Phó Chủ Tịch HĐQT TTC AgriS Đặng Huỳnh Ức My: “Phụ nữ hiện đại tự định giá trị bản thân”
Phụ nữ hiện đại không cần chờ để được xã hội đánh giá, chúng ta hoàn toàn có thể tự định giá trị của bản thân.
Đó là triết lý mà Chị Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS, HOSE: SBT), người được mệnh danh là “nữ tướng nông nghiệp Việt Nam” luôn theo đuổi, để vừa đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp nâng tầm nông sản Việt trên trường quốc tế lẫn sự viên mãn trong cuộc sống.
Có một xuất phát điểm tốt, nhưng cũng là trở ngại nếu không cầu tiến. Đâu là động lực để chị luôn nỗ lực trong sự nghiệp?
Ngày trước, tôi tạm gác ước mơ nghề giáo để bước vào ngành nông nghiệp vì thương cha mẹ và trân quý những thành quả mà cha mẹ đã tạo dựng để hoà mình vào “đại gia đình” nông nghiệp TTC AgriS.
Được tiếp cận sâu, tôi dần hiểu và thương người nông dân cũng như ngành nông nghiệp Việt nhiều hơn khi thấy giá trị kinh tế được tạo ra còn quá ít so với sự chăm chỉ, cần mẫn của con người. Đặc biệt, những suy nghĩ cứ trăn trở trong tôi khi sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về ngành nông nghiệp Việt Nam còn quá thấp so với các giá trị tiềm năng về thổ nhưỡng, vị trí địa lý, nguồn lực mà chúng ta đang sở hữu.
Tất cả những điều đó trở thành động lực không ngừng thôi thúc tôi nỗ lực để tìm ra giải pháp cho sự thay đổi, không phải chỉ để phát triển những thành tựu kế thừa từ gia đình mà còn để người nông dân thực sự có thể sống tốt với nghề nông, đưa nông nghiệp Việt về đúng vị trí đáng có trên thương trường quốc tế.
Hành trình trở thành một lãnh đạo dẫn dắt doanh nghiệp nông nghiệp đầu ngành, có lịch sử gần 55 năm với chị có nhiều thử thách không?
Là con gái duy nhất trong gia đình khi thừa hưởng thành quả mà bậc sinh thành đã nỗ lực miệt mài gầy dựng suốt bao nhiêu năm qua, tôi hiểu được trách nhiệm làm cho những thành quả đó, những thừa hưởng đó lớn hơn, mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho đất nước.
Đặc biệt, trong một ngành nghề truyền thống lâu năm, thách thức lớn nhất cho một lãnh đạo trẻ là bản lĩnh tạo nên sự thay đổi. Nhưng, mạnh dạn thay đổi cách làm, thiết lập tiền lệ mới, là chìa khoá mở ra cơ hội thông thương quốc tế. Với tâm thế luôn sẵn sàng đảm đương, thử thách cũng chính là cơ hội với tôi trong hành trình này.
Vậy trong vị thế là một lãnh đạo nữ, chị có thấy trở ngại hơn so với nam giới không?
Ở góc độ lãnh đạo doanh nghiệp, tôi quan niệm dù là nam hay nữ thì đều phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu vì đó là tổ chức liên quan đến hàng ngàn con người. Doanh nghiệp càng lớn, tác động đến cộng đồng, xã hội càng rõ ràng.
Không có giới hạn nào về việc xây dựng và phát triển bản thân. Dù là một người bình thường hay là một lãnh đạo, dù là nam hay nữ, chúng ta luôn là người duy nhất biết mình cần gì, muốn gì và trở thành người như thế nào. Cũng giống như tôi từng đấu tranh với cha mẹ để được đi du học, không phải vì cho hợp với danh xưng “công chúa mía đường”, mà là để thực học, để đủ năng lực, kinh nghiệm và tầm nhìn để chèo lái doanh nghiệp. Rõ ràng với tư duy tiếp cận đó, dù là một lãnh đạo nữ hay nam, hành trình và đích đến đều giống nhau.
Chị có lời khuyên nào cho những phụ nữ khác đang tìm thành công trong sự nghiệp?
Phụ nữ thường bị cuốn vào các tiêu chuẩn xã hội về “giá trị bản thân”. Mọi người thường nỗ lực để nhận được sự đánh giá, công nhận từ cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên ở thời hiện đại, tôi cho rằng phụ nữ hoàn toàn có thể tự định giá trị của chính mình.
Phụ nữ phải biết chính xác mình muốn điều gì, năng lực cạnh tranh mình ở đâu, mình có bao nhiêu quỹ thời gian để đầu tư cho chính bản thân và những trợ lực từ môi trường xung quanh. Hãy biến tất cả những điều đó thành động lực để hiện thực mục tiêu của bản thân và tạo ra giá trị cho tất cả những ai bạn yêu thương và quan tâm.
Cảm ơn chị và chúc chị luôn thành công với những mục tiêu cuộc sống và sự nghiệp của mình!