Sarah Burton có thoát khỏi cái bóng Alexander McQueen?
Khi Sarah Burton kế nhiệm vị trí của Alexander McQueen, người ta tự hỏi, liệu Sarah Burton có thoát khỏi cái bóng của nhà thiết kế đại tài này?
Khi nhà thiết kế Gianni Versace qua đời, người ta từng hoài nghi rằng liệu cô em gái Donatella có thể tiếp tục lèo lái thương hiệu Versace đến với những thành công nổi bật như anh trai bà đã từng làm. Donatella đã chứng minh bà là người thừa kế xuất sắc và trở thành cái tên được biết đến nhiều nhất trong nhà Versace. Điều tương tự cũng đã xảy ra khi nhà thiết kế Alexander McQueen đột ngột qua đời. Giới thời trang rúng động và lo sợ không ai có đủ khả năng dẫn dắt thương hiệu đi theo con đường của McQueen. Khi Sarah Burton kế nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo và liên tục trình làng những BST đúng với tinh thần McQueen, người ta lại đặt câu hỏi, liệu Sarah Burton có thoát khỏi cái bóng của nhà thiết kế đại tài này?
Alexander McQueen không đơn thuần chỉ là một “thợ may đo” cao cấp đều đặn cho ra các BST vào mỗi mùa. Báo chí, nhà phê bình và người yêu thời trang đều gọi những thứ qua tay McQueen là “tác phẩm”. Nếu có cơ hội nhìn lại những thiết kế của ông được trưng bày tại bảo tàng Victoria & Albert Museum ở Anh, chắc chắn bất cứ ai cũng tin rằng đó là những kiệt tác nghệ thuật, những thứ sinh ra để được lưu truyền, để được chiêm ngưỡng và để tạo cảm hứng cho các thế hệ sau. Không ai có thể hiểu nổi tại sao đằng sau sự nhạy cảm có phần nổi loạn kia lại là một nhãn quan hết sức tinh tế và đầy thơ mộng về cuộc sống, dù rằng chúng mang đến cho phụ nữ sự gai góc, u tối và nhiều ẩn ức.
Tác phẩm của McQueen hoàn hảo trong từng đường kim mũi chỉ, từ phom dáng, màu sắc, ý tưởng đến những câu chuyện đằng sau mỗi thiết kế. Là một người khao khát sáng tạo đến mức cực đoan, những gì McQueen để lại cho ngành công nghiệp thời trang luôn luôn gây kinh ngạc và phá vỡ mọi giới hạn: những chiếc váy phồng như bước ra từ thế giới cổ tích, những đôi giày armadillo (giày càng cua) đẹp như các tác phẩm điêu khắc, những mẫu in chuyển màu nhuần nhuyễn trong từng milimet vải hay những chiếc mặt nạ tinh xảo đầy bí ẩn… Tất cả nói lên rằng, Alexander MacQueen là duy nhất trên cõi đời này, và rất khó có thể nắm bắt cảm hứng cũng như phong cách sáng tạo của ông.
Thế nhưng, Sarah Burton đã làm được điều tưởng như không thể đó. Kể từ khi tốt nghiệp Central St Martin, Sarah Burton trở thành cánh tay phải của Alexander McQueen và cũng là người hiểu rõ những ý tưởng của ông. Bà là người hoàn thành BST cuối cùng còn dang dở của McQueen và đưa nó lên sàn diễn trong sự xúc động của những người yêu quý ông.
Sarah Burton có BST đầu tiên với vai trò là nhà thiết kế chính của thương hiệu được ra mắt tại Paris vào cuối năm 2010. Show diễn “cháy vé” vì ai cũng tò mò về khả năng của người kế vị McQueen, để rồi bất cứ ai đến xem cũng thỏa mãn vì nhìn thấy linh hồn của McQueen trong đó. Về sau, những BST của nữ thiết kế người Anh này luôn phảng phất phong vị của người sáng lập thương hiệu với đặc trưng là sự độc đáo, thông minh, tính khai phá cao nhưng cũng có chút bóng tối u uẩn.
Sarah Burton tái hiện lại đôi giày không đế của McQueen, đưa những chiếc mặt nạ đầy tính siêu thực vào show diễn, cách sử dụng lông thú, thêu họa tiết trên ren, những bộ váy chít eo chuẩn mực với chân váy phồng cổ điển… đều rất quen thuộc. Tuy nhiên, nếu những thiết kế của Alexander McQueen đầy sự gai góc, mãnh liệt, u hoài và thường rất “kén” người dùng thì Sarah Burton đã “mềm hóa” sản phẩm bằng các chi tiết đơn giản cũng như có tính ứng dụng cao. Chiếc váy cưới mà Kate Middleton mặc trong lễ kết hôn với hoàng tử Wiliam hồi đầu năm 2011 là một tác phẩm của Sarah Burton. Nhìn vào chiếc váy cưới đó, chúng ta thấy sự trong sáng, thuần khiết mà vẫn đảm bảo giá trị của thương hiệu.
Vậy, Sarah Burton có thoát khỏi cái bóng của Alexander McQueen?
Mà khoan, sao chúng ta không hỏi ngược lại: tại sao Sarah Burton phải thoát khỏi cái bóng của McQueen?
Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo cho thương hiệu, Sarah Burton đã rất hoang mang. Nỗi đau về sự ra đi của người thầy, người anh, người bạn thân thiết vẫn còn chưa nguôi, người phụ nữ quen đứng sau hậu trường đã phải đối mặt với thử thách mới và một đống trách nhiệm. Dĩ nhiên, bà có quyền từ chối. Nhưng giữa cơn khủng hoảng đó, Sarah đã nghĩ: “Tôi tự hỏi, Lee (Alexander McQueen) đã làm việc vì điều gì?” và “Tôi nhận công việc vì điều đó sẽ giúp cho hãng duy trì được tinh thần của anh Lee”. Thế đó, ngay từ đầu, bà đã luôn là người phụ nữ ở phía sau thành công của McQueen, thì việc bà có là cái bóng hay không cũng đâu còn quan trọng.
Robert Polet – Chủ tịch và CEO của Gucci Group nói rằng: “Sarah có tài năng thật sự, có sự hiểu biết sâu rộng về nhãn hiệu và tầm nhìn cần thiết để đưa thương hiệu tiến về phía trước”. Sarah lèo lái thương hiệu không chỉ vì bổn phận mà còn vì tình cảm sâu đậm đối với người mà bà hết mực kính trọng. Nếu Sarah thoát ra khỏi con đường của McQueen, liệu Alexander McQueen có còn là Alexander McQueen nữa hay không?
Ngay trong buổi trình diễn BST đầu tiên của Sarah Burton tại Paris, Alexander Shulman – Tổng biên tập tạp chí Vogue Pháp đã nói rằng: “Burton đã nắm được những xúc cảm của McQueen dành cho phụ nữ. Tất cả những điều đó, cô ấy đã thể hiện trong buổi tối ngày hôm nay. Cô ấy cũng đã nói với các bạn rằng: “Tôi đây, đây là người phụ nữ của tôi”. Và hôm nay, chúng ta có một Alexander McQueen rất… Sarah Burton.
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: Tư liệu