Văn hóa / ELLE Interview

Chị Phan Nguyệt Anh và Dự án đồng cảm chung vai bớt gánh nặng

[Tạp chí ELLE tháng 6/2017] Dự án Đồng Cảm của chị Phan Nguyệt Anh và những người đồng sáng lập tuy nhỏ, nhưng quy mô ấy đảm bảo sự quan tâm và hỗ trợ đến được tận tay người bệnh trong những lúc cần kíp nhất.

Chị Phan Nguyệt Anh và Dự án đồng cảm chung vai bớt gánh nặng

Từ hoạt động giúp đỡ bệnh nhân mỗi ngày nằm viện một bữa ăn trị giá 5.000 đồng, đến nay Đồng Cảm đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn tại Hà Nội. Đến cuối năm 2016, dự án đã cung cấp hơn 540.000 phiếu ăn và hỗ trợ hàng chục nghìn bệnh nhân với tổng số tiền hơn 16 tỉ 700 triệu đồng. ELLE đã có cuộc trò chuyện với chị Phan Nguyệt Anh – Sáng lập viên, điều phối viên của dự án để “đồng cảm” với những tâm huyết mà chị và các cộng sự đã trao tới những người bệnh trong chặng đường 12 năm qua.

Ý tưởng sáng lập Dự án Đồng Cảm có từ đâu?

Tôi có ý tưởng này khoảng năm 1997 – 1998, những lần đi qua bệnh viện Xanh Pôn và thấy những gương mặt xanh xao, mệt mỏi của người bệnh ngồi trên vỉa hè trệu trạo nhai ổ bánh mì rồi lại nghĩ đến hình ảnh trái ngược của những bữa tiệc sang trọng thừa mứa thức ăn. Lúc ấy, tôi nghĩ đến việc xin đồ ăn thừa ở các khách sạn, nhà hàng để
mang về phát cho bệnh nhân nhưng điều kiện nhân sự đi thu gom, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… không cho phép. Rồi lại tính chuyện nấu ăn cho họ nhưng rồi cũng khó thực hiện vì còn con nhỏ, gia đình và công việc.

Sau khi bàn bạc với ông xã, chúng tôi đã nghĩ đến việc tận dụng căn tin của bệnh viện để đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, tiện lợi về thời gian, địa điểm cũng như có nhiều lựa chọn các loại đồ ăn chỉ bằng một tờ phiếu nhỏ. Ý tưởng ấy đã trở thành hiện thực như một món quà từ ông xã gửi tới khi tôi sắp sinh cháu thứ 2. Anh là người trực tiếp liên hệ Bệnh viện K, viết dự án với từng bước thực hiện cụ thể, đi xin phiếu ăn và cùng phát phiếu những buổi đầu tiên. “Thôi cứ làm được ngày nào hay ngày ấy, không có điều kiện thì dừng lại, không sao cả, cái chính là phải bắt đầu” – lời nói của anh đã có sức thôi thúc mạnh mẽ đến tôi. Và thế là, dành ra 3 triệu đồng/tháng, 20 bệnh nhân mỗi ngày nhận 1 phiếu ăn trị giá 5.000 đồng, chúng tôi cứ làm, có đến đâu làm đến đó và cũng không nghĩ đến việc kêu gọi sự chung tay của mọi người. Sau đó, tôi sinh con, chồng tôi lại đi học xa 3 năm nhưng may mắn chúng tôi có sự giúp sức của đồng nghiệp, anh chị em trong nhà đi phát phiếu cũng như chính thức kêu gọi nguồn đóng góp tài chính từ những người xung quanh để tiếp tục duy trì dự án.

Điều thành công nhất mà dự án đã làm được là gì?

Là mang được trọn vẹn tấm lòng của các nhà tài trợ đến tận tay những người cần được giúp đỡ nhất. Trong những năm qua, dự án đã hoạt động bền vững và phát triển nhờ sự cổ vũ, khích lệ và hỗ trợ của rất nhiều nhà hảo tâm. Chúng tôi không thể nêu hết tên được những người đã hỗ trợ chúng tôi cả về vật chất và tinh thần, trong số đó có rất nhiều người chúng tôi chưa từng gặp mặt. Đối với các bệnh nhân, ngoài những bữa cơm, hộp sữa, một điều khác cũng vô cùng quan trọng là họ nhận được sự đồng cảm, sự hỗ trợ về tinh thần và biết rằng trong cuộc chiến đấu chống lại bệnh tật, họ không hề cô đơn. Học bổng Đồng Cảm cũng mang lại cơ hội để các cháu nhỏ là con của bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đến trường, tăng thêm cơ hội kiếm được việc làm phù hợp để các cháu có thể tự nuôi sống bản thân.

Và chắc chắn gặp không ít những khó khăn phải không chị?

Những ngày đầu, khó khăn là phải tìm đúng đối tượng bệnh nhân để giúp đỡ. Bệnh nhân thì nhiều, tiền có hạn,
làm thế nào để chọn được những người cần giúp nhất. Các điều dưỡng trưởng phụ trách từng khoa trong bệnh viện là những người biết rõ hoàn cảnh của bệnh nhân đã giúp chúng tôi rất nhiều. Do không dựa trên bất cứ mô hình nào có sẵn, chúng tôi cũng gặp một số vấn đề về cách thức quản lý phiếu ăn, cách thức thanh toán phiếu… Tiếp đó là thiếu nhân lực, vì các thành viên ban điều hành đều có công việc riêng và con nhỏ nên mọi việc tổ chức từ gặp căn tin trả tiền phiếu, gặp bệnh viện thanh toán hóa đơn, sổ sách giấy tờ đều chiếm khá nhiều thời gian. Đến nay, chúng tôi đã có thêm người, quy trình làm việc cũng ổn định để ban điều hành không phải liên tục có mặt ở bệnh viện. Khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng bệnh nhân tiếp tục tăng, chi phí tăng, trong khi số người tài trợ cho dự án không thay đổi gì lớn nên thiếu kinh phí là một vấn đề mà dự án thường xuyên phải đối mặt, đặc biệt khi giá trị phiếu ăn được tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng vào tháng 4/2016.

Kỷ niệm xúc động nhất của chị và các cộng sự?

Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Họ coi chúng tôi như người thân, thỉnh thoảng lại gọi điện nhắn tin hỏi thăm. Nhưng xúc động nhất là khi được cháu Trần Văn Cường, con bệnh nhân đầu tiên được Dự án tài trợ học bổng báo tin đỗ đại học. Cháu Cường là con của bệnh nhân Trần Thị Thủy, quê ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, con gái duy nhất của một liệt sĩ thời chiến tranh chống Mỹ, cháu của một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, được Đồng Cảm hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị và đi lại trong thời gian hơn ba năm ở Bệnh viện K.

Chị đã mất năm 2011 do bệnh quá nặng, và không may là chồng chị cũng đã mất trước đó mấy tháng do bệnh xơ gan, để lại hai cháu nhỏ mồ côi, lúc đó cháu lớn học lớp 11, cháu nhỏ mới lớp 8. Trước khi mất, chị dặn lại trong nước mắt: “Chừ mẹ chị già yếu rồi, anh chị em nỏ (không) có, các cháu chỉ trông mong vào Dự án, chị xin em đừng bỏ chúng nó!”.

Từ đó đến nay, hai anh em cháu Cường ở với bà ngoại và được Đồng Cảm tài trợ toàn bộ tiền học phí và tiền khám chữa bệnh (cháu Cường có u lành tính trong họng phải điều trị một thời gian dài). Tháng 9 năm 2013, cháu Cường đã đỗ vào Học viện An ninh Nhân dân với tổng số điểm ba môn thi là 26 điểm. Khi Cường gọi điện thông báo, cả người nhận và người nghe đều nghẹn giọng vì tin vui quá lớn. Đỗ vào đại học, lại được Nhà nước tài trợ toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt – một cánh cửa mới đã mở ra trước mắt. Cường đã tự lo được cho mình và trở thành tấm gương để em trai theo bước. Năm nay Cường sẽ tốt nghiệp và đến lượt em trai cháu, Trần Tiến Mạnh, thi đại học. Tôi mong sẽ nhận được tin vui của cháu.

Để Đồng Cảm trở thành hiện thực và hoạt động tích cực đến ngày hôm nay là công sức của rất nhiều người, gồm có: Chị Phan Nguyệt Anh – Sáng lập viên, Điều phối dự án Anh Đặng Xuân Hợp – Sáng lập viên Chị Lê Thanh Thúy – Kiểm soát viên Chị Đỗ Thị Thu Hà – Cố vấn Và các nhân viên như bác Dậu, chị Thúy Anh, anh Thành và rất nhiều các cộng tác viên, tình nguyện viên khác.

Nhóm thực hiện

Bài: Nana Phạm - Ảnh: Tuyết Vinh, Ngọc Anh Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)