Văn hóa / ELLE Interview

Đương đại đối thoại với cổ xưa

(Phái đẹp - ELLE) Ban ngày kiếm sống, tối đàn có khi đến ba bốn giờ sáng để giữ nghề, để mơ mộng, Phó An My đã tìm thấy con đường của mình. Chính từ sự mơ mông phá cách, My đã kết hợp với Tuệ Nguyên để có đêm diễn Bóng...

-001

Người ấy là Phó An My, một pia­niste chưa được biết đến nhiều. Còn tôi, quả thực mới nghe cô đàn lần đầu tiên vào năm 2008 trong một buổi hòa nhạc salon của gia đình cô tại Xuân Mai. My đệm cho nghệ sĩ violon ẩn dật Xuân Huy, cũng không có gì đặc biệt. Đến khi My được đề nghị độc tấu, cô chọn Chopin. Và tôi thật sự kinh ngạc. Ở đâu ra một cá tính âm nhạc như thế’ này. Chopin đã bị “xuyên tạc”. Tôi nghĩ đến một Proghelich, người không được trao giải trong cuộc thi piano quốc tế’ Chopin vì đã “xuyên tạc” Chopin mặc dù đó là một tay piano thượng thặng. Người như thế’ khó sống, khó được thừa nhận.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa lâu đời của Hà Nội, đặc biệt là truyền thống âm nhạc. Ông bà ngoại đều là những họa sĩ nổi tiếng. Bố là nhạc sĩ. Mẹ là nghệ sĩ piano và là họa sĩ, các bác các dì đều là nghệ sĩ piano hoặc là nhà văn hoặc là họa sĩ nên 5 tuổi cô bé Phó An My đã được sống trong một môi trường văn hóa đỉnh cao và nhất là được làm quen với cây đàn piano. 13 tuổi, cô sang Berlin (Đức) thi đỗ vào Trường E.M.Phillips Bach – một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt ở Đức. Cô từng đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano – clarinette của TP. Berlin năm 1996 và tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1998. Nhưng về nước, một môi trường không thuận lợi cho nhạc cổ điển, nhất là đối với một pianist khi cần phát triển tài năng, Phó An My đã tự tìm cho mình con đường riêng, con đường của một nghệ sĩ độc lập.

Không thấy cô trong các chương trình lớn cỡ Hennessy Concert, hay Toyota Classic. Cô xuất hiện ở l’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp) 2005, Fes­tival Huế (2008, 2010) và một vài event đẳng cấp trong những chương trình độc tấu riêng. Gần đây cô tham gia chương trình Hòa nhạc Vietnamnet Điều còn mãi (2009, 2010). Chỉ có thế’ thôi nhưng cô đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán thính giả trong nước và khách nước ngoài.

Ở mức độ tài năng, tiếng đàn chính là con người. Người sao tiếng đàn vậy. Cô sinh ra chắc chẳng phải để chơi cổ điển. Phó An My không có cái trầm tĩnh, lặng lẽ và “bảo thủ” đến cực đoan của những nghệ sĩ hàn lâm. My ào ào, bốc đồng, cuồng nhiệt và hơi “điên điên” khi diễn tấu. Tôi nhớ buổi gặp đầu tiên trên trang trại của gia đình cô ở Xuân Mai, sau đêm diễn, tôi đề nghị cô đàn thêm cho tôi nghe. My cười “chú uống bia với cháu cháu sẽ đàn cho chú nghe”. Lúc ấy đã 12 giờ đêm. Bia vào nhạc ra. My vẫn Chopin, một Chopin tôi chưa nghe thấy bao giờ. Tôi vốn mê Chopin từ thời còn đi học, một Chopin dịu dàng và đượm buồn. Qua tiếng đàn cô, vẫn buồn nhưng ẩn chứa cái cuồng nhiệt của một sự “không chấp nhận hoàn cảnh” mang cái “mùi” của một kẻ phá phách, tuy chưa thật sự rõ ràng lắm. Tôi hỏi My “cháu thường diễn ở đâu?” “Cháu đi buôn đồ nội thất”. Câu trả lời quá thẳng thắn và quá đau. Ở nước ta cá tính là cái còn thiếu ở phần lớn các nghệ sĩ biểu diễn, còn cô thì có thừa. Vậy mà…

Lựa chọn trường phái Piano cận đại, vì cô muốn thể hiện tiếng đàn giàu cảm xúc và “phá cách” của mình. Sự lựa chọn này đưa cô đến với Tuệ Nguyên, một tác giả trẻ viết cho piano cũng có khuynh hướng cận đại. Một cách tất yếu họ tìm đến nhau và trở thành một cặp đôi trong âm nhạc, giống như Khánh Ly cặp đôi với Trịnh Công Sơn vậy.

Phó An My và Tuệ Nguyên cùng có máu dân gian trong người. Cái cuồng nộ của Tuồng, cái bồng bềnh, “đồng bóng” của Chầu văn, cái trữ tình độc đáo của Hò mái đẩy (Huế), Cọi (Dân ca Tày) thật phù hợp với tâm tính của họ, nó đã “kích hoạt” sự sáng tạo trong mỗi người. Nguyên viết, My diễn.

Cặp đôi này là đồng tác giả. Họ cùng chung ý tưởng khi viết và khi diễn. Ngoài đời My là người rất nhanh trong việc nảy ra ý tưởng, một “triệu phú sáng kiến”. Còn trong nghệ thuật, là một nghệ sĩ biểu diễn nhưng cô đã đóng góp cho việc hình thành tác phẩm rất nhiều. Nảy sinh ý tưởng, thúc đẩy, sửa chữa, bổ sung và ngẫu hứng thêm khi diễn để nó trở nên hoàn thiện. Và với cách làm việc chung, họ đã tự tìm ra một con đường có thể gọi là “độc sáng”, một con đường chưa có, dù con đường đó không phải là một đại lộ để mọi người cùng bước vào. Chúng ta quen với việc phát triển dân ca, dân nhạc trên cơ sở sử dụng chất liệu của nó, cải biên, nâng cao hoặc mới hơn như Quốc Trung làm World Music theo khuôn mẫu phương Tây. Nguyên và My thì không. Họ không theo khuôn mẫu nào cả. Họ “bịa” ra một hình thức âm nhạc mới gọi là đối thoại.

Cuộc đối thoại giữa cái đương đại và cái cổ xưa trong âm nhạc thính phòng là con đường mà cặp đôi đã mở ra từ Phiêu Thanh, Lửa thiêng (2008). Bồng Bềnh (Chương trình Điều còn mãi 2009), Tiếng thốt (Chương trình Điều còn mãi 2010) phù hợp với phong cách piano cận đại được cho là độc đáo Việt Nam của Phó An My. Và giờ đây là cuộc đối thoại với Chầu văn (một hình thức hát múa dân gian được gọi là Lên đồng hay Hầu bóng) mà họ đặt tên là Bóng. Một cặp đôi nghệ sĩ tuyệt vời, với một tình yêu lạ lùng đối với nghệ thuật cổ xưa họ đã tìm lại truyền thống bằng cuộc đối thoại cực kỳ hào hứng. Một cấu trúc mới mẻ có hình thức tổ khúc (suit) và một nghệ thuật diễn tấu piano hiện đại, mãnh liệt, sốc nổi đầy chất ngẫu hứng giống như “lên đồng” đã nói chuyện rất ăn ý với lối diễn tấu Hát văn nguyên vẹn truyền thống.

Thốt là “điều còn mãi”, Bóng cũng sẽ là “điều còn mãi” khi cái đương đại

kết nối được với truyền thống, khi truyền thống sống trong cái đương đại. Giới trẻ đã tìm lại những giá trị truyền thống bằng cái cách của mình, không lặp lại những lề thói cũ. Về điều này Phó An My là một nhân vật, một con người nằm trong số người tiêu biểu.

Trong đêm diễn Bóng tại rạp Công Nhân, một rạp hát có từ lâu đời của Hà Nội, My đã cho rải hoa hồng trên các bậc thang dẫn vào phòng hòa nhạc, đặt hoa hồng trên tay vịn của hàng ghế’ khán giả, còn cô thì rạng rỡ trong chiếc áo dài đỏ thêu rất đẹp khi ngồi đàn đối thoại với giá đồng đầu tiên (Giá Mẫu thượng ngàn) tôi biết cô đang hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã tìm thấy chính mình, được là mình, được sống với những gì mình yêu thích, được làm một cái gì đó cho người thân cho bạn nhạc và những người nghe mình đàn thì dẫu có phải “đi buôn đồ nội thất” để kiếm sống, dẫu danh tiếng chẳng lừng lẫy như Đặng Thái Sơn hay khiêm tốn như Bích Trà thì chắc cũng chẳng hề hấn gì.

Có phải thế không Phó An My?

Bài: Dương Thụ – Ảnh: H&J Studio
Phái đẹp – ELLE
ELLE.VN

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)