Có tài, có kinh nghiệm trong nghề diễn và điều hành một công ty hoạt động trong lĩnh vực giải trí, nhưng với Chiều Xuân việc dạy con vẫn nguy hiểm nên luôn tìm cách để tiếp xúc, chia sẻ và hiểu con nhiều nhất có thể. Còn nhà báo Uyên Ly nổi tiếng bởi sự quả cảm, thông minh với những bài phóng sự ấn tượng, lại có những điều cất kín vì rằng bố mẹ sẽ bất an, lo lắng cho cô khi biết.
Cùng con tìm lối đi
Uyên Ly: Em cho rằng mình đã lớn và có thể chia sẻ ngược lại với bố mẹ mình những kinh nghiệm sống của bản thân. Còn chị là một người mẹ có con đến tuổi trưởng thành. Chị nghĩ gì về cụm từ “nuôi dạy con cái” mà chúng ta vẫn hay dùng?
Chiều Xuân: Chị không muốn trụ vào khái niệm “dạy” con, nghe nó cứng nhắc, nặng nề quá. Gia đình, nghề nghiệp của mình gắn với nghệ thuật nên không thể nào dạy con theo kiểu áp đặt được. Và bản thân chị cũng không thích như thế. Trước hết, mình phải hiểu con đã. Ngay từ khi con còn bé, mình đã phải hiểu tính cách của con, đồng hành cùng với con, cùng con tìm ra lối đi, cùng lựa chọn…
Dạy con – nghe có vẻ hay nhưng nguy hiểm, vì khi con lớn lên, tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin chứ không chỉ qua bố mẹ. Những đứa trẻ nhạy cảm nếu bị bố mẹ áp đặt hồi nhỏ, khi lớn lên dễ bùng nổ, muốn thoát khỏi bố mẹ. Như thế là lợi bất cập hại!
Uyên Ly: Mẹ em cũng làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Không biết chị có giống bố mẹ em không. Chị lấy ví dụ cụ thể đi, với Hồng Mi chẳng hạn, làm thế nào để đồng hành cùng một cô bé nhạy cảm như Hồng Mi?
Chiều Xuân: Từ trước đến nay chị ít tham gia những cuộc trò chuyện về nuôi dạy con lắm vì sợ nói ra, con biết được sẽ bị áp lực. Nhưng bây giờ Mi đã lớn, cũng sắp đến lúc có gia đình, con cái rồi nên chị muốn chia sẻ cùng con. Mọi người nói: “À, phải để con tự do, phải ít can thiệp vào cuộc sống của con”, nghe thì dễ lắm, nhưng mình phải luôn tự kìm nén, phải luôn tự nhìn lại bản thân, đừng lấy quyền bố mẹ để trấn áp con.
Uyên Ly: Em chưa bao giờ hỏi bố mẹ em về việc họ có phải kìm nén không. Chị đã kìm nén như thế nào?
Chiều Xuân: Kìm nén có nghĩa là khi thấy con đứng trước áp lực phải lựa chọn, thì mình lại có xu hướng muốn cho con “một bài thuyết giáo” dựa theo kinh nghiệm sống của mình. Đó hành động theo bản năng. Và lẽ ra mình có thể “thuyết giáo” ngay lúc đó, nhưng mình đã để lại đến hôm sau, rồi hôm sau nữa, để suy nghĩ thật kỹ, rồi mới nói với con.
Hồi Mi chuẩn bị học lên trung học, cái tuổi nửa trẻ con, nửa người lớn. Lúc đấy chị muốn quyết tâm can thiệp để cho con học trường tốt nhất theo mình nghĩ. Nếu lúc ấy mình không tin con thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng rồi mình đợi xem ý con thế nào. Và mình chỉ cung cấp cho con những thông tin về một số trường mà mình biết.
Cuối cùng Mi chọn trường Việt Đức và hóa ra đó là một lựa chọn rất tốt. Mi thi vào Việt Đức đạt số điểm rất cao. Lúc ấy chị mới thấy Mi đúng, mới thấy mình đã lo lắng thái quá.
Tạo dựng ý thức bản thân cho con
Uyên Ly: Chị lo cho Mi cũng giống hệt như mẹ em lo cho em khi em chuẩn bị nghỉ làm ở một cơ quan nhà nước để trở thành nhà báo tự do. Mẹ em cho rằng em sẽ lâm phải cảnh khốn khó. Phải đến hơn một năm sau, khi thấy em vui vẻ với những cơ hội và công việc mới, mẹ em mới công nhận rằng lựa chọn của em là đúng.
Chiều Xuân: (Mỉm cười) Lúc đấy chị lo là không biết con có thi được không, rồi nghĩ là phải cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức. Nhưng Mi rất ít đi học thêm. Mình phải bản lĩnh lắm để cưỡng ra khỏi trào lưu đấy khi con không có nhu cầu. Tính Mi là muốn gì sẽ làm bằng được, không muốn thì thôi. Nếu cứ bắt trẻ con đi học thêm mà không xuất phát từ nhu cầu của trẻ con, trẻ con sẽ không tự ý thức được về bản thân nữa và từ đó sẽ có ý thức kém về xã hội.
Sẽ rất nguy hiểm khi không ý thức được về bản thân. Chị đã có kinh nghiệm về việc này rồi vì chị đã từng trải qua việc tuyển nhân viên, rồi tuyển diễn viên. Có những bạn được trang bị kiến thức rất nhiều nhưng khi đặt cho các bạn những câu hỏi tự thân thì các bạn trả lời rất ngây ngô. Điều đó có nghĩa là các bạn quên rằng điều đầu tiên phải biết “học” để biết “Tôi là ai” “Tôi đang muốn gì”…
Uyên Ly: Xã hội Việt Nam và văn hóa Việt Nam nói chung không muốn đề cao cá nhân. Con cái phải nghe lời bố mẹ. Vâng lời người khác và làm theo người khác đã là một nếp nghĩ ăn sâu vào đời sống nhiều người. Trong khi đó, chị lại cho rằng trước hết phải ý thức về bản thân, tại sao?
Chiều Xuân: Ví dụ trong nghề diễn, không phải có kinh nghiệm là diễ tốt. Mỗi lần diễn là một lần mình phải nhẩm lại kiến thức cơ bản. Nếu cứ nghĩ mình là bố mẹ, không hiểu con nhất thì ai hiểu. Đó là sai lầm. Cùng với thời gian, con cái lớn lên, thay đổi rất nhanh mà ta đôi khi không theo kịp. Nên mình cứ phải nhẩm lại rằng “Hãy để ý để hiểu được con cần gì trong lúc này”.
Uyên Ly: Chị làm sao để “xem lại cùng con”, để biết Mi cần gì?
Chiều Xuân: Một trong những kinh nghiệm chị thấy thường rất hiệu quả là nên kết thân với bạn của con. Đây là cách an toàn nhất, tránh được mâu thuẫn xung đột với con. Hồi Mi mới lớn, thường tham gia văn nghệ ở trường. Mình đến trường dàn dựng các tiết mục cho các cháu và nói chuyện với các cháu để biết con mình đang cần gì… Công việc này mang lại cho mình nhiều điều thú vị và lại là dịp để gần gũi con hơn. Việc này đã mang lại niềm vui cho mình và các con.
Nhưng mỗi gia đình và phụ huynh có những hoàn cảnh, tính cách khác nhau. Thường bố mẹ luôn muốn con ở gần bên nên nhiều phụ huynh can thiệp vào công việc của con, ngăn cản quyết định làm việc xa nhà của con hay không đồng ý cho con lấy người này người kia… Chị cho rằng mình không thể kiểm soát hết cuộc sống của con được, may mắn lắm là đóng góp 40% vào thành công của con, ngoài ra còn có cả yếu tố may mắn nữa.
Uyên Ly: Em muốn hỏi chị một việc. Em chưa dám nói với bố là em đang sống với bạn trai. Em sợ bố em sẽ không chia sẻ được quan điểm này. Trước đây, mỗi lần em yêu ai, bố em thường hỏi các chàng, đại ý như “Cậu có định lấy con gái tôi không thì bảo…”, khiến em hơi khó xử, bởi vì bản thân em cũng cần có thời gian để tìm hiểu chàng.
Và còn một số lựa chọn khác nữa, chẳng hạn như việc làm phóng viên tự do mà em nghĩ rằng bố sẽ không chia sẻ, vì bố tin vào sự ổn định của cơ quan nhà nước. Em giữ bí mật vì nghĩ rằng như thế bố sẽ yên tâm hơn. Chị nghĩ thế nào?
Chiều Xuân: Cách em chọn là đúng để tránh cho bố những lo lắng thái quá. Vì nếu nói ra thì có lẽ bố em sẽ không thể nào hiểu được. Đối với thế hệ trước, một là một, hai là hai.
Tất cả những gì em làm là trải nghiệm của em. Đến một lúc nào đó, em có thể nói với bố về những việc mình làm, khi em đã có đủ bản lĩnh và chứng cớ là mình đã chủ động nắm được cuộc sống của mình và sẽ không có điều gì làm tổn hại đến mình. Con chị phần lớn chỉ hỏi qua chị rồi tự quyết định. Chị biết là khi con đã quyết định thì con sẽ làm như thế.
Uyên Ly: Mẹ em lo cho em lắm. Con gái yêu chàng nào cũng lo chàng đấy làm khổ con mình. Tóm lại là luôn lo lắng. Về tương lai, chị lo nhất điều gì cho con? Chị có lo rằng con mình sẽ gặp phải anh chàng nào không tốt?
Chiều Xuân: Ừ, nhức đầu lắm, để ý lắm, tâm lý của bố mẹ là thấy “thằng” nào cũng xấu, cũng đáng ngờ… Chị may mắn có những đứa con nhạy cảm. Nhạy cảm đôi khi là một miếng mồi cho những người không tốt, nhưng cũng với sự nhạy cảm, con sẽ tìm được cuộc sống tốt nhất cho nó.
Là người nhạy cảm thì cũng dễ bị va vấp, nhưng cũng với sự nhạy cảm đó con cái mình sẽ tìm được đường đi đúng đắn nhất cho bản thân. Chị lo nhất là không biết vì một tác động nào đó mà con mình trở nên lãnh cảm với cuộc sống. Lãnh cảm lạnh lùng thì không hề biết xấu tốt, sẽ gây ra tội ác.
Uyên Ly: Em hiểu. Điều chị lo nhất không phải là chỉ ngại con mình va vấp khi trưởng thành, mà điều lo nhất là những va vấp đó sẽ làm cho con mình trở nên vô cảm. Nếu thiếu cảm xúc thì cuộc sống thật vô nghĩa, chưa nói đến nguy cơ gây tội mà không hiểu mình đang gây ra tội lỗi. Đó mới là nguy hiểm thực sự.
Còn em, em cũng muốn bố mẹ biết rằng em sẵn lòng đón nhận tất cả vui buồn của cuộc sống, hơn là chỉ nhận niềm vui. Bố mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc, nhưng hạnh phúc là thái độ sống, chứ không phải là những sự kiện của cuộc sống. Em tin là chị đã truyền cho các con thái độ sống tích cực.
Cảm ơn chị rất nhiều vì đã dành thời gian trò chuyện với em .
Nhóm thực hiện
Bài: Lạc Tiên - Ảnh Trupi Stylist: Bùi Thanh Thủy Trang điểm: Tú Shark Ảnh chụp tại Bar Factory 11A Bảo Khánh, Hoàn Kiếm, Hà Nội