BÀI LIÊN QUAN
Midu – Tôi không yếu đuối như vẻ bề ngoài
Cùng sáng lập thương hiệu Chula Fashion, Laura lại ít khi xuất hiện trước báo giới hay công chúng. Thế nhưng, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của bà là nguồn cảm hứng bất tận cho Diego bởi “phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”.
Laura Fontan lần đầu chia sẻ về câu chuyện cùng chồng lập nghiệp ở xứ người, cảm hứng của việc biến giấc mơ thành hiện thực, những trách nhiệm của một doanh nghiệp với xã hội và tình yêu thương, sự sẻ chia dành cho những người phụ nữ kém may mắn.
“Hãy tận dụng xu thế toàn cầu nhưng đừng quên truyền thống và nguồn gốc của mình”.
Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về Chula Fashion. Lý do gì khiến bà và chồng mình – NTK Diego – chọn Việt Nam để lập nghiệp?
Đó là một câu chuyện của tình yêu và định mệnh. Năm 2004, chúng tôi đến thăm người anh em đang làm việc ở Việt Nam từ năm 2002, và đã đem lòng yêu đất nước này. Khi trở về Tây Ban Nha, nỗi nhớ nhung và tình yêu ấy vẫn nhen nhóm và ngày một lớn lên. Chúng tôi quyết định theo tiếng gọi “bản năng” và chuyển đến Việt Nam sinh sống sau 4 tháng. Dù cả Diego và tôi đều không học thời trang tại Tây Ban Nha nhưng chúng tôi đã quyết định theo ngành này bởi quá yêu mến chất liệu vải tơ tằm, vải thổ cẩm của Việt Nam. Và Chula – “một đứa con” với bố mẹ Tây Ban Nha đã được sinh ra và nuôi dưỡng tại môi trường Việt Nam.
Khi khởi nghiệp với một ngành nghề không phải chuyên môn của mình, chắc chắn đã có rất nhiều trở ngại. Làm cách nào bà vượt qua những khó khăn ấy?
Ở thời điểm năm 2004, mọi thứ thực sự là một thử thách lớn đối với chúng tôi. Một đất nước, một nền văn hóa khác biệt, những người bạn mới từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, một sự nghiệp mới và lúc ấy tôi đang mang thai 3 tháng đứa con đầu lòng. Tất cả những thử thách ấy đến cùng một lúc quả rất thú vị (cười), càng khó khăn chúng tôi càng có nhiều động lực để tiến lên. Tôi và Diego cùng nhìn về một hướng, một niềm tin và dần gây dựng các mối quan hệ, tìm hiểu thị trường, học những kiến thức về ngành thời trang và quan trọng nhất là tập trung vào việc tìm kiếm phong cách và định hình “ngôn ngữ” riêng của Chula. Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời. Chúng tôi bắt đầu cuộc sống gia đình với 3 đứa trẻ lần lượt được sinh ra trên đất nước Việt Nam vào năm 2005, 2006 và 2009. Nếu giả sử tôi quay về Tây Ban Nha để sinh con, có lẽ đã nghe theo sự thuyết phục của gia đình ở lại đó. Chúng tôi rất hài lòng về những quyết định của mình và giờ chúng tôi có hai quê hương – Việt Nam và Tây Ban Nha, hai quê nhà – Madrid và Hà Nội.
Bà Laura Fontan luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ trẻ yêu thích công việc thời trang.
Chula là ước mơ của bà hay bà “chiều theo” mong muốn của chồng? Bà cảm thấy thế nào khi ước mơ ấy đã trở thành sự thật, cùng với rất nhiều thành công ngày hôm nay?
Diego và tôi là những người may mắn, đặc biệt hơn bởi vì chúng tôi là những người hòa hợp (như hai cực Âm – Dương hút nhau vậy). Một vài đôi bạn bè nói với chúng tôi rằng họ không bao giờ có thể làm việc chung, nhưng với trường hợp của chúng tôi thì hoàn toàn trái ngược. Đây là một giấc mơ khiến chúng tôi muốn thức giấc cùng nhau mỗi ngày. Chula giống như một “đứa bé” mà chúng tôi thai nghén, ấp ủ, yêu thương. “Đứa con” dù có phần này giống tôi hơn, phần khác giống Diego hơn thì nó cũng không thể hoàn thiện nếu thiếu đi những đặc điểm ấy. Chula là một phần tình yêu chung mà chúng tôi dành cho nhau, dành cho Việt Nam và thời trang Việt Nam.
Chula còn giúp đỡ, đem đến nghị lực sống cho những phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, tạo công việc cho những người khuyết tật. Mục tiêu của việc làm tốt đẹp này là gì?
Đây là một trong những điều quan trọng nhất và là một phần khi số phận quyết định chúng tôi ở lại Việt Nam. Năm 2006, chúng tôi gặp một cô gái tên Dương. Dương bị khiếm thính và cô thêu thùa rất khéo léo. Chúng tôi quyết định tuyển dụng và cố gắng học giao tiếp bằng cử chỉ để làm việc với Dương. Sau khi quen với công việc, Dương bắt đầu giới thiệu thêm những người bạn đồng cảnh ngộ. Sau vài tháng, chúng tôi nhận ra rằng, phần lớn đội ngũ của mình là những người khuyết tật. Học giao tiếp bằng cử chỉ đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều và trang bị cho họ thêm kỹ năng trong công việc. Chính họ cũng dạy chúng tôi nhiều bài học cuộc sống. Nhìn lại, chúng tôi là một “gia đình” lớn. 11 năm trôi qua, có những bạn lập gia đình, sinh con rồi quay lại làm việc. Hơn 30 cháu bé đã được ra đời từ những người mẹ quả cảm vượt lên số phận. Đó quả là một niềm hạnh phúc với chúng tôi.
Điều gì là khó khăn nhất để truyền cảm hứng và tạo động lực giúp đỡ họ?
Chúng tôi không nghĩ hành trình này là một sự khó khăn. Khi làm việc với họ, bạn sẽ nhận ra rằng họ thật sự là những nghệ nhân khéo léo. Trong trường hợp của chúng tôi,độingũấyđãthựcsựcókỹ năng tốt trong các việc thủ công như cắt, may, thêu, sơn…
Bà nhìn nhận ra sao về thế hệ các NTK và tài năng trẻ đang say mê hoạt động trong lĩnh vực thời trang? Bà có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này không?
Tôi nhận thấy ngành công nghiệp thời trang đang có rất nhiều triển vọng cho những NTK trẻ. Họ – một thế hệ đang được đào tạo bài bản, có nhiều nguồn thông tin để tiếp cận các công nghệ hiện đại, các xu hướng mới nhất của làng mốt thế giới. Họ có khả năng tiến xa khỏi biên giới Việt Nam. Cơ hội rất mở cho những bạn trẻ tài năng, không
chỉ trở thành NTK, họ còn có thể thử sức ở những công việc khác mà ngành công nghiệp thời trang đang cần như: BTV thời trang cho tạp chí, nhiếp ảnh, người mẫu, stylist, blogger…
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của mình, tôi thấy rằng, các bạn trẻ muốn lập nghiệp trong lĩnh vực thời trang hãy biết cách tận dụng xu thế toàn cầu nhưng đừng quên truyền thống và nguồn gốc của mình. Việt Nam là một đất nước rất tuyệt vời, mang nhiều giá trị văn hóa quan trọng để thế hệ trẻ các bạn có thể gìn giữ và quảng bá khắp nơi trên thế giới.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh Ảnh: Diego Cortizas Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE