Văn hóa / ELLE Interview

Bùi Thị Thu Hiền – Bà đỡ của loài rùa

[Tạp chí ELLE tháng 7/2017] Chị Bùi Thị Thu Hiền hiện đang phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam. Bảo tồn rùa biển và hệ sinh thái biển như san hô, thảm cỏ biển, bãi cát… là một trong những dự án và cũng là đam mê của chị từ năm 2001 đến bây giờ.

Chào chị, cơ duyên nào khiến chị chọn gắn bó với rùa biển?

Từ bé tôi đã yêu biển, và có lẽ “kiếp trước” tôi là rùa nên kiếp này mới có sứ mệnh phải bảo vệ rùa (cười). Năm 2001, khi IUCN Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc gia về việc xây dựng Kế hoạch Hành động Bảo tồn Rùa biển, lần đầu tiên tôi được ra Côn Đảo, thăm hòn Bảy Cạnh, nơi rùa lên đẻ thường xuyên, và chính thức trở thành “bà đỡ” cho rùa biển. Bạn hãy thử đỡ đẻ cho rùa biển mẹ một lần và đón những bé rùa con mới nở đi, tự nhiên bạn sẽ quan tâm đến loài rùa đáng yêu này thôi.

Tình yêu dành cho rùa biển hẳn đã thay đổi cuộc đời chị rất nhiều?

Từ khi làm các dự án liên quan đếnbảo  tồn rùa biển, bạn bè khắp năm châu đều gửi cho tôi những món quà có dấu ấn về rùa biển. Tên của tôi cũng được gắn thêm chữ “rùa” đằng sau. Lần đầu tiên đỡ đẻ cho Rùa da và Đồi mồi tại Panama là điều tôi sẽ nhớ mãi trong đời. Một tuần lễ lênh đênh trên biển ở Bocas del Toro, khu vực biển Caribe, không có điện, phải đi tuần tra từ 9h tối đến 2-3h sáng, nhưng tôi đã học được rất nhiều kiến thức thực địa từ các bạn quốc tế.

Chị có thể nói một chút về tình hình rùa biển hiện nay?

Thế giới có 7 loài rùa biển thì 5 loài đã xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng hiện nay, chúng ta chỉ còn rất ít rùa biển, chủ yếu là Vích. Các loài khác như Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Rùa da, Quản đồng hầu như không còn được phát hiện lên đẻ trứng. Vì vậy, tất cả các loài rùa biển đều bị đưa vào Sách Đỏ (2007), có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.

Đâu là nguyên nhân khiến số lượng rùa biển bị suy giảm?

Trong nhiều thập kỷ qua, rùa biển đã bị con người khai thác làm thức ăn, mai rùa dùng làm đồ chế tác và bán cho khách du lịch. Hệ thống tàu bè dày đặc, tình hình đánh bắt tràn lan bằng lưới kéo, lưới rê, lưới vây làm cho ngư trường cạn kiệt, môi trường sinh thái biển bị ô nhiễm, nơi cư trú và cung cấp nguồn thức ăn cho rùa biển bị hủy hoại và xuống cấp trầm trọng, nhất là các thảm cỏ biển, các rạn san hô. Mặt khác, sự hiện diện của con người trên các đảo, tác động của ánh sáng, chất thải, tiếng ồn từ động cơ tàu thuyền… là những nguyên nhân dẫn tới sự suy kiệt quần thể rùa biển. Xói lở bờ biển do sự tàn phá của thiên tai và du lịch bãi biển phát triển nhanh chóng cũng góp phần thu hẹp bãi đẻ, nơi sinh sản của rùa. Trong tương lai, rùa biển còn có nguy cơ chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Tại sao chúng ta cần bảo tồn rùa biển?

Các loài rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái, có giá trị khoa học cao, đem lại nguồn lợi cho cộng đồng từ các hoạt động du lịch. Người dân sống tại khu vực ven biển và những người đi biển thường xem rùa biển là con vật linh thiêng. Như một dấu hiệu chỉ thị, nơi nào có sự xuất hiện của rùa biển thì nơi đó sẽ có một hệ sinh thái khỏe mạnh. Ngoài ra, các hoạt động du lịch sinh thái gắn liền với rùa biển cũng mang lại nguồn thu nhập cho quốc gia và người dân địa phương. Mô hình du lịch sinh thái thăm, xem rùa biển đã được áp dụng tại Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và thu được những kết quả khả quan.

Quyết định gắn bó với hoạt động cộng đồng, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã, trở ngại lớn nhất mà chị từng gặp phải là gì?

Khi gắn bó với hoạt động này, tôi cũng xác định sẽ phải đi thực địa nhiều, xa nhà thường xuyên, không có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Có lúc con ốm, gia đình có việc mà mình không ở nhà để chăm lo, tôi cảm thấy áy náy và có lỗi lắm. Tuy nhiên, nhờ sự hậu thuẫn và giúp đỡ từ người bạn đời mà tôi không cảm thấy có gì là trở ngại. Làm việc gì cũng cần đam mê, tôi cảm thấy mình may mắn vì được làm công việc mà mình yêu thích.

Chị nghĩ như thế nào về vai trò của phụ nữ trong hoạt động bảo vệ môi trường và động vật hoang dã?

Các bạn nước ngoài thường nói với tôi là phụ nữ Việt Nam sao chăm chỉ thế, rất chịu khó tiếp thu, áp dụng các ý tưởng sáng tạo trong công việc… Đó cũng là lý do mà phụ nữ đã xuất hiện nhiều hơn trong các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốctế đang hoạt động tại Việt Nam. Ở đâu vai trò của người phụ nữ cũng quan trọng như đàn ông thôi. Tôi may mắn được làm việc trong môi trường mở và sống trong một gia đình bình đẳng nên không thấy có
gì khác biệt.

Theo chị, mỗi người có thể làm gì để góp phần bảo về rùa biển nói riêng và môi trường nói chung?

Ai cũng có thể góp phần đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn rùa biển. Từ những việc lớn như đóng góp ý kiến cho các nhà lãnh đạo, đưa ra những chính sách phù hợp, quan tâm đến phát triển bền vững cho đến những hành động nhỏ hàng ngày như hạn chế dùng túi nilon, không xả rác bừa bãi, tiết kiệm điện, nước… Đấy, đơn giản vậy thôi, ai cũng làm được.

Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Những điều về IUCN

IUCN, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, là mạng lưới hoạt động vì môi trường toàn cầu lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Được thành lập từ năm 1948, IUCN là một hiệp hội dân chủ với hơn 1.000 chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thành viên, gần 11.000 nhà khoa học tình nguyện từ hơn 160 quốc gia, mang đến diễn đàn trung lập cho các bên cùng tìm ra giải pháp trước những thách thức về bảo tồn và phát triển.

Từ năm 2007, IUCN nhận được hỗ trợ tài chính hàng năm từ Quỹ bảo tồn rùa biển, Cơ quan quản lý nghề cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (US Fish and Wildlife Service), bắt đầu tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xây dựng nhóm tình nguyện viên, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và các phương pháp tuần tra, cứu hộ rùa biển… tại các địa phương ven biển Việt Nam, đồng thời tổ chức chương trình tình nguyện viên mùa Hè ở Côn Đảo, Hòn Cau, Lý Sơn và Núi Chúa hàng năm về bảo tồn biển và rùa biển.

Đến nay, IUCN đã xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp và thả về biển gần 6.000 con rùa, số lượng rùa được phóng thích tăng dần hàng năm. Nạn khai thác, chế tác, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển được hạn chế. Hơn 6.000 thẻ được sử dụng tại các bãi đẻ, có 2 loài là Vích và Rùa da lên đẻ trứng với tổng số rùa mẹ gần 5.000 con (2004-2014), tổng số rùa con đã sinh và thả về biển là hơn 1.200.000 con.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên, Đoàn Trúc, Ngọc Anh, Ảnh: Chu Lân Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)