Chào Tuyến, bạn đã tới với kinh doanh thời trang như thế nào?
Không biết tại sao mà tôi đã có suy nghĩ sẽ có một cửa hàng thời trang từ khi mới học lớp 9. Thời đó, tôi đã nghĩ bâng quơ là cửa hàng sẽ có hai lầu và thang máy, bán áo quần và bán giày, khách hàng sẽ rất thoải mái vì đi vô shop là có tất cả. Sau này, tôi mới nhận ra thiết kế trong tưởng tượng của mình khá trùng hợp với các Hair Salon bây giờ (cười). Ở dưới quê những suy nghĩ đó của tôi lúc đó thực sự là viển vông, và tất cả gần như đã bị xóa bỏ vì áp lực “cơm áo gạo tiền” khi tôi lên Sài Gòn.
Thế rồi, trong cuộc sống, các công việc tự đến với tôi lúc nào cũng liên quan gì đó đến thời trang, từ công việc bán thời gian cho đến full time, từ lúc tôi 18 tuổi cho đến lúc 26 tuổi.
Tất cả đều là nghề chọn mình làm hết, kể cả công việc stylist. Tôi chỉ cảm thấy hứng thú và hết mình với thời trang khi bắt đầu làm TheBlueTshirt. Chính lúc đó tôi mới tìm tòi, còn trước đây tôi làm theo bản năng.
Vậy bạn đã phát triển TheBlueTshirt như thế nào?
TheBlueTshirt thành lập và phát triển ban đầu từ trang Facebook, bán hàng online và khách hàng giao nhận thông qua xe ôm. Tôi đưa TheBlueTshirt đi tới các hội chợ flee market cuối tuần.
6 tháng sau ngày tôi bán mẫu đầu tiên, vì nhu cầu khách hàng cần có chỗ thử và muốn xem trực tiếp áo quần trước khi mua, nên TheBlueTshirt mới có studio đầu tiên.
Tôi làm tất cả những điều đó trong sự an toàn thôi, tiền chi phí lấy từ doanh thu, khi có doanh thu mới làm. Có nhiều làm nhiều, có ít thì làm ít.
Nhìn lại chặng đường 2 năm từ 8/2013 đến 8/2015, tôi nhận thấy, thực sự TheBlueTshirt đã phát triển hoàn toàn dựa trên nhu cầu của khách hàng đấy (cười)!
Theo bạn, điều gì đã làm nên sự khác biệt của TheBlueTshirt trong phân khúc thị trường sản phẩm này?
Nếu anh để ý kỹ, TheBlueTshirt luôn luôn mang tới cái mới. Tôi bán các sản phẩm quần áo đơn giản mặc hàng ngày và cần thiết cho cuộc sống, nhưng cũng có những sản phẩm độc đáo hơn, xây dựng trên các ý tưởng được kết hợp giữa xu hướng số đông (mọi người đang thích gì, cần gì và sẽ muốn gì?) và một chút am hiểu, nhanh nhạy của riêng tôi về thời trang.
Hơn thế, TheBlueTshirt còn mang tới các concept có câu chuyện thú vị, nhấn mạnh sự vui vẻ, lạc quan của một thương hiệu luôn đầy ắp ý tưởng.
Thử thách lớn nhất cho một người ngoại đạo với kinh doanh thời trang như bạn là gì?
Là ổn định bộ máy back office, tổ chức, sắp xếp các khâu sản xuất, cung ứng. Vì mô hình TheBlueTshirt còn nhỏ, nên tôi rất khó làm theo cách các nhà máy yêu cầu. Tôi chưa thể đặt vải số lượng lớn cũng như đi theo dây chuyền chuyên nghiệp cần phải có cho một thương hiệu thời trang dành cho số đông.
Có lý do hấp dẫn nào khiến bạn thực hiện khá nhiều BST hợp tác với các NTK trẻ đang được yêu thích không?
Tùy từng thời điểm, TheBlueTshirt sẽ tìm hiểu thị trường mình hướng đến đang cần gì và ai sẽ là người có thể tạo nên các BST phù hợp với những nhu cầu đó. Tôi muốn tạo ra những giá trị cộng hưởng. Ví dụ ở Lâm Gia Khang, bạn tạo được sự nữ tính, sang trọng cho khách hàng.
Ở Nguyễn Hoàng Tú là tài năng khiêm nhường, không thích ồn ào. Tú có kỹ thuật giỏi đáng ngạc nhiên và là một ẩn số dành cho những người đang theo dõi đời sống thời trang.
Tôi học được từ An Hương-Lê Minh (Rue des Chats) nhiều kiến thức về thời trang vì họ có nền tảng bài bản. An Hương được đào tạo bên Pháp, còn Lê Minh là con trong gia đình nhà may nổi tiếng.
Tôi thích kết hợp trong thời trang, vì thực sự điều này vô cùng thú vị, tạo ra nhiều trải nghiệm mới và hình ảnh thương hiệu, nhờ thế, cũng trở nên đa dạng hơn nhiều!
Bạn có bí quyết nào trong việc quảng bá hình ảnh thương hiệu và sản phẩm của mình không?
Khi có sản phẩm trong tay, nhiệm vụ của TheBlueTshirt là phải xây dựng hình ảnh của từng sản phẩm làm sao để tạo cho khách hàng khao khát sở hữu nó ngay khi nhìn thấy. Ngoài ra, tôi cũng rất chú trọng vào các “chiêu” quảng bá trên mạng xã hội. Bí quyết là bạn phải phủ sóng thông tin càng nhiều càng tốt!
Vậy còn bí quyết về việc định giá cho các sản phẩm thì sao?
Tôi giảm lợi nhuận trên từng sản phẩm, và lấy số lượng làm nên lợi nhuận đường dài. Xoay vòng vốn nhanh giúp TheBlueTshirt có thể tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm và đưa ra hàng mới liên tục.
Nhưng về lâu dài, TheBlueTshirt mong muốn sẽ làm việc với các nhà máy để có dây chuyền cung ứng giảm chi phí nhiều hơn, đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng hơn khi mua sắm.
3 năm tới, bạn hình dung thế nào về thương hiệu của mình?
Tôi luôn cố gắng làm hết mình, cải tiến, đổi mới và bám chắc các vấn đề cốt lõi để xây dựng một hệ thống chắc chắn. Sau đó, tôi sẽ mở rộng hơn.
Hiện tôi còn đang tập trung phát triển hệ thống online cùng nhiều đối tác và xây dựng lại chuỗi cung ứng, giao nhận, thanh toán, dịch vụ online.
Xem thêm
Nancy Lê – làm sao khởi nghiệp kinh doanh thời trang?
Trần Thị Hoài Anh – Thời trang nằm trong bản năng
Câu chuyện thời trang tại ELLE Fashion Journey 2015
Nhóm thực hiện
Bài: Nguyễn Danh Quý