Văn hóa / ELLE Interview

Đỗ Bảo vs. Ngọc Anh – Kích hoạt cảm xúc

Cảm xúc là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Những rung cảm đích thực mạnh hơn mọi suy nghĩ, toan tính và đưa con người ta tới những giây phút thăng hoa của tâm hồn, đặc biệt với những người làm nghệ thuật. Nhưng gắn liền với nó là trạng thái vô cảm, khi chúng ta mất cân bằng và sống quá nhanh. Nhạc sĩ Đỗ Bảo và ca sĩ Ngọc Anh chia sẻ về các cung bậc cảm xúc trong âm nhạc và cuộc sống.

-006

Ngọc Anh: Là ca sĩ, gạt sang một bên những kỹ thuật, trang phục biểu diễn hay các chiêu trò, điều duy nhất đối với em khi đứng trước khán giả, là cảm xúc. Bởi vì xét cho cùng, một đêm diễn có thành công hay không phụ thuộc ở cảm xúc của người nghe đến từ bài hát mà ca sĩ thể hiện. Cảm xúc là cái sống trong mình rất lâu, nhưng khi thể hiện ra ngoài lại mang tính bộc phát. Vậy, theo anh, làm thế nào để cảm xúc không bị tắt trong người nghệ sĩ?

Đỗ Bảo: Cần nhìn vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để cảm nhận và nuôi dưỡng cảm xúc. Mình sẽ có được những cảm xúc mới, hoặc gặp lại những cảm xúc cũ nhưng mang một đời sống mới. Vì thế, người nghệ sĩ cần phải có cuộc đấu tranh bên trong để tự “kích hoạt”, tìm ra những chất xúc tác mới cho tác phẩm.

Ngược lại, những yếu tố tiêu cực dễ làm tâm hồn trở nên khô cứng, chai sạn, đó là lý do có những ngày chúng ta trống rỗng hoàn toàn, Ngọc Anh có thấy thế không?

Ngọc Anh: Đúng là em cũng từng có lúc rơi vào trạng thái sợ hãi, khi hát mà trong lòng không có cảm xúc gì cả. Vì thế, em luôn muốn trao đổi những cảm nhận của mình về thế giới quan của nhạc sĩ trong từng bài hát, để tìm thấy sự đồng cảm và từ đó gửi gắm cả những cảm xúc của riêng mình. Em nghĩ ca khúc sẽ đến với khán giả một cách trọn vẹn hơn.

Đỗ Bảo: Nói nôm na ra là sự rung động của tôi (nhạc sĩ), sự rung động của anh (ca sĩ) và sự rung động của các anh nữa (êkíp sản xuất, làm chương trình), tất cả cộng vào chia đều ra thì mới thành tác phẩm đến với khán giả.

Nhạc sĩ chỉ là người tạo ra không gian ban đầu, phải có sự chia sẻ cảm xúc của những người thực hiện thì tác phẩm mới có được giá trị và đời sống của riêng nó. Và khi nào kết quả lao động sáng tạo ấy được khán giả yêu thích, khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua nó, đó là một sự quy đổi cân bằng. Nhưng cũng có hiện tượng người sáng tác có những cảm xúc rất chán, hoặc vô cảm, nhưng khán giả vẫn tìm đến, thì đó là sự bất ổn (cười).

00110-500x1410

Ngọc Anh: Anh nên phân biệt rõ ràng nhé, có những người không có cảm xúc, nhưng họ có mục đích và làm vì mục đích ấy, họ vẫn đạt được nhiều hơn cái mà cảm xúc mang lại. Chỉ có điều những đích đến lại khác nhau.

Đỗ Bảo: Nhưng cũng cần phải nói thêm, những nghệ sĩ thường sáng tác với cảm xúc còn chưa đạt tới độ chín, cũng có lúc họ thăng hoa và đạt được những tác phẩm tốt. Nói vậy để thấy rằng người nghệ sĩ có sự quan sát, đánh giá, đời sống cảm xúc càng sinh động và gần gũi với hiện thực bao nhiêu, họ càng dễ kiểm soát tác phẩm của mình và mang tới những giá trị tốt đẹp bấy nhiêu.

-000

Ngọc Anh: Tuy nhiên, cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc thay đổi theo thời gian và để cảm nhận được, giữa khán giả và nghệ sĩ luôn cần có sự tương tác. Nhưng dường như điều đó ngày càng ít đi, bởi một bộ phận không nhỏ khán giả bây giờ thường suy xét theo chiều hướng tiêu cực, trong đó báo chí cũng là một yếu tố tác động.

Người ta quan tâm đến đời tư của nghệ sĩ nhiều hơn là tài năng và tác phẩm của họ. Trước đối tượng khán giả ấy, nghệ sĩ không thể không nản lòng. Theo anh, tại sao chúng ta lại rơi vào tình trạng này?

Đỗ Bảo: Xã hội hiện tại là một xã hội “tiêu phí”, theo cách nói của nhà văn Cao Hành Kiện khi ông nhận giải Nobel cho tác phẩm Linh Sơn. Đó là tình trạng mà chúng ta đạt tới khi đời sống đã quá đủ đầy và trở nên phức tạp. Chỉ cần lên mạng click chuột là có vô vàn lựa chọn, nhiều khi tác phẩm người ta làm hàng năm trời, không thích chỉ cần nhấn nút xóa chưa đầy tích tắc…

Chúng ta tiêu phí về cảm xúc, về những giá trị sống, giữa muôn vàn thác lũ khác biệt về văn hóa. Vì thế, khán giả cần bình tâm, khi nghe nhạc cần phải giữ cho mình một tâm trạng “trong suốt”, mới có thể nhận xét được giá trị của một giọng ca hay một tác phẩm. Còn người nghệ sĩ, giữa khen và chê, thậm chí không có cảm xúc gì cả, khen cũng được, mà chê cũng chẳng sao, thế có chết không?! (cười).

Đó là khó khăn chung của một giai đoạn phát triển. Tất cả đang “cộng sinh” vào một đời sống nghệ thuật bất ổn, không “đáng” lắm, vì nếu nó đáng, tất cả mọi người đều phải thấy thỏa mãn chứ! Cảm xúc của chúng ta vẫn có, nhưng đã chuyển sang tiêu cực mất rồi!

Ngọc Anh: Em nghĩ giữa tình trạng “hỗn mang”, người nghệ sĩ không nên để mình chìm đắm vào những suy nghĩ u ám, nên sống với những thứ nhỏ bé, giản dị xung quanh mình, với những người mình yêu thương. Điều đó mang đến cho em sự bình tâm, dù có rất nhiều biến động xung quanh. Nó giúp em tiếp tục sống và đương đầu với mọi thử thách mà không bị gồng lên, quá sức của mình.

Nhóm thực hiện

Bài Hoàng Thu - Ảnh Hoàng Galaxy
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)