Văn hóa / ELLE Interview

Davika Hoorne nỗ lực hành động vì động vật hoang dã

Là đại sứ của WildAid tại Thái Lan cho chiến dịch #IvoryFree năm 2018, Davika Hoorne đang cố gắng ngăn người tiêu dùng mua bán, sử dụng và xem ngà voi như một món quà.

Với đôi mắt búp bê và khuôn mặt ngọt ngào, Mai Davika Hoorne không chỉ là nữ diễn viên thành công nhất Thái Lan trong thế hệ của cô mà còn là một biểu tượng thời trang quốc tế. Bước vào ngành giải trí từ năm 14 tuổi, giờ đây, Davika đã có hơn 10 triệu người theo dõi. Cô cũng có mối quan hệ sâu sắc với động vật hoang dã, đặc biệt là loài voi và trở thành đại sứ của WildAid tại Thái Lan cho chiến dịch #IvoryFree năm 2018. Cô đã gửi đi thông điệp: “Ngà voi chỉ đẹp khi thuộc về những chú voi” nhằm ngăn người tiêu dùng mua bán, sử dụng và xem ngà voi như một món quà.

Điều gì đã thúc đẩy bạn tham gia vào tổ chức này?

Voi là động vật gần gũi với người dân Thái Lan, đặc biệt là mẹ tôi. Tình yêu bà ấy dành cho loài voi đã truyền cảm hứng cho tôi. Voi là động vật gần gũi với người dân Thái Lan, đặc biệt là mẹ tôi. Tình yêu bà ấy dành cho loài voi đã truyền cảm hứng để tôi lên tiếng cho chúng. Tôi không thể chấp nhận chuyện những chú voi bị giết chỉ để lấy ngà làm đồ trang trí trong nhà. Vì vậy, khi WildAid mời tôi làm đại sứ cho loài voi, tôi đã nhận lời ngay lập tức. Tôi muốn dùng sức ảnh hưởng của mình để nâng cao nhận thức về hậu quả tàn khốc từ việc sử dụng ngà voi. WildAid hoạt động nhằm giảm lượng tiêu thụ toàn cầu các sản phẩm từ động vật hoang dã với một thông điệp đơn giản: khi không còn người mua, sẽ chẳng còn người giết. Thật vinh dự cho tôi khi được góp phần giúp WildAid thực hiện sứ mệnh này và cùng đấu tranh cho loài voi.

Dự án và mục tiêu hiện tại của tổ chức này là gì?

Mối quan tâm chính của WildAid tại Thái Lan là giảm nhu cầu tiêu thụ ngà voi và vây cá mập. Những khảo sát gần đây cho thấy người Thái Lan sử dụng ngà voi như trang sức. Trọng tâm của tôi là lãnh đạo chiến dịch Ivory Free để ngà voi không còn được chấp nhận về mặt xã hội. Cái chết của một con vật – đặc biệt là một loài bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng – không nên trở thành biểu tượng của cái đẹp. Tất nhiên, thay đổi các chuẩn mực văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Điều tồi tệ nhất bạn từng được chứng kiến với tư cách một nhà hoạt động môi trường là gì?

Bạn có biết hơn 20.000 con voi châu Phi bị giết hại dã man mỗi năm chỉ để đáp ứng nhu cầu ngà voi ở châu Á? Và, mọi người vẫn đeo ngà voi như một phụ kiện thời trang. Đôi khi, người ta không biết rằng món trang sức của họ đến từ đâu.

động vật hoang dã Davika Hoorne

…và đâu là điều đáng hy vọng nhất?

Chiến dịch đầu tiên mà tôi được tham gia là “I am #IvoryFree”. Có hơn 100 người nổi tiếng Thái Lan, lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia, ngôi sao thể thao, phóng viên, người nổi tiếng trên mạng xã hội, những người có sức ảnh hưởng và hơn 15.000 người dân Thái trên toàn quốc cam kết không bao giờ mua, sử dụng hoặc lấy ngà voi làm quà tặng. Nó cho thấy mọi thứ đang dần thay đổi và nhiều người đã nhận thức được rằng sử dụng ngà voi là điều không thể chấp nhận.

Bạn đánh giá thế nào về sự thay đổi trong cách chúng ta đối thoại về vấn đề môi trường những năm gần đây?

Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò đáng kể trong việc khuếch đại các cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề môi trường. Ví dụ, ở Thái Lan, cái chết của động vật biển do nhựa sử dụng một lần đã gây ra sự phẫn nộ trên phương tiện truyền thông xã hội. Chính phủ sau đó đã tuyên bố cấm ba loại nhựa vào cuối năm 2019. Chính phủ của các quốc gia khác cũng đã đưa việc giải quyết biến đổi khí hậu vào làm một phần của chương trình nghị sự quốc gia.

Nếu bạn có quyền ban hành một đạo luật toàn cầu để biến Trái đất thành một nơi đáng sống hơn, đó sẽ là đạo luật gì?

Tôi sẽ tạo ra một lực lượng đặc nhiệm toàn cầu được tài trợ tốt, chịu trách nhiệm giúp các quốc gia đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Chúng ta cần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã một cách nghiêm túc như với buôn bán ma túy và con người. Tôi cũng sẽ giới thiệu bảo tồn môi trường như là một phần của chương trình giáo dục để đảm bảo thế hệ tương lai được cung cấp thông tin đầy đủ và không lặp lại những sai lầm mà thế hệ chúng ta đã mắc phải.

Nhóm thực hiện

Trân trọng cảm ơn tổ chức WildAid cho sự cộng tác của Davika Hoorne

www.wildaid.org

Chuyển ngữ: Đoàn Trúc

Ảnh: WildAid

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)