – BCNV). Được thành lập ngày 3/3/2013, dưới sự tài trợ của HealthBridge Foundation of Canada; hỗ trợ và phối hợp của Mạng lưới Ung thư vú Úc (Breast Cancer Network Australia), Tổ chức Ung thư Úc (Cancer Australia); Hiệp hội ung thư thế giới (UICC), BCNV là dự án phi lợi nhuận của NAVI DECOM, cung cấp các thông tin, hiểu biết cơ bản về ung thư vú nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho những người đã mắc bệnh qua các thông tin, nhận thức cơ bản về bệnh, cách điều trị, các hỗ trợ xã hội (tặng khăn, tóc giả, hỗ trợ phục hồi chức năng, ngực giả, hỗ trợ vượt qua các cú sốc và vấn đề tâm lý cho người bệnh) dựa trên hoạt động gây quỹ để duy trì.
Tại hội thảo tháng 10 của ELLE Women in Society: VINH DANH NHỮNG CHIẾN BINH EVA & SỨ ĐIỆP NƠ HỒNG, chị Thủy Tiên – Co-founder & General Director của Mạng Lưới Ung Thư Vú Việt Nam (BCNV) sẽ là một trong hai diễn giả khách mời, cùng với bác sĩ Ngô Hà Anh – BS Sản Phụ Khoa Victoria Healthcare chia sẻ những phương pháp phòng chống và điều trị bệnh ung thư vú, cũng như lan truyền nguồn cảm hứng tích cực từ những chiến binh dũng cảm đã chiến đấu và vượt qua ung thư, để chúng ta có cái nhìn lạc quan hơn về căn bệnh này.
Hội thảo ELLE Women In Society: VINH DANH NHỮNG CHIẾN BINH EVA & SỨ ĐIỆP NƠ HỒNG sẽ được tổ chức vào 9:00 – 11:30 sáng ngày 27/10/2018 tại Gem Center, 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM.
—
Xem thêm:
Lựa chọn áo ngực đúng cách giúp phụ nữ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
Đối diện với bệnh ung thư vú bằng tinh thần lạc quan
Nhóm thực hiện
Bài: Đ.T Ảnh: Hoàng Quốc Việt Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE