Hà Lệ Diễm: “Làm phim tài liệu như sa vào một chĩnh gạo đầy”
Hà Lệ Diễm là người dân tộc Tày, quê ở Bắc Kạn, tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường đại học KHXH&NV Hà Nội nhưng lại mê làm phim tài liệu.
Hà Lệ Diễm là người dân tộc Tày, quê ở Bắc Kạn, tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường đại học KHXH&NV Hà Nội nhưng lại mê làm phim tài liệu. Cô là người thắng giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” hạng mục “Tranh giải quốc tế” (International Competition) với phim “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021. Tự nhận mình là người nhút nhát, Hà Lệ Diễm rất khiêm tốn và thực tế khi nói về chuyện phụ nữ làm phim tài liệu, một công việc cần nhiều sự dấn thân.
Trong số rất nhiều thể loại phim, tại sao chị lại chọn học và làm về phim tài liệu? Phim tài liệu có sức hút gì khiến chị từ bỏ con đường làm báo để theo đuổi lĩnh vực này?
Năm 2011, mình được học khóa phim tài liệu miễn phí ở trung tâm TPD dành cho học sinh – sinh viên. Sau đó, mình khám phá ra việc làm phim tài liệu chỉ cần một chiếc máy quay nhỏ gọn và một chiếc micro nhưng lại cho phép mình tiếp cận gần hơn, dành được nhiều thời gian hơn cho nhân vật và câu chuyện, cho mình nhiều tự do hơn nên từ đó mình dần chuyển sang thích phim tài liệu. Năm 2016, mình trúng tuyển workshop làm phim tài liệu Varan trong Sài Gòn, học liên tục trong ba tháng và có một phim tốt nghiệp cuối khóa. Trong khóa, này mình được xem nhiều phim tài liệu hơn, được học cách sắp xếp, tổ chức, lên kế hoạch cho các buổi quay nên rất thích thú. Sau khi tốt nghiệp, mình về Bắc và bắt đầu đi tìm các ý tưởng làm phim tài liệu.
Làm báo thì cần năng động hơn và phải liên tục tìm kiếm nhiều thứ mới mẻ, còn làm phim tài liệu thì mình được sống chậm lại, dành nhiều thời gian hơn cho nhân vật và các kế hoạch cá nhân của mình.
Kiến thức chuyên ngành báo chí giúp chị như thế nào trong việc thực hiện phim tài liệu?
Các kiến thức chuyên ngành báo chí giúp mình rất nhiều. Những kỹ năng như khảo sát, tìm kiếm câu chuyện, đề tài, nhân vật hay tìm thông tin liên hệ thì mình làm rất nhanh nên tiết kiệm được nhiều thời gian. Thi thoảng, mình lại được các bạn hay anh chị đồng nghiệp nhờ giúp đỡ.
Khi quay phim tài liệu thì việc chọn vị trí đứng ở đâu và di chuyển như thế nào ở hiện trường để ghi hình và nắm bắt được chuyển động của nhân vật mà không làm phiền họ là rất quan trọng. Điều này cũng tương tự như khi học nhiếp ảnh là phải tìm chỗ đứng để chụp ảnh nên phản xạ tìm vị trí của mình cũng tự nhiên được rèn luyện.
Phụ nữ làm phim đã khó, làm phim độc lập và phim tài liệu lại khó hơn. Điều gì khiến chị kiên trì với lựa chọn này?
Về mặt sức khỏe, để mang vác máy móc nặng thì phụ nữ như mình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Có những chiếc máy quay mình rất thích nhưng nó lại quá nặng so với mình (từ 5-6 kg trở lên) thì mình cũng đành chịu, chỉ biết ngồi… ghen tị nhìn các bạn đồng nghiệp nam sử dụng. Việc làm phim, quay phim đòi hỏi sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần nhiều kinh khủng, vì nếu không khỏe thì đầu óc sẽ chẳng suy nghĩ được gì cả, mà không suy nghĩ được thì cũng khó sáng tạo lắm.
Nhưng mình cũng thấy điểm mạnh của mình – một đạo diễn và quay phim nữ – là rất bền bỉ. Biết mình không có sức khỏe để mang các loại máy to nặng thì chọn những chiếc vừa phải. Biết mình không đủ kinh phí để có người thu thanh đi cùng thì chọn hiện trường không quá ồn ào như nông thôn, miền núi. Mọi người cũng thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi đạo diễn hoặc quay phim là nữ. Những nhân vật mà mình làm việc cùng hầu hết là người già, trẻ em, những người yếu thế hay có những câu chuyện khó nói trong cuộc sống. Họ đều cảm thấy dễ chia sẻ hơn khi người cầm máy là nữ. Hồi còn làm báo, có đợt mình đi cùng các đồng nghiệp nam, khi các anh cầm mic phỏng vấn thì không ai chịu trả lời, đến khi mình phỏng vấn thì nhân vật lại đồng ý.
Nên thực ra, mình thấy phụ nữ làm phim có nhiều lợi thế đấy chứ. Mọi người nhìn đã thấy thương mình, kiểu “ôi con gái mà đi làm phim, máy móc lỉnh kỉnh nhìn thương quá” nên giúp đỡ mình rất nhiều. Chắc phải chuyển câu hỏi cho các bạn nam là làm đàn ông đã khó, làm đạo diễn – quay phim nam lại khó khăn hơn nhiều, có lúc nào các anh muốn bỏ cuộc không (cười).
Mình cũng thấy trong xã hội Việt Nam, đàn ông nhiều lúc bị kỳ vọng phải làm nên điều gì đó, công thành danh toại, nhiều người lại còn là con cháu đích tôn, trưởng họ trưởng tộc nên áp lực lắm. Chứ mình là phụ nữ, nhiều lúc chỉ cần có công việc, đủ ăn, đủ sống là gia đình mình đã thấy vui rồi. Làm phim có mấy người thành công đâu nên mình thấy các bạn nam còn khổ hơn bọn mình ấy chứ. Thực ra thì mình thấy nghề nào cũng có khó khăn cả, nhiều lúc kêu ca chút thôi chứ vẫn theo được nghề là vì vẫn còn yêu nghề. Chứ khó khăn của bọn mình so với các nghề khác thì vẫn chưa là gì cả.
Phim tài liệu có điểm gì tương đồng với tính cách của Hà Lệ Diễm?
Mình là kiểu người làm gì cũng chậm, trong các cuộc nói chuyện thì thích nghe người khác, tò mò nhưng lại nhát. Mình phát hiện ra khi làm phim tài liệu thì mình có cơ hội được lắng nghe người khác và được kể chuyện về người khác, nên mình thích làm phim tài liệu lắm.
Một mình thực hiện Những đứa trẻ trong sương suốt 4 năm, đâu là thách thức lớn nhất mà chị từng đối mặt? Chiến thắng tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 có ý nghĩa như thế nào với chị?
Lúc đó, mình chỉ biết là mình thích và muốn làm phim tài liệu, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm mới thấy nhiều điều khó, khó nhất là mình có nhân vật, có câu chuyện muốn kể nhưng không biết bắt đầu thế nào, quay ra làm sao. Mình biết làm phim ngắn thì sẽ khác làm phim dài, nhưng cụ thể là gì thì mình không rõ, có nhiều hoang mang lắm.
Sau khóa học Varan 2016, về lại Hà Nội, mình mới viết mail tâm sự với giảng viên là chị Trần Phương Thảo. Hết email rồi lại nhắn tin để hỏi về dự án phim đang làm, đôi khi mình thấy mình làm phiền chị nhiều lắm, nhưng mình cứ kiên trì, chăm chỉ lên hiện trường làm việc rồi lại gửi cho chị xem. Sau hơn một năm thì chị nhận lời xem nháp phim cho mình mỗi lần quay xong, mừng rớt nước mắt! Thế là mình đã có người hỗ trợ khâu khó khăn nhất: có một người cố vấn nghệ thuật cho phim của mình. Sau này, mình nhận ra là tìm được người cố vấn hiểu và hợp với mình rất khó khăn. Nhiều người là đạo diễn, sản xuất giỏi, nổi tiếng nhưng nếu họ không cởi mở và không thấu hiểu mình thì cũng rất khó để làm việc cùng. Không nhiều bạn làm phim có may mắn như mình.
Chiến thắng tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 giúp mình tự tin hơn và có thêm nhiều bạn bè xung quanh. Thích nhất là được tham dự các liên hoan phim khác sau đó, được đi tới các nước khác nhau và xem những bộ phim hay nhất, mới nhất đến từ khắp nơi trên thế giới. Có những bộ phim mà nếu ở Việt Nam thì mình sẽ không có cơ hội xem. Nên mình cực kỳ phấn khích, kiểu như “bùm! sa vào một chĩnh gạo đầy” vậy.
Ý tưởng làm phim của chị thường đến từ đâu và đến như thế nào? Điều gì thôi thúc chị thực hiện một bộ phim tài liệu?
Ý tưởng làm phim tài liệu của mình thường đến từ vài khoảnh khắc mình nhìn thấy cảm động vì điều gì đó. Như phim ngắn Con đi trường học là do mình nhìn thấy chị Ngoan – nhân vật chính – chân trần cõng con qua suối ngập nước để đến trường học trong một sáng mùa Đông rất lạnh. Còn Những đứa trẻ trong sương thì do mình thấy Di – nhân vật chính trong phim – chạy chơi trên đồi cùng các bạn khác, nhắc mình nhớ về tuổi thơ, cũng chạy chơi rất vui vẻ, hồn nhiên như thế.
Yếu tố quan trọng của phim tài liệu là nhân vật và câu chuyện có thật của họ. Là một người có tính cách khép kín, chị tiếp cận nhân vật như thế nào và làm sao thuyết phục họ chia sẻ câu chuyện của mình; cũng như làm sao nuôi dưỡng khả năng lắng nghe mà không đưa quá nhiều cảm xúc cá nhân vào phim?
Nhân vật cũng chỉ là con người, nên cách làm quen của mình với họ cũng giống như cách mọi người kết bạn với một ai đó mà mình thấy thú vị. Dành nhiều thời gian với họ, cùng đi làm, cùng đi chơi thì tình bạn sẽ phát triển. Khi làm phim, đa số là nhân vật chọn mình chứ ít khi mình chọn nhân vật mà thành công lắm. Mình muốn làm bạn với họ nhưng họ cũng phải muốn làm bạn với mình và thấy tò mò về mình, đồng thời có nhiều điều muốn chia sẻ với mình và chiế máy quay. Đó là mối quan hệ đến từ hai phía.
Việc lắng nghe thì không thành vấn đề với mình, nhưng đúng là cảm xúc cá nhân thì khá khó để cân bằng. Sau đó, mình nhận ra là cứ để mọi việc tự nhiên. Nếu mình thấy lo lắng, sợ hãi hay vui vẻ, mình đều cho nhân vật biết. Kể cả khi mình có ghét hay phản đối việc họ làm, mình cũng để cho họ nhận ra.
Sau tất cả, chị thấy bản thân mình nhận lại được điều gì?
Khi sống cùng nhân vật, mình được họ đón nhận, được cho ăn, cho ở trong nhà, được mọi người chia sẻ quan điểm, được biết nhiều điều về văn hóa, cuộc sống của họ nên mình vui lắm. Mình luôn khám phá được nhiều điều mới và thú vị từ hiện thực, đặc biệt là có cơ hội được sống như một con người khác, một cuộc đời khác ở một vùng đất khác. Phim tài liệu thú vị với mình là như thế.
Làm phim tài liệu mang lại cho mình rất nhiều điều. Điều lớn nhất là lúc nào mình cũng phải học, học về lịch sử, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ và rất nhiều thứ xoay quanh nhân vật. Nếu không làm phìm tài liệu, với tính cách của mình, chắc mình lười và chậm chạp lắm.
Thể loại phim độc lập và phim tài liệu vẫn chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam và thực sự không phải là con đường dễ đi. Chị làm thế nào để sống được với nghề? Chị có kế hoạch phát triển như thế nào trong tương lai?
Những năm 2013-2020 là khoảng thời gian rất khó khăn với mình vì vừa ra trường, bắt đầu sống tự lập, vừa phải tự tìm con đường đi của mình. Nhưng mình may mắn được gia đình và bạn bè hỗ trợ rất nhiều, sau đó lại tìm được những khóa học phù hợp và học được phong cách làm phim tài liệu mình thích ở Việt Nam mà không phải ra nước ngoài. Có nhiều bạn thích các phong cách làm phim tài liệu khác mà ở Việt Nam không có khóa học thì phải tự mày mò hoặc tìm cách ra nước ngoài để học nên vất vả lắm.
Lúc nào khó khăn về tài chính thì mình được bạn bè giúp đỡ về công việc hoặc cho mượn tiền bạc, máy móc rất nhiều, khi nào đi làm kiếm được tiền thì trả lại các bạn. Nhờ vậy mà mình mới vượt qua được những năm tháng đó.
Hiện tại, mình đang cố gắng làm thêm nhiều bộ phim tốt, tìm kiếm sự hỗ trợ ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, mình cùng các bạn làm phim độc lập khác ở Hà Nội cũng lập ra nhóm doccicada, mở những workshop ngắn khác nhau để hỗ trợ các học viên xây dựng và viết hồ sơ phim, tập viết và xây dựng một forum pitching theo chuẩn quốc tế để nếu dự án của các bạn có đủ chất lượng để đi các forum pitching quốc tế thì sẽ không bị bỡ ngỡ như bọn mình lúc đầu. Ngoài ra, mình cũng tham gia vào Varan Việt Nam – một nhóm các nhà làm phim tài liệu theo phong cách Cinéma vérité. Các workshop dạy làm phim tài liệu miễn phí của Varan Paris mở ở Việt Nam từ năm 2004 đến nay đã đào tạo nên nhiều nhà làm phim tài liệu ở Việt Nam.
Mình tin rằng nếu mình chăm chỉ, làm tốt phần việc của mình, giúp đỡ được nhiều người khác và có thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước thì bọn mình có thể làm nên nhiều điều tốt đẹp hơn nữa.
Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE