Hương Thanh – Sự nhớ nhung khiến tôi hát hay
Gặp gỡ nữ ca sĩ Hương Thanh với thể loại World Music rung ngân những tình cảm trìu mến và rộn ràng
Qua sự thể hiện truyền cảm và duyên dáng của nữ ca sĩ Hương Thanh với thể loại World Music, đêm nhạc “Những ngày gió” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp TP.HCM và Hà Nội đã đưa khán giả vào chuyến viễn du đến những vùng đất vừa xa xôi vừa gần gũi, làm rung ngân những tình cảm trìu mến và rộn ràng.
Phái Đẹp – ELLE đã có cuộc trò chuyện thú vị với ca sĩ Hương Thanh sau đêm nhạc gây nhiều cảm xúc này. Chị chia sẻ rất chân tình:
– Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống cải lương. Bố là nghệ sĩ Hữu Phước, chị là ca sĩ Hương Lan. Tôi đã được học tân và cổ nhạc từ 8 tuổi và thông thạo cả hai. Gia đình tôi sang Pháp năm 1977, lúc đó tôi tròn 17 tuổi. Ở Pháp, tôi ít có cơ hội được hát thể loại nhạc mà mình yêu thích vì mọi người chỉ thích nhạc tiền chiến, cải lương không có đất dụng võ.
Tôi học tú tài, rồi làm pha chế thuốc cho viện Pasteur. Mấ’y năm sau thì lập gia đình rồi ở nhà sinh con. Tuy nhiên, tôi vẫn vừa lo cho con, vừa trau dồi âm nhạc vì muốn con được nghe tiếng ầu ơ…
Mất 10 năm loay hoay một mình với nhạc như thế. Nhưng tôi có nhiều bạn nước ngoài làm trong các đài phát thanh, đài truyền hình và họ rất thích nhạc truyền thống. Những người bạn ấy đã cho tôi rất nhiều can đảm để theo đuổi dòng nhạc của riêng mình.
Ở Việt Nam, tên tuổi Hương Thanh gắn liền với Nguyên Lê – nhạc sĩ tài ba người Pháp gốc Việt, chị đã gặp Nguyên Lê như thế nào?
Tôi gặp Nguyên Lê năm 1994 qua sự giới thiệu của bạn bè. Lúc đó Lê đang muốn phối nhạc Jazz vào nhạc dân tộc và mời tôi cộng tác. Tôi đã bỏ gần một năm để học hát dân ca miền Bắc, ca trù, quan họ, ca Huế. Học qua thầy Duy Khánh, nhưng học nhiều nhất là trên Internet.
Tôi chọn những bài mà khi hát có thể cảm được, khóc được, hiểu được. Mình là người miền Nam, mà hát giống miền Bắc thì không được. Cho nên mình phải hát thật cảm động. Và kết quả của sự hợp tác này là album Tales from Vietnam ra đời năm 1997.
Làm thế nào để cổ nhạc kết hợp được với nhạc mới? “Ta” kết hợp với “Tây” hẳn rất khó?
Kết hợp ư? Không thể. Nhưng có những giai điệu mà mình có thể “lòn” vào được. Ví dụ như bài Lý Con Sáo, một bài cổ của cải lương, và diễn với đàn kìm, nhưng Lê lại muốn đưa trống châu Phi vào. Nhịp không khác, nhưng cách phối thì lại khác. Bài hát bị ngắt ra làm 2-3 phần.
Tôi vẫn cố giữ giọng ca thuần túy để mặc dù nền nhạc không phải cải lương, nhưng người nghe vẫn nhận ra đó là cải lương. Nhưng không phải lúc nào cũng đưa cải lương vào được, nên tôi đã đưa dân ca vào những bài phối jazz của Lê.
Lần này chị trở lại quê hương, vẫn sử dụng chất liệu nhạc truyền thống, nhưng với người cộng tác mới. Làm việc với một nghệ sĩ Pháp về chủ đề Việt Nam có gì khác?
Lê dù sao cũng là người gốc Việt, còn Pierre thì đã đến Việt Nam bốn năm lần và muốn đưa nhạc Việt vào nhạc của ông. Lúc đầu ông chỉ muốn tôi dịch vài bài của ông sang tiếng Việt, nhưng tôi không thích như thế vì nó chẳng có hồn gì cả. Nhưng Pierre là một nghệ sĩ rất dễ thương nên tôi đã đồng ý giúp ông với điều kiện là tôi được dịch theo cảm nhận của mình. Nhưng có những nốt không thể dịch sang tiếng Việt được do không thể tìm được từ tiếng Việt bỏ dấu tương ứng, vậy là tôi soạn một bài khác.
Bài đầu tiên là một bài hát viết về cảnh đẹp của một vùng đất nào đấy, thế là tôi lấy bài thơ về Hà Nội của Hồ Dzếch – Hà Nội sang thu, trời không nắng cũng không mưa… và cùng làm nhạc với ông. Ý định ban đầu chỉ là 1 bài, nhưng đã trở thành nguyên một chương trình mà bạn đã được nghe. Tôi cũng đưa dân ca của Việt Nam vào như Qua cầu gió bay, Người ơi người ở đừng về.
Hát dân ca giữa hai quê hương Pháp – Việt mang lại càm giác như thế nào?
Cái gì mình không có thì mới đẹp. Khi hát ở Pháp cảm xúc sẽ nhiều hơn ở Việt Nam. Con người bình thường, khi đã có cái gì rồi sẽ không còn quý trọng cái mình có nữa. Cái đẹp bây giờ mình nhìn thấy là cái đẹp xa lạ. Tinh cảm tôi luôn bị thiếu thốn, có những cái buồn mà không ai thấu được. Ở Việt Nam thì nhớ bên Pháp, mà ở bên Pháp thì nhớ Việt Nam… Khi mình ở xa mà nhớ lại thì dễ có tình cảm, nó giúp cho tôi hát hay.
Sắp tới về lại Pháp, chị sẽ làm gì?
Tôi sẽ tiếp tục soạn nhạc và đi diễn. Mỗi tháng tôi diễn khoảng ba, bốn buổi hòa nhạc. Có lúc đi xa, lúc đi gần. Lạ lắm, vì văn hóa đưa mình đi rất xa. Tôi có mấy nhóm nhạc như thuần túy Việt, pha trộn Jazz. nhưng vẫn xoay chung quanh nhạc dân tộc. Tôi luôn cố ý giữ và giữ mạnh, để hát là nhận ra ngay. Qua 20 năm, có nhiều kinh nghiệm rồi mới nói được vậy. Có những lúc bốn, năm tháng mình không làm nhạc. Nhưng đến giờ thì có thể nói là tôi sẽ hát cho đến khi không thể cất tiếng được nữa.
Bài và ảnh Uyên Ly