Gió là tác phẩm tương tác với chèo cổ, lấy cảm hứng từ vở Quan Âm – Thị Kính, nhưng không chạy theo cốt truyện mà lấy hơi nhạc và xúc cảm từ nội tâm nhân vật để khắc họa tính cách, thân phận, tâm tư của hai người đàn bà. Một bên là biểu tượng của chữ Nhẫn, một bên là biểu tượng của chữ Khát – khát khao được sống, được yêu bởi đời có oan Thị Kính thì cũng có loạn Thị Mầu.
Sau “Bóng” (2011), “Lửa” (2014), giờ là “Gió” – dường như Phó An My đã để khán giả chờ đợi khá lâu cho dự án lần này?
Thực ra trước đây đúng 10 năm, tôi đã có sắp xếp trong đầu để cho ra đủ ba tác phẩm. Thời gian tưởng chừng dài, nhưng tôi cho rằng bản thân tôi cũng như nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đã dành hết sức cho công việc này.
“Gió” khác “Bóng” và “Lửa” thế nào?
Bóng và Lửa là hai tác phẩm mang tính chất đối thoại rõ nét. Bóng là piano – chầu văn. Lửa là piano – tuồng. Chầu văn, một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam, âm nhạc mang tính tâm linh. Tuồng lại là loại hình sân khấu cổ truyền. Hai loại hình âm nhạc này vốn đã khác nhau, vậy nên bản thân Đặng Tuệ Nguyên khi sáng tác đã phải tìm ra lối đi cho mỗi tác phẩm. Gió thì không còn nằm trong dòng đối thoại, chúng tôi tạm gọi là tương tác. “Gió” sẽ trình làng với một âm sắc hoàn toàn mới không phải chỉ là sự kết hợp mới mẻ giữa tiếng đàn dương cầm piano với vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính, mà còn là lối kết hợp mới mẻ theo thủ pháp “tương tác”. Piano và chèo không “đối thoại” như piano và tuồng của Lửa, piano và chầu văn của Bóng mà sẽ tương tác với nhau, sẽ làm nền cho nhau, cùng nhau tôn lên những phách, nhịp vốn có của chèo bằng tiếng đàn piano kết hợp với bộ gõ giao hưởng, sáo, tiêu, nhị… Tôi cho đây là một bước tiến sâu hơn về âm nhạc thính phòng.
Có chăng một thông điệp được truyền qua “Gió”?
Không có thông điệp nào cả. Chỉ là chúng tôi cố gắng đưa những cảm xúc mạnh mẽ cùng với âm nhạc truyền thống, vốn luôn chảy trong dòng máu của mỗi người Việt đến với công chúng.
Nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên – có thể gọi là “người tình’’ trong nghệ thuật của Phó An My. Một thắc mắc nhỏ là chị và ‘’người tình’’ ấy, ai tìm gặp ai trước để cho ra đời “Bóng”, “Lửa” và giờ là “Gió”?
Cảm ơn bạn đã dành những từ mỹ miều cho chúng tôi. Đúng là chỉ có “người tình” mới có thể cảm và hiểu nhau. Chúng tôi vốn là hai đồng nghiệp và trong công việc song hành này đã hơn 10 năm. Sự gặp gỡ như là cơ duyên vậy, và chúng tôi gặp nhau ở những điểm chung trong nghệ thuật.
Ê-kíp cùng chị làm nên “Gió” lần này không chỉ có Đặng Tuệ Nguyên mà còn rất nhiều tên tuổi lớn trong nghề?
Gió có 5 phần: Chạng vạng – Oan – Khát – Ru Kệ – Hóa với ý tưởng của tôi, sáng tác âm nhạc Đặng Tuệ Nguyên. Có 7 nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, tất nhiên gồm cả tôi: Piano solo nghệ sĩ Phó An My, hát chèo: NSND Thanh Hoài, bộ gõ giao hưởng: NS. Trần Xuân Hòa; contre bass: NS Đỗ Hải Nam; bộ gõ dân tộc: NSƯT Nguyễn Văn Quý; sáo, tiêu: NS Lê Hữu Trung, nhị: NS Xuân Hải. Ánh sáng, sân khấu: Đặng Xuân Trường; trang phục: NTK Minh Hạnh; tổng đạo diễn là nhạc sĩ Phó Đức Phương; cố vấn nghệ thuật chèo: NS Vũ Đình Quân – nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam; dịch giả: Trịnh Hữu Tuệ. Và còn một số các nghệ sĩ, sản xuất khác tham gia cùng đêm diễn này. Tất cả chúng tôi đang tập luyện miệt mài không kể thời gian để đem đến một luồng Gió mới, một bước tiến sâu hơn cho âm nhạc thính phòng truyền thống mang hơi hướng hiện đại.
Mất bao lâu để chị”thai nghén’” và cho “ra đời” Gió?
Tất cả ba vở thường sẽ làm việc gối đầu. Ít nhất là ba năm ấp ủ và thực hiện.
Từ “Bóng” và “Lửa”, chị nghĩ và trông chờ khán giả sẽ đón nhận “Gió” thế nào?
Đây là điều tôi luôn luôn hồi hộp nhất. Tất cả chỉ có thể trả lời sau đêm diễn.
Cảm ơn chị và hẹn gặp một nghệ sĩ Phó An My “cuồng và say” hết mình với âm nhạc dân gian đương đại tại Gió.
—
Xem thêm
Nhạc kịch “The Secret Garden” đến Việt Nam
Công diễn vở nhạc kịch Góc phố danh vọng
NSX Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) x Dự án nhạc kịch HOPE
Nhóm thực hiện
Ngọc Anh (Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE)