Văn hóa / ELLE Interview

Lê Thiết Cương vs. Vi Thuỳ Linh – Đón chờ và tận hưởng

Giữa những suy tư của họa sĩ Lê Thiết Cương và tâm trạng hối hả chuẩn bị cho hai cuốn sách (tùy bút và thơ) sắp ra mắt của nhà thơ Vi Thùy Linh, cuộc đối thoại càng lúc càng sôi nổi trong một không gian thanh tĩnh, tại Gallery 39.

elletalk

Lê Thiết Cương (LTC): Anh rất bất ngờ khi biết Linh cùng tham gia, vì anh và em thuộc hai thế hệ khác nhau, quan điểm sống cũng khác. Và anh vẫn cho rằng những người ở lứa tuổi của Linh thì không thể sống chậm. Muốn sống chậm phải có điều kiện, hoặc ít ra là con người ta phải đạt đến một độ tuổi trung niên nhất định…

Vi Thùy Linh (VTL): Đúng vậy, càng có tuổi người ta càng giảm tốc độ hoạt động. Như anh thấy đấy, tiết tấu sống của em vốn nhanh, vì em nhiều việc, chứ không sống vội, ẩu. Quá bận cũng làm em đãng trí, không chu toàn hết được.

Trong nhan đề tập thơ Phim đôi – Tình tự chậm, em muốn nhấn mạnh chữ “chậm” như nỗi khát khao, em cố ý làm mọi việc cường độ cao do luôn nghĩ đời người rất ngắn, phải làm được nhiều điều ý nghĩa; cũng để tự thưởng cho mình những lúc… không làm gì cả, tức là em muốn cô đọng lại “những – khoảnh – khắc – chậm”.

Nhiều người ngạc nhiên anh làm bao nhiêu việc: tổ chức sự kiện, minh họa và làm bìa sách, viết báo thường xuyên mà vẫn sống kỹ, nề nếp, lại thỏa được những thú vui riêng. Em rất thích cách anh đón Tết, với bình lá mùi cắm ở phòng khách từ 23 tháng Chạp.

Tết bắt đầu từ những ngày giữa Chạp khi ta đón Tết chứ không phải mấy ngày chính Tết. Tết là dịp để ta được chậm lại, được nghỉ ngơi, mơ mộng.

LTC: Vậy trong hai lĩnh vực mà con người ta, nhất là giới trẻ vẫn bàn luận không bao giờ chán là ái tình và nghệ thuật, khái niệm “sống chậm” cần hiểu thế nào?

VTL: Em quan niệm, khi yêu, đã không hôn thì thôi, còn hôn thì phải thật, nhiều cảm xúc, không hôn giả “kiểu Hàn Quốc”. Em rất ghét kiểu: “Thôi chỉ còn 10 phút, chúng mình tranh thủ hôn nốt”, hoặc chui vào bóng tối để hôn. Dù là 10 phút cũng phải hôn cho thật kỹ.

Hay như khi sáng tác và xuất bản, phải làm kỹ từ bản thảo, mỹ thuật để có giai phẩm. Nên mỗi lần ra sách, em lại sụt ít nhất 3kg. Trước kia, em thường viết thơ nhanh khi cảm xúc ập đến, sau đó dụng công sửa chữa, nhưng bây giờ thì em viết chậm hơn, vì phải cấu trúc ý trước khi viết.

LTC: ViLi tùy bút và ViLi & Paris sắp ra mắt sau 5 tháng em đi Pháp, Bỉ, Séc, Ba Lan và một số nước châu Âu hình như đang làm em “lao đao”?

VTL: Sút cân chỉ là một chuyện, còn nhiều lo lắng khi tổ chức sản xuất, nhất là kinh phí. Nhưng làm sách là hưng phấn, động lực của tình yêu nghệ thuật, được nung cảm xúc và “trầm tích” mình, tình tự chậm lần nữa. Em cho rằng những người biết sống chậm mới có thể di truyền văn hóa, tức là tiếp nhận những cái hay của thế hệ trước, và truyền lại cho thế hệ kế tiếp.

Câu thơ này của nhà thơ Lê Đại Thanh (1907 -1996) khiến em xúc động: “Thơ là đốt cháy một mặt trời đại dương để lấy một hạt muối/ Là bóp một mùa hoa để giữ lại một sắc hương”. Đó là sự tinh lọc, muốn tinh lọc thì phải chậm. Những người muốn di truyền văn hóa phải nghĩ sâu về sự sống, về tâm hồn để di truyền, thể hiện trong tác phẩm, cho thế hệ sau.

Không ít văn nghệ sĩ cho rằng anh kiêu bạc, lạnh lùng. Phải chăng đó là do bản chất của sống chậm, muốn sàng lọc những người không phù hợp với cá tính mình, hay là do cách nghĩ của anh, rằng có tài thì phải kiêu?

LTC: Anh đã 50 rồi, anh “quần chúng” cả đời rồi, sao họ cứ muốn anh phải “đám đông” mãi, đến lúc phải để anh được “một mình” chứ!

VTL: Hình như anh thuộc những người đàn ông không thể hiện sự ga-lăng của mình trong việc tự nguyện chờ đợi phụ nữ shopping, làm đẹp?

LTC: Biết nói thế nào nhỉ?! Việc người phụ nữ của anh không chịu được khi phải chờ đợi anh uống có khác gì việc bắt anh chờ đợi cô ấy trang điểm. Nên anh không muốn phải thay đổi bất kỳ điều gì.

VTL: Quay trở lại chủ đề, những người sống chậm theo cách chúng ta vừa nói đang bị cô lập, đang trở nên lạc lõng. Làm thế nào để giữa nhịp sống hối hả của một xã hội công nghiệp hóa, chúng ta vẫn giữ được tiết tấu phương Đông trong tâm hồn?

LTC: Giá như có cách nào đó giúp chúng ta có thể làm việc ít đi, kiếm tiền ít đi để được sống nhiều hơn? Chẳng hạn chúng ta làm ít đi, môi trường cũng sẽ ít bị ảnh hưởng, hay nếu chúng ta đi xe đạp nhiều hơn, xe máy sẽ giảm, lượng xăng cũng sẽ được tiêu thụ ít hơn, không gian trong sạch hơn…

Anh nghĩ rất nhiều khi đọc Lão Tử, Trang Tử, Thích Nhất Hạnh… Lão Tử chủ trương thuyết Vô vi, nghĩa là không làm gì cả. Nam Hoa Kinh của Trang Tử cũng nhấn mạnh tư tưởng này. Thích Nhất Hạnh có cuốn Người vô dụng…

Em thấy đấy, căn nhà này rộng 150m2, mặt tiền ngang 6m, anh chẳng muốn cho thuê. Cứ chiều đến, anh có thể tận hưởng sự yên tĩnh, đọc sách, nghe nhạc và uống rượu cùng bạn bè, ngay ở đây, trong căn nhà của mình…

VTL: Nghĩa là mình giảm nhu cầu vật chất để đỡ bị cuốn theo việc mưu sinh. Sống chậm theo đúng nghĩa mà chúng ta nói gắn liền với nhu cầu của tâm hồn, và phải biết lãng mạn. Tiền thì không biết bao nhiêu cho đủ, song đã xác định rằng cần phải sống chậm, thì tự mỗi người sẽ biết tước bỏ những rườm rà hệ lụy và tham sân si, giảm việc và tinh lọc quan hệ, chứ “chơi ô hợp” thì không thể sâu, mà “chơi tập đoàn” thì chẳng bao giờ chậm.

Để duy trì sự lãng mạn cần có tiền; nhưng có nhiều người giàu lại nghèo về tinh thần.

Cuộc sống là nối tiếp của những mâu thuẫn. Em cho rằng, sống chậm là biết đón chờ, tận hưởng hạnh phúc. Tất cả do lòng tham; bớt tham vọng, sẽ được sống cho mình, tự do hơn, ít “diễn” hơn.

Sống chậm sẽ bớt quá tải, biết chắt chiu hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là những điều lớn lao mà từ những khoảnh khắc. Biết lắng lòng để lưu nhớ mùi hương thân thể của người yêu, ánh mắt nâu trong tâm trí, tiếng gọi ngân trong rợp trắng loa kèn tháng Tư… – đấy là những cảnh của bộ phim đời mà mỗi chúng ta nên quay cho mình.

Nhóm thực hiện

Bài Thu Hằng - Ảnh Duy Khánh - Stylist Bùi Thanh Thuỷ - Trang điểm Mạc Khuê - Trang phục Áo sơ mi Emilio Pucci, quần jeans D&G  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)