Kiều Anh cũng chia sẻ thêm: “Em học được từ ca trù cái sự chính trực, thẳng thớm ấy: Đi hát xong là về nhà, không la cà, trôi nổi theo những lời chòng ghẹo, chưa bao giờ em cho phép ai được suồng sã với em, nếu khán giả nào trêu ghẹo, em sẽ về… mách chồng” – Trở lại với MV “Một lần sau cuối”, nữ ca nương 9X lần đầu tiên nói về những góc khuất thú vị khác trong đời sống của cô.
Điều gì đã khiến một ca nương sinh ra trong một gia đình có 7 đời hát ca trù lại quyết định rẽ sang nhạc trẻ: The Voice đã “xúi giục” em, hay em muốn nổi tiếng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn?
The Voice 2015 đúng là đã giúp em khám phá thêm những góc khuất khác của mình và đưa em đến gần khán giả trẻ hơn, nhưng mong muốn mở rộng “thị phần khán giả” thì đã được em nung nấu từ lâu, chỉ là chưa biết bằng cách nào mà thôi. Vì nếu chỉ có ca trù thì chưa đủ cho cá tính của em vùng vẫy, cũng rất khó để ca trù được biết đến rộng rãi. Em nhận lời tham gia các show truyền hình thực tế VN Got Talent (2013) và The Voice (2015) cũng là vì thế…
Tuy nhiên, em không coi đó là một sự chuyển hướng mà chỉ đơn giản là một sự mở rộng. Vì thực tế là em chưa bao giờ có ý định rời bỏ ca trù mà chỉ muốn đưa nó đến gần hơn với khán giả trẻ, bằng cách kết hợp truyền thống với hiện đại, dân ca với khí nhạc…, dựa trên đam mê và thế mạnh sẵn có của mình. MV “Một lần sau cuối”, nếu nghe kỹ, mọi người có thể nhận ra nhiều chỗ em đã xử lý một ca khúc pop bằng màu sắc và kỹ thuật của ca trù. Em tin đó là dấu chân riêng có của mình trên vùng đất mà em mới đến.
Sở hữu một cuộc tình dài 4 năm và “kết thúc có hậu”, lại được gả vào một chốn “ấm thân”, cớ sao lại chọn hát một ca khúc buồn về một cuộc tình dang dở?
Em vốn thích nghe và hát nhạc buồn, vì mỗi lần được lắng chìm vào không gian đó, em lại cảm thấy mình sâu sắc và tĩnh lặng hơn. Vì thế, em cũng muốn khán giả của mình cũng có được cảm giác đó khi nghe “Một lần sau cuối”.
Em có thấy mình lấy chồng… hơi sớm?
21 tuổi, vâng đúng là hơi sớm nhỉ? Việc lấy chồng sớm đúng là nằm ngoài dự tính của cả em và gia đình em, nhưng vì chồng em và nhà chồng em tha thiết quá, và tình cảm giữa hai đứa cũng đã đủ chín muồi sau 4 năm (trong đó có hơn 1 năm yêu xa, khi anh ấy đang học ở Mỹ) – một cuộc tình vượt qua được cả thời gian và khoảng cách địa lý, nên em mới đồng ý. Trăm sự cũng chỉ vì mình là nghệ sỹ, thích lãng mạn, và chồng em lại biết đánh đúng cái “điểm yếu” của em nên riêng cái màn quỳ xuống cầu hôn cũng đã đủ khiến em bị “điểm huyệt”, “chết đứng”…
Đến với truyền hình thực tế khi đã là một cái tên, nhưng không hẳn đã được đẩy lên như kỳ vọng – Trong những quãng “hẫng” đó của nghề, đã bao giờ em muốn “theo chồng bỏ cuộc chơi”, góp thêm một tay vào sự nghiệp giáo dục của nhà chồng (ngôi trường dân lập Lương Thế Vinh nổi tiếng ở Hà Nội của PGS Văn Như Cương – PV)?
Em không nghĩ một cá tính như em lại có thể phù hợp với một công việc ngày 8 tiếng, lại không có chút chuyên môn nào về nó. Làm sao có thể theo đuổi một cái nghề mà mình không cảm thấy tự tin? Nhà em 7 đời hát ca trù, bản thân em từ lúc nằm trong bụng mẹ cũng đã được nghe ca trù, nghệ thuật từ bao giờ đã nằm trong máu của mình rồi thì làm sao có thể làm nghề gì khác được? Được cái, chồng em lúc nào cũng chỉ muốn vợ được vui vẻ hạnh phúc và được làm những gì vợ thích nên dù có lúc mệt mỏi vì cái tính nhõng nhẽo của em, anh ấy cũng vẫn cố chiều và dành cho em tình cảm trọn vẹn như cái ngày quỳ dưới chân em cầu hôn vậy…
Một thời, cả ca trù và trường dân lập đều ít nhiều bị “ghẻ lạnh” ở Hà Nội, vì đủ thứ nghi ngờ, định kiến. Là lớp hậu sinh, em có học được gì từ nhà ngoại và nhà nội của mình cách vượt qua định kiến, trong nghề nghiệp, cũng như trong cuộc sống?
Để học tập một cách cụ thể thì chưa, nhưng để ngấm vào mình một cách tự nhiên thì chắc là có. Về làm dâu một gia đình có tiếng như nhà chồng em, nhiều người bảo em “sa vào chĩnh gạo”, chắc chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng”, nhưng nếu em quan tâm đến cái “chĩnh gạo” ấy, lệ thuộc vào nó, thì chắc em đã chọn một lối rẽ an phận khác, chứ không phải vội đi hát, đi làm như thế này. Em luôn tâm niệm: Phải không lệ thuộc vào kinh tế nhà chồng thì người con dâu mới có được tiếng nói. Nếu một đồng đi taxi cũng phải ngả tay xin thì đừng mong mọi người tôn trọng. Bản thân chồng em tuy mang tiếng là “công tử”, “con trai một”… nhưng trong 8 năm du học ở Mỹ cũng đã làm đủ nghề từ bê phở đến buôn ô tô… nên càng hiểu rõ ý nghĩa của sự tự chủ. Em học được chồng em cái tính đó. Tương tự, là quyết định lấy chồng sớm của em. Thường thì người lớn sẽ nghĩ: Lấy chồng ở vào cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sẽ rất dễ tan vỡ, và đúng thực là tận đến giờ em cũng vẫn còn khá là trẻ con, nhưng lúc này, bố mẹ em không còn phải lo nữa. Mẹ em thậm chí còn phải can chồng em là đừng có chiều vợ quá, lại khuyên em đừng “hành chồng quá mà nó khổ”. Nhưng hôm rồi, chồng em lại gọi điện khoe mẹ em: “Trộm vía, dạo này em nó cũng hiền với con lắm mẹ ạ!”. Khổ thân chồng em! (cười).
Được chiều trong nhà, tới lúc ra đường, lại là một môi trường “dữ” như showbiz, liệu có “chịu được đòn”?
Thật ra thì hồi thi The Voice xong cũng ít nhiều nếm phải ít áp lực rồi, sau cái vụ lùm xùm nọ. Rồi cũng qua và cũng phải cố mà quen. Nhưng biết đâu cũng chính vì ra đường đã phải gồng lên như thế rồi, thì khi về nhà lại càng phải được sống thật với mình chứ – Như thế có phải tốt hơn không?
Lời hát nào trong ca trù theo Kiều Anh là đáng để coi như một bài học sống?
Có đấy, trong bài “Xẩm huê tình”: “Tắm mát lên ngọn sông đào/ Muốn ăn sim chín tìm vào rừng xanh”. Chẳng có gì tự nhiên mà có cả, cứ phải chịu khó, kiên nhẫn mới mong có ngày được hái trái ngọt…
Và đừng quên, nguyên tắc số 1 của một ca nương là không bao giờ được liếc ngang liếc dọc, chỉ được nhìn thẳng mà thôi, để phân biệt giữa đào hát và đào rượu. Em học được từ ca trù cái sự chính trực, thẳng thớm ấy: Đi hát xong là về nhà, không la cà, trôi nổi theo những lời chòng ghẹo, chưa bao giờ em cho phép ai được suồng sã với em, nếu khán giả nào trêu ghẹo, em sẽ về… mách chồng. Em từng ghét và định “cấm cửa” chồng em vì cái hồi mới tán, cái giọng nó cứ lả lơi thế nào, khiến em nghi chồng em lăng nhăng, không đứng đắn. Nên khi lấy được nhau rồi bèn quyết định xăm một hình đôi lên tay dòng chữ tiếng Anh này, có nghĩa: “Suýt nữa thì ghét nhau” (cười)…
—
Xem thêm
Kiều Anh ra mắt MV “Một lần Sau Cuối”
NTK Diệu Anh & Người mẫu Lâm Thu Hằng – Phụ nữ luôn cần nhau
Chi Pu: “Tôi không phải là đứa có năng khiếu diễn xuất bẩm sinh”
Nhóm thực hiện
Thư Quỳnh (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE, Ảnh: Hải Bá)