Chuyên gia tâm lý Dr Pepper: “Phụ nữ ơi, hãy thay đổi vì những giá trị mình xứng đáng nhận được.”

Đăng ngày:

Chuyên gia tâm lý Dr Pepper: “Chúng ta nên hiểu rằng nếu muốn cuộc đời mình tốt hơn, mình phải là người thay đổi. Nếu chúng ta cần người đàn ông nào đó thay đổi, sau khi người này thay đổi thì cuộc sống họ tốt hơn chứ không phải mình”.

dr pepper mang thai

Dr Pepper ở những tháng cuối của thai kỳ

Tôi gặp chuyên gia tâm lý Dr Pepper trong một chiều Sài Gòn nắng đổ lửa. Mồ hôi nhễ nhại khiến mặt tôi tối sầm và đôi phần cau có. Trái ngược với trạng thái căng thẳng đó, Dr Pepper xuất hiện với nụ cười bừng sáng và mang trên mình một mùi hương cực kỳ thư thái dễ chịu. Chị rất thân thiện và không nề hà việc phải đi phỏng vấn giữa chiều nắng mặc dù đã gần đến ngày sinh em bé.

Buổi phỏng vấn không bắt đầu với câu từ hoa mỹ, chúng tôi nói chuyện như hai người chị em lâu ngày gặp lại. Chiều hôm đó, tôi không đến phỏng vấn Dr Pepper để xin ý kiến về những vấn đề liên quan đến bệnh tâm lý phụ nữ. Tôi đến gặp chị cốt lõi để hiểu hơn về chị Huyền Trân (tên thật của Dr Pepper) của cuộc sống thường nhật.

Chào chị, chị đang ở tháng thứ mấy của thai kỳ rồi?

Pepper còn 3 tuần nữa là sẽ sinh, nên bây giờ bác sĩ không cho đi đâu hay làm việc nặng vì sợ chị sinh non.

Vậy chắc chị đang nghỉ ngơi để chờ ngày sinh?

Chị không đến văn phòng nữa nhưng mỗi ngày chị vẫn làm việc, nghe điện thoại tư vấn cho khách hàng bình thường vì hàng ngày có rất nhiều trường hợp khẩn cấp cần giúp đỡ. Sau khi sinh tầm một tháng, chị quay lại văn phòng làm việc để không bị rơi vào tình trạng trầm cảm.

Chị không sợ sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng xấu hay sao?  

Vì tinh thần chị khỏe mạnh, nên khi cơ thể trải qua việc sinh nở, Pepper gần như không cảm thấy đau và hồi phục rất nhanh. Tinh thần quyết định rất nhiều đến sức khỏe bản thân. Chỉ cần mình nghĩ mình buồn hay không đủ sức khỏe, cơ thể sẽ trở nên như vậy. Với phụ nữ sau sinh, giữ vững tinh thần và cố gắng quay trở lại nhịp sống thường nhật càng nhanh thì chúng ta sẽ không cảm thấy bị trầm cảm. 

TỪNG LÀ BỆNH NHÂN CỦA TÂM LÝ

Tôi đã hỏi Dr Pepper một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, nhưng nó lại làm mắt chị đỏ hoe.

dr pepper

Chị học ngành tâm lý được bao lâu rồi?

Trước năm 25 tuổi, chị không chọn tâm lý học mà là thương mại và marketing để đi làm lo cho gia đình. Năm 23 tuổi chị lấy chồng nhưng 2 năm sau thì ly hôn vì nhiều sự cố. Ngay tại thời điểm đó, chị nhận ra rằng mình đang là bệnh nhân của tâm lý. Thật ra chị mắc bệnh trầm cảm từ khi 16 tuổi nhưng vì tự tin nghĩ mình vượt qua được cho đến khi nghe tin ông nội mất, công ty của mình phá sản, hai vợ chồng chuẩn bị ly hôn, chị suy sụp hoàn toàn.

May mắn thay, vào lúc lạc lối nhất (thậm chí đã đứng trên tòa nhà cao tầng nghĩ đến chuyện tự tử nhưng vì nhớ đến gia đình nên thôi), trường đã giới thiệu chị đến gặp một vị giáo sư tâm lý. Chị vẫn nhớ mãi buổi trò chuyện 30 phút ngày hôm đó. Thầy tháo gỡ rất nhanh những khúc mắc trong đầu chị cũng như đã cho chị thấy được đam mê thực sự của mình ở đâu. Một thời gian sau, chị quyết tâm theo ngành tâm lý học và trở thành Dr Pepper của ngày hôm nay. 

Chuyên gia tâm lý Dr Pepper: “Phụ nữ hãy thay đổi vì những giá trị mình xứng đáng nhận được.”

NGƯỜI PHỤ NỮ LUÔN BỪNG BỪNG SỨC SỐNG

Ở chị, dường như luôn có nguồn năng lượng dồi dào, nhưng khi có thai, sự thay đổi hormone dễ làm tâm trạng phụ nữ mệt mỏi và bực tức khó đoán. Chị có lo sợ việc tiếp xúc với những nguồn năng lượng tiêu cực hay việc phải lắng nghe những câu chuyện buồn sẽ làm ảnh hưởng tâm trạng của bản thân và cả em bé?

Tâm trạng của chị chỉ đôi khi thất thường và mệt mỏi do việc thay đổi hormone. Ở lần sinh em bé trước, chị cũng rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh một thời gian ngắn nhưng do ông xã cũng là chuyên gia tâm lý nên chị vượt qua được những chướng ngại này rất nhanh.

Khi tiếp xúc với khách hàng, Dr Pepper sẽ lắng nghe câu chuyện của họ, đặt ra rất nhiều câu hỏi để tìm hiểu vấn đề cốt lõi nằm ở đâu. Sau đó, nhiều giải pháp được chị liệt kê ra để giúp họ thoát khỏi bế tắc. Khi tư vấn xong, chị luôn cảm thấy rất tự hào vì mình đã giúp đỡ được người khác. Điểu này tạo niềm vui cho chị và tiếp thêm năng lượng để làm việc. Quan trọng hơn cả, chị luôn nhắc nhở mình chỉ nghĩ đến những điều làm mình vui và ngừng suy nghĩ tiêu cực.

Khi nhìn thấy gia đình của chị Pepper và cách chị kể về chồng con, em cảm nhận như hôn nhân là màu hồng và chẳng có gì phức tạp hay đau khổ. Tuy nhiên ở xã hội Việt Nam hiện tại, nhiều bạn trẻ khá sợ việc kết hôn hay thậm chí yêu đương giống như những gì đang xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Chị có nhận thấy như vậy không?

Pepper không nhận thấy như vậy và hôn nhân vẫn luôn là một thứ đẹp đẽ trong mắt chị. Nếu bạn nhìn vào một quốc gia đang chiến tranh, mình chỉ thấy chiến tranh. Nếu bạn nhìn vào một quốc gia đang yên bình, mình sẽ thấy yên bình. Vậy mình nên chọn chỗ nào bình yên mà nhìn vào. Bây giờ thông tin xấu tràn ngập mạng xã hội, giới trẻ đọc quá nhiều tin tiêu cực về hôn nhân thế nên họ mới cảm thấy sợ. Tại sao chúng ta không chọn đọc những tin về hôn nhân hạnh phúc để thấy cuộc đời bình yên hơn?

Hôn nhân cần sự nhường nhịn rất nhiều. Ông xã của chị kém Pepper đến 8 tuổi, nhưng vì cùng là chuyên gia tâm lý nên bọn chị học được cách thỏa hiệp khi xảy ra mâu thuẫn cũng như không cố gắng ép người còn lại phải làm theo ý mình. Chính vì thế mà sau 4 năm, gia đình chị vẫn rất hạnh phúc. 

CÁCH PHÁT HIỆN BỆNH TRẦM CẢM VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA TRỊ

Pepper - tư vấn

Khi tiếp nhận bệnh nhân hay khách hàng, chị thường đưa ra những giải pháp nào giúp người bệnh?

Chị không ủng hộ việc uống thuốc để chữa trị bệnh trầm cảm. Chỉ khi nào bệnh nhân mất khả năng kiểm soát hành vi, tức đã chuyển qua giai đoạn tâm thần, lúc đó mới cần phải chuyển họ tới bệnh viện tâm thần và dùng thuốc chữa trị. Dr Pepper khuyến khích những trường hợp mới chớm bệnh nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn tâm lý kết hợp cùng các hoạt động thư giãn, trị liệu thể chất để giúp tư duy thay đổi tích cực hơn.

Thường thì chỉ khi nào người bệnh nhận thấy mình có những biểu hiện quá bất bình thường như mất ngủ lâu năm hay có khuynh hướng muốn tự làm hại bản thân thì mới tìm đến chuyên gia tâm lý để cầu cứu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này có thể bệnh nhân đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến người thân và gia đình. Dr Pepper có thể cho biết thêm những biểu hiện của bệnh trầm cảm khi ở giai đoạn đầu hay không?

Mất tập trung, không có khả năng ngủ sâu hay dù lên giường nằm từ sớm nhưng loay hoay hoài không ngủ được, dễ bị nổi điên mặc dù không có chuyện gì nghiêm trọng, sử dụng mạng xã hội rất nhiều nhưng lại hạn chế hoặc cảm thấy khó khăn khi nói chuyện trực tiếp, nghĩ mình không có ích cho đời… đều là những dấu hiệu báo động rằng não bạn đang tối dần. 

NAO NGUOI BI BENH TRAM CAM

Não người mắc bệnh trầm cảm (trái) so với não người bình thường (phải).

Em nhìn vào hình này sẽ rõ, ở người bình thường, bộ não họ có rất nhiều đốm sáng. Nhưng khi chúng ta bị mắc bệnh, từ từ những đốm sáng này mất đi và não tối dần lại. Não càng tối thì khả năng kiểm soát hành vị càng giảm.

Nếu chúng ta mới mắc bệnh với những triệu chứng trên, ngoài việc tìm gặp bác sĩ tâm lý, có cách nào nào để tự giúp bản thân không chị Pepper?  

Thật ra rất dễ dàng để chị ngồi tư vấn hàng giờ. Tuy nhiên, ở Vương quốc hạnh phúc của Dr Pepper, chị có thiết kế ra những khóa học ngắn hạn với nhiều biện pháp thanh lọc và giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân. Bộ não chúng ta cần phải được loại bỏ những suy nghĩ tăm tối, sau đó mới có thể tiếp nhận những suy nghĩ tích cực và tươi vui.

Chính vì vậy, ngoài công việc tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, Dr Pepper luôn nghiên cứu và thường xuyên khai giảng các khóa học hướng dẫn mọi người sống hạnh phúc hơn. Bằng cách thay đổi thói quen suy nghĩ, hành động và luyện tập các bài tập thư giãn hay phát huy não bộ, chúng ta sẽ từ từ thoát ra khỏi sự trầm uất. Việc tư vấn có thể xoa dịu tâm lý người bệnh nhất thời nhưng về lâu dài chính bản thân người đó phải học cách tự xoa dịu tâm lý của mình.

Pepper từng lấy giá tư vấn chỉ có 500.000 đồng/giờ, nhưng thấy hiệu quả thay đổi cuộc sống của bệnh nhân không cao nên chị tăng lên 5.000.000/giờ bằng với giá một khóa học tâm lý của Vương quốc hạnh phúc. Lý do đằng sau việc tăng giá là vì Dr Pepper muốn bệnh nhân phải học cách thay đổi cuộc đời! Đây là mấu chốt để bạn tự biến cuộc đời mình hạnh phúc hơn.

Chị có thông điệp nào dành cho phụ nữ ngày nay?

Phụ nữ ơi, hãy thay đổi đi! Đây là thông điệp của chị và Vương quốc hạnh phúc. Nhiều người không hiểu ý nên trách Dr Pepper tại sao lại nói phụ nữ cần thay đổi mà trong khi đó đàn ông thì không. Chúng ta nên hiểu rằng nếu muốn cuộc đời mình tốt hơn, mình phải là người thay đổi. Nếu chúng ta cần người đàn ông nào đó thay đổi, sau khi người này thay đổi thì cuộc sống họ tốt hơn chứ không phải mình. Có khi người ta lại thay đổi suy nghĩ là họ cần người phụ nữ khác chứ không phải bạn thì sao?  

Phụ nữ hãy thay đổi vì những giá trị mình xứng đáng nhận được. Đây là lời khuyên rất chân thành từ trái tim của Dr Pepper.

Rất cảm ơn chị về buổi trò chuyện tràn đầy nhiệt huyết và ý nghĩa này. Tạp chí ELLE Việt Nam rất hy vọng rằng Dr Pepper sẽ đến trò chuyện trực tiếp với độc giả ELLE ở một buổi hội thảo của ELLE Women In Society trong tương lai.

Chúc chị mẹ tròn con vuông, gia đình luôn hạnh phúc và có sức khỏe tốt để tiếp tục giúp đời, giúp người.

Thông tin thêm về các khóa học của Dr Pepper

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây

Tại Vương quốc hạnh phúc cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn tâm lý từ thiện dành cho các trường hợp khó khăn về tài chính.

Tham gia Group ELLE Women In Society tại đây để được cập nhật chủ đề và danh sách chuyên gia sẽ đến chia sẻ.

Nhóm thực hiện

Ảnh: NV cung cấp (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more