Chưa từng tổ chức một đêm múa riêng nào trong nước, nhưng nhắc đến Lê Ngọc Văn, ai trong nghề này cũng biết. Anh là nghệ sĩ múa Việt Nam duy nhất thuộc “biên chế” của nhà hát Ballet quốc gia Anh (ENB) và cũng là nghệ sĩ Việt Nam được nhà hát ballet Thượng Hải mời sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật cho các tác phẩm của họ.
Lê Ngọc Văn đời thường là người mà bạn sẽ thấy yêu quý ngay từ câu nói đầu tiên. Anh thoải mái, thân thiện, hay cười và nét chân thành hiển hiện rõ trên khuôn mặt. Không gặp anh, khó tưởng tượng được rằng đây là một trong những nghệ sĩ múa người Việt thành công nhất.
Con đường đến với múa của anh có vẻ khá bằng phẳng khi được sinh ra trong một gia đình có “nòi”. Cả bố mẹ anh đều là các nghệ sĩ múa tên tuổi (bố anh là nghệ sĩ múa Lê Ngọc Cường, mẹ anh là nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim An). Anh từng nói học múa chỉ vì bố mẹ anh cho con cái theo nghề này để dễ quản lý, dạy bảo khi hai anh em anh còn nhỏ. Thế nhưng, có lẽ không hẳn bố mẹ anh chọn nghề cho anh, mà là số phận. Bởi sau này, khi đã bước ra khỏi bàn tay của bố mẹ, Lê Ngọc Văn chưa bao giờ thoái chí.
Nền tảng gia đình chỉ mang lại thuận lợi lúc khởi đầu. Vừa bước sang tuổi trưởng thành, chàng trai mang theo đam mê của mình, rời khỏi “vùng an toàn” để đến với châu Âu khẳng định bản thân. Có lẽ anh đã phải bỏ ra cả nghìn giờ tập múa để có được vị trí ngày hôm nay. Và hơn hết, đó là một sự đánh đổi, anh chọn rời xa gia đình của mình, một mình sống ở không gian văn hóa khác, ở một nơi không có bất cứ điều gì làm chỗ dựa ngoài ý chí và luyện tập. Hai tiếng ngồi trò chuyện với anh tại Sài Gòn quả là hai tiếng quý giá khi được biết nhiều hơn về cuộc sống của một nghệ sĩ Việt thành công ở xứ người.
Cuộc sống chia năm xẻ bảy
ENB là đoàn vũ kịch ballet cổ điển lớn nhất nước Anh, nổi tiếng thế giới với nhiều vở diễn hoành tráng, có lịch biểu diễn kéo dài hàng vài năm trong nhà hát có sức chứa hàng ngàn người. Vậy nhịp sống của diễn viên múa gốc Việt duy nhất thế nào?
Bạn có thể hình dung một ngày của tôi như chiếc bánh chia làm 4 phần: sáng tập cơ bản, chiều ôn vở cũ hoặc tập vở mới, tối diễn, khuya tiếp tục công việc biên đạo. Ngày của tôi bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng và kết thúc khi vừa sang một ngày mới. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày, đi bơi, tập gym, ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Việc giữ cho mình có đầy đủ sức khỏe, vóc dáng đẹp là một trong những điều cần làm của không chỉ riêng tôi mà các diễn viên múa khác, trách nhiệm không chỉ với khán giả mà còn với bản thân.
Xem ra để củng cố vị trí diễn viên cao nhất, anh đã và đang toàn tâm toàn ý cho công việc. Có bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi vì phải luôn đứng hàng đầu không?
Hơn 10 năm gắn bó với ENB tôi chưa bao giờ mệt mỏi, chỉ chán mỗi việc mình không có đồng hương để được nói tiếng Việt mà thôi (cười). Phải cạnh tranh với các diễn viên, đặc biệt những người trẻ là một áp lực không nhỏ nhưng đồng thời cũng là động lực để mình tiếp tục phấn đấu, chiến thắng bản thân. ENB có tổ chức thi tuyển diễn viên hàng năm nhưng không thông báo rộng rãi và tỉ lệ cạnh tranh cũng rất lớn. Vậy nên những ai trở thành diễn viên của ENB đều đáng gờm bởi họ được chọn vì thực lực chứ không phải bằng cấp. Tất cả đều phải nỗ lực, người mới cần chứng tỏ tài năng, người cũ phải giữ vững vị thế. Những cuộc đua tích cực góp phần giữ và nâng chất lượng các vở diễn của ENB.
Anh luôn xuất hiện thật đẹp trong ánh sáng lung linh, mang đến cho khán giả thế giới của những giấc mơ. Công việc biểu diễn có tuyệt như những gì khán giả nhìn thấy trên sân khấu?
(Cười lớn) Biểu diễn mệt lắm! Diễn viên trông đẹp đẽ, uyển chuyển trên sân khấu là thế nhưng khi chạy vào cánh gà là thở lấy thở để. Diễn viên luôn phải đặt toàn bộ tâm trí vào vai diễn, phối hợp với đồng nghiệp để đem đến cho khán giả những chương trình đẹp, hay, thú vị. Tuy nhiên, đó cũng là thử thách lớn khi bạn phải tham gia vài trăm chương trình trong một năm. Do vậy, công việc biểu diễn cần có niềm đam mê và sức khỏe tốt, một tinh thần vững vàng.
Có lúc bạn phải diễn liên tục 14 buổi vở ballet cổ điển 3 màn trong một tuần; ròng rã hai, ba tháng trời chỉ biết đường từ nhà đến nhà hát, vùi đầu vào tập luyện, biểu diễn trong tiết trời lạnh giá. Khi người ta đi chơi thì mình phải làm việc, người mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ có lúc cảm thấy chán chường. Nhưng nếu diễn viên không thoát ra được tâm trạng tiêu cực thì khán giả sẽ nhận ra và quay lưng lại với mình ngay. Muốn giữ khán giả, diễn viên phải giữ cho mình một tinh thần thép.
Muốn được hưởng toàn vẹn quyền được chọn
Phải chăng vì biểu diễn quá áp lực, cũng để dọn đường cho hướng đi sau này của mình mà vài năm trở lại đây anh bắt đầu công việc biên đạo?
Múa là một nghề đòi hỏi sự khổ luyện nhưng sự nghiệp lại quá ngắn. Một diễn viên múa đứng trên sân khấu nhiều nhất chỉ đến năm 45 tuổi, phần lớn qua tuổi 35 là đã nhìn thấy nguy cơ bị đào thải. Vậy nên để được biểu diễn lâu hơn, hầu hết những ai yêu nghề múa đều phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có cuộc sống gia đình. Nhưng sau khi giải nghệ, nghệ sĩ múa thường loay hoay trong việc tìm hướng đi mới nhưng mấy người biết làm một việc gì khác ngoài múa đâu? Tôi làm biên đạo vì muốn được hưởng toàn vẹn quyền chọn gu màu sắc, đường nét chuyển động cho tác phẩm của mình. Ngoài ra, đúng là tôi cũng đang chuẩn bị dần cho tương lai của mình.
Các tác phẩm The weight of love, Vue de l’autre, La Danse du Stravinsky, Grand Pas du Bach, Bolero đều cho thấy phong cách bay bổng, dài rộng ở động tác của modern ballet – neo classic nhưng vẫn tạo được “mùi” châu Á khá riêng. Anh chọn thể loại này vì sự gần gũi của ballet cổ điển mà anh biểu diễn hàng ngày hay còn có lý do nào khác?
Neo classic cho phép biên đạo khai thác được sự chính xác, mượt mà trong từng động tác của diễn viên cổ điển, lấy đó làm nền tảng để tạo nên nhiều chuyển động phá cách, thú vị, mềm dẻo. Neo classic hay modern ballet không chỉ được nhiều khán giả đón nhận hơn mà cả diễn viên cũng muốn được thử sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại này. Ngay cả ENB trong tương lai cũng sẽ có nhiều chương trình thể loại này bên cạnh cổ điển.
Anh là một biên đạo thế nào? Cho phép diễn viên cùng sáng tạo để tạo nên hơi thở cho từng động tác hay yêu cầu diễn viên theo nhịp chuyển động của mình?
Tôi là biên đạo thứ 2. (Cười) Tôi làm chủ mọi thứ bởi tôi là người hiểu rõ hơn ai hết nội dung, thông tin và màu sắc tôi muốn trao cho khán giả. Vì vậy, tôi yêu cầu diễn viên thực hiện đúng động tác mình nghĩ ra dựa trên khả năng của từng diễn viên. Nhưng nếu những chuyển động đó không phù hợp với họ, tôi sẽ thay đổi, thay đổi liên tục đến khi tìm được thứ tốt nhất, đẹp nhất.
Giữa biên đạo và biểu diễn, anh thích vị trí nào hơn?
Hai vị trí này có sự hấp dẫn khác nhau nhưng đồng thời hỗ trợ cho nhau. Do vậy, cả hai quá trình biểu diễn lẫn biên đạo đều mang đến cho tôi cảm hứng sáng tạo, dù rằng làm song song cả hai việc là thử thách không hề nhỏ mà tôi phải vượt qua. Nhưng tôi thật tự hào, hạnh phúc khi tác phẩm của mình biên đạo được chọn trình diễn ở nhà hát lớn, do các diễn viên hàng đầu trình diễn.
Nhiệm vụ khó khăn nhất là…
Về với gia đình, những gì thân thuộc hẳn là vui lắm nhưng có điều gì gây khó dễ cho anh không?
Giữ nguyên cân nặng là nhiệm vụ khó khăn nhất vì về đây tôi ăn nhiều hơn bên Anh. Ngày nào cũng thưởng thức các món yêu thích như bún, phở… rồi cà phê, sinh tố… với gia đình, bạn bè thì làm sao không tăng cân được! Lần nào trở lại Anh sau kỳ nghỉ ở Việt Nam, tôi cũng mất ít nhất một tuần để trở lại nếp sinh hoạt bình thường bởi bụng lúc nào cũng cảm thấy đói, miệng thì thèm ăn.
Mỗi lần đi xa, điều gì ở London khiến anh nhớ nhung?
Tôi nhớ ô tô của mình (cười)… đó là người bạn thân thiết đã đồng hành cùng tôi nhiều năm. Về đây, tôi thường chạy xe scooter đi chơi, gặp bạn bè còn ở Anh, ô tô đưa tôi đến nhà hát, phòng tập gym, hồ bơi… Nói vui vậy thôi, chứ cứ ở nơi này tôi lại nhớ nơi kia. Thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng mình đang sống trong giấc mơ có hai thế giới khác nhau: nơi tôi sinh ra – lớn lên với nếp sống truyền thống Á Đông, nơi tôi trưởng thành – đang sống theo phong cách cởi mở, hiện đại của phương Tây.
Bố mẹ có giục giã anh cưới vợ, về Việt Nam không?
Có chứ, bố mẹ tôi cũng là những người truyền thống mà! Biết là bố mẹ lo lắng, mong con cái ổn định nhưng tôi đã giải thích nhiều lần rằng môi trường sống ở nước ngoài cạnh tranh cao, về việc tôi yêu nghề, muốn dành thêm nhiều thời gian cho múa. Hai cụ cũng xuôi xuôi nhưng vẫn nhắc khéo khi có dịp (cười).
Tại sao chưa một lần nào anh xuất hiện không phải với tư cách diễn viên đệ nhất của ENB, người ta chưa ngỏ lời hay anh từ chối?
Chỉ là bởi thiên thời – địa lợi – nhân hòa chưa đủ để làm điều gì đó. Lịch làm việc của tôi đã được sắp xếp trước cả năm, việc chen ngang gần như là không thể. Còn tranh thủ lúc về thăm gia đình kết hợp thì tính tôi xưa nay không muốn làm gì khi chưa chuẩn bị chu đáo. Thêm nữa, diễn viên bị ràng buộc với nhà hát, tên của chúng tôi thuộc về ENB nên tôi không được phép biểu diễn hay dàn dựng cho công ty khác khi ban giám đốc chưa thông qua.
Vậy dự định tương lai của anh là gì: tiếp tục cống hiến cho nước Anh hay trở về làm gì đó cho quê hương?
Thật ra tôi đang học cách tổ chức, quản lý, vận hành một vũ đoàn từ chính công việc hàng ngày. Tôi quan sát cách mọi người làm việc, kết nối với bên ngoài, sắp xếp bên trong để chuẩn bị cho tương lai điều hành một công ty múa tại Việt Nam. Dù vậy, mọi thứ vẫn đang trong quá trình nghĩ về tương lai mà thôi.
Cảm ơn anh Lê Ngọc Văn rất nhiều.
Xem thêm Nghệ sĩ múa Kim Cúc – May mắn vì được theo nghề múa
Xem thêm Nghệ sĩ múa Duy Khánh – Nếu một ngày không múa tôi như chết
Nhóm thực hiện
Bài: Cẩm Phô - Ảnh: Trọng Đức - Trang điểm: Kudy