Văn hóa / ELLE Interview

Nghệ sĩ múa Minh Anh – Tâm hồn dân tộc trong dáng hình tuổi trẻ

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 11/2018] Vừa tròn 22 tuổi, Minh Anh có phần trưởng thành hơn các bạn đồng trang lứa và mang trong mình lòng tự hào dân tộc đáng ngưỡng mộ.

Vũ Minh Anh sinh năm 1996, bắt đầu học múa ba lê năm 4 tuổi. 11 tuổi, cô bé học chuyên ngành múa cổ điển và dân gian Trung Quốc tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây. Năm 2013, Minh Anh về nước và làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen – một trong hai nhà hát lớn nhất TP.HCM – khi chỉ mới 17 tuổi. Mới đây, Minh Anh vừa giành giải Nhì cá nhân hạng mục múa dân tộc tại Seoul International Dance Competition, lần đầu tiên khẳng định vị thế của Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Lúc này, Minh Anh vừa tròn 22 tuổi.

Trong 6 năm học múa ở Trung Quốc, đâu là điều quan trọng nhất mà em nhận được?

Đó là lòng tự tôn dân tộc. Người Trung Quốc rất xem trọng và đề cao văn hóa dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật múa. Nghệ thuật múa dân gian của Việt Nam cũng có truyền thống lâu đời và mang bản sắc riêng, tại sao mình lại không tự hào, hãnh diện? Càng nhìn người Trung Quốc đề cao tinh thần dân tộc của họ, em lại càng muốn được đóng góp cho văn hóa dân tộc nước mình.

Minh Anh 1
Trang phục & Phụ kiện GUCCI

Khi về nước, Minh Anh có phải làm quen lại với múa dân gian Việt Nam?

Có chứ ạ. Về mặt kỹ thuật, các bộ môn múa đều có nét tương đồng. Nhưng múa dân gian Trung Quốc thường rất mạnh mẽ, sắc nét và thể hiện ra bên ngoài còn múa dân gian Việt Nam lại mềm mại, uyển chuyển và hướng vào bên trong nhiều hơn. Khi về nước, em phải tìm hiểu lại các đặc điểm múa dân gian nước mình để kết hợp với các kỹ thuật mới sao cho khéo léo, phù hợp với tinh thần con người Việt Nam.

Trong rất nhiều bộ môn múa, tại sao em lại chọn múa dân gian?

Múa dân gian cho em cơ hội được kể chuyện, được truyền cảm hứng, được hóa thân thành những nhân vật khác, sống cuộc đời khác trên sân khấu. Mọi người cứ nghĩ múa dân gian chỉ dành cho người lớn tuổi, nhưng không phải vậy. Tụi em còn trẻ mà (cười). Tụi em vẫn đang mang năng lượng tươi mới, tinh thần đương đại vào các bài múa, để nghệ thuật cổ truyền có thể đến gần hơn với số đông khán giả.

Còn trẻ nhưng rất quan tâm đến văn hóa dân gian, em có thấy mình hơi khác các bạn đồng trang lứa không?

Em cũng thấy mình hơi “già” so với các bạn (cười lớn). Em nghĩ rằng, đất nước nào rồi cũng sẽ phát triển, nhưng điều cốt lõi tạo nên tinh thần của dân tộc, của đất nước chính là các giá trị văn hóa dân gian. Các anh chị, thầy cô rồi cũng phải nghỉ ngơi. Ai sẽ là người giữ gìn, tiếp nối nếu không phải là thế hệ của em? Nếu mình không làm thì ai sẽ làm? Phải có ai đó sinh ra để làm việc này chứ!

Nhưng đổi lại, em phải hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho sàn tập…

Đó là điều bắt buộc. Muốn theo đuổi múa chuyên nghiệp, người nghệ sĩ phải bắt đầu học từ rất sớm, phải bỏ mồ hôi, nước mắt từng ngày trên sàn tập. Nó là sự trả giá thực sự trên cơ thể, tinh thần của mình. Người ta nói rằng 10 năm đi tập mới đổi lại được 5 phút trên sân khấu. Nhưng em thấy sự đánh đổi đó hoàn toàn xứng đáng.

Minh Anh 2
Mình sinh ra là người Việt, nói tiếng Việt, dù vật đổi sao dời, cốt lõi đó vẫn không thay đổi. Tại sao không tự hào và phát huy những giá trị văn hóa vốn có? Phải biết rõ mình là ai vì đó là điều khiến mình khác biệt với thế giới.

Tham gia Seoul International Dance Competition, em thấy nước bạn đánh giá múa dân gian Việt Nam như thế nào?

Trước đây, Việt Nam không được mời tham gia cuộc thi này vì các nước khác nghĩ mình không giỏi, múa dân gian của mình không đặc sắc. Thành thật mà nói, diễn viên múa Việt Nam không có cơ thể đẹp như diễn viên Hàn Quốc hay Trung Quốc. Giải Nhì là một kết quả rất bất ngờ. Tuy nhiên, chiến thắng này không chỉ vì kỹ thuật múa mà còn vì yếu tố dân tộc nữa. Ngay từ đầu em đã không muốn bị lạc lõng, không muốn bị nhầm lẫn với các quốc gia khác nên đã chọn múa mâm – đặc trưng của miền Nam Việt Nam, thể hiện rất rõ nét tính dân tộc. Sau chiến thắng ấy, em nghĩ là bắt đầu từ bây giờ, thế giới phải biết đến múa dân gian Việt Nam.

Em muốn mình sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

Trong tương lai gần, em sẽ tham gia các cuộc thi quốc tế để được va chạm nhiều hơn. Còn sau này, em muốn được giống như thầy cô của em, trở thành người truyền lửa cho các thế hệ sau. Hiện tại, bên cạnh múa ở nhà hát, em còn dạy múa cho các bé nhỏ nữa. Sau này, các bé lớn lên, ít nhất cũng có thể nhìn vào em để nuôi dưỡng tình yêu với múa dân gian, giống như em từng được truyền cảm hứng từ các anh chị đi trước vậy.

Xem thêm:

“Sóng hấp dẫn” của Hoàng Quyên

Thư Vũ – Tuổi tác chỉ là một Concept

Nhóm thực hiện

Mỹ thuật: Dzũng Yoko

Ảnh: TANG TANG

Bài: Đoàn Trúc

Stylist: Huyền Linh

Trang điểm & Làm tóc: Tùng Châu

Sản xuất: Hoàng Lê

Trợ lý: Chi Nguyễn

Dựng cảnh: Lý Bình Sơn

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)