Giáo sư, Tiến sĩ Minh Đức: Đừng phủ nhận cảm xúc của con trẻ

Đăng ngày:

Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Trần Thị Minh Đức – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, cố vấn của dự án Hopeful Horizon – đã có cuộc trò chuyện chuyên sâu với ELLE Việt Nam về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, cũng như cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích để nâng cao nhận thức và hiểu biết dành cho nhóm đối tượng rất cần được quan tâm này.

Chào giáo sư Minh Đức. Khi nhận lời làm cố vấn cho Hopeful Horizon, cô mong muốn chương trình tạo ra tác động như thế nào, với những đối tượng nào?

Những tác động mà dự án Hopeful Horizon muốn hướng tới bao gồm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn nạn tự tử và tự hại ở thanh thiếu niên, đặc biệt đối với phụ huynh, nhà trường và cộng đồng. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để các bạn trẻ nhận được sự hỗ trợ cần thiết và cải thiện sức khỏe tâm thần của mình.

Thứ hai, dự án tiếp động lực cho các thanh thiếu niên hành động vì mục tiêu phát triển xã hội và cải thiện sức khỏe tinh thần ở chính những bạn trẻ đồng trang lứa của các em. Theo đó, các bạn trẻ bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề thông qua cuộc thi Breaking the Silence do Hopeful Horizon tổ chức.

Cuối cùng, dự án hướng đến việc xây dựng một môi trường hỗ trợ hiệu quả và bền vững cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu niên để đảm bảo rằng họ có khả năng vượt qua khó khăn, tìm được niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.

Bằng sự hợp tác, ý tưởng sáng tạo và sự tham gia của cộng đồng, dự án Hopeful Horizon cố gắng tạo ra một ảnh hưởng tích cực và lâu dài đến sự tự chủ cuộc sống lành mạnh của những người trẻ tuổi, đồng thời giúp giảm tỷ lệ tự tử và tự làm hại ở Việt Nam.

giáo sư minh đức và những vấn đề về tâm lý

Vì sao chương trình này lại tập trung vào thông điệp “Bạn không cô đơn” mà không phải thông điệp nào khác?

“Bạn không cô đơn” (You’re Not Alone) là một chương trình giáo dục Sức khỏe Tâm thần Thanh thiếu niên (dựa trên bằng chứng) của Mỹ. Đó là chiến dịch truyền thông xã hội nhằm giúp thanh thiếu niên địa phương hiểu rằng những cụm từ như “sức khỏe tâm thần” không phải là xấu; đào tạo cho họ các kỹ năng giúp giảm bớt lo lắng và khuyến khích sự tự tin. Điều quan trọng nữa là truyền thông điệp hướng dẫn thanh thiếu niên tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người lớn đáng tin cậy, hay dịch vụ chuyên nghiệp khi các em cảm thấy quá tải, căng thẳng, chán nản hay đau buồn; giúp giới trẻ không bị khuất phục trước những suy nghĩ hoặc hành động tiềm ẩn liên quan đến ma túy, rượu, hành vi nguy hiểm và/hoặc tự tử.

Thông điệp “Bạn không cô đơn” là một thông điệp mạnh mẽ và quan trọng đối với thanh thiếu niên trên thế giới. Vì vậy, SoftenMind và WisdomViet đã khởi xướng chiến dịch truyền thông trong các trường đại học và thông qua các kênh mạng xã hội giới trẻ thường sử dụng nhất. Sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành đoàn TP.HCM, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, Hội tâm lý học Việt Nam, AIA, ELLE, TIKTOK, Docosan, Levents, các tổ chức y tế, doanh nghiệp, chuyên gia sức khỏe và giáo dục trên toàn quốc đã giúp thanh thiếu niên hiểu rằng, khó khăn, đau buồn hay cảm giác cô lập là một phần của cuộc sống và họ không phải là người duy nhất trải qua chúng. Điều này có thể giúp thanh thiếu niên trở nên mạnh mẽ hơn, có khả năng đối mặt với khó khăn và biết cách giải quyết vấn đề của mình. 

Ngoài ra, việc chia sẻ thông điệp “Bạn không cô đơn” cũng giúp phá vỡ sự kỳ thị về các vấn đề sức khỏe tâm thần; tăng cường sự thấu cảm từ những người không trải qua những khó khăn tương tự và sự tự yêu thương bản thân ở chính những người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Từ đó, có thể xây dựng một cộng đồng hiểu biết về sức khỏe tâm thần mà trong đó, họ là một phần của cộng đồng lớn hơn. Qua đó, thanh thiếu niên biết rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến của mình mà có thể tìm kiếm những trợ giúp từ bạn bè, gia đình và các chuyên gia về sức khỏe tâm lý.

Theo giáo sư, vì sao việc chữa lành tổn thương tâm lý cho thanh thiếu niên lại trở nên quan trọng trong thời đại ngày nay?

Việc chữa lành tổn thương tâm lý cho thanh thiếu niên ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại hiện nay là do trước hết, xã hội đã có sự nhận thức sâu rộng hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Xã hội nhận ra rằng, lứa tuổi thanh thiếu niên – giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ tuổi nhi đồng sang người lớn – chưa có sự phát triển ổn định và chín muồi về sinh lý – thể chất; tâm lý và xã hội. Vì vậy, chúng ta cần phải hỗ trợ, giúp đỡ để các em giảm thiểu tổn thương tâm lý và thể chất.

Xét từ góc độ toàn cầu, thanh thiếu niên hiện đối mặt với nhiều thách thức có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, như sự bất ổn kinh tế – xã hội, chiến tranh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Môi trường học đường và sự kỳ vọng của gia đình cũng là nguồn gốc tạo ra nhiều áp lực thi cử, cạnh tranh. Sự phổ biến của mạng xã hội và truyền thông số với những thông tin không được kiểm chứng, tiêu cực cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của giới trẻ. Ngoài ra, thanh thiếu niên hiện đang sống trong một thế giới đa văn hóa và đa dạng giới tính, nơi các vấn đề liên quan đến bình đẳng và chấp nhận sự khác biệt cần được tôn trọng để giúp các em đối mặt và vượt qua các vấn đề về định kiến và phân biệt đối xử.

cô minh đức về cảm xúc giới trẻ

Tất cả các tác động trên được chứng minh qua các nghiên cứu thống kê về sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên. Ở mức độ nhẹ hơn, các vấn đề này có thể gây ra stress, so sánh xã hội, cảm giác bị cô lập, cô đơn… Những rối nhiễu tâm lý kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về học vấn, sự nghiệp và các mối quan hệ cá nhân, xã hội và sức khỏe tâm thần sau này ở các em.

Vì vậy, sự hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên trong giai đoạn này là hết sức cần thiết, điều này không chỉ giúp các em vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn đặt nền móng vững chắc cho tương lai của người trẻ. Về lâu dài, nó có thể giảm thiểu những tổn hại về nguồn nhân lực – kinh tế xã hội do vấn đề sức khỏe tâm thần gây ra.

Các dấu hiệu của một người đang có tổn thương tâm lý là gì?

Đây là câu hỏi mang tính chuyên môn và cần được truyền thông rộng rãi cho mọi người, đặc biệt là cho lứa tổi thanh thiếu niên.

Có thể nói, tổn thương tâm lý có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào cá nhân và tình huống cụ thể của mỗi người. Một số dấu hiệu mà mọi người có thể nhận biết, đó là:

  1. Về cảm xúc, người có tổn thương tâm lý nhận ra cảm xúc của mình không ổn định: họ có thể cảm thấy lo lắng, căng thẳng, buồn bực, tức giận, hoặc dễ dàng mất kiểm soát hơn bình thường đối với những tình huống mà họ từng cảm thấy thoải mái trước đây. Đó là sự thay đổi tâm trạng đột ngột hoặc cực đoan, như từ cảm xúc hạnh phúc bỗng chốc chuyển sang buồn bã hoặc tức giận mà không có lý do rõ ràng.
  2. Về nhận thức, tổn thương tâm lý có thể dẫn đến sự khó tập trung và giảm khả năng nhận thức trong công việc, học tập hoặc các hoạt động hằng ngày. Các biểu hiện rõ thấy khi cá nhân gặp khó khăn trong việc nhớ thông tin hoặc đưa ra quyết định; thường xuyên nghĩ tiêu cực về các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo sợ về tương lai. Trong trường hợp nặng, cá nhân có thể có suy nghĩ đến việc chấm dứt cuộc sống. Ngoài ra, tổn thương tâm lý thường dẫn đến cảm giác tự ti, tự đánh giá thấp bản thân, tự trách bản thân hoặc cảm thấy mình không có giá trị một cách không phù hợp.
  3. Về hành vi, người có tổn thương tâm lý thường tránh né và rút lui xã hội, như tránh xa những người, những nơi, những hoạt động hay sở thích mà họ từng yêu thích. Tổn thương tâm lý trong trường hợp nặng có thể gây ra hành vi tự làm hại bản thân.
  4. Về thể chất và tình dục, một người đang trải qua tổn thương tâm lý thường cảm thấy mệt mỏi về thể chất, tinh thần hoặc thiếu năng lượng với những biểu hiện đau đầu, đau lưng, cơ bắp căng thẳng hoặc các vấn đề dạ dày. Họ có những thay đổi về ăn – ngủ, như có thể bị tăng cân nhanh chóng hoặc giảm cân mà không có lý do rõ ràng; có thể ngủ quá nhiều hoặc không thể ngủ được. Ngoài ra, có những thay đổi về nhu cầu tình dục, mất hứng thú tình dục hoặc thay đổi đột ngột về hành vi tình dục.

Nếu chúng ta nhận thấy ở bản thân hoặc người quen có những dấu hiệu trên, đặc biệt khi chúng kéo dài quá 2 tuần và ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý. Trò chuyện với một chuyên gia tâm lý có thể giúp nhìn nhận và xử lý những tổn thương tâm lý mình đang trải qua, từ đó xây dựng lại sức khỏe tâm thần và phục hồi các chức năng hoạt động sống.

Các dấu hiệu tổn thương tâm lý có sự khác biệt như thế nào giữa thanh thiếu niên và người trưởng thành?

Khái niệm tuổi vị thành niên lần đầu tiên được công nhận là một thời kỳ phát triển riêng biệt vào năm 1904, khi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ nói về những thay đổi trong quá trình phát triển xảy ra trong độ tuổi từ 10 đến 18.

Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020 cũng lưu ý rằng: Vị thành niên là một giai đoạn phát triển về kiến thức và kỹ năng, các em đang học cách quản lý cảm xúc và các mối quan hệ, đồng thời tiếp thu những thuộc tính và khả năng quan trọng để đảm nhận những vai trò trưởng thành. Trong khi ở giai đoạn trưởng thành, cá nhân học cách làm việc và duy trì giá trị cá nhân, học cách hòa hợp với người khác và hình thành các mối quan hệ lâu dài. Vì vậy, những tổn thương tâm lý có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, chúng phản ánh sự khác biệt trong cách thức xử lý cảm xúc và ứng xử xã hội.

Ví dụ, ở thanh thiếu niên, các biểu hiện cảm xúc như tức giận hoặc buồn bã thường mạnh mẽ và thất thường; những thay đổi đột ngột trong hành vi, như trở nên nổi loạn hoặc rút lui xã hội; thay đổi trong quan hệ bạn bè hoặc trở nên cô lập; sự sụt giảm đột ngột trong thành tích học tập hoặc trốn học, có những rối loạn ăn uống (như chán ăn hoặc ăn quá nhiều, có thể là dấu hiệu của căng thẳng tâm lý) và giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều). Tất cả những điều này cũng có thể là dấu hiệu của tổn thương tâm lý.

cô giáo sư minh đức nói về cảm xúc giới trẻ

Trong khi đó, với người trưởng thành, tổn thương tâm lý thể hiện ở những cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc lo âu kéo dài. Người trưởng thành có thể không hài lòng hoặc có vấn đề ở nơi làm việc; có những rắc rối trong các mối quan hệ gia đình, mâu thuẫn và ly hôn. Họ có thể có những thay đổi về nguyên tắc, giá trị sống hoặc mục tiêu cá nhân. Một số người trưởng thành đối phó với tổn thương tâm lý qua phụ thuộc vào rượu hoặc chất kích thích, có thể bỏ bê vệ sinh cá nhân hoặc sức khỏe thể chất.

Tóm lại, các dấu hiệu cảnh báo về tổn thương tâm lý có thể có những khác biệt theo nhóm tuổi. Tuy nhiên, các cá nhân có tổn thương tâm lý đều có thể trải qua sự cô đơn và mất mát, mất hứng thú trong các hoạt động mà họ từng yêu thích, có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc cuộc sống. Điều quan trọng là các cá nhân phải nhận biết những dấu hiệu tổn thương tâm lý của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ từ trị liệu tâm lý hoặc y tế.

Có một thực tế là khi các dấu hiệu bất ổn tâm lý xuất hiện ở thanh thiếu niên, người lớn có thể cho rằng đó là những “nỗi buồn trẻ con”, “cảm xúc tuổi mới lớn”, “thay đổi tính cách do dậy thì”, “ẩm ương”, “vớ vẩn”… Vậy, có cách nào phân biệt đó là các trạng thái cảm xúc hay đó là vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ?

Câu hỏi của bạn rất ấn tượng vì nó nói lên một thực tế thường xảy ra trong các gia đình hay ở trường học. Có thể nói, sự khác biệt giữa những thay đổi cảm xúc thông thường trong giai đoạn dậy thì và các vấn đề tâm lý nghiêm trọng là khá mơ hồ đối với mọi người. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu có thể giúp người lớn hay nhà tâm lý phân biệt được, đó là: khoảng thời gian kéo dài của những suy nghĩ sai lệch; cảm xúc buồn bã, tức giận hay hành vi kém thích nghi – ít nhất là sau hơn hai tuần (đối với trầm cảm). Những biểu hiện tâm lý và hành vi này có ảnh hưởng xấu đến hoạt động sống hàng ngày như ăn, ngủ, nghỉ; học tâp/làm việc; các mối quan hệ và tự đánh giá bản thân. Những biểu hiện rõ nét nhất của tổn thương tâm lý là có lo âu và trầm cảm không liên quan đến sự kiện cụ thể, hoặc cảm giác buồn bã không thể giải thích được và/hoặc có suy nghĩ/nói về tự tử hoặc có hành vi tự hại.

Như vậy, trước khi quyết định liệu một thanh thiếu niên có đang trải qua những tổn thương tâm lý cần sự can thiệp chuyên nghiệp hay không, người lớn cần phải lắng nghe, quan sát mà không đánh giá hay phủ nhận cảm xúc của trẻ. Từ góc độ chuyên môn, chỉ có các chuyên gia sức khỏe tâm thần mới có thể đánh giá chính xác những “nỗi buồn trẻ con”, “cảm xúc tuổi mới lớn”, “thay đổi tính cách do dậy thì”… có là tổn thương tâm lý hay không.

Làm thế nào để các em có thể gọi tên chính xác cảm xúc hoặc tình trạng tâm lý của mình khi cần sự giúp đỡ của các nhà tâm lý?

Thực tế vấn đề này không hề phức tạp. Các em có thể chưa phân biệt chính xác cảm xúc hay tình trạng tâm lý của mình cũng không sao. Chỉ cần các em sẵn sàng cho cuộc trò chuyện với các nhà tâm lý trị liệu (bao gồm các nhà tâm lý học được đào tạo và làm việc chuyên sâu về tham vấn hay lâm sàng – không phải là nhà tâm lý học, nhà tâm lý học giáo dục, nói chung). Ở đó, các em sẽ kể lại câu chuyện đã/đang gây khó khăn tâm lý với mình; mình cảm thấy thế nào, có suy nghĩ gì và đã/sẽ làm gì, câu chuyện đó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình thế nào… Vấn đề còn lại là công việc của các nhà tâm lý trị liệu. Họ được đào tạo để có thể đánh giá vấn đề tâm lý của các em (có thể họ cũng cân nhắc khuyến cáo cho các em về sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần, nếu cần). Các nhà tâm lý trị liệu cũng biết cần can thiệp bằng các kỹ thuật nào, sử dụng các công cụ như thế nào, cần bao nhiêu thời gian… cho vấn đề của các em. Sự quyết định này còn dựa trên các đặc điểm và điều kiện của cá nhân cũng như nhu cầu và mục tiêu hỗ trợ của các em và gia đình.

cô giáo minh đức nói về cảm xúc của các bạn trẻ

Dường như cuộc sống càng đủ đầy về mặt vật chất, các bạn trẻ lại càng dễ gặp vấn đề tinh thần hơn?

Các vấn đề sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm di truyền, môi trường sống, sự kiện cuộc sống và bản thân mỗi cá nhân. Tuy nhiên, xét trong một mối quan hệ này, nhận xét của bạn phản ánh một hiện thực xã hội, nó đã và đang được thảo luận trong nhiều nghiên cứu tâm lý – xã hội. Có thể giải thích hiện tượng này từ một vài lý do sau:

Khi xã hội có mức sống cao, các cá nhân thường có áp lực lớn không chỉ về thành công trong học vấn, công việc, mà còn trong sự nghiệp và các khía cạnh khác của cuộc sống. Mức độ áp lực và kỳ vọng cao này có thể dẫn đến stress, lo âu, trầm cảm và kiệt sức về tâm lý và thể chất.

Mặt khác, khi cuộc sống càng đủ đầy về mặt vật chất thì các cá nhân có thể quan tâm nhiều hơn vào phát triển bản thân, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu bản thân so với sự quan tâm tới các mối quan hệ xã hội bên ngoài. Điều này làm cho họ thiếu gắn kết xã hội, dẫn đến cảm giác cô lập và đơn độc. Việc cá nhân thường chỉ chia sẻ những khoảnh khắc tốt đẹp nhất của mình trên mạng xã hội cũng có thể làm cho người khác cảm thấy tự ti và không hạnh phúc. Như vậy, so sánh xã hội cũng có thể gây ra cảm giác không hài lòng với cuộc sống của bản thân mỗi người.

Ngoài ra, khi cuộc sống càng đủ đầy về vật chất thì sự nhận thức về các vấn đề sức khỏe tâm thần thường tốt hơn, và nhiều người có thể công khai tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý nhiều hơn. Điều này làm cho vấn đề rối nhiễu tâm lý được xã hội nhận biết và quan tâm nhiều hơn.

Thực tế, các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong xã hội và nó không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Sự thiếu thốn vật chất không tự động dẫn đến vấn đề tâm lý và sự giàu có về vật chất không trực tiếp làm cho con người hạnh phúc hơn. Vấn đề là cách chúng ta nhìn nhận và ứng phó với các sự kiện, hiện tượng tác động đến ta như thế nào!

Làm sao để những người trưởng thành nhận thức được tác động từ lời nói và hành vi của mình có thể ảnh hưởng xấu lên tình trạng sức khỏe tinh thần của con trẻ?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi trong giao tiếp hằng ngày, trong chăm sóc và giáo dục con trẻ (từ góc độ gia đình, trường học và xã hội) sẽ có những ràng buộc vô hình về tâm lý, nhu cầu, kỳ vọng hay những ràng buộc hữu hình về trách nhiệm xã hội từ cả hai phía. Tất cả những tác động của người lớn này có thể vô tình “làm đau” con trẻ.

Câu trả lời có thể khái quát một cách chung nhất rằng, để nhận thức được tác động của lời nói và hành vi đối với sức khỏe tinh thần của trẻ em, người lớn cần phải có sự hiểu biết và tự ý thức về ảnh hưởng này. Các hoạt động mà người trưởng thành có thể làm là: Tham gia các khóa học, đọc sách về phát triển trẻ em và tâm lý học trẻ em để hiểu sâu hơn về tác động của ngôn ngữ và hành vi, như nhận biết cách lời nói tiêu cực có thể ảnh hưởng thế nào đến lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần của trẻ. Người trưởng thành cần nhận ra những mẫu hành vi của mình có thể gây hại cho trẻ em và có ý thức thay đổi chúng. Họ biết cách sử dụng ngôn ngữ khích lệ, khen ngợi thực chất và giao tiếp không bạo lực với con trẻ. Người lớn cũng cần kiểm soát lời nói và hành động trong cơn tức giận hoặc thất vọng khi tương tác với con trẻ. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự tham vấn từ các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển trẻ em là điều người trưởng thành cần quan tâm.

Bằng cách học hỏi sự chấp nhận và thấu cảm, phát triển sự hiểu biết về tâm lý trẻ và thực hiện những chiến lược thay đổi hành vi trong ứng xử với trẻ, người lớn có thể giảm khả năng gây ra tổn thương tâm lý không cần thiết đối với các em.

cô giáo sư minh đức

Chấn thương tâm lý thuở nhỏ sẽ để lại vết sẹo tinh thần như thế nào khi trẻ lớn lên? Nó có thể gây ra những hậu quả gì?

Đây là vấn đề được các nhà khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu khá nhiều. Có thể nói, chấn thương thời thơ ấu (còn gọi là trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu) bao gồm những trải nghiệm khó chịu, đau buồn có thể ảnh hưởng ngay sau đó đến khả năng thích ứng và đối phó các tình huống cá nhân và xã hội của trẻ, và thậm chí có thể để lại ảnh hưởng xấu suốt đời (tuy nhiên, không phải mọi người khi rơi vào những trường hợp này đều để lại những tổn thương như vậy).

Chấn thương thời thơ ấu có thể xuất phát từ những sự kiện đau buồn gây ra, như lạm dụng tình dục và thể chất trẻ em; bỏ bê/sao nhãng, bắt nạt hoặc trẻ em sống trong những nơi không an toàn; trẻ thường xuyên chứng kiến hoặc bị bạo lực gia đình và trong cộng đồng; tai nạn giao thông, cái chết của người thân, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh, động đất, bão lũ.

Trong những tuần và tháng sau sự kiện gây chấn thương (chấn thương tinh thần cấp tính), ở trẻ xuất hiện một số triệu chứng như tức giận, cáu gắt, sầu não, lo âu, hung hăng và phát triển những nỗi sợ hãi mới; trẻ có vấn đề hoặc từ chối trường học và mất hứng thú với các hoạt động hằng ngày; trẻ có vấn đề về ăn, ngủ và thường kêu ca về đau cơ thể như đau đầu, đau bụng… Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Những dấu hiệu chấn thương thời thơ ấu có thể kéo dài và gây hậu quả ở tuổi trường thành (chấn thương tinh thần mạn tính), nó được nhìn thấy rõ nét trong các mối quan hệ ứng xử. Các cá nhân gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác, có sự gắn bó sợ hãi, cảm giác không an toàn trong các mối quan hệ lãng mạn, và có thể phát triển các mẫu hành vi đồng thuận hoặc phụ thuộc không lành mạnh. Họ có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình, dẫn đến sự biến đổi tâm trạng đột ngột và khó lường. Ở họ, có thể phát triển lòng tự trọng thấp, sự tự ti. Người trưởng thành có tổn thương tâm lý từ nhỏ có thể có niềm tin, tư duy sai lệch về bản thân và thế giới xung quanh, họ có thể phát triển các cơ chế phòng vệ tâm lý như sự phủ nhận, chối bỏ hoặc tách rời hiện thực.

Những người trải qua chấn thương tâm lý khi còn nhỏ dễ có vấn đề về kiểm soát cảm xúc, hành vi bạo lực ở tuổi trưởng thành. Ở họ có nguy cơ cao phát triển các rối loạn tâm thần như rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), rối loạn trầm cảm, lo âu; rối loạn ăn uống hoặc có hành vi tự hủy hoại.

Chấn thương tâm lý có ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe thể chất, như dễ phát triển các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc giảm hệ thống miễn dịch.

Sự hỗ trợ tâm lý và đôi khi kết hợp với can thiệp thuốc có thể giúp giảm thiểu một số hậu quả lâu dài của chấn thương tâm lý.

Liệu các vấn đề tâm lý có thực sự tác động đến cơ thể và nỗi đau tinh thần có thể gây ra nỗi đau thể chất? Mặt khác, nếu phát hiện các vùng đau tương ứng trên cơ thể, liệu chúng ta có thể suy ngược lại vấn đề tâm lý mà một người đang mắc phải hay không?

Đây là câu hỏi mang tính khoa học cao. Rõ ràng, có mối quan hệ giữa sức khỏe tâm lý và thể chất, và nó liên quan tới một lĩnh vực liên ngành giữa ngành thần kinh học, y học và tâm lý học.

Khoa học đã chứng minh sự tác động của vấn đề tâm lý đến cơ thể của con người. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: Giữa stress tâm lý và lượng cortisol trong cơ thể có mối liên hệ với nhau. Cortisol là thành phần quan trọng giúp cơ thể kiểm soát tình trạng căng thẳng, sợ hãi. Khi một người trải qua stress tâm lý, cơ thể họ sẽ tiết ra cortisol, nó thường gắn với phản ứng tâm lý là “chiến” hoặc “biến” (hành vi tấn công hoặc chạy chốn). Ngoài ra, khi căng thẳng, mức độ nâng cortisol cao và nếu kéo dài nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như bệnh huyết áp cao, bệnh tim và giảm hệ miễn dịch. Có thể nói, cortisol được xem như là hệ thống báo động sẵn có trong cơ thể. Nó kết hợp với các cơ quan khác ở não bộ nhằm kiểm soát tâm trạng, động lực sống và nỗi sợ hãi của con người.

cô minh đức

Chúng ta cũng biết, Somatization là một rối loạn tâm lý thường thấy ở những người liên tục mắc các triệu chứng thể chất khác nhau mà không tìm thấy bất kỳ nguồn gốc thể chất nào. Những người bị loại rối loạn này, một cách vô thức, họ chuyển nỗi sợ hãi và căng thẳng tâm lý thành một hoặc nhiều triệu chứng thể chất của một căn bệnh, chẳng hạn như đau nhức cơ bắp, đau bụng hoặc mệt mỏi. Trẻ em đến trường với những nỗi sợ hãi bị bạn bè bắt nạt, bị thầy cô “bỏ rơi”, lo sợ bị cha mẹ la mắng, trừng phạt vì điểm số thấp cũng phát triển thành những cơn đau bụng, đau đầu mà không có nguồn gốc về cơ thể.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh thể chất, và ngược lại, các vấn đề sức khỏe thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần.

Trở lại ý thứ hai trong câu hỏi của bạn là: Khi phát hiện nỗi đau ở một vùng cơ thể thì có xác định được nỗi đau tâm lý không?

Như đã giải thích ở trên, giữa cơ thể và tâm trí liên kết chặt chẽ qua hệ thống thần kinh. Thông thường, sự căng thẳng tâm lý trở nên mạnh mẽ có thể gây ra, làm trầm trọng thêm các vấn đề thể chất và bệnh. Tuy nhiên, đau thể chất có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà không chỉ giới hạn ở sự căng thẳng tâm lý. Vì vậy, việc suy ngược lại từ một vùng đau trên cơ thể để xác định chính xác vấn đề tâm lý là không đơn giản và có thể sai lệch.

Cô có thể chia sẻ các kế hoạch cộng đồng trong tương lai của SoftenMind và WisdomViet nhằm tiếp nối chương trình Hopeful Horizon?

Về những hoạt động sắp tới, dự án Hopeful Horizon sẽ tiếp tục phối hợp với đại sứ của chương trình là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất Kai Đinh cùng Thành đoàn TP.HCM để đẩy mạnh tuyên truyền cũng như giáo dục tại các trường cấp 3 và đại học trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, Hopeful Horizon mở ra cổng thông tin về sức khỏe tinh thần dành cho giới trẻ https://hopefulhorizon.softenmind.com để có thể hỗ trợ tinh thần cho thanh thiếu niên hiện nay.

Dự án cũng sẽ tiếp tục các chiến dịch trên mạng xã hội với những từ khóa như #Bankhongcodon (Bạn không cô đơn) và #Hopeseeder (Hope Seeder – Gieo mầm hy vọng cho những bạn trẻ có tổn thương tâm lý).

Cảm ơn cô đa dành thời gian chia sẻ nhưng thông tin vô cùng quý giá này.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more