Tôi quyết định sẽ để hình ảnh Linh Nga trong sáng nhất trong tôi khi không đọc bất cứ thông tin nào về cô, để mặc bản năng nghệ sĩ dẫn dắt tôi đến với nhân vật của mình. Có lẽ đó là một sự liều lĩnh “không nghiệp vụ” cho lắm. Nhưng có sao đâu nhỉ! Đổi lại đó là sự chân thật trong câu chuyện giữa chúng tôi. Một cuộc trò chuyện giữa những người nghệ sĩ với nhau.
Quyết định dũng cảm nhất của tôi là bước vào nơi hẹn, một quán cà phê có vài du khách người Pháp đang thưởng thức món bánh croissant và cà phê đúng điệu Paris. Tôi nhận ra Linh Nga ngay khi bước vào. Cô ngồi đó, gần cửa sổ, ánh sáng từ nắng và sắc trắng từ chiếc váy thanh lịch làm khuôn mặt Linh Nga bừng sáng.
Tôi chào cô, lòng vui mừng vì không tìm thấy sự đài các, sang trọng đã thấy ở cô trong các sự kiện hay tiệc tùng. “Anh chắc là người Hà Nội?”- cô cất tiếng, giọng rất nồng ấm và cởi mở. Cảm nhận sự gần gũi không màu mè từ cô, tôi thổ lộ về cuộc phỏng vấn “không nghiệp vụ” của mình.
Linh Nga đến với múa vì cơ duyên hay chỉ là sự “đi theo”?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình múa. Bố mẹ tôi có một câu lạc bộ dạy múa ở Sài Gòn sau khi từ Liên Xô về. Để tiện chăm sóc, họ thường xuyên dẫn tôi vào lớp múa. Sự chăm sóc đó không ngờ mang lại cho tôi một nghề nghiệp, một môn nghệ thuật và một con đường để là chính mình. Dĩ nhiên, lúc nhỏ chỉ là theo thôi, bị “kéo đi” mới đúng chứ, không có suy nghĩ như bây giờ.
Sau đó, rất tình cờ, một đồng nghiệp của bố mẹ mang đến cho tôi một xuất học múa tại Trung Quốc. Thế là tôi lên đường đi học. Mười hai tuổi, tôi đã đẩy cánh cửa bước thẳng vào cuộc sống tự lập. Đó là cột mốc lớn lao trong cuộc sống của tôi.
Khi đã trưởng thành, tôi cũng hay tự hỏi làm thế nào mà một cô bé 12 tuổi tự lập được giữa môi trường và cuộc sống hoàn toàn mới mẻ như vậy. Có lẽ sự liều lĩnh trong sáng và sức sống của một cô bé đã đẩy tôi đi. Có lẽ do còn bé và suy nghĩ còn non nớt nên tôi dễ chấp nhận cuộc sống mới và vui thú với nó. Nỗi nhớ nhà vì thế cũng bớt khổ sở hơn.
Nhưng học múa khổ sở, cực nhọc kinh khủng. Nhiều khi tôi nghĩ tại sao mình lại sang đây. Đây là tập múa hay tập võ? Nhất là ở giai đoạn “đập xương” với hai bao cát lúc nào cũng được buộc ở chân. Tôi đã không thể nghĩ đó là nghệ thuật. Tôi đã bị kéo đi trong sinh hoạt và học múa như thế.
Có ai biết đằng sau những điệu múa mềm mại, phiêu diêu kia là những giọt mồ hôi và nước mắt? Một sự cô đơn của người nghệ sĩ chăng?
Tôi nhớ sàn tập. Nó không chỉ là nỗi nhớ nói ra bằng lời. Tôi nhớ mình trên sàn tập với một không gian đơn giản. Một cây piano, một thanh vịn tay và những tấm gương lớn. Có lẽ không gian thuần khiết đó đưa tôi trở về gần với bản thể của mình hơn. Tôi chỉ còn biết tập múa.
Thử tưởng tượng một cô bé Việt Nam, sống ở một đất nước xa lạ, rộng lớn. Chỉ có tập luyện tôi mới thấy mình thuộc về không gian này. Nó như một thánh đường dành riêng cho tôi, thuần khiết, đơn giản và cho tôi cơ hội trò chuyện với chính mình bằng những động tác của cơ thể.
Phái chăng đó là cuộc trò chuyện thú vị nhất, kỳ lạ nhất mà người nghệ sĩ có được? Một niềm hạnh phúc từ nội thân của người nghệ sĩ, không gì có thể so sánh được?
Cuộc trò chuyện tự thân đó làm bạn thấy lớn hơn, thấy mình rộng hơn. Bạn sẽ nhớ, sẽ cảm thấy hụt hẫng khi không được đối diện với chính mình.
Những cuộc nói chuyện tự thân đó có làm Linh Nga cô đơn? Người ta thường nghĩ cô đơn mang lại cảm giác tiêu cực, với Linh Nga thì sao?
Sự cô đơn của người nghệ sĩ thường hay được khoác chiếc áo lãng mạn, bi lụy… Nhưng trong múa, tôi thấy cảm giác cô đơn tập luyện, cô đơn trò chuyện bằng động tác lại là sự cô đơn im lặng tuyệt vời. Lắng nghe cơ thể và những xúc cảm của mình phản ứng bằng múa.
Còn trẻ với cả một cuộc đời dài rộng phía trước. Lại có câu “Cơm áo không đùa với khách thơ”, Linh Nga có nghĩ mình sẽ làm nghề khác ngoài múa không, kinh doanh chẳng hạn?
Cũng nhiều cơ hội, nhiều lời khuyên dành cho tôi. Nhưng cơ thể tôi, tinh thần tôi chỉ nghe theo múa thôi (cười). Nhiều người bảo tôi “hâm” lắm. Tôi khôn ngoan và tinh tế trong múa là đủ rồi! Có ôm thêm cũng chẳng được. Từ múa, tôi có nhiều cơ hội tham gia vào ngành truyền thông, quảng cáo… Nhưng vì một lý do nào đấy, múa vẫn như một tâm điểm mà cuộc đời tôi xoay xung quanh. Tôi nhận ra vậy và thấy mình nên là vậy.
Thiên nga trắng cũng ẩn chứa cả những nhục cảm của thiên nga đen. Tôi đã xem Vũ ở Hà Nội. Sự biểu hiện đa diện đó gây ấn tượng với tôi. Bản năng được bộc lộ hay là sự hóa thân?
Hóa thân trong nghệ thuật làm bạn sống động hơn và sống nhiều cuộc sống hơn. Nó có thể làm bạn “nghiện” thứ cảm xúc đó. Tôi đã chìm đắm trên sàn tập rồi giật mình nhớ ra “mình đã có gia đình. Mọi người đang chờ mình về, đang cần sự chăm sóc lẫn nhau”. Thế đấy! Tôi vừa có gia đình của riêng mình. Tất cả vô cùng mới mẻ, tôi hào hứng và hạnh phúc trong gia đình mới đó.
Gia đình có là cản trở của Linh Nga với nghệ thuật không? Có gia đình nghĩa là phải thêm trách nhiệm, thêm sự quan tâm. Điều đó vừa hạnh phúc lại vừa phiền phức. Linh Nga có nghĩ vậy không?
Không. Gia đình mang lại cho tôi những trải nghiệm rất thú vị. Tôi thực sự thấy tự do trong gia đình của mình. Anh đã xem phim Thập diện mai phục chưa? Cái cách mà cô gái mù bắn viên bi ra và nghe lại tiếng vọng của nó là một ẩn dụ cho những trải nghiệm của mình với xã hội, với thế giới. Tôi múa và cũng cần những “tiếng vọng” của chính mình với cuộc sống xung quanh. Đó là chất liệu để mình chuyển hóa cuộc sống sinh động thành tác phẩm của riêng mình.
Nghệ sĩ múa trong mắt tôi thực sự là một nghệ sĩ vô cùng dũng cảm. Họ im lặng và sử dụng một thứ ngôn ngữ khác để “nói” với mọi người. Có nhiều người “hiểu”, đồng cảm với ngôn ngữ đó của Linh Nga không?
Người nghệ sĩ múa thường rất thầm lặng. Anh cũng biết là khán giả yêu thích ngôn ngữ nghệ thuật múa không nhiều. Có thể vì ngôn ngữ của múa rất trừu tượng hoặc là chúng ta nhiều khi quên đi khả năng bày tỏ bằng những động tác cơ thể. Tuy nhiên, tôi rất mừng vì thấy còn khán giả yêu nghệ thuật múa. Đó là điều động viên tôi trên con đường nghệ thuật của mình.
Thực ra, đôi khi tôi cô đơn khủng khiếp. Nhưng chỉ cần vài người yêu thích thôi thì tôi cũng sẽ tiếp tục con đường của mình. Thật may mắn vì gia đình luôn ở bên cạnh tôi như một sự hậu thuẫn vững vàng. Tôi chỉ cô đơn trong nghệ thuật, tập luyện thôi.
Linh Nga có bao giờ nghĩ tới nơi mình thuộc về không. Ý tôi là nơi chốn mình sống. Đôi khi chúng ta vẫn muốn thoát khỏi thực tại để đến một thế giới đúng với giấc mơ của mình hơn.
Từ nhỏ tôi đã sống tự lập và va chạm với sự khác biệt văn hóa, nên tôi cũng thích nghi với nhiều hoàn cảnh và lối sống khác nhau. Thực tế đời sống của tôi rất đơn giản. Ngày của tôi chủ yếu trôi qua trên sàn tập, đó là nơi tôi hóa thân vào nhiều cuộc sống khác nhau và nó làm mình cảm thấy sinh động vô cùng. Bạn chẳng có cơ hội để tự hỏi mình sẽ thuộc về đâu nữa, bởi bạn thuộc về bạn mất rồi.
Nhóm thực hiện
Bài: Nguyễn Mạnh Thắng - Ảnh: Millor Tran Stylist: Kelbin Lei - Trang điểm: Nam Trung