Văn hóa / ELLE Interview

Để thành công, bằng cấp và kỹ năng chuyên môn vẫn chưa đủ

Thành công trong công việc và sự nghiệp càng ngày càng trở thành mục tiêu hàng đầu của các bạn trẻ. Thế nhưng, nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng đừng nhầm tưởng có bằng cấp tốt hay kinh nghiệm chuyên môn là tất cả những gì bạn cần để có sự nghiệp vững vàng hay nổi bật.

Để thành công, bằng cấp và kỹ năng chuyên môn vẫn chưa đủ

Câu hỏi đặt ra: “Làm sao để thành công và nổi bật hơn?”

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi đã có một buổi trò chuyện vô cùng thú vị với chị Hương Nguyễn,  chuyên gia tư vấn hình ảnh và phong cách với kinh nghiệm chuyên môn hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2002, chị Hương sáng lập công ty Inspired Image chuyên tư vấn và đào tạo về:

  • Cách cải thiện hình ảnh để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp
  • Nghi thức xã giao trong công việc và xã hội tại môi trường đa văn hoá

Huong Nguyen

Tôi với chị đều có chung quan điểm rằng IQ (được hiểu là giá trị bằng cấp và trình độ kinh nghiệm chuyên môn) chỉ đóng vai trò khoảng 15% trên con đường đi đến thành công. 85% còn lại là EQ – mà theo chị Hương nhận định đó chính là: “thể hiện sự sáng tạo, phong cách chuyên nghiệp, những kỹ năng giao tiếp, nhận thức bản thân, khả năng làm việc theo nhóm, suy nghĩ độc lập và quan tâm đến môi trường, cộng đồng. “ Nhiểu người thường nghĩ rằng EQ (trí thông minh cảm xúc) là thiên bẩm hay cũng có nghĩa là không thể được đào tạo học hỏi. Chính vì nhận định sai lầm này mà bạn đã vô tình để vụt mất cơ hội thăng tiến. Trong thời gian sắp tới, tạp chí phái đẹp ELLE và chị Hương Nguyễn sẽ tổ chức nhiều buổi trò chuyện cũng như tư vấn về các phương pháp cải thiện hình ảnh bản thân, trao dồi kỹ năng mềm cũng như khả năng tư duy để thăng tiến trong sự nghiệp.

Để hiểu hơn về chị Hương Nguyễn

Với 15 năm làm việc trong ngành tư vấn hình ảnh và phong cách, chị Hương Nguyễn:

  • đã được công nhận là ‘Master’ bởi Liên đoàn Quốc tế Chuyên gia xây dựng hình ảnh tại Anh Quốc (Federation of Image Professionals International – FIPI)
  • là Giám đốc Quốc tế trong Hội đồng quản trị tại FIPI
  • là người Mentor thuộc tổ chức Naisa Global – một tổ chức phi chính phủ tại Washington DC, Mỹ, chuyên về đào tạo những người chuyên nghiệp trẻ gốc châu Á, giúp họ trở thành các nhà lãnh đạo quốc tế trong tương lai
  • đã được ủy quyền là chuyên gia đào tạo về nghi thức xã giao bởi Debrett’s – một công ty chuyên về nghi thức xã giao có danh tiếng và uy tín nhất tại Anh

Rất khó để có cơ hội được gặp và trò chuyện với chị Hương vì đặc tính công việc nên chị thường xuyên di chuyển cũng như đi công tác. Một cơ duyên tình cờ hay cũng có thể gọi là may mắn khi tôi được sắp xếp một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với chị. Không có gì tuyệt vời hơn là khi bạn được gặp một người chỉ ra cặn kẽ điều gì đang hoặc có thể gây trở ngại đến sự nghiệp của bạn. Và chị Hương là người có thể làm được điều đó.

Xin chị Hương cho biết, duyên cớ nào đã dẫn dắt chị tới công việc hiện tại? Và công việc hiện tại của chị có phải là chuyên ngành chị được học ở trường đại học không? 

Tôi lớn lên trong một gia đình nơi mà mọi người khá quan tâm đến ngoại hình. Điều đó không có nghĩa là bố mẹ tôi trọng bề ngoài, nhưng họ rất yêu thích thời trang và việc ăn mặc đẹp. Họ đặc biệt ưa chuộng chất lượng cao, sắc màu đậm nét và các họa tiết trong trang phục. Theo một cách rất tự nhiên, họ đã tạo nên phong cách riêng của mình và không ngại sự khác biệt với mọi người. Ví dụ, tại thập kỷ 1970, bố tôi luôn mặc áo sơ-mi Hawaii với màu sắc nổi bật đi cùng giày brogues, trong khi các bố của các bạn tôi thường chỉ mặc áo sơ-mi trắng đơn giản với giày sandal. Do đó, “style” đã trở nên quen thuộc với tôi ngay từ nhỏ, từ trước khi đi học.

Tôi luôn được khuyến khích ăn mặc đẹp mắt, vì đó là cách thể hiện sự tôn trọng bản thân và mang tính thẩm mỹ. Một nguyên tắc bất thành văn trong gia đình tôi cho rằng xây dựng phong cách cá nhân là việc hoàn toàn bình thường, và phong cách mang đến cho chúng tôi sự tự tin và hạnh phúc.

Tuy nhiên, tôi cũng vẫn chưa khám phá một nguyên tắc quan trọng nhất về phong cách, cho đến tận sau này. Đó là, trước tiên, cần phải hiểu những gì phù hợp với vóc dáng cơ thể mình. Khi còn học đại học, tôi đã từng thực tập tại một công ty và làm quen với một nữ đồng nghiệp rất có gu. Cô ấy tạo nên sức hút và có được sự tôn trọng từ những người xung quanh. Tôi rất tò mò muốn biết bí quyết của cô ấy là gì và được cô ấy chia sẻ là nhờ một chuyên gia tư vấn hình ảnh giúp đỡ. Trước khi tốt nghiệp, tôi đã dành dụm đủ tiền để đi gặp chuyên gia tư vấn và có được những lời khuyên hữu ích về việc chọn trang phục phù hợp với vóc dáng của mình. Trải nghiệm đó đã mang đến sự tự tin to lớn cho tôi, vì tôi đã khám phá được mình phù hợp với gì và cần tránh những món gì.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, tôi vẫn luôn suy nghĩ về trải nghiệm “bứt phá” mà tôi đã có với công việc tư vấn hình ảnh. Cho nên sau gần 10 năm làm việc với nhiều vị trí khác nhau trong ngành marketing và thời trang, tôi đã quyết định tham gia đào tạo lại để trở thành chuyên gia tư vấn hình ảnh và thành lập công ty riêng của mình mang tên Inspired Image, vào năm 2002 tại Anh.

Phải nói rằng chiếc bằng Cử nhân và Chứng chỉ Sau Đại học chuyên ngành Kinh tế và Marketing đã giúp tôi thành lập và điều hành kinh doanh tốt.

Chị đã sống và làm việc ở môi trường nước ngoài rất lâu. Lý do gì khiến chị quay trở lại Việt Nam để sống và làm việc? 

Cả tôi và chồng đều có chung một tinh thần phiêu lưu, thích khám phá, cho nên chúng tôi đã sẵn sàng với một hành trình mới trong cuộc đời mình! Tôi rời khỏi Việt Nam khi còn nhỏ nên tôi rất muốn tìm hiểu thêm về đất nước này, nơi tôi được sinh ra. Chồng tôi là người Anh, đối với anh ấy, đây cũng là một cơ hội để trải nghiệm một nền văn hóa mới, một môi trường mới. Hiện nay Việt Nam, cũng như nhiều nước châu Á khác, đang trải qua một quá trình chuyển đổi to lớn, do đó đây là thời điểm phù hợp để chúng tôi có thể sống giữa những sự thay đổi thú vị này. Và khi già đi, chúng tôi sẽ có vô vàn kỷ niệm để nhớ về khoảng thời gian ở đây.

Ngày đầu tiên chị trở về Việt Nam sau nhiều năm xa xứ, chị có cảm giác như thế nào? Chị có bị shock văn hóa không? Nếu có, chị đã vượt qua nó như thế nào? 

Cú sốc lớn nhất đối với tôi là nhiệt độ và ánh nắng mặt trời thường xuyên! Ở Anh, trong một ngày, bạn thường sẽ trải nghiệm cả 3 ‘món’: nắng, gió, mưa (không kể sương mù!), vì vậy, chúng tôi luôn cảm thấy rất vui thích và hạnh phúc vào những ngày nắng ấm! Mặc dù đã chuyển sang Việt Nam được vài năm, tôi vẫn thức dậy và nhìn ngắm những tia nắng chiếu qua cửa sổ và tự nhủ rằng “Wow, hôm nay là một ngày nắng ấm!” (vì tôi cứ tưởng mình vẫn còn ở Anh!)

Còn nói về cú sốc văn hóa và những sự khác biệt, tôi đã chuẩn bị trước bằng cách trở về Việt Nam nhiều lần trước đó để có thể làm quen với cách sinh hoạt ở đây. Tôi rất may mắn vì đã được khám phá hơn 30 nước trong quá khứ. Tôi thực sự thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau, bất cứ những gì mới mẻ đối với tôi đều là một cơ hội học hỏi tuyệt vời. Trong những chuyến du lịch của mình, nếu phải trải qua cú sốc văn hóa, tôi sẽ cố gắng và tìm hiểu lý do tại sao những việc như vậy lại được thực hiện như vậy. Điều đó giúp tôi hiểu nền văn hóa đó tốt hơn, và giúp cho trải nghiệm du lịch của tôi trở nên thú vị và ý nghĩa hơn.

Hiện tại, có những nét văn hóa của Việt Nam nào mà chị vẫn còn cảm thấy rất lạc hậu hoặc khó chấp nhận không? 

Tôi yêu nền văn hóa Việt Nam vì nó tôn vinh lòng nhân ái và sự tôn trọng. Và đối với nhiều du khách nước ngoài, người Việt Nam thường được khen ngợi là rất thân thiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tôi vẫn không hiểu tại sao nhiều các bác sĩ và chuyên viên y tế Việt Nam (không nói đến các viện y tế quốc tế trong nước) vẫn đối xử với bệnh nhân bằng những khuôn mặt lạnh lùng và nghiêm nghị. Rõ ràng những bệnh nhân này đang rất cần sự quan tâm, cảm thông đặc biệt khi họ phải trải qua bệnh tật và thời gian căng thẳng. Tôi tự hỏi có phải những vị bác sĩ này đang nghĩ sự nghiêm nghị là thể hiện quyền lực và sự giỏi giang của họ? Tôi muốn nói rằng thấu cảm mới chính là cách nhân văn và hiệu quả nhất để hành xử giữa con người với nhau.

Nhắc đến chuyện thái độ làm việc của nhân viên, hiện tại, rõ ràng người Việt Nam đang rất chuộng hàng ngoại – điều này thể hiện rõ ở hành vi tiêu dùng của người Việt và quan trọng hơn là thói quen tuyển dụng nhân viên người nước ngoài để nắm giữ các vị trí chủ chốt của các công ty lớn. Vậy theo chị thì vì sao nhân viên người nước ngoài (đặc biệt là người da trắng) luôn được đánh giá cao hơn tất cả nhân viên đến từ các châu lục khác? Vì lý do sức khỏe, học thức, văn hóa, phong cách hay tâm lý ổn định hơn chăng? 

Tôi không chắc liệu mình có thể nói dứt khoát rằng những chuyên viên người nước ngoài luôn được đánh giá cao hơn so với những người đến từ các nền văn hóa khác. Trong môi trường làm việc ngày nay, những người nổi bật và thành công là những người có nhiều hơn là bằng cấp và những kỹ năng chuyên môn. Họ còn cần phải thể hiện sự sáng tạo, phong cách chuyên nghiệp, những kỹ năng giao tiếp, nhận thức bản thân, khả năng làm việc theo nhóm, suy nghĩ độc lập và quan tâm đến môi trường, cộng đồng. Từ kinh nghiệm học tập và cuộc sống ở phương Tây, tôi nhận thấy những đặc điểm này đã được khuyến khích phát triển từ khi bạn còn rất nhỏ.

Được biết, chị là Mentor cho rất nhiều sinh viên học sinh gốc Á có tiềm năng trở thành những nhân vật quan trọng. Chị có thể chia sẻ thêm về công việc này không?

Năm 2015, tôi được mời tham gia với vai trò là Mentor cho tổ chức Naisa Global ở Washington DC, USA. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về đào tạo và phát triền những tài năng trẻ người Mỹ gốc Á, giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai.

Tôi chấp nhận vị trí này vì Naisa Global đã cho tôi thấy những con số đáng kinh ngạc: ở Mỹ, 50% nhân viên tại Silicon Valley là người châu Á; 25% sinh viên tại các trường top Ivy League là người châu Á. Nhưng chỉ 2% những CEO trong các công ty của Top Fortune 500 là người có gốc Á. Hãy thử đọc lại số liệu này một lần nữa. Bạn có thấy kinh ngạc không? Làm thế nào mà chỉ rất ít người châu Á được làm lãnh đạo? Đó có phải là vì phân biệt chủng tộc, cách nuôi dạy, văn hóa hay các yếu tố khác? Tôi tin rằng sự thể hiện trực quan bên ngoài có thể là một yếu tố quan trọng. Với vai trò là Mentor, tôi đã hỗ trợ các bạn trẻ với những công cụ thiết yếu để có thể thể hiện bản thân mình một cách hiệu quả nhất: thông qua cách họ ăn mặc, cách họ nói chuyện và cách họ hành xử, từ đó họ có được sự tự tin mạnh mẽ và tự định vị bản thân là những nhà lãnh đạo tương lai.

Dự định sắp tới của chị là gì? Chị sẽ sinh sống và làm việc tại Việt Nam luôn chứ? 

Tôi đang thực hiện quyển sách riêng của mình về xây dựng phong cách chuyên nghiệp dành riêng cho phụ nữ Á Đông. Đó là một cuốn cẩm nang hướng dẫn từng bước xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp, tự tin và hiện đại, và cũng là quyển cẩm nang đầu tiên trên thế giới hướng đến các phụ nữ Á Đông. Tôi vô cùng hào hứng khi có thể chia sẻ những kiến thức và kỹ năng của mình với các chị em ở Việt Nam. Bản tiếng Việt được xuất bản vào tháng 10 tại Việt Nam, các bạn nhớ chú ý theo dõi nhé!

Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi coi Việt Nam là nhà của mình, mặc dù cũng phải di chuyển thường xuyên giữa Anh và Việt Nam. Chúng tôi thích sống ở Việt Nam. Tôi có khát khao mạnh mẽ được giúp các bạn trẻ, những người phụ nữ ở Việt Nam, giúp họ xây dựng hình ảnh và phong cách tự tin và hiệu quả, từ đó gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.

Cảm ơn chị về những chia sẻ trên, ELLE hy vọng rằng quyển sách của chị sẽ trở thành kim chỉ nam của nhiều bạn trẻ Việt. 

Nhóm thực hiện

Ảnh: nhân vật cung cấp (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)