Thái Vân Linh có thể chia sẻ một chút về con đường sự nghiệp của chị, mối duyên nào khiến chị chọn Tài chính?
Khi còn đi học, Thái Vân Linh chọn ngành kinh doanh tổng quát, công việc đầu tiên là tư vấn về công nghệ. Sau đó, tôi chuyển sang làm marketing cho một công ty khởi nghiệp. Khoảng thời gian 5 năm này tương đối thú vị nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, chắc chắn ở ngoài kia sẽ có nhiều thứ hay hơn. Khi học tiếp MBA, tôi chọn ngành Tài chính, một nghề 100% hoàn toàn khác với marketing. Sau khi hoàn tất khóa học, tôi đầu quân cho lĩnh vực đầu tư mạo hiểm bởi khi đó, tôi có thể sử dụng kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình trong cả hai lĩnh vực tài chính và khởi nghiệp.
Vì tham gia lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nên song song với công việc ở Quỹ đầu tư, Thái Vân Linh cũng thử “mạo hiểm” khởi nghiệp cho chính mình?
Cũng nhờ được một người bạn “mai mối” mà Thái Vân Linh có duyên từ Mỹ trở về quê hương làm việc cho Quỹ đầu tư. Thật lòng mà nói, năm 22 tuổi tôi đã muốn tự khởi nghiệp nhưng lúc đó còn trẻ, sợ chưa đủ khả năng. Đến khi hơn ba mươi, tôi nghĩ nếu lập gia đình, có con nhỏ sẽ không thể tập trung toàn thời gian cho công việc được. Bởi vậy, tôi mới quyết định mở công ty riêng. Vài năm sau, công ty cũng ổn định, lại có em gái trợ giúp, vừa lúc đó tôi nhận được lời mời vào vị trí Giám đốc chiến lược và vận hành cho một Quỹ đầu tư. Tôi thích thử thách với những điều mới mẻ và khác biệt, thế là tôi nhận lời luôn.
Con đường Thái Vân Linh đi cũng không bằng phẳng lắm nhỉ?
Hơi lắt léo một chút đấy chứ. Tuy nhiên, đối với tôi như thế cũng bình thường, cơ bản là mình cảm thấy con đường lựa chọn ngay thời điểm đó là tốt, phù hợp với mình thì cứ đi thôi. Cần nhất là nếu đã quyết định rồi thì phải làm hết sức mình và phải làm cho thật tốt ngay lúc đó.
Theo chị, ngành Tài chính có phải là một lựa chọn nghề nghiệp ổn định và nhàn hạ cho phụ nữ?
Cũng không hẳn. Thực tế, ngành nào cũng vậy thôi, môi trường cạnh tranh cũng rất khắc nghiệt. Nếu không đủ năng lực và cố gắng hết sức, bạn cũng sẽ bị đào thải ngay sau một thời gian ngắn. Tôi còn nhớ thời điểm mới làm việc trong ngành này, một ngày bắt đầu từ 9 giờ sáng, làm việc liên tục đến tối khuya, hôm nào 9, 10 giờ tối định đứng dậy đi ăn tối với bạn thì y như rằng sẽ bị đánh giá là: “Tụi trẻ giờ này chưa gì đã về…”. Có hôm mệt quá, trốn vào toilet ngủ gật được ít phút rồi phải ra làm tiếp. Nghe có vẻ “thảm” nhưng tôi vẫn cảm thấy rất hào hứng, bởi từ công việc này, tôi có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ những người giỏi và luôn tự nhủ phải cố gắng thật nhiều để được ngang bằng họ. Những năm “lăn xả” như vậy giúp tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm cho sự nghiệp sau này.
Trong ngành tài chính, đa số đàn ông giữ vị trí lãnh đạo, có phải do đầu óc của họ nhạy bén với các con số hơn phụ nữ và điều đó quyết định thành công hơn?
Người ta thường nói ngành tài chính cứng nhắc và nhàm chán vì phải tiếp cận thường xuyên với số liệu và phân tích dữ liệu. Tất nhiên, đó là quan điểm của những người không thích số liệu. Còn đối với Thái Vân Linh, ngồi xem Excel cả ngày lại là điều thú vị. Định kiến xã hội cho rằng ngành tài chính thích hợp với đàn ông hơn, nhưng tôi nghĩ rằng đó chỉ là định kiến chứ không phải là thực tế. Đúng là môi trường xung quanh tôi có đến 90% là nam nhưng tôi không cảm thấy sự khác biệt về khả năng cũng như trí tuệ. Nếu bạn đã thích, lựa chọn và sống hết mình với nó, bạn sẽ đạt được thành công.
Có thể chính vì định kiến này mà nhiều phụ nữ đã cảm thấy ngần ngại mà không cố gắng hết sức của mình và đó chính là rào cản không đưa họ đến các vị trí cao hơn?
Một trong những lý do chính mà ít phụ nữ tham gia vào những lĩnh vực phân tích là vì bố mẹ. Khi còn nhỏ, bố mẹ định hướng bé trai nên giỏi toán, và bé gái thì nên chơi với búp bê. Các trải nghiệm tiềm thức này sẽ khiến các bạn nữ không cố gắng trong các môn có nhiều số liệu. Đến khi đi làm, bởi vì có quá nhiều người nói phụ nữ không hợp về tài chính nên các bạn cũng tin vào điều đó. Rào cản lớn nhất của con người chính là bản thân họ. Có một sự khác biệt giữa “confidence” (sự tự tin) và “believe in yourself” (tự tin vào bản thân). “Confidence” là khi bạn đã thành công sau một dự án nào đó và bạn có đủ sự tự tin để tiếp tục làm một dự án khác tương tự. Tuy nhiên, khi bạn thất bại hết lần này đến lần khác, sự tự tin đó cũng mất đi và ngay lúc đó, bạn phải “tin vào chính mình”, rằng bạn có khả năng đứng dậy và làm lại từ đầu. Không ai có thể giúp bạn tốt hơn chính bạn cả.
BÀI LIÊN QUAN
Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ phong trào khởi nghiệp, nhưng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Thái Vân Linh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
Thái Vân Linh nghĩ khởi nghiệp là điều tốt đối với các bạn trẻ có ý tưởng mà họ tin có thể thành công. Tuy nhiên, các bạn phải biết rằng, khởi nghiệp không hề dễ dàng, ngược lại phải trả giá rất nhiều bằng thời gian, công sức, tiền bạc… và có khi đổi lại là thất bại. Rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, được làm chủ rất… vui và là một cái gì đó rất hào nhoáng nhưng thực tế không phải như vậy. Ví dụ, nếu là nhân viên, bạn có thể nghỉ phép đi chơi, nhưng khi là nhà sáng lập, bạn sẽ luôn suy nghĩ về công ty. Bạn muốn làm những điều lớn, trách nhiệm của bạn sẽ rất lớn.
Chị có thể chia sẻ bí quyết thành công của chị được không?
Trong tiếng Anh có một cụm từ là “Embrace the pain” (Ôm lấy nỗi đau). Câu này không chỉ áp dụng khi bạn thất bại và cảm thấy đau khổ. Đây là triết lý hàng ngày của tôi. Khi tôi phải thức khuya, dậy sớm, làm những dự án mình không thích làm, không thể đi ăn với bạn, không thể chơi với con – trong những lúc đó, để có động lực để làm việc, tôi tự khuyên mình, hãy chấp nhận nỗi đau ấy, hãy cảm nhận nó một cách sâu sắc. Bởi vì để thành công, mình phải luôn làm việc hết sức, chấp nhận những điều khiến mình không vui, và thậm chí khiến mình rất đau.
Thế còn thời gian nào dành cho gia đình nhỏ của chị và cho sở thích cá nhân?
Ừ nhỉ (cười). Đùa thôi! Mỗi ngày tôi đều tranh thủ một chút thời gian buổi sáng chơi với con và vài chục phút buổi tối dành cho chồng. Chúng tôi nói chuyện, chia sẻ về những chuyện trong ngày rồi ai làm việc nấy. Thật may mắn vì đã có bà ngoại giúp chăm em bé, còn ông xã rất hiểu và ủng hộ. Chính anh là người gợi ý tôi mở thêm công ty thời trang Rita Phil, và cũng chính anh là người khuyến khích tôi tham gia chương trình truyền hình thực tế. Đó là những trải nghiệm rất thú vị.
Thái Vân Linh đã xác định sẽ dành toàn thời gian cho công việc, sao còn kết hôn, vì chuyện đó cũng ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp phải không?
Chuyện này cũng khó nói. Ưu tiên hàng đầu của tôi là công việc nhưng chuyện lập gia đình thì do duyên số. Nó cứ đến và tôi đón nhận một cách tự nhiên.
Nhưng như vậy có hơi… bất công cho chồng chị không, dù gì thì đàn ông cũng cần vợ ở bên cạnh?
Không đâu. Anh ấy hiểu và chấp nhận. Nếu như ở Mỹ, trước khi kết hôn, chúng tôi sẽ phải tham gia một khóa tư vấn hôn nhân. Nhưng vì ở Việt Nam, lại không có nhiều thời gian nên chúng tôi cùng nhau đọc cuốn His Needs, Her Needs – một cuốn sách tâm lý về hôn nhân rất hay dành cho các cặp đôi. Sau đó, chúng tôi cùng ngồi xuống nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn, mỗi người có trong tay một danh sách nhu cầu cần thiết nhất của người kia. Chúng tôi cố gắng đáp ứng được 3 nhu cầu lớn nhất của nhau. Chẳng hạn, trong 3 nhu cầu lớn nhất của anh ấy không yêu cầu tôi phải nấu ăn, nên tôi có thể làm việc mà không phải suy nghĩ hôm nay nấu món gì cho chồng. Điều đó thật may mắn vì tôi cũng không biết nấu ăn (cười). Cho đến giờ, mọi chuyện cũng vẫn rất ổn và chúng tôi vẫn rất hạnh phúc.
Chị có thời gian cho bản thân không?
Nếu rảnh một chút, tôi thích xem chương trình truyền hình thực tế. Ngoài ra, mỗi năm tôi đề ra mục tiêu phải học thêm một cái mới. Như năm vừa rồi, tôi đã luyện tay trái, bởi bình thường, đa số tôi dùng tay phải còn tay trái cứ như vô dụng. Sau một năm, giờ tay trái của tôi cũng hữu dụng gần như tay phải rồi. Năm nay, tôi sẽ học… hát (cười). Nghe lạ phải không? Tôi thích hát lắm nhưng không dám hát to. Bởi vậy, có thể tôi sẽ dành chút thời gian luyện thanh, trước mắt là để nếu có đi hát karaoke thì không cảm thấy… tội nghiệp cho những người xung quanh (cười).
Vậy là chị cũng chưa nghĩ đến lúc nào đó nên bớt việc và hưởng thụ chút nhỉ?
Cái này thì chưa. Tôi sẽ cống hiến hết mình cho công việc đến khi nào về hưu. Khi đó, tôi định sẽ mở một Quỹ để giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ và tạo động lực cho họ có những vị trí tốt hơn trong xã hội. Bởi tại Việt Nam và trên thế giới, do định kiến của xã hội, phụ nữ vẫn còn đang chịu nhiều thiệt thòi hơn đàn ông.
—
Xem thêm:
“Sóng hấp dẫn” của Hoàng Quyên
Có một Đông Nhi không ngại bứt phá giới hạn
Nhóm thực hiện
Bài: Hương Tôn Ảnh: Kỳ Anh Stylist & Producer: Hoàng Lê Trang điểm: Trist Phạm