Nghệ sĩ nhật Mizuki Endo: Nghệ thuật cần đến gần công chúng

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE tháng 8/2017] May mắn được gặp Tiến sĩ Mizuki Endo – hiện là Giám đốc Nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) trước ngày khai mạc trung tâm, ELLE Việt Nam đã bị ấn tượng bởi người nghệ sĩ cá tính với mái tóc dài xù bông, khiêm tốn và điềm đạm.

Ông mang một cặp kính và ẩn giấu dưới lớp kính trong suốt ấy là một tình yêu trong suốt, là ánh mắt thiết tha, đầy lửa dành cho VCCA với hoài bão mang nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng đến gần với công chúng Việt Nam.

Chậm rãi tản bước cùng chúng tôi trong không gian trưng bày gần 4.000m2, Mizuki Endo vừa đi vừa nói về công việc của mình, về khoảng thời gian ông đã ở Việt Nam cùng các đồng sự, và niềm hạnh phúc khi được đưa nghệ thuật đến với tất cả mọi người.

Nghe si Nhat Mizuki Endo Nghe thuat can den gan cong chung 1

Tác phẩm “Nguồn” của nghệ sĩ Bùi Hải Sơn được làm từ gỗ và đồng đá

Thắc mắc đầu tiên, có lẽ không của riêng tôi. Tại sao lại là một trung tâm nghệ thuật đương đại ngay tại trung tâm thương mại dưới lòng đất?

Chúng tôi cảm thấy đó là một thử thách thú vị. Trung tâm thương mại là nơi tiêu dùng hàng hóa, trong khi đó trung tâm mỹ thuật lại là nơi dành cho việc tôn vinh giá trị. Nhưng đây quả là cơ hội tốt để nghệ thuật tiếp cận công chúng. Chúng tôi mong rằng công chúng có thể suy nghĩ về những vấn đề như cái đẹp là gì, nghệ thuật là gì, hạnh phúc là gì khi đi qua “triển lãm trong khu trung tâm thương mại”. Chúng tôi cũng đã tạo ra các chương trình hoạt động, giáo dục nghệ thuật có chất lượng, để góp phần giúp công chúng đánh giá đúng giá trị của các tác phẩm nghệ thuật đương đại.

Không ít nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam có tâm với nghề và thật sự có tài, nhưng tiếng tăm của họ vẫn chỉ dừng trong giới và số ít những người yêu nghệ thuật. Ông và các cộng sự của mình có hoài bão gì với dự án
mới lần này?

Chúng tôi tôn trọng tất cả các nghệ sĩ có tâm và có tài. Bạn đã dần thấy sự góp mặt của các nghệ sĩ có tâm và có tài của cả mỹ thuật Việt Nam lẫn quốc tế. Điều này có nghĩa là chúng tôi muốn đem các tác phẩm tới thế giới và tới cộng đồng, trong đó trọng tâm là các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam.

Những tác phẩm được trưng bày ở đây là sáng tác mới hoàn toàn hay trưng bày lại những tác phẩm/sản phẩm đặc sắc nhất của mỗi nghệ sĩ?

Từ cũ đến mới, từ Việt Nam tới quốc tế, chúng tôi đã trưng bày bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào mà chúng tôi tin rằng nên được giới thiệu tới công chúng. Tất nhiên, trọng tâm của chúng tôi vẫn là nghệ thuật trong nước. Trước tiên là dành cho tất cả mọi người. Và rồi, chúng tôi phải nghĩ đến sự phát triển của nền mỹ thuật, phê bình mỹ thuật, lịch sử và thị trường mỹ thuật. Tiêu chuẩn và tiêu chí đến từ mỗi lĩnh vực và chúng tôi tạo ra sự cân bằng để đóng góp cho tất cả các lĩnh vực nghệ thuật liên quan.

Cho triển lãm đầu tiên, với tên gọi “Tỏa”, ý nghĩa của nó là gì?

“Tỏa” là những cuộc đối thoại ý nghĩa, nơi các tác phẩm nghệ thuật với phong cách đa dạng được sắp đặt cạnh nhau không theo niên đại hay chủ đề, mà thông qua sự tương tác giữa các yếu tố chuyên môn và kiến trúc đặc trưng của không gian trưng bày.

Vậy, “Tỏa” đã đối thoại với công chúng qua những tác phẩm thế nào?

Công chúng được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có kích thước lớn của Bùi Hải Sơn với tác phẩm Nguồn; Nguyễn Mạnh Hùng với tác phẩm Cuộc sống vườn địa đàng, Trương Tân với tác phẩm Tình yêu, tình yêu, tình yêu… cùng những tác phẩm mới của Phạm Đình Tiến, Võ Trân Châu, Lê Hoàng Bích Phượng, Phi Phi Oanh, Trần Văn Thảo, Nguyễn Quang Huy, Lê Thừa Tiến, Đặng Xuân Hòa và Hà Trí Hiếu.

Đặc biệt, tại cửa sổ trưng bày có kích thước ấn tượng (3mx17m), nghệ sĩ Pháp – Việt Trúc Anh đã kể câu chuyện ẩn dụ Ngụ ngôn Vàng bằng hình thức video-art. Lấy cảm hứng chính từ vị trí tọa lạc của không gian triển lãm, Ngụ ngôn Vàng đưa ra cái nhìn đa chiều về thương mại và văn hóa, về tiêu dùng và sự thịnh vượng. Triển lãm “Tỏa” mở cửa đến hết 6/8/2017 để đón công chúng.

Nghe si Nhat Mizuki Endo Nghe thuat can den gan cong chung 3

Mỗi vị khách viết một điều ước và treo lên “cây ước nguyện” – Một tác phẩm ý nghĩa của Yoko Ono

Nhìn nhận của ông ra sao về nghệ thuật đương đại Việt Nam với nghệ thuật đương đại quốc tế?

Hãy nói rằng không có sự phân chia nhị phân như Việt Nam và quốc tế. Chỉ có những khác biệt ở mỗi thành phố như New York, London, Paris, Berlin, Hongkong, Bắc Kinh, Tokyo, Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mỗi thành phố có bối cảnh văn hóa và kinh tế độc nhất. Trong bối cảnh đó, những tác phẩm độc nhất xuất hiện và tồn tại.

Và, tất nhiên, mỗi người cũng đều là cá thể độc đáo và thú vị, xem tác phẩm nghệ thuật theo một cách khác nhau để nhìn thế giới. Vì vậy, chúng tôi muốn kích thích sự tò mò của mọi người, bối cảnh hóa mỗi tác phẩm để hiểu tốt hơn những ý nghĩa riêng biệt, hỗ trợ nghệ sĩ trong nước học hỏi thêm từ các nền mỹ thuật khác trên thế giới và mời các nghệ sĩ nước ngoài cùng hợp tác và chia sẻ ý tưởng.

Xin cảm ơn ông cùng các đồng sự với dự án ý nghĩa này!

Nghe si Nhat Mizuki Endo Nghe thuat can den gan cong chung 2

Mizuki Endo (Kyoto, Nhật Bản) là người sáng lập và là giám đốc điều hành của Dịch vụ phi lợi nhuận cung cấp cơ sở vật chất cho Nghệ sĩ ở Higashiyama, đã được trao giải thưởng Nghệ thuật Lorenzo Bonaldi lần thứ 3 (Bergamo, 2005). Ông đã thiết lập ba không gian nghệ thuật ở châu Á: Không gian nghệ thuật Tetra (Fukuoka, 2004), Triển vọng tương lai cho Không gian nghệ thuật (Manila, 2005) và Phòng chơi (Mito, 2007).

Mizuki Endo là nhà quản lý mạng của Singapore Biennale 2006; giám đốc dự án Arcus (Moriya, Nhật Bản, 2007-2010); nhà quản lý của Cream: Lễ hội nghệ thuật và truyền thông, Yokohama (2009); nhà tổ chức cộng tác của Fukuoka Asian Art Triennale 2009; nhà quản lý Yutaka Sone: Khoảnh khắc tuyệt vời (Phòng trưng bày nghệ thuật Tokyo Opera City, 2011); và giám đốc chương trình nghệ sĩ lưu trú của Lễ hội nghệ thuật Kunisaki (Oita, Japan, 2014).

Một số tác phẩm ặc sắc của “Tỏa”

Tác phẩm “Cuộc sống Vườn địa đàng” của Nguyễn Mạnh Hùng

Tác phẩm “Cuộc sống Vườn địa đàng” của Nguyễn Mạnh Hùng: Tác phẩm sắp đặt gồm mô hình thu nhỏ của các căn hộ xếp chồng chéo lên nhau, một bản sao chép tinh xảo kiến trúc chung cư Hà Nội thời Liên Xô cũ, những không gian sống vừa đông vừa ngột ngạt nơi nghệ sĩ đã lớn lên trong suốt 20 năm đầu đời.

Tác phẩm “Nguồn” – Originarium của Bùi Hải Sơn: Là hạt gạo khổng lồ bằng đồng lá và gỗ treo lơ lửng phía trên một thảm cỏ xanh, như hình ảnh con thuyền của Noah, dẫn dắt người xem tới những chiêm nghiệm về sự nhiệm màu từ chính những gì bình thường nhất.

Tác phẩm “Cây ước nguyện” của Yoko Ono: Yoko Ono là nghệ sĩ có phong cách đa dạng. Một trong những đóng góp đột phá nhất của bà là tư tưởng một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải ở dạng vật chất. Cây ước nguyện chính là một tác phẩm mang tư tưởng chủ đạo cho các tác phẩm “chỉ dẫn” của Ono, khi người xem cũng là người tham gia tạo nên tác phẩm.

Nhóm thực hiện

Bài Ngọc Anh – Ảnh JCA Agency (Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more