Đây sẽ là những thiết kế được giao thoa qua lại giữa ý tưởng, xu hướng phương Tây với cách thể hiện của người Việt. Anna Võ mong mỏi mang lại cho người yêu thời trang nước nhà những trang phục hiện đại, trên tinh thần Việt Nam.
1. Những chuyến đi đây đó, du lịch qua nhiều vùng đất có từng giúp chị cảm hứng để cho ra đời các thiết kế thời trang?
Tôi đã đi Ý và Pháp mùa Hè vừa qua. Ở Ý, mỗi lần đi mua trái cây phải đi rất sớm, có thật nhiều trái cây rất tươi, màu sắc thật hấp dẫn, chúng khiến tôi nghĩ tới một bộ sưu tập thời trang.
Trở về Việt Nam, với cảm hứng chủ đề của ELLE show tôi lập tức liên tưởng tới những trái chín mọng đẹp đẽ và quyết định dùng hình ảnh trái cây Việt Nam để xây dựng hình ảnh cho bộ sưu tập.
Tôi có hình ảnh trái thanh long, măng cụt, dưa hấu… những trái cây đặc trưng của nước Việt Nam nhiệt đới.
.
2. Điều gì ở ELLE Fashion Show hấp dẫn, khiến chị tham gia trình diễn bộ sưu tập mới?
ELLE show là một sân chơi thời trang đề cao tính ứng dụng. Tôi là một nhà thiết kế luôn sáng tạo thời trang theo hướng ứng dụng đó. Bộ sưu tập Ready-to-wear của tôi hợp với tinh thần mà ELLE show đã theo đuổi những năm qua.
.
3. Hiện nay chị hoạt động thời trang ở trong nước nhiều hơn hay ngoài nước?
Tôi hiện vẫn hoạt động ở nước ngoài nhiều hơn. Tôi có khách hàng ở Mỹ và Ý, sắp tới có thể là Pháp. Họ yêu thích những thiết kế có nét độc đáo trong sản phẩm của nhà thiết kế Việt Nam.
Thời gian tới, hy vọng tôi có thể làm nhiều việc hơn ở thị trường Việt Nam.
4. Bộ sưu tập của chị đã được đặt tên chưa? Chị hãy chia sẻ đôi điều về các bộ sưu tập của mình?
“Macedonia” là tên gọi bộ sưu tập của tôi. Macedonia trong tiếng Ý có nghĩa là trái cây hỗn hợp. Những trái cây để trộn cùng cho món tráng miệng.
Bộ sưu tập của tôi sẽ có 30 bộ. Trong 10 bộ đầu tiên, phom dáng mang cảm hứng thập niên 70. Lớp trang điểm và làm tóc cũng sẽ đi theo cảm hứng này. 10 bộ tiếp theo tôi có làm thêm đồ nam với việc sử dụng kỹ thuật in, thêu, vẽ tay. Một số chiếc áo bomber dành cho nam trên chất liệu linen được xử lý không nhăn và có thêu chữ thập. Ở 10 bộ cuối sẽ theo cảm hứng thập niên 20 với Coco Chanel và những chiếc váy suông, dài.
5. Chị muốn đem lại tinh thần gì cho người mặc các trang phục chị thiết kế?
Tôi thật sự mong rằng người mặc cảm nhận được tinh hoa kỹ thuật may, thêu của Việt Nam. Người Việt có những kỹ thuật rất giỏi, những chi tiết thêu thủ công tinh tế, đan móc khéo léo…
Được đi nhiều nơi và gặp nhiều người nước ngoài, tôi thấy họ rất trân trọng những sản phẩm thủ công do bàn tay người thợ Việt Nam làm ra. Những sản phẩm độc đáo ấy, chính người Việt Nam cũng nên được trải nghiệm và trân quý.
Đặc biệt, bộ sưu tập lần này của tôi sẽ trẻ trung và năng động hơn sơ với các bộ sưu tập trước đây.
6. Giữa ba yếu tố: màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, chị sẽ cân bằng như thế nào để làm nên đặc trưng rõ nét của bộ sưu tập?
Tôi bắt đầu từ ý tưởng thiết kế, sau đó vẽ sketch để những ý tưởng hiện hữu. Vẽ xong rồi tôi nghĩ tới chất liệu. Trong 10 bộ đầu tiên tôi cần vải có độ cứng nhất định để lên phom chuẩn.
Bộ sưu tập lần này của tôi sẽ sử dụng vải được mua từ Pháp, Ý, đó là: taffeta, lụa, linen, crepe và lưới được làm từ lụa… cùng một số vải in do tôi làm.
Tôi cũng sẽ có những chiếc giỏ xách làm từ mây trẻ, vải và nhựa.
7. Có thể coi chị là một “công dân thời trang toàn cầu”, được làm, được trải nghiệm và quan sát rộng mở. Chị đánh giá như thế nào về sự hội nhập của thời trang Việt Nam những năm gần đây?
Trước hết tôi cảm nhận có sự tiếp cận mạnh mẽ của thời trang Việt với thế giới. Các show thời trang Việt Nam dần chuyên nghiệp hơn. Tạp chí ELLE khi có mặt ở Việt Nam không chỉ đem đến hơi thở thời trang quốc tế, những xu hướng mới mà còn rất ủng hộ nền thời trang trong nước với các nhà thiết kế Việt tài năng. Và ELLE show cũng là một biểu hiện rất rõ cho tinh thần mang những làn gió mới cho thời trang Việt.
Gần đây, các thương hiệu thời trang quốc tế đình đám đã có mặt ở Việt Nam, mà gần nhất là Zara, một nhãn hiệu “fast fashion” hàng đầu thế giới. Tất cả những sự hội nhập trong và ngoài này tạo nên một động lực phát triển, tôi rất mừng vì điều đó. Các nhà thiết kế Việt và thương hiệu thời trang Việt sẽ có môi trường cạnh tranh đa dạng để từ đây phát triển nhanh và mạnh hơn.
Tôi không lo lắng về việc Zara đang là cơn sốt thời trang ở đất nước chúng ta khi họ khai trương cửa hàng đầu tiên. Vì tôi nghĩ rằng các thiết kế Việt Nam chỉ cần phát huy sự độc đáo vốn có, không chạy theo trào lưu nhất thời là đã có thể trụ vững.
8. Xu hướng “See now, buy now” đang được một số nhà mốt quốc tế chuyển đổi. Theo chị, các show diễn thời trang Việt Nam có nên tiếp theo trào lưu này?
Với bản thân tôi từ trước tới nay đều “See now, by now”. Tôi làm bộ sưu tập chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân với yêu cầu riêng, bởi vậy về khía cạnh nào đó tôi đã áp dụng hình thức này.
Các show thời trang ở Việt Nam không có Buyer, mà chính yếu là người yêu thời trang, khách hàng trẻ, khách hàng đơn lẻ… Vì vậy, hình thức xem thời trang sau đó đặt mua ngay là khá phù hợp với Việt Nam hiện giờ.
Còn với các nhà mốt lớn của thế giới như Chanel, Dior… tôi nghĩa họ sẽ không “see now, buy now”. Họ sẽ giữ truyền thống vận hành bấy lâu nay vì khá nhiều chuẩn mực thời trang từ kinh doanh, sản xuất đến yếu tố bản sắc làm nên thương hiệu của họ.
—
Xem thêm
Urban Chic Anna Võ – Cô gái của thành thị
ELLE Fashion Journey 2016 – Inspiring Việt Nam
Sân khấu ELLE Fashion Show qua các giai đoạn
Nhóm thực hiện
Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE