Văn hóa / ELLE Interview

Hà Trần và nguồn năng lượng dồi dào cho thế hệ trẻ

30 năm hoạt động nghệ thuật, "tắc kè hoa" Hà Trần vẫn giữ được nguồn năng lượng dồi dào mà cô tự nhận là phù hợp với người trẻ. Cô tích cực nâng đỡ thế hệ sau như một cách hồi đáp cho tuổi trẻ đã nhận được nhiều giúp đỡ.

Sinh ra trong gia đình là cái nôi nghệ thuật, tình yêu với âm nhạc đã được truyền từ thế hệ trước đến Hà Trần như thế nào?

Rất tự nhiên và… đương nhiên, khi xung quanh mình luôn tràn ngập thi nhạc- họa; khi mình được nuôi dưỡng trong dòng sinh khí của sự sáng tạo. Nhà tập thể 28m2, 7 người ở thời bao cấp, nhưng sáng tạo đến cả… rang cơm. Ông anh tôi – nhạc sĩ Trần Thanh Phương, bố của marzuz – là cao thủ rang cơm, nấu mì tôm và các món nước chấm. Hồi bé, tôi ngây ngô không để ý là cái việc thích pha nước chấm ấy sau này rất liên quan đến chuyện anh Phương trở thành cao thủ trong ngạch mixing/mastering và hòa âm. Anh em trong nghề biết cả. Lớn lên như thế thì thấu hiểu tình nghệ sĩ. Tôi hay thân với các bạn nhạc công, nhạc sĩ và điều này sớm hình thành nền móng cho khả năng sản xuất âm nhạc của tôi.

Những năm thiếu thời, chị Hà Trần có từng phải chịu áp lực vì là con gái của một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng?

Thú thực là tôi không nhớ lắm giai đoạn này. Gia đình tôi khá bình đẳng, không có sự phân vai vế giữa phụ nữ và nam giới. Già trẻ trong nhà đều có tiếng nói chung, dù mỗi cá thể lại rất độc lập. Thành thử, áp lực lớn nhất đối với tôi là tìm ra mình, chứ không phải sợ “bóng đè” (cười). Và trong một gia đình lắm người nổi tiếng như thế, nhưng chính bản thân các “ngôi sao” lại không có tính “ông sao” trong giao tiếp xã hội. Thế nên tôi thấy bình thường như mọi người, nhưng cái phi thường lại ở tài năng và trí tuệ sâu sắc của người lớn. Điều mà sau này cả cuộc đời tôi coi đó là giá trị lớn hơn tất cả.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, người thầy có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến chị nhất là ai vậy?

Trong mỗi một giai đoạn trưởng thành mình đều có một hoặc nhiều người thầy. Có những người thầy đi theo mình một chặng đường dài, có người chỉ đúng một giai đoạn nào đó. Một nghệ sĩ thực thụ cần phát triển đồng đều tất cả các giác quan. Nếu chỉ tìm thầy trong lĩnh vực mình đang làm sẽ phiến diện, và nói thật nhé, không kéo dài tuổi thọ công việc của mình được đâu. Những người thầy đầu tiên của tôi, may mắn thay, lại trong gia đình. Nhưng sau đó thì rất nhiều “thầy” khác trên đường đời.

Dù đã định cư Mỹ lâu năm, Hà Trần vẫn rất nhiệt tình nhận lời làm giám khảo – cố vấn cho các cuộc thi âm nhạc trong nước. Tham gia những chương trình tìm kiếm tài năng trẻ, điều chị mong đợi là gì?

Điều tôi mong muốn là sẽ có nhiều đồng nghiệp cùng mình sáng tạo nghệ thuật. Dạo quanh thị trường biểu diễn sau chừng đó năm cũng vẫn chỉ chừng đó người thì chẳng có gì vui hết. Mấu chốt của sự phát triển là giao thoa, kết hợp và chuyển giao “tài sản” thành công giữa các thế hệ. Sự co cụm mang tính phân chia vùng miền, thời đại sẽ bóp nghẹt ý thức phát triển và kết cục là chúng ta sẽ luôn phải uống “rượu cũ bình mới”, thế thôi. Tôi cũng thấy năng lượng bản thân phù hợp với người trẻ, và tự các bạn cũng tìm đến tôi.

Phải chăng đến một quãng đời nghệ sĩ nhất định, khao khát được truyền lửa cho hậu bối sẽ trở nên cháy bỏng? Việc tìm ra một truyền nhân trong âm nhạc có quan trọng với chị không?

Tôi đã có 30 năm kinh nghiệm sân khấu, là rất dài và đủ cho một nghệ sĩ để chia sẻ. Cho đi cũng là nhận lại, tôi không đặt nặng việc phải tìm ra truyền nhân, mà chú tâm hơn vế “truyền cảm hứng”. Đôi khi, chỉ cần một cú hích đúng thời điểm sẽ cho một cú nhích khá xa. Tôi vẫn thường nói với các bạn nghệ sĩ, rằng tôi không quan tâm ai thích mình, tôi thích ai mới đáng kể. Bởi vì khi bạn thích tôi, bạn được truyền cảm hứng, năng lượng sống, năng lượng sáng tạo từ tôi. Và tôi đâu có được gì ngoài phổng mũi, đúng không nào? Tôi thích ai thì tôi mới được “nhận” từ người đó chứ!

Hà Trần truyền đạt cho thế hệ trẻ

Theo chị, việc nâng đỡ và hướng dẫn cho thế hệ trẻ có phải là trách nhiệm mà mỗi nghệ sĩ đã thành danh đều nên ý thức được?

Thành công và được yêu mến thực sự là một hành trình không hề dễ dàng. Chính vì hiểu được cái khó, cái gập ghềnh của nghề mà các nghệ sĩ thành danh đều thương và muốn nâng đỡ thế hệ sau để họ tránh được cái vất vả của người đi trước. Tôi đã nhận nhiều nâng đỡ ở tuổi trẻ, giờ trả lại với tôi là rất tự nhiên và thuận thiên.

Chị đánh giá thế nào về tương lai âm nhạc Việt do Thế hệ Z kế thừa?

Gen Z rất độc lập trong một ý thức hệ hoàn toàn khác các thế hệ trước. Các bạn ấy yêu bản thân và sống cho bản thân nhiều hơn là câu nệ vào truyền thống hay các giá trị mặc định của xã hội. Làm việc với Gen Z phải hiểu tâm thế đó, để các bạn ấy tự tìm đến vì cần, vì thích. Không nên áp đặt, lôi kéo, và lại càng chẳng nên xoa đầu. Tương lai âm nhạc của Gen Z sẽ dành cho các bạn đồng lứa. Còn mọi thành công vượt khỏi ranh giới thế hệ chỉ đến với những người có khả năng tư duy cởi mở và biết nắm bắt thời cuộc. Tôi vẫn thấy có khá nhiều người làm được điều này, khi sản phẩm sáng tạo của họ mọi thế hệ già trẻ lớn bé đều yêu thích. Tôi tập trung quan sát ở thị phần hẹp này hơn.

Hà Trần chưa bao giờ chính thức xác nhận mình là người hướng dẫn (mentor) cho marzuz, nhưng công chúng đều ngầm hiểu rằng marzuz chịu nhiều ảnh hưởng từ chị. Chị có nhận định gì về hành trình xây dựng danh tính nghệ thuật của marzuz?

Trong nhà tôi, ngoài marzuz còn có Trần Thắng guitarist – trưởng nhóm Ngũ Cung, Thế hệ Y; và Trần Hoàng Hà cùng Thế hệ Z như marzuz nhưng theo ngành điện ảnh. Các cháu giống tôi lúc nhỏ, rất tự trọng, tự lập, không nhờ vả hay thậm chí hỏi ý kiến một tí nào các “tiền bối” trong gia đình. Nhưng tôi biết bọn trẻ quan sát, ngầm học hỏi và phản chiếu những thế hệ đi trước. Khi cái nôi không có gì để xấu hổ, thì có nghĩa mình đã ở một điểm xuất phát rất tốt rồi. Phát triển đến đâu tùy vào đam mê, phấn đấu của các con. Sự kích hoạt mã gene là đáng kể. Marzuz đã được “lập trình” sẵn, từ trước khi bạn ấy chọn nghề hay nghề chọn bạn ý rồi. Tôi rất tự hào khi marzuz nói bố và cô là những người có ảnh hưởng lớn đến con. Tôi chẳng đang phổng mũi gì đâu nhé, vì khi chồi non nhận cành cao bóng tỏa, tức là nó đã thấy khả năng vươn xa hơn những tán cây già.

Liệu trong thời gian sắp tới, công chúng có được thưởng thức nhiều hơn các tác phẩm đồng hành của hai cô cháu không?

Có chứ! Hà và ê-kíp của marzuz cũng đang lên những kế hoạch để hai cô cháu có cơ hội hợp tác nhiều hơn. Còn hợp tác thế nào thì đợi ngày hai cô cháu Hà công bố nhé!

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Âu

Hình ảnh: NVCC

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)