Đức Tuấn: “Tôi đợi người ta thích mình”
Đức Tuấn nói có những bài hát phải 4 năm sau người ta mới thích. Tuy nhiên, điều ấy chẳng ngăn cản người ta mong chờ mỗi lần anh ra album mới. Ca sĩ gốc Long Xuyên này hiếm khi khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, vì anh chưa bao giờ ngừng khai thác những điều mới trong các tác phẩm tưởng chừng đã cũ.
14 năm đi hát, 19 album đã ra mắt, anh luôn theo đuổi điều gì trong suốt sự nghiệp của mình?
Có lẽ tôi sẽ không gọi đó là điều tôi theo đuổi, mà sẽ gọi đó là điều khiến tôi bắt đầu. Từ khi đi hát đến giờ, tôi chỉ hát để phục vụ cho niềm đam mê của mình. Nói ra điều này nghe có vẻ lý thuyết, người ta lại bảo tôi chảnh, trước đây tôi ít khi nào hát vì thị hiếu đám đông, nhưng có lẽ trong thời gian tới, tôi sẽ quan tâm đến khán giả nhiều hơn, tôi mong muốn khán giả yêu mến và luôn ủng hộ cho những sản phẩm âm nhạc của mình nhiều hơn. Tôi sẽ làm nhiều cách để chuyển tải những thông điệp âm nhạc của mình chạm đến trái tim của nhiều khán giả hơn.
Còn đam mê ca hát thì nằm sẵn trong máu của mình, kể từ khi cha mẹ sinh ra rồi. Tôi luôn sống hoàn toàn trung thực với đam mê của mình. Tôi đam mê cái gì tôi làm cái đó. Tôi kiếm sống bằng việc hát, nhưng hát là điều tự nhiên có sẵn trong mình.
Việc hát để kiếm tiền có bao giờ gây ra mâu thuẫn gì với đam mê của anh không?
Đi hát là một hình thức lao động – lao động nghệ thuật, và lao động để kiếm tiền là chuyện bình thường trong cuộc sống, ca sĩ lao động để kiếm tiền thì không có gì là mâu thuẫn, có chăng là ca sĩ được may mắn hơn một số nghề khác là vừa nuôi sống bản thân lại vừa thỏa mãn được đam mê của mình. Riêng tôi thì đúng là việc thỏa mãn đam mê được đặt cao hơn việc kiếm tiền. Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi chỉ biết thỏa mãn mình mà quên đi khán giả của mình cần gì. Tôi đang cố gắng dung hòa hai điểm này, đồng nghĩa với việc tôi đã rất may mắn khi có nhiều khán giả đồng cảm với mình nhưng tôi sẽ tiếp tục mở rộng biên độ để có thêm nhiều khán giả yêu mến mình hơn nữa.
Vậy kỷ niệm anh sẽ luôn nhắc đến khi nói về sự nghiệp của mình là gì?
Là cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Thời đó, truyền hình không có các gameshow như bây giờ. Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh có thể được coi là sân chơi lớn nhất, uy tín nhất dành cho những người không chuyên lúc bấy giờ. Trước cuộc thi đó, tôi chỉ là một chàng sinh viên thích hát, sau đó tôi đã được coi là một ca sĩ thực sự.Tôi đã có thể kiếm tiền bằng việc hát, hay nói cách khác là đã bước chân vào con đường chuyên nghiệp.
Một kỷ niệm khác là việc được hát trong chương trình Tiếng sáo Thiên thai năm 2006. Năm ấy, chương trình không có nhiều ca sĩ, nhưng tất cả đều là ca sĩ hàng đầu, và tôi may mắn được chọn sánh vai cùng họ. Tôi được thể hiện hết khả năng của mình, được đứng đúng vị trí của mình. Ở đây tôi được gặp anh Quốc Bảo, có được sự chia sẻ và nhờ đó ra mắt được 2 album Những tình khúc Phạm Duy – Trịnh Công Sơn và Yêu trong ánh sáng. Đúng năm đó, Phạm Duy cũng về nước và tôi được gặp ông và sau này ra album Ngậm ngùi chiếc lá thu phai.
Chẳng lẽ anh không nghĩ ngợi gì khi một số ca sĩ khác giờ đã có cuộc sống xa hoa hơn anh nhiều?
Mỗi lựa chọn đều có cái thú vị của nó. Tư duy của mỗi người làm nghề cũng khác. Quan trọng là điều gì làm mình hạnh phúc. Cái làm tôi hạnh phúc chính là việc mang đến cho khán giả điều mình đam mê. Việc có nhiều tiền chưa chắc đã mang lại cho người ta cảm giác hạnh phúc.
Sau bao nhiêu năm, tôi vẫn say mê với nghề nghiệp của mình. Nói ra thì có vẻ khó tin, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nản lòng, muốn dừng lại, muốn từ bỏ. Những điều với người khác là khó khăn khủng khiếp, với tôi chẳng là gì cả. Như tất cả mọi người, tôi cũng có lúc phải đối mặt với các trắc trở, áp lực về tiền bạc, cạnh tranh trong nghề, nhưng chẳng có gì trắc trở nào đủ lớn so với niềm đam mê của tôi.
Anh không muốn một cuộc sống hoàn hảo, nhưng có vẻ như anh lại muốn mình là một ca sĩ hoàn hảo khi thử nghiệm hết điều này đến điều khác, đẩy tiêu chí của mình ngày một lên cao hơn?
Tôi làm việc trong một môi trường công nghiệp âm nhạc vẫn chưa phát triển. Âm nhạc của Việt hay, nhưng kỹ thuật của chúng ta chưa cao. Thế nên, tôi cứ tự đẩy mình lên, dù sức đẩy đó vẫn chưa thấm vào đâu so với thế giới. Bản thân mình vẫn còn nhiều hạn chế và sẽ vẫn còn phải đi tiếp để phát triển. 14 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn thấy mình chỉ vừa mới bắt đầu. Thời gian của tôi vẫn còn dài lắm. Trong đầu tôi đã có sẵn những dự định cho 10 album mới.
Anh hát nhạc xưa rất khác so với các nghệ sĩ khác, chắc hẳn những người yêu nhạc xưa cũng có lúc phản đối anh?
Tôi nghĩ mình không chỉ hát cho quá khứ, mà còn nên hát cho cả hiện tại và tương lai. Chúng ta nên làm nhạc cho người ta thích, chứ đừng nên chỉ làm nhạc cho người ta thích gì. Tôi muốn kéo người trẻ về những bài nhạc cũ, nhưng bằng cách mang đến cho họ điều họ thích.
Nhưng một người thế hệ trẻ như anh lại thích nhạc xưa, đó đã là một điều lạ rồi…
Cái đó có lẽ là một điều thừa hưởng từ gia đình. Từ khi còn bé, nhờ bố mẹ, tôi đã thuộc nhiều bài nhạc xưa, đặc biệt là nhạc Phạm Duy. Tôi thích nhạc của ông vì các bài hát của ông đều chứa nhiều cung bậc cảm xúc, yêu cầu người hát phải biết thể hiện một cách đa màu sắc và kịch tính. Mỗi tác phẩm ông viết ra đều là một kết cấu hoàn chỉnh, chặt chẽ cả về âm nhạc, cảm xúc và nội dung. Nhạc của ông có tất cả ưu điểm của nhạc phương Tây, nhưng lại rất Việt Nam, và hết sức phù hợp với cách hát luyến láy của tôi. Ông làm cho dấu của từ ngữ tiếng Việt trở nên rất ngọt ngào, không rơi vào cảm giác mà giới chuyên môn vẫn gọi là “cưỡng âm”. Một phần là vì vốn từ của ông quá rộng, quá uyên bác.
Anh hát nhạc Phạm Duy, Văn Cao sau đó lại cả nhạc Broadway, tôi có cảm giác anh đặc biệt ưa thích việc kể chuyện bằng cách hát.
Đúng như vậy. Tôi thích hát không chỉ là hát, là sự thể hiện cảm xúc đơn thuần, đó còn là sự kể chuyện, nói chuyện, trao đổi, tìm sự chia sẻ.
Không chỉ vậy, tôi chưa bao giờ đi ra khỏi chất nhạc của Việt Nam. Tôi thấy nhạc xưa và nhạc Việt truyền thống có một điều mà nhạc giờ không còn nữa, đó là tính thơ, là sự trữ tình. Sau này, kể cả có hát nhạc mới, tôi vẫn chọn những sáng tác có đặc tính đó.
Một chút về album mới, anh có nói là mình luôn có hạn chế và sẽ luôn phải khắc phục, vậy có gì trong album mới này mà anh vẫn chưa hài lòng?
Album mới nói chung là tốt. Nhưng tôi nghĩ nếu người hòa âm hiểu hơn về mình, thì tôi nghĩ album sẽ còn hay hơn nữa. Tôi sẽ làm lại phần hòa âm cho album này, và cả các album khác nữa, để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn hơn.
Trong album mới, tôi đưa tới cho thính giả hai cách thưởng thức. Họ có thể mua đĩa vinyl để thưởng thức theo một cách rất truyền thống. Tuy nhiên, họ cũng có thể đợi mua đĩa Bluray 5.1 với hệ thống âm thanh surround hiện đại. Đây cũng là cách tôi chia sẻ đam mê với thính giả của mình.
Thực hiện: Phương Thủy
Ảnh: Nhân vật cung cấp