Văn hóa / ELLE Interview

Diva Mỹ Linh và “sứ mệnh” phát triển một thế hệ trẻ sáng tạo qua đào tạo âm nhạc

8 năm trước, người ta thấy Diva Mỹ Linh sau những giờ say sưa trên sân khấu, trong phòng thu ở một vai trò mới – một người đào tạo âm nhạc - khi cùng các cộng sự trong ban nhạc Anh Em thành lập nên trường nhạc Young Hit Young Beat. 8 năm sau, cũng vẫn ở vai trò ấy, Mỹ Linh lại đem đến những bất ngờ khi tiếp tục dấn thân, theo đuổi con đường này ở một “tầm cao mới”.

Không chỉ là một trong bốn Diva nhạc nhẹ, duy trì đỉnh cao sự nghiệp đến thời điểm hiện tại, Mỹ Linh còn trở thành hình mẫu người phụ nữ chuẩn mực có một gia đình hạnh phúc, là người mẹ của những đứa con ngoan, đầy triển vọng. Trong đó, hai cô con gái của Mỹ Linh là Anna và Mỹ Anh với nội lực tự thân, tự học và lợi thế được nuôi dưỡng, phát triển toàn diện trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật đã và đang trở thành những nghệ sĩ trẻ tài năng của Việt Nam, sớm ghi dấu ấn trong ngành sản xuất và biểu diễn âm nhạc quốc tế.

Chị đã chia sẻ với ELLE những tâm huyết của mình trong việc đào tạo âm nhạc, một cầu nối quan trọng để phát huy tính sáng tạo của trẻ ở mọi mặt.

Mỹ Linh mặc đồ trắng nói về đào tạo âm nhạc
Ở Mỹ Linh, người ta thấy nguồn năng lượng tươi trẻ và một nhiệt huyết mà chị dồn cho sự nghiệp giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ.

Những năm trở lại đây, ngoài việc đứng trên sân khấu với vai trò của một Diva Mỹ Linh, có vẻ chị đang dồn thời gian, tâm huyết của mình cho việc đào tạo âm nhạc, phát triển tài năng cho thế hệ trẻ yêu âm nhạc phải không? Chị có thể chia sẻ về nguyên do chị phát triển con đường này?

Trước khi trở thành một ca sĩ, tôi có ước mơ trở thành một nhà giáo dạy văn. Làm nhà giáo luôn là mong muốn ở trong tôi ngay cả khi tôi đã có sự nghiệp nghệ sĩ thành công. Năm 2013, khi lần đầu tiên tham gia làm huấn luyện viên của The Voice, tôi càng ngày càng nhìn rõ khả năng và mong muốn được truyền đạt những kiến thức mà tôi biết cho những người khác. Năm 2014, tôi cùng các anh em thành lập trường nhạc Young Hit Young Beat. Kể từ đó, càng ngày, kỹ năng đào tạo của tôi càng được trau dồi tốt hơn, đồng thời, tôi vẫn duy trì song song việc phát triển sự nghiệp cá nhân và việc đào tạo thế hệ trẻ trong âm nhạc.

Hơn nữa, là một người mẹ, cùng với nhạc sĩ Anh Quân là chồng của tôi, ngoài việc định hướng cho các con trong việc học hành, trau dồi các kỹ năng sống khác, tôi cũng nhận ra những khó khăn, trăn trở của các bậc phụ huynh khi tìm kiếm nơi học nhạc cho hai con gái của tôi là Anna Trương và Mỹ Anh. Đó là động lực giúp tôi tiếp tục dành nhiều thời gian cho sự nghiêp giáo dục âm nhạc cho các cháu nhỏ.

Câu chuyện giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ đã được chị và các cộng sự trong ban nhạc Anh Em theo đuổi từ khá lâu khi thành lập Young Hit Young Beat. Việc bắt tay với nghệ sĩ Thanh Bùi mở The Rock & Pop Academy Hanoi phải chăng là một hướng đi mới mà chị muốn dành cho thế hệ trẻ?

Từ những năm dạy nhạc của mình, chứng kiến những em nhỏ từ khi chưa biết một nốt nhạc nào đến khi có thể tự tin cầm chiếc ghi ta chơi nhạc, hay điều khiển bộ gõ trống và hòa tấu với nhau… tôi tin âm nhạc có thể thực sự thay đổi chúng ta để trở thành con người cởi mở, kết nối. Một niềm vui khác là khi mở trưởng đào tạo nhạc, tôi được cộng tác với tất cả các đồng nghiệp mà bình thường chúng tôi chỉ đứng chung sân khấu, nhưng nay có thể cùng trở thành giảng viên, truyền niềm đam mê cho các em nhỏ hơn, truyền sự tin tưởng cho các bậc phụ huynh.

Việc gặp gỡ và hợp tác với nghệ sĩ Thanh Bùi là mong muốn nâng tầm môi trường học tập lên một “tầm cao mới”, tạo sự tin tưởng với các vị phụ huynh bằng việc đem đến cho các em học sinh một lộ trình học âm nhạc trọn vẹn, có người đồng hành trên lộ trình ấy, tạo ra một môi trường để các em có thể tự cất lên tiếng nói của chính mình bằng âm nhạc, bằng nghệ thuật, được là chính mình. Vì chỉ khi là chính mình thì các em mới độc đáo và chân thực.  

Bên cạnh đó, đây cũng là một môi trường để thế hệ trẻ có cơ hội được phát triển toàn diện qua việc củng cố, khơi gợi khả năng sáng tạo của các em, với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó giúp thế hệ trẻ không lạ lẫm khi ra môi trường nước ngoài học tập hay làm việc.

Mỹ Linh và sự nghiệp đào tạo âm nhạc cho thế hệ trẻ
Mỹ Linh và Thanh Bùi – hai nghệ sĩ có chung tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã bắt tay thành lập The Rock & Pop Academy Hanoi đầu tháng 1/2022

Nghe chị chia sẻ thì quả thật thấy rằng việc học âm nhạc rất thú vị và quan trọng, nó sẽ giúp phát triển khả năng tư duy, cảm thụ kiến thức văn hóa và khơi gợi sự sáng tạo của thế hệ trẻ. Vậy đâu là những thách thức khi giảng dạy cho thế hệ GenZ và Gen Alpha?

Tôi nghĩ để làm bất cứ việc gì cho tốt, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu kỹ càng, cẩn thận. Với câu hỏi của ELLE về việc đào tạo các em thế hệ Gen Z, Gen Alpha, tôi tin rằng chúng ta cần phải nghiên cứu hơn nữa để có các giải pháp đồng bộ, kết hợp với phụ huynh tạo nên động lực cho các con. Bởi vì học nhạc không dễ, nhưng qua được giai đoạn khó khăn ban đầu, khi chúng ta đã tạo được động lực cho các con, lúc ấy chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp các con tự học bằng cách tiếp cận với các nguồn tư liệu mở. Tóm lại là giúp các con trui rèn khả năng đồng thời tạo động lực. Có đủ hai điều đó thì các con sẽ học tốt.

Mỹ Linh tại trường âm nhạc Young Hit Young Beat
Mỹ Linh khi cùng với phụ huynh và học trò tại trường Young Hit Young Beat.

Các bạn trẻ bây giờ có thể tiếp xúc với mọi thể loại âm nhạc: Rap, Hip-hop, âm nhạc K-Pop, âm nhạc Indie từ rất sớm thông qua internet. Chị có thể chia sẻ định hướng giáo dục âm nhạc mà chị và các cộng sự hướng đến trong bối cảnh văn hóa du nhập mạnh mẽ và sự phát triển của các thể loại âm nhạc đa dạng như vậy? Làm sao để các em có thể xác định được đường hướng để theo đuổi, tiếp cận các nền tảng mới trong khi vẫn giữ được căn tính Việt hoặc chất riêng của bản thân?

Trong thời đại internet phát triển như thế này thì việc các con tiếp xúc với các thể loại nhạc Âu Mỹ, K-Pop, Rock rồi R&B, Rap từ khắp nơi là đương nhiên và tôi tin rằng đó là điều tốt. Tuy nhiên, ở vai trò định hướng thì phụ huynh cũng như giảng viên cần phải giúp trẻ trong giai đoạn đầu. Đó là lựa chọn cái gì và lúc nào. Khi các con đã có bộ lọc tốt rồi thì lúc ấy các con biết được mình muốn gì và sẽ tự chọn được món ăn tinh thần hợp nhất với mình. Nhưng để chọn được món ăn tinh thần tốt thì trước hết con phải có kỹ năng tốt, sau đó là có động lực tốt và môi trường tốt.

Còn với Mỹ Anh, một học trò Gen Z có lẽ là gần gũi nhất và cũng rất xuất sắc của chị, chị có cảm nhận và suy nghĩ gì về đường hướng mà Mỹ Anh đang theo đuổi – một nghệ sĩ trẻ đa năng tự sáng tác, sản xuất – và đâu là chất riêng trong cô ca sĩ này? 

Mỹ Anh sẽ đi theo hướng của một nghệ sĩ đa năng, đó là tự sáng tác, tự hòa âm phối khí, có khả năng nhảy múa tốt, biết diễn đạt bản thân tốt. Con sẽ tìm thấy những đồng nghiệp phù hợp với dòng nhạc mà con đang đeo đuổi để con có thể phát triển tốt nhất trong điều kiện hiện nay.

Mỹ Anh biểu diễn âm nhạc cùng mẹ
Mỹ Anh trong một lần chung sân khấu với mẹ – người thầy lớn của cô.

Nói đến việc đào tạo âm nhạc một cách bài bản từ các học viện âm nhạc, so với các chương trình gameshow tạo “ngôi sao” chỉ qua một mùa, chị có suy nghĩ ra sao, có hay không sự cạnh tranh giữa truyền hình thực tế nghệ thuật và những trường lớp đào tạo nghệ thuật?

Gameshow không mang một giá trị lâu dài, sau chương trình các em có gì? Đó là câu hỏi rất quan trọng và chúng tôi thấy cần trả lời ở The Rock&Pop Academy Hanoi, cùng các em đi một con đường dài. Chúng tôi không nghĩ tới việc phải đào tạo một ngôi sao, mà cần xác định các em có tiềm năng gì và các thầy cô sẽ làm gì để giúp khai phá, gợi mở tiềm năng ấy; tạo cho các em một môi trường cởi mở về văn hóa để các em bộc lộ hết thế mạnh của mình.

Trong nghệ thuật không nên có cạnh tranh, trong nghệ thuật mỗi người nên đẹp theo một cách khác, và có cạnh tranh là cạnh tranh với chính mình, làm thế nào để mình sẽ giỏi hơn mình ngày hôm qua. Đó là một hành trình học suốt đời. Làm thế nào để em nhỏ yêu thích môn học ấy và học tập suốt đời mới là điều chúng tôi quan tâm, chứ không phải làm thế nào để cạnh tranh với các nơi khác đem học trò về cho mình.

Sau nhiều năm, đến giờ phút này, tôi nhận ra rằng, chúng ta học để nói “Không” quan trọng hơn là chúng ta học nói “Có”. Bởi nếu có những người không cùng triết lý giáo dục thì chúng tôi cũng sẽ nói “Không”. Nếu như những bậc phụ huynh quá kì vọng vào con, muốn con phải trở thành người này người khác, tạo ra những áp lực quá lớn, có lẽ chúng tôi cũng không thể đồng hành cùng với họ.

Trò chuyện từ nãy tới giờ, thấy chị luôn tràn đầy năng lượng khi nói về câu chuyện đào tạo âm nhạc. Bây giờ nên gọi ra sao cho đúng nhỉ, một Diva Mỹ Linh hay một giảng viên âm nhạc Mỹ Linh?

Tôi thích được gọi ở cả hai vai trò vì cả hai sẽ bổ sung cho nhau và giúp tôi có thể làm được nhiều thứ theo cách tốt nhất cho chính tôi, cho các con tôi và những người khác.

Xin cảm ơn những chia sẻ thân tình, cởi mở của chị! Chúc chị sẽ ngày càng có nhiều năng lượng để làm tốt “sứ mệnh” đào tạo nên thế hệ trẻ sáng tạo về tư duy, cởi mở về tính cách qua âm nhạc.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Ngọc Anh - Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)