Đạo diễn Quang Huy: Có thể thiếu tất cả, trừ cảm xúc
Cái tên ông bầu Quang Huy không hề xa lạ với rất nhiều người quan tâm tới âm nhạc Việt Nam. Có thể nói không ngoa rằng Quang Huy là một trong số ít người đã nhào nặn ra khuôn mặt hiện tại của Vpop. Giờ đây, anh lại xuất hiện với vai trò đầy mới mẻ: đạo diễn. Bộ phim đầu tay, Thần Tượng, đã đem lại cho nhà làm phim lạ mà quen này một giải Cánh Diều Vàng. Gặp anh giữa lúc anh đang rất bận rộn cho phần hậu kỳ của bộ phim thứ hai, Chàng Trai Năm Ấy, tôi chợt có cảm giác rằng, lịch sử ngành giải trí hình như sẽ phải ghi tên anh một lần nữa…
Tôi hiểu rằng sự khó khăn chờ đợi của người làm đạo diễn là rất lớn. Nếu không có đủ ý chí, ta rất dễ bỏ cuộc. Vậy để bắt tay vào làm “Thần tượng”, anh đã quyết tâm như thế nào?
Trong hơn mười năm qua tôi chủ yếu là kinh doanh và sản xuất âm nhạc, tuy không liên quan nhưng kỳ thật lại đều hướng về bộ phim này. Như vậy định lượng quyết tâm của tôi trải dài trong thời gian dài và nó đã trở thành sự nung nấu chứ không còn là một thứ quyết tâm bình thường nữa, và áp lực cũng vì thế mà nhẹ bớt đi.
Thực ra tình yêu điện ảnh của tôi không lớn, tôi có một tình yêu lớn hơn dành cho WEPRO. Khi mới thành lập, tôi chỉ nghĩ WEPRO là của mình, là một thứ sở hữu của riêng Quang Huy. Nhưng sau nhiều năm nhìn thấy cống hiến của các cộng sự và tình cảm của người hâm mộ đối với WEPRO, tôi dần dần hiểu ra rằng WEPRO không chỉ thuộc về riêng mình, mà còn là của rất nhiều người khác. Vì tình yêu đó, tôi đã từng từ chối cơ hội làm phim vào 10 năm trước đến từ một đối tác lớn sau khi bắt đầu viết kịch bản rồi lại thôi, vì lúc đó tôi cảm thấy rằng mình chưa thể làm thành công bộ phim ấy và tôi muốn WEPRO phải làm ra thứ tốt nhất.
Nhưng nói gì thì nói, một cá nhân không thể bỗng nhiên trở thành đạo diễn được. Sau khi xem “Thần tượng”, có thể thấy cách làm việc của anh rất chắc tay, không hề thua kém bất kỳ nhà làm phim có kinh nghiệm nào. Vậy anh đã học làm phim thế nào?
Gia đình tôi một nửa là âm nhạc, một nửa là điện ảnh. Tôi ảnh hưởng tư duy hình ảnh, tư duy tổ chức và sản xuất từ mẹ. Bà là “cuốn sách” giáo khoa đầu tiên của tôi về làm phim. Tôi thích phim có nhịp và tiết tấu dẫn dắt cảm xúc, vì tôi có máu âm nhạc từ bố ở trong người. Vì vậy, tôi muốn kết hợp tư duy từ mẹ và cảm xúc từ bố trong mọi việc tôi làm. Tôi nghe nhạc là thấy hình ảnh, xem hình ảnh là thấy giai điệu bên trong đó.
Tôi biết ơn mẹ vì bà luôn khuyến khích tôi cảm nhận phim và cảm nhận bằng cảm xúc cá nhân, và có thể tranh luận cùng bà. Tôi nhờ có bố cho tôi một tư duy tự do, ông luôn đề cao sự tự do phóng khoáng trong sáng tác, với ông, có thể sai hàng ngàn tác phẩm để tạo nên một tác phẩm tuyệt vời cũng được. Tôi thương vợ vì luôn chấp nhận cùng tôi thử nghiệm, tập sự trong những dự án âm nhạc của cô ấy, từng MV tôi làm cho cô ấy là từng bài tập tôi tự ra cho mình, từng sự mày mò mạch phim, mạch cảm xúc mà tôi tưởng tượng ra và vợ tôi luôn ủng hộ, tin tưởng tôi. Rồi cũng tới một lúc, tôi cảm thấy mình không thể tự mày mò hơn được nữa. Tôi quyết định tiếp cận với một nhóm làm phim ở Hàn Quốc và Hong Kong, kéo họ sang đây, tạo ra dự án để hợp tác và học hỏi. Làm phim Thần tượng cũng là cơ hội cho tôi được học tập từ những cộng sự đầy kinh nghiệm và các diễn viên tuyệt vời. Và nhờ họ nên dù đã tôi luyện mười năm, tôi vẫn phát hiện ra những “ngây ngô” trong phim của mình. Bài học đến liên tục và lúc nào tôi cũng ép mình phải trả bài, phải học bài học đắt nhất từ sai lầm rẻ nhất.
Đã qua một cuộc thử lửa với phim đầu tay, anh cảm thấy như thế nào với “Chàng trai năm ấy”?
Tôi tự tin xử lý những bài học đã học từ Thần tượng và háo hức học thêm những trải nghiệm mới. Tôi mừng vì mình vẫn còn giữ được nguyên cảm xúc vì đối với tôi cảm xúc là quan trọng. Cái khó của Chàng trai năm ấy là những ngày quay đầu tiên chỉ gồm toàn các cảnh hài, tôi đã rất lo rằng không biết mình có giữ được cảm xúc trên phim trường hay không. Rất may là tới ngày thứ sáu, trong một cảnh quay khi tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn, tôi biết là mình vẫn giữ nguyên được cảm xúc. Đối với bộ phim này, tôi phân phối năng lượng hài hòa hơn, cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều so với phim trước.
Liệu có phải là sau phim này anh sẽ làm tiếp một phim âm nhạc nữa?
Đề tài không phải là yếu tố quyết định của tôi, sự xúc động mới là yếu tố lôi tôi vào câu chuyện nào đó và mong muốn được kể qua hình ảnh của mình. Nếu vẫn có những ý tưởng hay câu chuyện tôi xúc động như Thần tượng hay Chàng trai năm ấy, tôi chắc chắn sẽ làm. Nếu không, tôi sẽ đợi và biết đâu sự xúc động ấy lại đến từ đề tài khó nào đó buộc tôi phải thách thức bản thân.
Trong quá trình thực hiện bộ phim này, có những cảnh nào khiến anh nhớ nhất?
Tôi vốn không muốn áp đặt cái gọi là quyền lực của đạo diễn lên các cộng sự, lịch quay hoàn toàn là do trợ lý đảm trách. Tuy nhiên, có ba cảnh đích thân tôi quyết thời điểm quay để mạch cảm xúc của diễn viên được chín. Trong đó, có một cảnh mà tôi đã chuẩn bị cho diễn viên từ hai tháng trước, tất cả hoàn hảo cho đến khi ra trường quay. Vậy mà cuối cùng lại xảy ra lỗi về hóa trang. Quay phim và người dựng phim đều nói rằng lỗi này có thể chữa được, và nếu làm lại sẽ không thể giữ được sợi dây cảm xúc mà diễn viên đang có. Nhưng tôi không thể ăn gian và cho qua, đây là lỗi và trách nhiệm của tôi với khán giả nên tôi quyết định quay lại. Tôi không biết phải nói thế nào với các diễn viên khi họ đã làm quá sức tuyệt vời. Cuối cùng, tôi đành phải nói dối họ là cần phải quay thêm một ngày vì tôi nghĩ nếu không làm vậy, họ sẽ có tâm lý ức chế, khó quay lại được tốt.
Còn một cảnh nữa, một cảnh mà tôi đã dành đến cuối cùng mới quay để tất cả cảm xúc được dồn nén lại sẽ bùng nổ đúng lúc. Cảnh này tôi đã làm việc với Hứa Vĩ Văn ba tháng, tuần nào cũng gặp nhau để luyện tập, để xem các ví dụ mẫu, bàn bạc, tranh luận. Và cuối cùng khi bấm máy, Văn chỉ cần diễn đúng một đúp. Tôi không thể quên được cảm giác khi quay xong cảnh đó, thật sung sướng đến mức tôi đã ôm chặt Văn để cảm ơn. Cảnh đó chỉ có mười lăm giây, nhưng rất nặng với tôi, cảm xúc của nó ám vào tôi cho đến tận ngày hôm sau. Tôi rất biết ơn những diễn viên của mình. Nếu có điều gì còn chưa chuẩn khi lên phim, đó là lỗi của tôi chứ không phải họ.
Anh đã dành nhiều lời tốt đẹp cho các diễn viên, vậy còn các thành viên khác trong đoàn thì sao?
Tôi từng có hơn 10 năm là thành viên trẻ nhất trong mọi môi trường làm việc, vì tôi đi làm từ 13 tuổi, khá sớm. Tôi phá phách, và luôn thích tìm tòi, nghịch ngợm với công việc. Vì vậy, tôi luôn cần người lãnh đạo tin tưởng và cho mình cơ hội. Sau này khi khởi nghiệp, tôi cũng tự tạo cho mình thói quen tin tưởng đồng đội của mình tuyệt đối. Với bất kỳ đội ngũ nào mà mình có, tôi luôn cố gắng biết rõ mình muốn gì và luôn tin rằng đội của mình là đội mạnh nhất. Ví dụ như đội quay phim của tôi, đó là những người rất trẻ, nhưng tôi tin họ và nếu có gì xảy ra thì tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm cùng với họ.
Sau phim thứ nhất, tôi hoàn toàn tin vào DOP (đạo diễn hình ảnh) trẻ Trang Công Minh. Tôi thấy cậu ấy biết trân trọng những cơ hội để học hỏi, trau dồi nghề nghiệp. Ngay cả khi đã đoạt Cánh Diều Vàng cho quay phim xuất sắc nhất, Minh cũng không thay đổi thái độ học hỏi. Như tôi đã chia sẻ, cảm xúc với tôi là thứ đắt nhất của một bộ phim, chính vì thế mà với phim thứ hai tôi quyết định sử dụng máy ARRI Alexa, không phải vì yếu tố kỹ thuật mà nó mang lại, mà vì tôi tin Minh sẽ vô cùng cảm xúc khi sử dụng nó.
Nói chân thành, hình ảnh ê-kíp của mình nhận giải thưởng Cánh Diều Vàng trên sân khấu gây cho tôi xúc cảm rất mạnh, tôi vui mừng vì anh em được ghi nhận. Tôi mong rằng nếu giải thưởng của cá nhân tôi có thể trao cho Hoàng Thùy Linh và anh trai tôi, nhạc sĩ Nguyễn Hà, có lẽ đó là thành công ngọt ngào nhất của tôi và ê-kíp, vì chính âm nhạc của anh và cảm xúc Linh tạo ra mới là những chất liệu tốt cùng với ê-kíp tạo nên Thần tượng.
Với một giải Cánh Diều Vàng, có thể nói anh ngay với phim đầu đã là một đạo diễn thành công. Liệu trong tương lai anh có định chuyển hướng sang công việc sản xuất phim hay không?
Tôi thích công việc sản xuất, vì tôi thích tổ chức và tôi tin ở vị trí đó tôi cống hiến cho WEPRO nhiều hơn, tôi cũng thích nhìn thấy người trẻ thành công, thích đầu tư niềm tin và đồng vốn của mình vào họ, tuy tôi không giàu có gì. Tôi cứ làm công việc đạo diễn và phụng sự cho WEPRO đến khi nào có thể tìm thấy ai đó làm tốt hơn tôi, cống hiến cho WEPRO khỏe hơn tôi thì tôi sẽ làm sản xuất. Như đã nói, tôi có tình yêu rất lớn dành cho WEPRO và khán giả của WEPRO, tôi sẽ làm tất cả vì họ.
Vậy với tư cách một nhà sản xuất, anh cảm thấy thế nào về thị trường điện ảnh hiện nay?
Tôi luôn lạc quan. Nếu bi quan dễ đi đến quyết định không làm gì, vì đâu có khán giả nào ép mình làm phim, làm nhạc đâu. Thế nên đã bắt tay vào làm thì phải suy nghĩ tích cực. Gặp khó khăn ta phải nung nấu để tìm cách giải quyết. Ở Việt Nam, tất cả số liệu đều lạc quan, vấn đề là do mình làm ra sao thôi. Rạp chiếu được xây nhiều hơn, thiết bị di động phát triển mạnh, lứa tuổi đi xem phim nhiều nhất là 15 – 24 càng ngày càng tiêu dùng nhiều hơn. Thời tiết đã tốt như vây mà mình vẫn bị ốm thì phải bồi bổ sức khỏe của bản thân thôi.
Theo anh những yếu tố nào sẽ làm nên một dự án phim thành công?
Chỉ một từ thôi, đó là Hay. Đừng hỏi tôi vì sao phim hay mà không thành công, bởi vì phim hay mới chỉ là sản phẩm, còn dự án hay thì phải là tổng thể và độ tương quan giữa sản phẩm và đối tượng mình phục vụ. Một dự án dở có thể giết chết một bộ phim hay, và ngược lại nếu dự án tốt, có thể tạo nên thành công lớn cho bộ phim đó. Với điện ảnh, tôi chỉ là người mới, nên xin được lấy âm nhạc để làm ví dụ. Có những dự án âm nhạc hay còn ở chỗ nó tạo ra một con đường mới. Như khi tôi kích hoạt mảng âm nhạc dành cho lứa tuổi 15- 24, nhiều người coi thường gọi là teen pop, nhưng tôi không quan tâm vì họ đâu phải là teen.
Là một người có kinh nghiệm dày dặn trong sản xuất âm nhạc, anh có thể phân tích một chút về sự khác biệt giữa một dự án âm nhạc và một dự án phim?
Theo kinh nghiệm của tôi thì kinh doanh phim hiện nay an toàn hơn kinh doanh âm nhạc. Hệ thống phân phối của phim đang chuẩn hơn, có đủ nền tảng hạ tầng. Trong khi đó người sản xuất âm nhạc gần như phải tự phân phối. Nói nôm na là miếng bánh không được chia cho nhiều thành phần. Hãng thu âm ăn trọn doanh thu, hoặc nhà mạng ăn trọn phần lợi nhuận số. Lợi ích không được chia, thì không có nhiều người muốn xây dựng cho nó lớn lên.
Còn hiện nay người ta xây rạp xịn hơn, làm bắp rang ngon hơn để thu hút khách tới, đó cũng là cái lợi cho người làm phim. Ngược lại, các nhà sản xuất làm ra phim tốt hơn cũng chính là làm lợi cho rạp. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân công kỹ thuật cho điện ảnh cũng có nguồn việc dồi dào. Đầu tư vào phim là bỏ vốn lớn nhưng an toàn, có hiệu quả hơn đầu tư ít mà khó thu hồi vốn như âm nhạc. Nhìn chung một dự án phim thường được chia sẻ lợi ích và rủi ro, còn dự án âm nhạc coi trọng sự độc lập nhiều hơn.
Tôi nghĩ anh đang tạo ra một dòng phim hài mới. Khi mà hai phim anh thực hiện, ngoài tiếng cười còn rất giàu tình người ở đằng sau, rất khác với những phim hài được gọi là “nhảm” mà chúng ta đã quen bấy lâu nay…
Ý ban đầu của tôi không phải là đặt mục tiêu tạo ra một dòng phim mới, nó bắt đầu chỉ ở một câu hỏi: Tại sao ở Việt Nam chỉ có phim hài thắng? Tôi không cho rằng khán giả Việt Nam dễ dãi. Vấn đề ở đây là ở phân khúc dành cho khán giả bình dân, mình đang làm tốt, đáp ứng đúng thị hiếu. Còn với đối tượng khán giả khác, mình làm chưa đúng với nhu cầu của người ta. Đối tượng xem phim hài bình dân đa số cũng chẳng phân biệt được điện ảnh và truyền hình, miễn họ được cười thì ngồi nhà xem cũng được, lễ Tết thì ra rạp đổi không khí. Còn đối tượng mà tôi hướng đến thì họ có nhiều lựa chọn tốt ở phim nước ngoài rồi, công việc của tôi là làm phim Việt phù hợp với họ, làm tốt để họ bỏ tiền ra đến với phim mình.
Cá nhân tôi, tôi thừa nhận rằng mình không có khiếu làm phim hài, nếu có thể tôi xin tạm gọi phim mình làm là phim hài cảm xúc. Phim của tôi có thể thiếu sự hoành tráng, có thể thiếu kỹ thuật, nhưng không thể thiếu được cảm xúc. Ở thời điểm hiện tại, tôi muốn làm những câu chuyện đem lại cảm hứng, đem lại cảm xúc đẹp, đem lại niềm tin trong cuộc sống cho khán giả. Đó cũng là lý do tôi thích Chàng trai năm ấy, một câu chuyện đẹp và có thật như vậy chắc chắn sẽ gieo lại những tình cảm tích cực.
Tôi nghĩ tôi mắc nợ nghệ thuật rất nhiều, trước đây có những lúc tôi đã thành công về tiền bạc, nhưng sau này tôi nhận thấy cái mình tạo ra chỉ thuần túy giải trí, không có gì hơn nữa. Mặc dù cái tâm mình tốt nhưng nếu sản phẩm của mình còn lỗi thì ít nhiều gì cũng để lại hậu quả không tốt. Nghệ thuật không thể bị biến thành rẻ tiền. Giải trí rất quan trọng, nhưng sau đó còn phải có gì hơn nữa. Không nhất định phải là điều gì to tát, tôi chỉ mong là xem xong sẽ có thêm một niềm tin.
Bài: Nguyễn Hữu Tuấn, Phương Thủy – Stylist: Cẩm Tú
Hình ảnh: Trọng Đức – Trang điểm: Nguyễn Hùng – Làm tóc: Phùng Thành Phương