Có đôi mắt kính tròn như cậu bé phù thủy Harry Potter, Nguyễn Quỳnh Phương lấy luôn nghệ danh là Phương Potter. Phương 19 tuổi, lứa tuổi mà đa số các cô gái chỉ mới bắt đầu vào đại học, bắt đầu nghĩ ngợi xem mình muốn gì, nhưng cô đã có 6, 7 năm làm họa sĩ, đã làm người viết bài, người viết game… trở thành cái tên mà cộng đồng mạng nhiều người biết. ELLE đã có cuộc trò chuyện ngắn với cô, nhân cơ hội Phương từ Anh về nhà nghỉ Hè.
Người ta bảo học vẽ cũng như học đàn, phải khởi đầu từ rất sớm, thế còn Phương thì sao?
Tôi bắt đầu học vẽ từ lúc học mẫu giáo, học với cô giáo ở lớp và chị gái là Quỳnh Anh ở nhà. Hồi đấy không hiểu sao tôi với vài bạn nữa chỉ được ngủ trưa đến 12h là cô giáo kéo tay gọi dậy đi sang phòng bên cạnh học vẽ trong khi các bạn khác được ngủ đến 1h chiều. Vừa mệt vừa buồn ngủ nên lần nào tôi cũng chỉ vẽ nhanh ngôi nhà với hai cái cây là xong, nhiệt tình hơn thì vẽ thêm cái võng mắc ngang thân cây. Nhưng đến tối về nhà, sau khi làm hết bài tập tô chữ của chị gái giao cho, tôi sẽ được làm bài tập vẽ, mỗi hôm một chủ đề hoặc một gợi ý, sau đó muốn vẽ sao cũng được, thỉnh thoảng mới được hướng dẫn. Những lúc tô chữ thật nhanh để dành cả tối ngồi vẽ mê mải như thế có thể nói là một trong những lúc tôi thích vẽ thật sự.
Vậy là cứ thế trở thành họa sĩ sao?
Đến năm lớp 8, tôi gặp các anh chị học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và thấy vẽ không chỉ cần bản năng là đủ. Tôi quyết định theo học thầy Quân, một người thầy rất thú vị và giúp tôi nhận ra nhiều bài học về sáng tạo nghệ thuật. Hiện giờ, đi học tại Anh, tôi được học với một người thầy lúc nào cũng giục giã học trò tại sao cuối tuần không đi bảo tàng, không đi triển lãm hoặc là ra công viên mà vẽ, đi xem phim, nghe nhạc kịch cũng được. Thầy vẫn khuyên bước ra ngoài khám phá thế giới xung quanh, đừng ngồi làm bài trong studio cả ngày. Hãy vẽ bằng các giác quan của mình trước khi đặt bút xuống.
Được biết giờ Phương đang theo đuổi lĩnh vực hoạt hình. Phương chọn cách thực hiện bằng vẽ tay hay sử dụng máy tính hoàn toàn?
Cũng giống như tất cả các nhánh khác của bộ môn nghệ thuật thị giác, hoạt hình cũng được sự hỗ trợ cực kỳ lớn của công nghệ hiện đại. Với tôi thì nó chỉ nên được coi là các phương thức chứ không nên khiến mọi người tưởng lầm rằng hoạt hình bị chia thành hai nhóm vẽ máy và vẽ tay (điều này đang xảy ra ở ngành minh họa) hoặc có suy nghĩ là Phương Potter làm bằng máy thì nhanh hơn làm tay. Tùy theo phong cách của từng người và cách họ làm việc, nhưng vẽ tay hay vẽ máy cũng chỉ là vấn đề công cụ. Hoạt hình còn có nhiều cách thức khác phổ biến, ví dụ như là stop-motion, clay-motion (hoạt hình đất sét). Tôi cũng rất thích thể loại này, thành công có thể nói đến Tim Burton, Jan Svankmajer, Nick Park… Hoạt hình 3D cũng rất phổ biến và có lợi thế trong thực hiện các phim hoạt hình mang tính hành động cao. Tuy vậy, tôi nghĩ là nếu không cần thiết mà cứ cố phân loại việc mình đang làm ra chỉ khiến cho công việc trở nên cứng nhắc thôi, khó mà sáng tạo được. Tốt nhất là không nghĩ gì cả, cứ thế làm thôi.
Phương muốn làm ra một bộ phim như thế nào?
Tôi thích những tác phẩm không lời vì hình ảnh có sức mạnh truyền đạt rất lớn và không có ranh giới nào cả. Dẫu vậy, hiện nay tôi mới chỉ học đại học năm thứ nhất nên cũng chưa tính trước được. Nếu làm phim thì tôi muốn thực hiện những dự án không chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Bây giờ đại bộ phận phim truyện, phim hoạt hình làm ra ít nhiều đều mang tính thương mại, phần lớn mọi người đều cho rằng hoạt hình làm ra để phục vụ trẻ em. Tuy nhiên, những phim hoạt hình như Balance (Oscar năm 1989) và các phim ngắn của Jan Svankmajer (nhà làm phim nổi tiếng người Séc) liệu trẻ em có hiểu được không? Nhiều khi chính tôi cũng không hiểu được ấy chứ (Cười).
Cảm ơn Phương đã trò chuyện cùng ELLE.
Nhóm thực hiện
Tổ chức sản xuất hình ảnh: THÙY TRANG Ảnh: TRỌNG ĐỨC - JAMES DƯƠNG